Trong số 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tham dự Hội nghị APEC 2006 tại Việt Nam, có một người duy nhất không phải là chính khách chuyên nghiệp mà là một doanh nhân.

Đó là ông tiến sĩ Morris Chang, Trưởng đoàn Đài Bắc, Trung Quốc. Với các chuyên gia trong ngành bán dẫn thế giới và người dân của đảo Đài Loan, cái tên Morris Chang đã quá quen thuộc với họ, bởi ông được đánh giá là một trong những doanh nhân thành đạt và nổi tiếng nhất của Đài Loan.

Hơn thế nữa, là người sáng lập và là Chủ tịch của Tập đoàn TSMC chuyên về thiết bị bán dẫn và chip máy tính, Morris Chang còn được tôn vinh là người sáng lập ngành bán dẫn Đài Loan.

Tập đoàn TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) chỉ mới thành lập từ năm 1987 nhưng nhanh chóng trở thành một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp sản xuất thiết bị bán dẫn thế giới.

Chỉ trong vòng hơn 10 năm, Morris Chang đã xây dựng TSMC thành một trong 3 nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới cùng với Intel Corp và Hynix Semiconductor với 5% thị phần của toàn thế giới.

Không dừng ở đó, trong vòng 5 năm tiếp theo, với tài quản trị xuất chúng, Morris Chang đã tiếp tục đưa TSMC độc chiếm số 1 thế giới trong những nhà sản xuất thiết bị bán dẫn và con chíp máy tính. Mỗi tháng hơn nửa triệu chi tiết bán dẫn được TSMC sản xuất và tung ra thị trường.

Năm 2006, Tập đoàn TSMC của ông chủ Morris Chang được xếp vào danh sách 10 tập đoàn công nghiệp lớn nhất châu Á cùng với các đại gia khổng lồ như Toyota hay Sony của Nhật Bản. Tổng giá trị của tập đoàn là 40,8 tỉ USD và doanh số hàng năm là trên 8 tỉ USD.

Những thành công và vị thế hàng đầu của TSMC đều gắn liền với tên tuổi của người chủ tịch của Tập đoàn Morris Chang. Người dân Đài Loan tự hào về ông và đã có không ít giai thoại đáng nhớ về nhà kinh doanh nổi tiếng này.

Học, học nữa và học mãi

Đó chính là một phẩm chất cao quí của Morris Chang mà người ta dễ nhận thấy. Chính bản thân Morris Chang cũng thừa nhận rằng để trở thành một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực bán dẫn và là một doanh nhân thành công, ông đã phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức.

Morris Chang, hay còn gọi là Trương Trung Mưu, sinh ngày 10 tháng 7 năm 1931 tại huyện Ningbo, tỉnh Zhejiang, Trung Quốc. Khi còn nhỏ, Morris Chang học giỏi và giỏi toàn diện. Ông không chỉ thông minh, xuất sắc với các môn tự nhiên mà còn tỏ ra rất sắc sảo với các môn học khác.

Chuyện kể lại rằng chính Morris Chang còn rất yêu môn văn và có ước mơ sẽ trở thành một nhà văn nổi tiếng. Tuy nhiên, cha của Morris Chang là một công chức tại huyện đã hướng con mình theo ngành kỹ thuật mà ông cho rằng sẽ có tương lai hơn. Năm 1948, khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc chưa kết thúc, Morris Chang đã được gia đình cho sang Mỹ học.

Lúc đầu gia đình Morris Chang chọn trường Havard, nhưng sau đó Morris Chang đã quyết định học tại Học viện công nghệ MIT nổi tiếng và danh giá không kém gì Havard. Morris Chang miệt mài học tập và nghiên cứu về các vấn đề chế tạo máy, cơ khí.

Năm 1953, Morris Chang đã xuất sắc tốt nghiệp với bằng kỹ sư cơ khí. Từ năm 1958, Morris Chang làm việc tại Tập đoàn Texas Instrumenten với chức danh trưởng phòng kỹ thuật. Tại đây dù đi làm nhưng Morris Chang không ngừng nghiên cứu và ông đã phát hiện ra niềm say mê mới ở lĩnh vực điện, điện tử.

Vừa làm, Morris Chang vừa đăng ký học và làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học tổng hợp Standford. Năm 1964, Morris Chang đã bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ về lĩnh vực kỹ thuật điện tử.

Khi ở Mỹ, Morris Chang là thành viên của Viện hàn lâm kỹ thuật quốc gia. Với trình độ chuyên môn hàng đầu trong lĩnh vực của mình cùng với những uy tín cá nhân rất cao, Morris Chang được tham gia là thành viên của Hội đồng quản lý Học viện MIT, nơi ông đã học đại học ở đó. Ông đã được mời làm thành viên Hội đồng tư vấn của Uỷ ban chứng khoán quốc gia, của trường Đại học Standford, Đại học California, của tập đoàn đầu tư Goldman Sachs.

Với tư cách là một nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc và là chuyên gia bậc thầy trong lĩnh vực bán dẫn, Morris Chang còn được phong làm Tiến sĩ danh dự của nhiều trường Đại học khác nhau như Học viện kỹ thuật tổng hợp ở Mỹ, trường Đại học Tsing Hua, Đại học Chiao-Tung ở Trung Quốc và Đại học ở Đài Loan.

Năm 1998, tạp chí Business Week đã bình chọn Morris Chang là một trong 25 nhà quản lý doanh nghiệp thành công nhất thế giới và là một trong các ngôi sao doanh nhân của châu Á. Từ năm 2001, Morris Chang còn được mời làm cố vấn cao cấp của Văn phòng chính quyền Đài Loan.

“Người trở về” thành người sáng lập ngành bán dẫn

Rất thành đạt với sự nghiệp của mình tại Texas Instrumenten trên nước Mỹ nhưng Morris Chang lại không muốn dừng lại ở đó. Trong con người Morris Chang không chỉ có cái máu nghiên cứu và làm khoa học. Cái máu kinh doanh trong ông cũng ngày càng lớn hơn và lớn thật nhanh. Ông chỉ chờ có cơ hội để thực hiện tham vọng và cũng là dịp để khẳng định mình trên thương trường.

Morris Chang sống, làm việc và thành danh ở Mỹ, nhưng ông vẫn là một người Hoa. Những ai biết Morris Chang hoặc đã từng làm việc hay sống gần ông đều có thể thấy bên trong của cái vẻ mặt lạnh lùng như vô cùng máy móc khô khan là một trái tim đầy xúc cảm. Morris Chang vẫn luôn nhớ tới quê cha đất tổ của mình, muốn làm gì đó cho quê hương. Và rồi cơ hội cũng đã đến với ông.

Từ đầu những năm 1980, Đài Loan đã có một quyết định mang tính đột phá khi chuyển hướng phát triển các ngành công nghệ kỹ thuật cao. Mục đích chính của chính quyền là làm thế nào có thể thu hút được đầu tư nước ngoài một cách nhiều nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất trong bối cảnh cạnh tranh trong khu vực rất khốc liệt.

Học tập mô hình trung tâm công nghệ cao tại thung lũng Silicon tại Mỹ, một công viên khoa học và công nghệ cao mang tên HSP cũng được hình thành ở Đài Loan. Đặc biệt chính quyền đã có một chiến lược và chương trình mang tên “người trở về” (returnee) để thu hút Hoa kiều từ Mỹ quay trở về đầu tư tại Đài Loan. Và một trong những người đầu tiên hưởng ứng chương trình đó chính là Morris Chang.

Khi mới về, Morris Chang được bổ nhiệm ngay làm Giám đốc Viện nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp Đài loan (ITRI). Chính ông Morris Chang là kiến trúc sư thiết kế chiến lược và định hướng phát triển cho ngành công nghệ cao ở Đài Loan. Morris Chang đã rất đúng khi lựa chọn con đường phát triển công nghiệp phụ trợ và làm gia công các thiết bị điện tử và bán dẫn cho các tập đoàn lớn. Như vậy các doanh nghiệp Đài Loan sẽ tránh được cạnh tranh đối đầu trực tiếp và có điều kiện để trưởng thành, lớn dần lên.

Bản thân Morris Chang là người áp dụng rất thành công định hướng đó khi thành lập Tập đoàn TSMC. Với lợi thế về giá nhân công, Morris Chang đã tập trung vào việc gia công các khuôn mẫu thiết bị bán dẫn cho các tập đoàn lớn. Càng ngày Morris Chang càng kiểm soát được đầu vào của các đối thủ cạnh tranh tiềm năng thông qua việc thâu tóm cung cấp sản phẩm thô.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm của một nhà kỹ thuật, một chuyên gia bậc thầy, cùng với tham vọng tràn đầy của một doanh nhân mới nổi, Morris Chang đã quyết định đầu tư sản xuất các thiết bị bán dẫn thành phẩm. Ông đã chính thức tuyên chiến với các đối thủ nặng ký và đã thành công trong vòng một khoảng thời gian rất ngắn.

Thời kỳ đầu những năm 90, khi nền kinh tế Đài Loan chính thức trở thành một trong nhnữg con hổ ở châu Á thì cũng là bắt đầu thời kỳ huy hoàng của các doanh nghiệp ngành công nghệ cao của Đài Loan mà đi đầu là Tập đoàn TSMC của Chủ tịch Morris Chang. Công viên khoa học và công nghệ HSP thực sự trở thành một “thung lũng Silicon” của Đài Loan.

Triết lí phương Đông, quản lý phương Tây

Morris Chang là nhà quản lý, doanh nhân người Hoa nhưng được đào tạo, trưởng thành từ một nền kinh tế và khoa học tiên tiến bậc nhất thế giới. Vì vậy, mặc dù vẫn giữ những triết lý kinh doanh mang tính truyền thống của phương Đông nhưng Chủ tịch Morris Chang lại biết thực hiện nhuần nhuyễn các nguyên tắc quản lý của phương Tây. Morris Chang biết tận dụng những lợi thế đặc thù, đặc biệt là lợi thế giá nhân công rẻ để phát triển công ty của mình.

Đồng thời, Morris Chang cũng đã sớm nhìn rất xa khi không chấp nhận chỉ là nhà sản xuất cung cấp sản phẩm thô cho các đại gia quốc tế. Những nhân viên, những học trò của Morris Chang đều biết rằng khi ông diễn thuyết hay giảng bài đều đồng thời vận dụng và tối ưu hoá những gì tốt nhất của cả triết lí phương Đông lẫn nguyên tắc quản lý phương Tây.

Là người đầy tham vọng nhưng theo Morris Chang thì như trong binh pháp Tôn Tử, nhà kinh doanh cũng phải biết cách lùi hay biết điểm dừng đúng lúc. Chính vì thế mà Morris Chang tránh được những cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến phá sản doanh nghiệp như không ít trường hợp đã xảy ra.

Những năm tháng học hỏi và nghiên cứu quên ăn ngủ, hàng chục năm làm quản lí ở Tập đoàn quốc tế Texas Instrumenten đã cho Morris Chang những kinh nghiệm quí báu về cách thức quản lý doanh nghiệp hiện đại và hiệu quả. Từ thực tiễn bản thân, Morris Chang đặc biệt chú trọng đến đào tạo cho nhân viên và coi đó là chìa khoá dẫn đến thành công của TSMC ngày nay.

Hà Linh
Nguồn : vnEconomy