Carl Icahn, một trong những nhà đầu tư chứng khoán thành công nhất thế giới hiện nay. Đồng thời ông cũng là một trong 50 tỉ phú giầu nhất thế giới với tổng tài sản được đánh giá bằng 7,8 tỉ USD. Thành công của nhà đại tỉ phú này luôn gắn liền với những huyền thoại “săn” công ty của ông từ gần 30 năm nay.

Thế nhưng ông cũng lại là nhà đầu tư mà đối thủ khiếp sợ. Đặc biệt các công ty niêm yết, các công ty cổ phần luôn luôn lo lắng khi biết Carl Icahn có ý định đầu tư vào đó. Bởi Carl Icahn tìm mọi cách để đạt được mục tiêu và sở thích "chiếm đoạt" công ty của mình.

Carl Icahn là nhà đầu tư chuyên nghiệp và nổi tiếng bậc nhất tại thị trường chứng khoán phố Wall. Ông nổi danh và giàu có bắt đầu từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Carl Icahn đã tự nhận mình là một chuyên gia "đào mỏ" ở phố Wall để làm giàu. Thị trường chứng khoán và các phương tiện truyền thông về chứng khoán ở nước Mỹ chắc có lẽ sẽ có phần nhàm chán đáng kể nếu không có những nhà đầu tư hay “quậy” nổi đình nổi đám như Carl Icahn.

Gần như không có ngày nào thiếu một tin gì đó về Carl Icahn. Ai cũng muốn biết về những dự định và hoạt động của nhà đầu tư lọc lõi và rất khó chịu này.

Nhà tỉ phú Carl Icahn cũng rất thích phát ngôn, rất hay xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trên thực tế, đây chính là một trong những công cụ mà Carl Icahn đã hay dùng để gây sức ép, thậm chí để doạ dẫm cả đối thủ và người liên quan. Nhiều công ty đã dễ dàng lọt vào danh mục đầu tư của Carl Icahn.

Ngược lại, nhiều phi vụ kinh doanh mua bán của các công ty, tập đoàn đã bị đổ bể bởi sự tham gia, can thiệp bằng hình thức này hay hình thức khác của Carl Icahn. Mới đây nhất, ông đã liên tục gây sốc cho báo giới, cho công chúng và nhất là cho tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới Time Warner, khi liên tục gây sức ép với tập đoàn này và cá nhân chủ tịch điều hành Parsons.

Toàn bộ giá trị tài sản khổng lồ của mình, Carl Icahn đều tạo ra từ kinh doanh chứng khoán và mua bán cổ phần các công ty. Carl Icahn thành lập nhiều quĩ đầu tư chứng khoán và đầu tư với một danh mục rất phong phú. Với tổng giá trị hơn 20 tỉ USD, các quĩ đầu tư do Carl Icahn chi phối, đã đầu tư vào gần 60 công ty khác nhau.

Với cổ phần chi phối, Carl Icahn là chủ tịch hội đồng quản trị của nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ như tập đoàn viễn thông XO Communications, tập đoàn Blockbuster, tập đoàn American Railcar. Carl Icahn đầu tư vào nhiều ngành quan trọng khác như năng lượng, truyền thông, dược phẩm.

Hiện, với số cổ phần đang nắm giữ, Carl Icahn là đại cổ đông của các tập đoàn Time Warner, Hollywood Entertainment, tập đoàn năng lượng National Energy Group, Adventis Pharmaceutical. Carl Icahn say sưa đầu tư chứng khoán và ông cũng lại rất ham cá cược trên các sòng bạc. Vì thế, sự có mặt của 3 Casino lớn trong danh mục đầu tư của ông cũng không có gì là lạ.

Thông qua tập đoàn American Entertainment Propeties, Carl Icahn cũng đầu tư khá nhiều vào các sòng bạc lớn như Casino Arizona Charlie’s Decatur hay Stratosphere ở thành phố Las Vegas nổi tiếng về cờ bạc.

Chuyên gia mua rẻ bán đắt

Carl Icahn sinh năm 1936, năm nay vừa tròn 70 tuổi. Thế nhưng, đúng là "gừng càng già càng cay", với cái nghề kinh doanh chứng khoán này dường như không hề có giới hạn tuổi tác. Ông đã giàu lại càng giàu thêm. Ông vẫn ham mê đầu tư và đầu cơ chứng khoán một cách cuồng nhiệt như ngày còn trẻ.

Carl Icahn sinh ra và lớn lên tại Queens, thuộc bang New York, Mỹ. Ông dường như có năng khiếu bẩm sinh với các hoạt động đầu tư chứng khoán bởi vì ông không được học bài bản về tài chính hay đầu tư chứng khoán.

Trước khi đến với thế giới chứng khoán của thị trường tài chính phố Wall, Carl Icahn học dở ngành dược tại trường Đại học New York, rồi sau đó ông có bằng cử nhân triết học của trường Đại học Princeton. Thế nhưng Carl Icahn chưa hề kiếm được đồng tiền nào từ ngành triết học.

Say mê với thế giới chứng khoán đầy ma lực, ông học thêm về kinh doanh chứng khoán, về quản trị kinh doanh để trở thành nhà môi giới chứng khoán. Những năm tháng hành nghề trên phố Wall đã rèn giũa Carl Icahn trở thành một tay săn lùng cổ phiếu có hạng. Cùng với thời gian, Carl Icahn đã nhận thấy rằng thị trường chứng khoán là một mỏ vàng vô tận và ông phải là người biết “đào mỏ”, càng nhiều càng tốt.

Từ năm 1980, Carl Icahn mới thật sự được biết đến là một nhà đầu tư. Ngay từ lúc đó, ông đã được dân chúng khoán tặng cho biệt danh "chiến sĩ săn lùng công ty". Chiến lược đầu tư và kinh doanh của Carl Icahn là săn lùng tìm mua cổ phiếu của các công ty có giá thấp để rồi sau đó bán lại với giá cao ngất ngưởng. Các quĩ đầu tư của ông với tỉ suất lợi nhuận trung bình lên đến 53%, một con số cao khủng khiếp khiến các đối thủ cạnh tranh vừa ghen tị, vừa thán phục.

Carl Icahn dường như có cái mũi rất thính. Ông đánh hơi rất nhanh các công ty bị đánh giá trên thị trường dưới giá trị thật của mình và tìm cách mua bằng được cổ phiếu của các công ty đó với số lượng càng lớn càng tốt. Thành công của nhà đại tỉ phú này luôn gắn liền với những huyền thoại "săn" công ty của ông từ gần 30 năm nay. Và nay ông già bước sang tuổi 70 này vẫn chưa hề có ý định ngưng nghỉ chuyện đó.

Sự tinh nhạy của Carl Icahn trong chừng mực nào đó đã ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chứng khoán vốn rất nhạy cảm với thông tin và tâm lý. “Chiến đấu” đã hàng chục năm trên thị trường chứng khoán và chẳng mấy khi đoán nhầm, nên mọi hành vi, động thái đầu tư của Carl Icahn luôn được để ý từng li từng tí. Có công ty, tập đoàn thì tìm cách ngăn chặn, cản trở một quyết định đầu tư nào đó của Carl Icahn. Còn có nhiều nhà đầu tư khác lại muốn "ăn" theo ông. Carl Icahn đầu tư vào đâu, công ty nào thì họ cũng đầu tư vào đó.

Nhà đầu tư với nhiều chiêu độc

Khi nắm giữ một tỉ lệ cổ phần đáng kể của một công ty, Carl Icahn không chờ đợi cho giá cổ phiếu tự nhiên tăng, mà ông chủ động với nhiều biện pháp nhằm kích giá lên.

Một trong những động thái mà Carl Icahn ưa sử dụng với nhiều công ty là gây áp lực tìm cách loại trừ, sa thải Ban điều hành hiện tại của công ty. Carl Icahn bắn tin ra thị trường rằng công ty cần được cải tổ và đang trên con đường cải tổ thành công. Cái cách mà Carl Icahn làm cũng rất ghê gớm và khó chịu với giới điều hành doanh nghiệp.

Ông sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để tung một tin này về công ty hay "bắn" một tin nọ không hay về Ban điều hành. Chính vì vậy, với nhiều công ty, Ban điều hành thực sự lo lắng khi biết công ty bị lọt vào tầm ngắm của “chiến sĩ săn lùng công ty” Carl Icahn.

Thậm chí rất nhiều nhà phân tích và báo giới còn chứng kiến Ban lãnh đạo những công ty như vậy còn bị sốc nặng khi biết tin Carl Icahn đã vừa "ôm vào" 5% số cổ phần của công ty họ. Không phải tất cả nhưng rất nhiều trường hợp như vậy, Carl Icahn với tư cách là một cổ đông lớn đã tìm cách gây sức ép, gây ảnh hưởng để thay đổi ban điều hành.

Có những công ty đã bị chia rẽ bởi áp lực chỉ trích của vị cổ đông lớn Carl Icahn. Trường hợp của tập đoàn thực phẩm và thuốc lá RJR Nabisco là một ví dụ điển hình. Sau một thời gian dài trước sự tấn công của Carl Icahn, tập đoàn này phải chia nhỏ.

Trừ trường hợp của hãng hàng không TWA là Carl Icahn có ý định kiểm soát lâu dài khi mua cổ phiếu, còn các trường hợp khác ông không hề có ý định ấy. Với mục tiêu "đào mỏ" càng nhiều, càng nhanh càng tốt, Carl Icahn chỉ chờ giá lên là bán cổ phiếu kiếm lời.

Thông thường, các công ty phải chào đón các nhà đầu tư mua cổ phiếu của họ. Nhưng với Carl Icahn lại là trường hợp ngoại lệ. Thực tế đã chứng minh không ít công ty đã phải nghiến răng mua lại cổ phiếu của Carl Icahn với giá cao để loại trừ ảnh hưởng của nhà đầu tư ghê gớm với những "chiêu độc" không lường hết được. Và Carl Icahn chỉ cần có thế, không cách này hay cách khác ông vẫn đạt được mục đích của mình là bán cổ phiếu với giá cao.

Không tha cả các tập đoàn lớn

Sự tài ba và cả sự ghê gớm trong đầu tư và kinh doanh cổ phiếu của Carl Icahn còn thể hiện rõ trong đối tượng công ty mà ông tìm đến.

Không chỉ tìm cách săn lùng các công ty nhỏ, nếu có cơ hội Carl Icahn cũng không bỏ qua việc mua cổ phiếu của các tập đoàn cực lớn như tập đoàn dầu mỏ Texaco hay tập đoàn sản xuất thép U.S. Steel hay mới đây nhất là cổ phiếu của hãng sản xuất phim chụp ảnh Kodak.

Tiếng nói, ảnh hưởng của Carl Icahn với tư cách một nhà đầu tư đã có tác động ảnh hưởng rất lớn với các cổ đông khác. Vì vậy dù nếu không nắm giữ cổ phần chi phối nhưng Carl Icahn vẫn có thể can thiệp, gây áp lực thay đổi các quyết định kinh doanh của mình.

Nhiều lãnh đạo tập đoàn đã nhận xét thẳng thừng, Carl Icahn là một kẻ chỉ thích làm theo sở thích riêng, phá đám người khác. Mới cách đây hơn một năm, tập đoàn dược phẩm Mylan Laboratories đã phải chịu thua trước sự “phá đám” của nhà tỉ phú này.

Số là Mylan Laboratories quyết định bỏ ra 4 tỉ USD để mua lại tập đoàn King Pharmaceuticals. Thế nhưng Carl Icahn kiên quyết không đồng ý, mặc dù với 10% cổ phiếu ông không có quyền phủ quyết. Carl Icahn tìm cách ngăn cản bằng được. Ông công khai chỉ trích Ban lãnh đạo của tập đoàn này là yếu kém, là sai lầm với quyết định mua King Pharmaceuticals với giá quá cao.

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền, đang nắm trong tay một quĩ đầu tư có giá trị hơn 20 tỉ USD, Carl Icahn ra cú đòn quyết định bằng việc tung tin sẽ bỏ ra 5,4 tỉ USD để mua lại cả Mylan Laboratories. Ban lãnh đạo Mylan Laboratories quá căng thẳng, phải thay đổi quyết định của mình trước sức ép của Carl Icahn.

Giới kinh doanh chứng khoán cho biết Carl Icahn đã không ít lần doạ mua cả công ty như vậy cho dù rất ít khi thực hiện thật. Chỉ biết rằng giá cổ phiếu mà Carl Icahn đang nắm lại được dịp tăng nhờ cái tin sẽ mua lại cả Mylan Laboratories với giá cao.

Tương tự như vậy, gần đây nhất, với tư cách là cổ đông nắm giữ 3% cổ phiếu của Time Warner, Carl Icahn đã một lần nữa hướng sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán phố Wall vào mình. Carl Icahn công khai công kích cả cá nhân Chủ tịch Richard Parsons của Time Warner. Ông sử dụng rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng để chuyển tải ý đồ của mình. Cuộc đọ sức vẫn còn căng thẳng nhưng Carl Icahn đã tập hợp được cả một nhóm nhà đầu tư ủng hộ mình, trong đó có Bruce Wassertstein, Chủ tịch ngân hàng đầu tư Lazard và Frank Biondi, cựu Chủ tịch của Viacom, một trong những đối thủ lớn nhất của Time Warner.

Mục tiêu của Carl Icahn là buộc tập đoàn truyền thông khổng lồ này phải chia nhỏ ra. Qua đó giá cổ phiếu sẽ phải biến động. Và Carl Icahn lại hi vọng rằng mình sẽ được lợi nhờ đó.

Giá lên thì ông bán, mà giá xuống thì ông mua. Kiểu gì Carl Icahn cũng phải là người hưởng lợi như bao phi vụ đầu tư chứng khoán thành công khác.

Theo Hà Linh (TBKTVN)