Nếu như không có một Mary Kay ở trên đời này thì thế giới cũng phải tạo ra một người khác như bà. Một người đàn bà về hưu đã sáng lập ra một vương quốc sản xuất và tiêu thụ hàng mỹ phẩm. Bà đã chứng minh cho cả loài người thấy rằng có thể tạo ra một sự nghiệp ở mọi lứa tuổi. Để đạt được điều đó không cần một nền học vấn cao cũng như sự căng thẳng về trí óc mà chỉ cần có một cái nhìn đúng đắn về cuộc sống và linh cảm của một người đàn bà.

Hiện tại Mary Kay Ash cũng đến cái tuổi phải nghỉ ngơi. Một cụ già dưới mớ tóc giả mầu vàng theo mốt của những năm 60, những móng tay sơn mầu đỏ tươi (vào thời trẻ của bà đó là mầu được nữ giới ưa chuộng) cùng với những đồ nữ trang to nặng.

Giấc mơ lớn của những người Mỹ đã được bà biến thành hiện thực. Điều duy nhất mà Mary Kay có thể làm được vào lúc này là ngồi trên chiếc nghế của mình và im lặng. Ba năm trước đây bà bị tai biến mạch máu não. Bây giờ bà chỉ có thể đứng được nếu như có người giữ. Mỗi năm hàng nghìn người phụ nữ đứng xếp hàng tới bốn tiếng đồng hồ để được gặp mặt Mary Kay Ash.

Ash là họ người chồng cuối cùng của bà. Không còn ai trong ba người chồng của bà còn sống, cũng không thể có ai trong số họ có thể bắt đầu sự nghiệp của mình khi đã ngoài 50 tuổi và để đến khi gần 70 tuổi có một doanh nghiệp với số tiền thu về hàng năm lên tới một tỷ $.

Thu nhập đó có thể nói dựa trên hai yếu tố chính: bản tính thích nói chuyện phiến của đàn bà và sự say mê của họ đối với các loại kem dưỡng da cũng như các loại mỹ phẩm.

Mary Kay đã sử dụng phương pháp bán hàng trực tiếp nổi tiếng toàn nước Mỹ một cách rất giản đơn và cũng rất phù hợp với bản tính của phụ nữ. Những người bán hàng đến tận nhà khách hàng tư vấn không mất tiền cho họ về cách sử dụng các loại mỹ phẩm, cùng họ nói chuyện về mốt cũng như các mặt hàng mới. Ngoài ra còn đủ các chuyện tào lao khác từ những người đàn ông đến cách nuôi dạy con và cả cách làm bánh gatô vào dịp giáng sinh như thế nào. Những người bán hàng tự do này có thể tự lên kế hoạch và giờ làm việc của mình, trên đầu họ chẳng có một ông sếp nào cũng như họ không phải tuân theo một kỷ luật lao động nào hết. Họ có đủ thời gian để đưa đón con đến trường học. Nguyên tắc làm việc thật đơn giản: càng nhiều người mua thì càng nhiều lợi nhuận.

Những người bán hàng tự do chỉ tốn tiền một lần mua cái va li nhỏ trong có mẫu các mặt hàng mỹ phẩm mà họ sẽ bán. Hàng bán họ được mua với giá rẻ tới 50% (tất nhiên họ sẽ bán lại với giá bình thường còn số tiền dư ra thì cất vào túi). Nếu như những người bán hàng có được 10 khách hàng hoặc chiêu tập thêm được những người bán hàng mới thì họ cũng được thêm phần trăm lợi nhuận – ít có thể là 2% nhiều có thể lên tới 30%.

Vào đầu những năm 80 hãng Mary Kay đã có tới 15 nhân viên làm tới tiền triệu. Không thể tưởng tượng được họ có thể thu được từ đâu một số tiền lớn đến như vậy! Thật đáng ngạc nhiên và khâm phục khi mà cả giới phụ nữ trên thế giới phải cảm ơn Mary Kay vì bà đã sáng lập ra hãng mỹ phẩm, nơi mà tất cả các khúc mắc cũng như mơ ước của một người phụ nữ bình thường đều được tính đến.

Sáng lập ra đế chế của mình, Mary Kay không thể chịu được những người phụ nữ đòi quyền bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Bà luôn thích nói với các nhân viên của mình rằng: “Đầu tiên là chúa trời, sau đó là đến gia đình và cuối cùng mới là sự nghiệp”. Mary Kay có thể chứng minh cho lời nói đó bằng chính cuộc đời mình.

Mary Kay là người giáo dân phái tẩy lễ. Bà rất tin vào đạo của mình. Mary từ nhỏ đã được giáo dục hai đức tính: hiền hoà và chịu đựng. Bà sinh ra vào những năm cuối của đại chiến thế giới lần thứ nhất tại Houston trong một gia đình nghèo. Bà là đứa con thứ tư và cũng là con út. Mary kém người chị giáp mình 13 tuổi.

Khi Mary được hai tuổi bố của bà bị bệnh lao. Cả gia đình sống bằng thu nhập của mẹ. Việc chăm sóc ông bố bệnh tật suốt ngày nằm trên chiếc giường đổ lên vai cô bé Mary nhỏ tuổi. Bẩy tuổi Mary đã trở thành một cô y tá và một đầu bếp thành thạo. Mary hoàn toàn làm chủ ngôi nhà của mình. Khi đó anh chị của cô đã có gia đình riêng. Mary hầu như không nhìn thấy mẹ trong suốt cả ngày. Bà mẹ là một người hộ lí ngoài ra còn quản lí một quán ăn nhỏ. Mẹ cô gần như chỉ giao tiếp với con gái và cho những lời khuyên qua điện thoại. Trong những cuộc nói chuyện đó chỉ có một mình bà mẹ nói và bao gìơ bà cũng kết thúc bằng câu: “Con gái yêu, chắc chắn con làm được điều đó”, hoặc “Tất cả những việc mà người khác có thể làm được thì con có thể làm tốt hơn”. Ngoài những điều tối thiểu cho một cuộc sống bình thường thì mẹ Mary cũng không có gì hơn để cho con gái của mình.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Mary Kay 17 tuổi và cô lấy chồng. Chồng cô Ben Rogier là người hát chính trong một băng nhạc ở Houston. Cuộc hôn nhân này đối với Mary quả là một bước xuất phát “thành công”. Sau 7 năm chung sống chồng Mary đã bỏ đi theo tình nhân để lại cho vợ ba đứa con và cô hoàn toàn không có một ít tiền nào cả. Mary đi tìm việc làm cho mình.

Đối với người này đòn giáng xuống của số phận có thể là một điều sỉ nhục thì đối với người khác đó lại là động năng thúc đẩy để vươn lên. Khi đó con người bị bỏ rơi và sỉ nhục cảm nhận thấy chí hướng của mình, Mary nghĩ cần phải thành lập công ty của riêng mình.

Hoá ra Mary Kay là một thiên tài về bán hàng. Một lần Mary nhận được cú điện thoại của một thương nhân. Ông này đề nghị Mary bán những bộ bách khoa toàn thư cho trẻ em. Mary cũng rất muốn tặng cho con mình bộ sách này, nhưng Mary không có tiền. Họ còn nói rằng nếu như Mary bán được 10 bộ thì sẽ được tặng một bộ (để bán được số lượng sách như vậy thì một người bán hàng tốt cũng phải làm việc trong 3 tháng). Mary đã bán được số sách đó trong một ngày rưỡi.

Tất nhiên là ngay lập tức họ mời Mary vào làm việc tại hãng. Và cũng ngay lập tức làm Mary phật lòng. Mary bất bình khi thấy mình được nhận tiền công ít hơn những người bạn đồng nghiệp nam. Cô thấy rằng cần phải sáng lập ra một công ty mà công việc phù hợp với một người mẹ nhiều con như cô.

Tờ giấy mà trên đó Mary viết những ý nghĩ của mình về ý tưởng sáng lập ra một công ty, cô giữ cho đến khi về hưu với chức vụ giám đốc phụ trách kinh doanh.

Mary đã biết cách chờ đợi. Đầu tiên cô chờ cho những đứa con lớn lên và sau đó chờ đến khi có được một số tiền vốn nhất định. Cũng giống như vậy cô đã chờ cho đến khi mình có được trong tay một công thức để sản xuất một loại kem hoàn hảo.

Trên thực tế hạnh phúc và tiền bạc mà Mary Kay có được, bà phải chịu ơn cô con gái của một người thợ thuộc da. Cần phải kể lại mọi chuyện theo thứ tự của nó. Vào một buổi dạ hội, Mary chú ý đến một người phụ nữ có một làn da rất đẹp. Tự giới thiệu mình là chuyên gia về trang điểm, Mary Key hỏi cô này dùng lại kem gì để dưỡng da của mình. Hoá ra cô con gái của người thợ thuộc da sử dụng một loại kem do bố của mình làm cho. Mặc dù tuổi đã cao nhưng người thợ thuộc da vẫn có một làn da tay trẻ và mịn màng. Theo đề nghị của cô con gái ông này đã chế cho con một loại kem dưỡng da mặt với các thành phần đặc biệt. Loại kem đó chỉ có một yếu điểm duy nhất là mùi của nó rất khó chịu, có thể nói là rất hôi thối.

Điều đó không làm cho Mary bối rối. Bà mua công thức của loại kem này, và trong suốt 10 năm liền bà sử dụng nó. Mùi ở trong nhà trở nên không thể chịu nổi (bà chỉ sử dụng nó khi không có con cái ở nhà). Nhưng thay vào đó làn da của Mary thay đổi và trở nên đẹp hơn.

Khi cậu con trai út của Mary 20 tuổi cũng là khi bà có trong tay một khoản tiền là 5000$, bà quyết định bắt tay vào việc.

“Mary Kay Cosmetics” được bắt đầu hoạt động từ một tập thể gồm 10 người bạn gái và một giá nhỏ bán hàng tại một cửa hàng ở Dallas. Tất cả mọi người đều tiên đoán rằng Mary sẽ thất bại. Chủ của nhà máy hoá chất nơi mà Mary định thuê để khử mùi kem giống như mùi da thuộc đã gửi Mary đến chỗ cậu con trai nhỏ của mình cùng với những lời như sau: “Hãy chuẩn bị cho người phụ nữ này một hộp cái chất thối tha kinh tởm”.

Nhưng Mary Kay không đầu hàng. Giống như bất cứ một người không bị gánh nặng của trình độ học vấn đè lên mình, bà không suy nghĩ lung một cách quá nhiều, Mary bất chấp mọi chở ngại. Bà tự mình nghĩ ra công thức mới cho loại kem của mình, tự mình đi đến nhà những người quen để thuyết phục họ trở thành những người bán hàng đầu tiên.

Sau một năm, năm 1964 đã có 200 người làm cho hãng “Mary Kay Cosmetics”. Năm 1965 mỹ phẩm của hãng này đã chiếm 20% thị trường Mỹ. Năm 1970 Mary bắt đầu xây dựng nhà máy của mình ở Dallas. Trước đó bà đã mua tất cái nhà máy hoá chất mà người chủ của nó trước đây đã nhạo báng bà. Mary ít khi quên những điều đã xúc phạm đến mình. “Mary Kay Cosmetics” – là câu trả lời cho tất cả những điều không công bằng đã theo bà trong suốt thời gian bà còn làm việc.

Biểu tượng của “Mary Kay Cosmetics” – con ong đất. Mary cho rằng con vật đó là biểu tượng của thành công cá nhân: “ Chính vì đôi cánh ngắn và thân thể nặng nề của mình nên theo các quy luật của môn khí động học, ong đất không thể bay được. Nhưng chú ta không hề biết về điều đó nên đã kiếm cách để nâng thân thể mình lên giống như là bay”.

Những cái kim găm bằng vàng và kim cương theo hình con ong đất trị giá khoảng 4000 $ được tặng cho người đoạt danh hiệu “nữ hoàng bán hàng” vào cuối năm.

Mary Kay rất thích tặng quà cho người khác. Bà đã tạo nên truyền thống trao tặng phần thưởng trước đám đông quần chúng – bà tin rằng những tràng vỗ tay và những lời khen ngợi có thể kích động con người làm được những điều phi thường.

Mary hiểu rằng, những người phụ nữ sẽ trả ơn bà bằng cách hết lòng với công việc, những đồng tiền được bỏ ra để mua quà sẽ được đền bù lại xứng đáng. Bàn tay hào phóng đã tặng những người đứng đầu “Mary Kay Cosmetics” ở khắp thế giới những chiếc áo lông dái cá, những chuyến đi du lịch, những chiếc Cadilac màu hồng hoặc những chiếu Volvo trắng. Có lúc ai đó đã cười nhạo về mầu sắc của những chiếc Cadilac, Mary Kay với cặp mắt quan tâm đặc biệt hỏi rằng: “Thế công ty của ngài đã tặng cho ngài chiếc ôtô màu gì trong năm qua?”

Bà đã đặt những chiếc Cadilac màu hồng là có dụng ý. Khi “Mary kay Cosmetics” mới bắt đầu hoạt động, câu hỏi về màu của những chiếc hộp bọc hàng mỹ phẩm được đặt ra. Mary không do dự đã chọn ngay màu hồng: Màu này cùng với màu trắng truyền thống của phòng tắm sẽ tạo nên một gam màu đẹp. Từ đó tất cả mỹ phẩm “Mary Kay” đều được để trong những chiếc hộp màu hồng. Thậm chí toà biệt thự riêng của Mary Kay tại Dallas cũng được phủ lên một màu hồng. Khi những nhà tâm lý học nói với Mary rằng màu hồng có tác dụng gây phấn khởi và làm sảng khoái, Mary rất ngạc nhiên. Bà bao giờ cũng dựa vào linh cảm bản năng của mình.

Quy tắc làm việc của bà mang phong cách của những câu chuyện cổ tích. Bà nhạo báng trước sự nghiên túc của giới thương mại. Những người giỏi nhất của hãng “Mary Kay” được tặng danh hiệu là những nàng tiên hoặc nữ hoàng. Bản thân Mary Kay tự hào với danh hiệu “nữ hoàng của những nữ hoàng” của mình. Những người lãnh đạo của từng nhóm trong hãng “Mary Kay” được nhận những chiếc áo vét với những mầu sắc vui vẻ hoặc một bộ đồng phục màu vàng. Trong vương quốc của bà không tồn tại cái gì đó nghiên túc, buồn chán không phù hợp với nữ giới – tiền kiếm được của vương quốc “Mary Kay” cũng dễ dàng như chơi.

Giống như bất cứ một người phụ nữ nào khác, Mary thích các buổi dạ hội. Hãng của bà thường xuyên tổ chức các bữa ăn trưa, các buổi tụ họp các nhân viên của mình... Buổi dạ hội chính tại Dallas được mời đến dự những người bán hàng tốt nhất trên toàn thế giới.

Đến trước khi bị biến chứng mạch máu não, Mary Kay thích diễn thuyết trước đám đông. Bà phát biểu rằng: “Trong hãng của tôi mọi người nghĩ theo lối của phụ nữ”, “”Mary Kay” không phải là nơi dành để kiếm tiền và thu lợi mà là nơi dành cho tất cả mọi người và cho tình yêu” – lời nói không có gì đặc sắc nhưng đã làm cho hàng triệu phụ nữ cảm thấy vui sướng và hạnh phúc.

Mary Kay bao giờ cũng nói với phụ nữ những lời mà họ muốn nghe và trước bà thì họ chưa nghe được ở ai những lời như vậy.

Một lần, khi nghỉ ngơi sau một buổi diễn thuyết ở trong một khách sạn bà nói với người hầu phòng rằng: “Tôi thấy công việc của chị có vẻ không được suôi sẻ lắm, nhưng trên thực tế chị thật là một người phụ nữ tuyệt vời đặc biệt! Còn bây giờ chị như tự đeo cho mình mặt nạ giả... Chị không cảm thấy mình là người đặc biệt sao? Thôi đừng giả bộ nữa không thì khéo chị trở thành người như thế thật đấy!”.

Mấy ngày sau người hầu phòng trở thành người bán hàng cho “Mary Kay Cosmetics”.

(Theo báo: Karera)