“Thầy giáo đầu tiên và tốt nhất của chúng tôi chính là Hewlett-Packard”, ông Liu Chuanzhi, Chủ tịch công ty Legend, nhà sản xuất máy tính lớn nhất Trung Quốc, nói. Với thời gian hơn 10 năm làm nhà phân phối độc quyền các sản phẩm của HP tại Trung Quốc, ông Liu đã học được cách kinh doanh của HP và vận dụng nó phù hợp với những thay đổi thất thường trên thị trường Trung Quốc. Legend đã tạo ra một thay đổi ngoạn mục, năm 1990, Legend bị các đối thủ phương Tây, kể cả HP, chèn ép trên thị trường Trung Quốc, nhưng hiện nay công ty đã chiếm lại được thị phần của mình. Chính vì vậy, ông Liu chắc hẳn sẽ phải đặc biệt quan tâm tới quyết định sáp nhập giữa hai đại gia máy tính trên thế giới là HP và Compaq, đưa HP trở thành nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới. Bởi đó cũng là mục tiêu mà ông Liu muốn Legend đạt được trong thời gian 10 năm nữa.

Để theo đuổi tham vọng này thì ưu thế của Legend tại Trung Quốc sẽ là một trong những lợi thế lớn nhất của nó. Theo kết quả điều tra của công ty tư vấn IDC, Mỹ, mặc dù thị trường máy tính thế giới đã bắt đầu suy giảm, nhưng thị trường tại Trung Quốc vẫn mở rộng 25-30% và vẫn tiếp tục phát triển với tỷ lệ thấp hơn một chút trong thời gian 5 năm tới. Và Legend sẽ chiếm được 1/3 thị phần máy tính Trung Quốc. Chính vì vậy, không giống như những đối thủ phương Tây, Legend vẫn khiến giới kinh doanh ngạc nhiên bởi kết quả hoạt động của mình, lợi nhuận quý II/2001 tăng 400% so với cùng kỳ năm 2000. Với thế mạnh trong nước như vậy nên ông Liu dự tính, Legend sẽ bắt đầu vươn ra thị trường thế giới vào năm 2005.

Vào lúc này, mục tiêu đó nghe có vẻ khó tin, nhưng những gì mà ông Liu đã trải qua cho thấy ông hoàn toàn có thể đạt được. Là con trai một chủ ngân hàng nổi tiếng ở Thượng Hải, năm 1966 ông đã từng bị đưa đi cải tạo tại một trang trại trong thời kỳ cách mạng văn hoá. Trong những năm 1980, khi Chính phủ Trung Quốc tiến hành cải tổ thị trường, ông Liu đã được phép phân phối các loại máy tính mang nhãn hiệu nước ngoài. Ông cũng mất rất nhiều thời gian để thuyết phục Chính phủ cho phép sản xuất máy tính. Và khi thành công, tự nhiên ông trở thành người phát ngôn không chính thức của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất máy tính nội địa còn rất non trẻ.

Năm 1994, cổ phiếu của công ty đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hongkong. Ông còn có một cách quản lý chặt chẽ. Ban đầu, ông Liu xử sự như “một nhà độc tài”, ông đã buộc 5 giám đốc tham nhũng trong các bộ phận của công ty phải vào tù. Bất cứ ai đi họp muộn, sẽ phải im lặng lên đứng trước toàn thể cuộc họp, một hình thức kỷ luật rất khắt khe đánh vào lòng sĩ diện của mỗi con người.

Dần dần, cách điều hành kinh doanh của Legend cũng thay đổi, và ông Liu cũng bớt khắt khe. Legend trở thành mục tiêu hướng tới của các kỹ sư, các nhà quản lý người Hoa tốt nghiệp từ các trường đại học trong và ngoài nước, muốn tài năng của mình được sử dụng hợp lý. Các hoạt động kinh doanh hiện chủ yếu do Giám đốc điều hành, đồng thời là người kế nhiệm ông Liu trong tương lai, là Yang Yuanqing, 38 tuổi, đảm trách. “Trong các cuộc họp, tôi chỉ còn là một ông già hay cười mà thôi”, ông Liu cho biết. Mặc dù trên thực tế ông Liu vẫn có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Legend nhưng hiện phong cách quản lý của công ty đã dân chủ hơn rất nhiều, nó có phần giống như cách quản lý của HP. Lúc này, Legend đang vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh, công ty đã giảm giá thành sản phẩm thấp hơn các đối thủ nước ngoài, cùng với ưu thế lớn nhất là mạng lưới phân phối. Ông Liu sử dụng mối quen biết của mình với các doanh nghiệp Nhà nước để bán máy tính. Ông tung đội ngũ nhân viên bán lẻ ra toàn quốc để dạy cho những người chưa hề biết máy tính cách sử dụng con chuột như thế nào. Legned không thể nào cạnh tranh nổi với các công ty Mỹ về mặt chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhưng Legend làm theo cách riêng của mình. Công ty sản xuất ra loại bàn phím mới giúp việc gõ các ký tự Trung Quốc dễ dàng hơn. Năm 1997, Legend trở thành thương hiệu có doanh thu đứng đầu Trung Quốc.

Nhưng những thách thức với Legend vẫn còn rất nhiều. Thị trường Trung Quốc sẽ trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn. Hiện chỉ mới 4% số gia đình Trung Quốc (khoảng 16 triệu hộ) có máy tính, trong khi các gia đình chưa mua máy tính phần lớn là các gia đình nghèo hơn các gia đình kia. Và khi gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế, Trung Quốc phải giảm các rào cản đối với các công ty nước ngoài. Ông Liu nhận thức được tất cả những khó khăn đó. Phản ứng của ông cũng giống như HP và IBM, đó là chuẩn bị đưa Legend từ một công ty chuyên sản xuất phần cứng trở thành một nhà cung cấp dịch vụ. Từ cuối năm 2001, Legend bắt đầu chú trọng phát triển các bộ phận dịch vụ, trong đó vẫn tiếp tục làm nhà phân phối cho các hãng nước ngoài, và dần dần cho niêm yết cổ phiếu của các công ty con. Legend còn hợp tác với hãng AOL Time Warner của Mỹ để chuyển qua kinh doanh các dịch vụ Internet. Ông Liu cũng thừa nhận thị trường Trung Quốc có giới hạn, vì vậy Legend cần phải trở thành công ty toàn cầu với sản phẩm có uy tín tại nhiều quốc gia. Nhiều công ty Trung Quốc rất nỗ lực trên thị trường quốc tế nhưng chưa hề có kết quả, với những lợi thế trong nước của mình, ông Liu vẫn quyết tâm đưa Legend trở thành công ty đa quốc gia trong thời gian 10 năm tới.

(Theo The Economist)