Thực tế đã có không ít doanh nhân hoàn toàn không được đào tạo kiến thức về kinh doanh đến nơi đến chốn, thậm chí không hề biết gì về marketing hay những lý luận về kinh doanh nhưng họ vẫn trở thành những nhà doanh nghiệp giỏi, những nhà đầu tư thành công. Thành công của họ xuất phát từ những tri thức về ngành nghề mà mình đang kinh doanh cũng như nhờ sự linh hoạt và nhạy bén của họ.

Trong thế giới công nghệ thông tin chắc hẳn không ai không biết đến Xing MP3, phầm mềm nghe nhạc MP3 hay các hệ thống dowload nhạc chuông cùng tiện tích trên điện thoại di động của hãng Xing. Phần mềm của Xing liên tục được mở rộng, doanh thu hàng năm của Xing tăng 10%. Thành công của Xing đã quá rõ ràng và nhân vật đã tạo nên một hãng Xing hùng mạnh như hôm nay đó chính là Yoshihiro Yasui.

Đầu thập niên 1970, khi còn là một kỹ sư trẻ vừa tốt nghiệp ngành quản lý công nghiệp ở Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), Yoshihiro Yasui đã tham gia vào đề án cải tiến tốc độ của máy in cùng với các đối tác tại một công ty Mỹ. Đây là bước ngoặt trong đời ông. Yasui nhanh chóng nhận ra tiềm năng phát triển của mạng viễn thông và bắt đầu sự nghiệp với các sản phẩm liên quan. Năm 1989, ông trở thành Giám đốc Brother Industries, một công ty Nhật chuyên sản xuất thiết bị văn phòng. Trong nỗ lực khôi phục lại công việc kinh doanh đang xuống dốc, Yasui đã mạnh dạn đầu tư thêm vào một lĩnh vực hoàn toàn không liên quan đến công việc sản xuất của công ty và ông đã thành công. Tháng 6-2003, ông trở thành Chủ tịch Brother Industries.

Kế hoạch bước đầu của Yasui vào lúc đó là cho các quán bar thuê máy karaoke, sau đó ông gửi cho họ một dòng nhạc liên tục qua đường điện thoại. Nhiều người trong công ty phản đối kế hoạch của Yasui vì cho rằng nó quá mạo hiểm. Vì thế ông chọn giải pháp thành lập một công ty con chuyên kinh doanh máy karaoke. Và công ty mang tên Xing chính thức ra đời vào năm 1992, thời điểm dịch vụ karaoke bùng nổ ở Nhật.

Tuy nhiên, vào giữa thập niên 1990, doanh thu của các quán karaoke bắt đầu sụt giảm vì sự cạnh tranh gay gắt về giá. Khách hàng không thể trả tiền thuê máy karaoke, công ty bị thua lỗ và nợ nần chồng chất. Trước hoàn cảnh khốn khó, Yoshihiro Suzuki, một nhân viên của Xing trước kia từng chơi nhạc rock, đưa ra ý tưởng làm dịch vụ cung cấp nhạc chuông cho điện thoại di động. Lợi thế của Xing là đã có những đĩa nhạc từ việc kinh doanh karaoke và họ nhanh chóng thực hiện kế hoạch vì chi phí đầu tư chỉ có 500 triệu yên (45.000 USD).

Hiện nay, trong số hơn 100 công ty cung cấp nhạc chuông điện thoại tại Nhật Bản, Xing có lượng khách hàng đông nhất với hơn 7 triệu người. Khách hàng có thể chuyển tải 15 điệu nhạc chuông trong số 15.000 điệu trong bảng lựa chọn của Xing với chi phí chỉ 2,8 USD/ tháng. Mỗi tháng Xing bổ sung thêm khoảng 200 giai điệu mới nhờ một số kỹ sư của Xing từng tốt nghiệp các trường âm nhạc. Nhờ vậy, họ có thể kết hợp giữa âm thanh nhạc sống với âm thanh kỹ thuật số để tạo ra nhạc chuông mới.

Với những thành công từ dịch vụ nhạc chuông điện thoại di động, Xing tiếp tục phát triển một dịch vụ khác là hát karaoke trên điện thoại di động. Các ca khúc trữ tình có hiển thị lời trên màn hình điện thoại giống như trong karaoke thật. Yasui rất lạc quan với kế hoạch mới này vì ông cho rằng đây là một hình thức giải trí cho mọi người ở mọi nơi trong lúc rảnh rỗi. Ví dụ như khách hàng có thể hát karaoke trên điện thoại di động khi bị kẹt xe.

Có thể nói những kiến thức được học ở trường đại học chưa chắc đã mang lại thành công trong kinh doanh. Để nắm chắc được sự thành bại trong kinh doanh, đối với một doanh nhân thì tri thức nào cũng quan trọng, chẳng hạn tri thức trong về xã hội, tri thức về thị trường... Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả là khả năng sáng tạo và nhạy bén với những nhu cầu và thị hiếu của thị trường.

(Tổng hợp theo Nihon Kaizai)