“Thành công sẽ đến với ai biết nỗ lực”, đó là quan niệm sống của Aresece Rodriguez, một trong những doanh nhân thành đạt nhất châu Âu. Là chủ tịch của Ercoent Ingles, hãng bán lẻ lớn nhất Tây Ban Nha, một trong những tập đoàn lớn nhất châu Âu và đứng thứ 12 trên thế giới, Aresece Rodriguez được rất nhiều người biết với sự kính trọng và nể phục về những gì ông đã gây dựng nên từ hai bàn tay trắng. Doanh số lợi nhuận hiện tại của Ercoent Ingles đạt gần 200 triệu USD một năm với tài sản ước tính trên 10 tỷ USD. Sự lớn mạnh trên có phần đóng góp rất lớn của Aresece Rodriguez, người xuất thân chỉ là một anh nông dân nghèo.

Aresece Rodriguez sinh ra vào năm 1915 ở Austurias, miền bắc Tây Ban Nha trong một gia đình nông dân quanh năm gắn liền với công việc trồng trọt phục vụ cuộc sống hàng ngày. Khi lên 10 tuổi, ông theo người láng giềng phiêu bạt đến Havana, Cuba bằng tàu thuỷ. Tại đây, ông vừa làm công việc sai vặt hàng ngày ở một cửa hàng bách hoá nhỏ ở địa phương vừa học văn hoá ở trung tâm của người Asturias tại Havana. Aresece Rodriguez kể lại chính cửa hàng này đã giúp ông có những tiếp xúc đầu tiên với kinh doanh và những thủ thuật bán hàng. Tại đây người ta chỉ cho ông cách làm thế nào để thu hút khách hàng, mang lại cho họ sự vừa lòng để tiếp tục đến với của hàng trong những lần sau. Aresece Rodriguez học hỏi rất nhanh và được chủ cửa hàng yêu quý bởi tính năng động, sáng tạo của mình. Ông kể lại: “Việc được tiếp xúc với thị trường ngay từ lúc còn nhỏ là một kinh nghiệm rất đáng quý bởi nó đã tạo ra cho tôi một bản năng kinh doanh”. Ông làm việc tại cửa hàng đến năm 1926 và chuyển sang làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu ở New York trong vòng một năm. Một lần nữa, Aresece Rodriguez lại có thể bổ sung thêm cho mình những kiến thức về xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế. Ông kể: “Thời đó mọi người chưa chú trọng nhiều lắm đến xuất nhập khẩu nhưng ngày nay mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Bạn sẽ không thể thành công trên thương trường nếu không biết vươn ra thế giới, nơi có những thị trường rộng lớn hơn nhiều so với thị trường nhỏ bé trong nước.”

Sau khi có được những kiến thức cần thiết và nhận được lời mời hấp dẫn hơn của một công ty bán lẻ Cu Ba, Aresece Rodriguez đã quay về Cu Ba trong vòng sáu năm để làm việc. Năm 1934, tích góp được hơn 30.000 USD, ông quyết chí trở về Tây Ban Nha làm ăn. Ban đầu, ông bỏ ra ba vạn duro (tiền Tây Ban Nha, tương đương 2.500 USD) mua lại một cửa hàng may mặc có tên là Ercoent Ingles ở Madrid và bắt đầu cuộc sống kinh doanh của mình. Lúc đó, cửa hàng may mặc Ercoent Ingles chỉ có 4 công nhân, với vài chục mét vuông mặt bằng. Dựa vào kiến thức và kinh nghiệm học được khi làm việc trong lĩnh vực bán lẻ và xuất nhập khẩu ở Cu Ba và Mỹ, Aresece Rodriguez tiến hành cải tổ cửa hàng từ việc sản xuất đến phong cách phục vụ và tiêu thụ trên thị trường. Ông đã loại bỏ tư tưởng truyền thống kinh doanh duy nhất một thứ và bắt đầu chuyển sang kinh doanh đa dạng nhiều mặt hàng khác nhau. Theo Aresece Rodriguez, để thành công trong lĩnh vực bán lẻ, các doanh nhân phải có sách lược “Tích tiểu thành đại”. Ông tiết lộ: “Mục tiêu kinh doanh xuyên suốt của tôi là kinh doanh một số mặt hàng khác nhau với thị trường hẹp, sau khi thành công trên thị trường mục tiêu này mới bắt đầu mở rộng sang các thị trường khác. Sau khi đã chiếm lĩnh được thị trường, chúng tôi mới bắt đầu mở rộng chủng loại các sản phẩm của mình. Nếu bạn tiến hành mở rộng thị trường và chủng loại cùng một lúc thì khả năng rủi ro khá cao. Lĩnh vực bán lẻ đòi hỏi sự bình tĩnh, kiên nhẫn, tích luỹ từng chút một để tiến từng bước chậm rãi và khi thời cơ đến bạn sẽ có cơ hội thăng tiến mạnh”.

Căn cứ vào đó, trước tiên Aresece Rodriguez cải tạo cửa hàng may mặc thành công ty công nghiệp may sẵn Ercoent Ingles. Lúc đó Ercoent Ingles của Aresece Rodriguez không những tự mình cắt may quần áo mà còn kinh doanh các loại thời trang và dụng cụ may mặc, tiếp đó mở rộng kinh doanh các loại mặt hàng bán lẻ lớn nhỏ khác nhau. Cùng với thời gian, phạm vi kinh doanh được mở rộng, chủng loại càng lúc càng đa dạng, cuối cùng Ercoent Ingles trở thành tập đoàn siêu thị khổng lồ kinh doanh hàng hoá nhiều nhất và đa dạng nhất châu Âu.

Nghệ thuật kinh doanh của Aresece Rodriguez luôn xứng đáng để nhiều người học tập. Công ty của ông tuy năm nào cũng phát triển, tháng nào lợi nhuận cũng tăng, nhưng ông luôn chủ động dự đoán nhạy bén để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội phát triển nào. Năm 1988, tại Tây Ban Nha các siêu thị gặp khó khăn khi vướng phải một số nghi ngờ của người tiêu dùng về chất lượng do một số siêu thị bán hàng kém chất lượng với giá cao. Nhiều siêu thị từ đó đứng trên bờ vực phá sản. Không bỏ lỡ cơ hội này, Aresece Rodriguez đã ngay lập tức mua lại một loạt các siêu thị làm ăn thua rỗ để rồi tận dụng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của chúng nhằm mở rộng thị trường của Ercoent Ingles.

Không những là một nhà kinh doanh giỏi, dường như Aresece Rodriguez còn là một nhà “tâm lý” hết sức tài ba khi biết tạo dựng lòng tin của đông đảo nhân viên trong Ercoent Ingles. Ngay từ lúc đầu mới thành lập, ông đã quyết định bán cổ phần với giá thấp của Ercoent Ingles và trả lương theo doanh thu cho hơn 2000 công nhân viên với mục đích chia sẻ quyền lợi cho mọi người. Việc làm này của Aresece Rodriguez đã rất có lợi cho công ty. Theo Rodriguez, đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, công tác và thái độ phục vụ của nhân viên đóng vai trò quan trọng trong việc chiếm được cảm tình của khách hàng. Và chỉ khi các nhân viên cảm thấy họ thực sự có công việc ổn định có thể gắn bó lâu dài, họ mới tận tâm trong công việc. Chỉ chưa đầy chục năm với phương thức quản lý này, Ercoent Ingles đã nhanh chóng trở thành hãng bán lẻ có mặt hàng phong phú nhất, dịch vụ phục vụ tốt nhất tại Tây Ban Nha, tên tuổi của Ercoent Ingles ngày càng được thị trường thế giới biết đến.

Một trong những bí quyết thành công khác của Aresece Rodriguez là khả năng dùng người. Aresece Rodriguez luôn tâm niệm rằng kinh doanh trên thương trường để đạt được kết quả tốt hay xấu “không phải do người thực hiện mệnh lệnh mà ở tinh thần trách nhiệm của giám đốc và các nhà quản lý”. Do đó, ông hết sức chú ý lựa chọn và sử dụng giám đốc của các bộ phận chuyên môn, bố trí cho họ đảm nhận những trọng trách để có thể phát huy hết khả năng của mình. Thậm chí ông không tiếc tiền tuyển dụng những người có năng lực quản lý kinh doanh từ các tập đoàn nổi tiếng khác đến làm giám đốc các bộ phận chuyên môn của Ercoent Ingles với mức lương rất cao.

Ngày nay, từ những thành công lớn của Ercoent Ingles trên thị trường trong và ngoài nước, nhiều người đã so sánh Aresece Rodriguez như là Sam Walton của Tây Ban Nha. Nhưng có lẽ việc so sánh trên là hơi khập khiễng khi mà cả Aresece Rodriguez và Sam Walton đều có những đặc điểm và khả năng kinh doanh của riêng mình. Có lẽ, sẽ thích hợp nhất nếu mọi người nhớ đến cả Sam Walton và Aresece Rodriguez như là hai biểu tượng của ngành bán lẻ thế giới trong thế kỷ qua.

(Tổng hợp từ Nihon Keizai)