Một lần nữa hãng hàng không quốc gia Singapore (SIA) lại về nhất ở nhiều lĩnh vực. Độc giả tạp chí Business Traveler chọn Singapore Airlines là hãng hàng không xuất sắc nhất thế giới, hãng hàng không tốt nhất để lữ hành quốc tế; cabin hạng doanh nhân tốt nhất; thực đơn hạng doanh nhân ngon nhất; cabin hạng phổ thông tốt nhất.

Còn Orient Aviation, một tạp chí thuộc Hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương mà trong đó Vietnam Airlines là một thành viên thì chọn tổng giám đốc Chew Choon Seng là Nhân vật của năm 2006.

Không một phút lơ là

Trong 6 tháng đầu năm tài chính kết thúc ngày 30/9/2006, SIA đã vận chuyển được 9 triệu lượt hành khách. Đây là một con số cao kỷ lục. Và tuy toàn ngành hàng không dân dụng quốc tế trải qua nhiều khó khăn lớn phát sinh từ giá dầu tăng cao, khủng bố đe dọa tấn công và các dịch bệnh cùng những thảm họa thiên nhiên, nhưng SIA vẫn tiếp tục là một trong số ít các hãng hàng không hoạt động có lãi cao.

Cụ thể là 368 triệu S$ (236 triệu USD), tăng 17,7% so cùng kỳ năm ngoái. Các dấu hiệu cho thấy kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm tài chính 2006-2007 cũng rất tốt đẹp. Hành khách khu vực và quốc tế tiếp tục trung thành với SIA (công suất sử dụng ghế trên máy bay đạt trung bình hơn 77% trong 6 tháng đầu năm).

“Tôi hân hạnh đón nhận giải này nhưng là nhận thay cho toàn thể nhân viên của Singapore Airlines. Trong 3 năm qua, chúng tôi không hề dám ngủ quên, không dám một phút lơ là,” tổng giám đốc Chew Choon Seng nói với tạp chí Orient Aviation khi biết mình được cơ quan ngôn luận của Hội các hãng hàng không dân dụng châu Á-Thái Bình Dương (AAPA) bình chọn là Nhân vật của năm 2006.

“Đúng là chúng tôi vẫn bay tốt, có lãi nhưng ngoài việc phải đối phó với chi phí tăng do giá nhiên liệu tăng (chiếm gần 40% tổng chi phí hoạt động của hãng) và cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn ra, chúng tôi còn phải nỗ lực bù đắp cho những thiệt hại đã phát sinh từ việc Airbus giao cho chúng tôi máy bay A380 quá trễ so với kế hoạch (cụ thể là sang tháng 10/2007 mới nhận chiếc đầu tiên thay vì nhận từ tháng 3/2006),” ông nói.

“Thiếu máy bay để kịp đáp ứng tăng trưởng của thị trường luôn là điều các hãng hàng không lo ngại nhiều nhất,” ông nói. Để bù đắp cho thiếu hụt máy bay mới, SIA phải tìm kiếm từ các địa chỉ có thể cung cấp máy bay cho thuê.

Đây là điều khiến SIA bực tức vì lâu nay SIA vẫn là hàng có sẵn tiền mặt để mua máy bay mới 100%, không cần vay mượn từ bất cứ nguồn tài chính nào. Tính toán chi phí nhiên liệu, chọn mua máy bay, nghiên cứu phát triển hệ thống đường bay, theo dõi kế hoạch tái thiết kế các khoang hạng nhất, hạng doanh nhân và hạng phổ thông trên những chiếc Boeing 777-300ER mới tinh, đối phó với đe doạ khủng bố, sóng thần, bệnh dịch lây lan, khủng hoảng ở các địa phương nơi SIA bay đến… nay đã trở thành những đề tài làm việc hàng ngày của ông Seng.

Ngoài ra ông còn là chủ tịch công ty chuyên ngành kinh doanh cho thuê máy bay Singapore Aircraft Leasing Enterprise (SALE, mới được bán cho ngân hàng Trung Quốc hồi trung tuần tháng 12.2006 với giá 965 triệu USD) và là phó chủ tịch hai công ty con của SIA là Singapore Airport Terminal Services và SIA Engineering.

Nỗ lực mãi mãi

Ông Chew Choon Seng gia nhập hàng ngũ nhân viên SIA từ năm 1972 sau khi tốt nghiệp kỹ sư Đại học Singapore và lấy bằng thạc sĩ về nghiên cứu và quản lý ở Đại học London. Theo dòng thời gian, ông đã từ chức vụ này “bay” sang chức vụ khác. Cụ thể là ông đã từng là giám đốc của SIA tại các thị trường Tokyo, Rome, Sydney, Los Angeles, London rồi trở về Singapore làm giám đốc hành chính, ban kế hoạch, rồi ban tài chính, sang ban tiếp thị, ban nhân sự, ban pháp lý để rồi từ tháng 6.2003 trở thành “cơ trưởng” của SIA. Tiến sĩ Cheong Choong Kong, người có thâm niên điều hành SIA tin tưởng giao cần lái lại cho ông.

Khi ấy ông đã nói rằng nhiệm vụ của ông là lèo lái SIA trong một cuộc chạy đua marathon không có điểm đến. Không những thế ông còn nhận định rằng, “SIA bay ngược gió nên phải nỗ lực mãi mãi”. Lúc ấy, mây đen tạo ra từ biến cố kinh hoàng sáng ngày 11/9/2001 tại Mỹ chưa tan hẳn và bầu trời châu Á lại bị đe doạ vì bệnh dịch SARS. Để SIA không khủng hoảng, ông đề ra giải pháp cắt giảm nhân sự và giảm lương, thưởng. Lần đầu tiên trong lịch sử, SIA báo cáo hoạt động kinh doanh bị lỗ.

Nhưng SARS nhanh chóng tan biến còn SIA thì trở lại phục hồi, có thể chọn mua nhiều máy bay mới mà Airbus và Boeing chào mời. Chỉ trong tháng 7/2006 hãng đã có số đơn mua hàng trị giá 7,5 tỷ USD gồm mua thêm 9 chiếc Airbus A380; 20 chiếc Airbus A350 XWB. Ngoài ra SIA còn giành ưu tiên mua thêm sau này 6 chiếc A380 và 20 chiếc A350 khác cũng như hoàn tất các khâu chọn lựa quyết định mua 20 chiếc Boeing 787 Dreamliner tổng trị giá khoảng 4,5 tỷ USD.

Vào tháng 6/2006, ông được bầu làm chủ tịch Hội vận chuyển hàng không quốc tế (IATA), một tổ chức chuyên ngành với hơn 270 hãng thành viên (Vietnam Airlines mới chính thức gia nhập tổ chức này hôm 8/12/2006).

Ở vai trò mới này, ông kêu gọi các hãng hàng không thế giới tìm giải pháp cắt giảm khí thải từ máy bay để bảo vệ môi trường, đồng thời tránh không bị chính phủ các nước áp đặt những khoản thuế “trừng phạt”. Tích cực theo đuổi chương trình StB (tắt của Simplifying the Business – tinh giản hoá việc làm ăn) mà IATA đã đề ra, theo đó đến cuối năm 2007 mọi hãng phải hoàn tất quy trình sử dụng vé điện tử thay cho vé giấy bình thường. Và dĩ nhiên ông cũng không quên củng cố an ninh hàng không, cả trên máy bay lẫn ở nhà ga hàng không, sân bay… là điều tối cần thiết vì đe doạ từ khủng bố vẫn còn đó.

Nhân vật của Năm 2006 sẽ làm gì trong năm mới 2007? “Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn là hai thị trường lớn có nhiều tiềm năng”, ông nói. “Mở rộng được thêm nhiều đường bay đến hai thị trường ấy là điều hoàn toàn phù hợp với vị trí và chiến lược của chúng tôi trong châu Á”.

Nguồn : SGTT