Từng vinh dự đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như: "Nhà quản lý xuất sắc ở Trung Quốc" năm 1995, giải thưởng "Doanh nhân Thành đạt năm 1997" do Tạp chí Tuần báo châu Á bình chọn, "Doanh nhân của năm 2001" do kênh truyền hình CCTV trao tặng, Zhang Ruimin hiện là giám đốc điều hành tập đoàn Haier, hãng sản xuất đồ gia dụng lớn nhất Trung Quốc.

Với doanh thu hơn 7 tỉ USD, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 78% và có 13 xí nghiệp ở nước ngoài, bao gồm nhà máy ở Mỹ và dây chuyền lắp ráp tại Ý, Pakistan và Iran, Haier hiện xếp thứ 5 thế giới sau General Electric, Whirlpool, Electrolux và Siemens, với 86 loại sản phẩm từ điện thoại, máy điều hòa không khí, lò vi ba, dao cạo điện…. và đang dần chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Nhiều năm liền Haier được Chính phủ Trung Quốc bình chọn là một trong 6 công ty có khả năng sẽ phát triển thành một trong số 500 công ty hàng đầu trên thế giới vào năm 2010.

Song ít ai biết rằng, năm 1984, khi Zhang Ruimin được chỉ định làm giám đốc nhà máy sản xuất tủ lạnh Qingdao (tiền thân của Haier), nhà máy này đang trong tình trạng “hấp hối” cùng khoản nợ 177.000 USD. Bằng những kiến thức chuyên ngành về quản trị kinh doanh tích lũy được và niềm đam mê, Zhang đưa ra “chiến lược thương hiệu nổi tiếng” và ủng hộ “sự phát triển các ý tưởng quản lý mới thông qua thu hút các lối suy nghĩ khác nhau”.

Nhiều người cho rằng văn hóa kinh doanh độc đáo kết hợp giữa truyền thống của Trung Quốc và phương thức quản lý tiến bộ theo phương Tây của Zhang Ruimin đã giúp Haier không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra toàn cầu, được các chuyên gia quản lý khắp nơi trên thế giới đánh giá cao. Zhang được mời diễn thuyết ở các trường đại học lớn trên thế giới như Harvard, trường cao đẳng quản trị quốc tế Thụy Sĩ, trường Đại học Columbia và viện thương mại Weton, Mỹ.

Trong khi giới tiêu dùng trên thế giới quá quen thuộc với những hàng hoá xuất xứ Made in China thì họ lại khó có thể chỉ ra một vài nhãn hiệu uy tín gắn với những hàng hoá đó. Chưa có công ty lớn nào của Trung Quốc tạo được cho mình hay sản phẩm của mình một vị trí nổi bật trên thị trường thế giới. Thay vào đó, điều mà nhiều nhà sản xuất Trung Quốc thường làm là bắt chước hay copy kiểu dáng, thậm chí nhại lại nhãn hiệu của các hãng tên tuổi trên thế giới để bán chúng với giá vô cùng rẻ.

Theo Zhang Ruimin thì mặc dù cách kinh doanh kiểu trên vẫn là con đường thành công chính của nhiều công ty Trung Quốc, nhưng với mong muốn tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường, Zhang Ruimin không chấp nhận phương thức kinh doanh này mà quyết tâm xây dựng một nhãn hiệu quốc tế cho Haier.

Mục tiêu ban đầu của Zhang Ruimin tại Haier là tạo được chỗ đứng cho thương hiệu của hãng trong các thị trường mới trỗi dậy với những sản phẩm như hàng điện tử, kim khí điện máy gia dụng và xe gắn máy. Nước cờ tiếp theo sẽ là tiến vào thị trường các nước đã phát triển. Quá trình này hiện đã bắt đầu với hàng điện tử và kim khí điện máy.

Dưới quyền quản lý và điều hành của Zhang, hiện Haier đang kinh doanh sản phẩm tủ lạnh với nhãn hiệu của chính mình tại Mỹ, một trong những thị trường khó tính với rất nhiều nhãn hiệu điện tử nổi tiếng. Năm 2003, doanh thu của Haier tại thị trường Mỹ đạt 250 triệu USD và kế hoạch sẽ là 1 tỉ USD vào năm 2005. Michael Jemal, người quản lý chi nhánh tập đoàn Haier ở Mỹ cho biết, cách đây 4 năm, thậm chí không ai có thể phát âm đúng tên Haier nhưng đến nay thì không nhà bán lẻ nào ở Mỹ lại không biết các sản phẩm của chúng tôi, các nhãn hiệu tủ lạnh, máy giặt, tivi Haier không còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng Mỹ. Haier hiện đang thuê 30.000 nhân công và có 13 nhà máy sản xuất trên khắp thế giới, trong đó 1 tại Mỹ.

Zhang Ruimin còn có kế hoạch đầy tham vọng đến năm 2005 chiếm 10% thị trường tủ lạnh cỡ lớn ở Mỹ. Để đạt mục tiêu đó, theo Zhang thì Haier phải bán được khoảng 500.000 chiếc mỗi năm, trong đó 80% từ nhà máy của hãng đặt ở miền nam bang Carolina và 20% nhập từ Trung Quốc.

Haier America, một công ty con của tập đoàn China's Haier mới đây đã đưa ra sản phầm “bút điện thoại” P6 kiểu cách tại châu Âu. Hãng hứa sẽ đưa ra mẫu mới P7 tại thị trường Mỹ trong thời gian tới. P6 có kích thước 5,4 x 1,2 x 0,8 inch, nhét vừa trong túi áo sơmi. P7 sẽ có kích thước tương tự và đi kèm một tai nghe tích hợp. Thiết bị hỗ trợ 3 băng GSM/GPRS (900/1800/1900 MHz), có một màn hình màu, một máy ảnh 300.000 pixel, một máy chơi nhạc MP3, hỗ trợ Java và quay số bằng giọng nói. Haier America chưa công bố giá cả của P7 nhưng cho biết nó sẽ có giá thấp hơn một chút so với các thiết bị cao cấp của các đối thủ tầm trung trong khi có nhiều chức năng hơn. Haier cũng chuẩn bị đưa ra điện thoại gấp 3 băng Z7000 và điện thoại gấp 4 băng V1000 (850/900/1800/1900 MHz) tại Mỹ.

Thành công của Zhang Ruimin tại Haier sẽ là tấm gương cho các doanh nhân và các công ty Trung Quốc khác noi theo. Qua Haier, rất nhiều công ty Trung Quốc đã và đang tìm được con đường kinh doanh riêng cho riêng mình với điểm xuất phát là từ chính thị trường trong nước để rồi vươn xa ra thế giới với những nhãn hiệu nổi tiếng của riêng mình.

(Tổng hợp từ China Today)