7 sai lầm thường gặp ở doanh nhân trẻ

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Tỷ lệ doanh nhân trẻ thất bại trong kinh doanh thường rất cao. Có nhiều nguyên nhân như ít vốn, nóng vội, ít kinh nghiệm,… Và còn vì doanh nhân trẻ thường mắc những lỗi sau đây.

1. Không có mục đích rõ ràng

Đây là lỗi phổ biến nhất thường gặp ở các doanh nhân trẻ, thiếu kinh nghiệm. Bạn cần phải có những mục đích rõ ràng và cụ thể để đạt tới. Hãy thiết lập những mục đích và chiến lược kinh doanh. Có như vậy, bạn mới có động lực để vươn tới.

2. Thờ ơ, hờ hững

Muốn gặt hái nhiều thành công trong công việc, bạn cần phải gần gũi và bám sát mọi hoạt động kinh doanh của công ty. Nếu bạn cứ mãi thờ ơ, hờ hững và không quan tâm đến công việc kinh doanh, trước sau gì bạn cũng sẽ mất dần đi niềm đam mê với công việc.

3. Tự kiêu

Tự tin là một đức tính rất tốt trong kinh doanh. Tuy nhiên, tự tin thái quá sẽ thành tự kiêu. Tự kiêu và luôn coi thường lời khuyên, sự giúp đỡ của người khác sẽ khiến công việc kinh doanh của bạn gặp nhiều bất lợi. Nên nhớ rằng chẳng ai là biết tất cả mọi điều trên thế giới này. Hãy tham khảo những lời khuyên của mọi người và học theo cách của doanh nhân thành đạt: Xung quanh luôn là những người thông minh, tài giỏi.

4. Thụ động

Nếu bạn luôn chờ đợi sự may mắn và những cơ hội do người khác mang lại thì chắc chắn rằng bạn sẽ chẳng nhận được điều gì hết. Muốn kinh doanh hiệu quả, bạn phải chủ động và mạo hiểm. Hãy chủ động tìm ra cơ hội và ý tưởng cho công việc kinh doanh của công ty. Có như vậy, thành công mới đến với bạn.

5. Không kiên nhẫn

Một chút khó khăn đã làm bạn nản lòng và từ bỏ thì thành công sẽ không bao giờ đến với bạn. Cơ hội thành công chỉ đến với những người kiên trì, bền bỉ và không ngại khó khăn. Sự kiên nhẫn là yếu tố cần thiết giúp bạn thành công trong kinh doanh.

6. Phỏng đoán mơ hồ

Bạn không thể tính toán được chiến lược và các hoạt động kinh doanh của công ty, từ chiến lược tiếp thị tới việc cung cấp dịch vụ, mà bạn chỉ toàn phỏng đoán mọi việc theo cảm tính? Điều này sẽ mang lại nhiều bất lợi cho công việc kinh doanh. Trước khi quyết định vấn đề gì, bạn nên tìm hiểu kỹ mọi điều và dựa vào thực tế. Phỏng đoán mà không dựa vào thực tế sẽ dẫn đến những sai lệch trong quyết định.

7. Không có tổ chức

Nếu công việc kinh doanh của bạn không có tổ chức rõ ràng, bạn sẽ không thể kiểm soát được chi tiêu. Kết quả là, công việc kinh doanh có thể sẽ bị thua lỗ và mọi việc luôn phụ thuộc vào bạn. Nếu bạn vẫn tiếp tục không có kế hoạch lâu dài và tổ chức lại công việc kinh doanh thì sớm muộn gì chính bạn là người huỷ hoại dần doanh nghiệp của bạn.

(Theo VietnamJobs)

 

Uy quyền của Steve Jobs

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Nhà sáng lập và cũng là giám đốc điều hành CEO của Apple đã tiên phong trên nhiều lĩnh vực, tạo nên những bước ngoặt lớn trong ngành công nghiệp máy tính và đã đưa “Quả táo cắn dở” trở thành một đối thủ đáng gờm của bất kỳ tên tuổi nào trên “đấu trường” công nghệ. Steve Jobs được tạp chí Fortune vinh danh là doanh nhân quyền lực nhất thế giới.

Steve Jobs đứng đầu trong danh sách 25 doanh nhân quyền lực do tạp chí uy tín Fortune bình chọn.

Jim Collins, một cố vấn quản lý nhân lực nổi tiếng của Mỹ, từng gọi Steve Jobs là “Beethoven của thương trường”. Jobs đã làm nên điều tuyệt diệu khi đồng sáng lập tập đoàn Apple và đến bây giờ, “Quả táo” đã trở thành “đế chế” hùng mạnh trong hành tinh số, từ ngành công nghiệp sản xuất chip, đĩa cứng, đĩa CD và cho đến phần mềm. Apple đã nhanh chóng tạo được thương hiệu trên toàn thế giới. Jobs còn xứng đáng với tên gọi Machiavelli, nhà triết học lừng danh. Jobs có thể làm “rúng động” mọi nhà cung cấp, mọi đối tác và cả toàn ngành thực hiện theo mong muốn của mình.

Sau sự ra đi của Steve Jobs năm 1985, Apple thực sự khó khăn và lâm vào khủng hoảng. Đến năm 1997, Jobs quay trở lại với “Quả táo” đã tạo nên cơn sốt lớn trên thị trường, nhanh chóng đưa Apple sánh vai với các đối thủ, như Dell, Hewlett-Packard. Nhờ tài “cầm quân” của Steve Jobs, Apple phát triển mạnh mẽ, liên tục vươn tới những “lãnh địa” vốn không phải là thế mạnh của họ với những phát minh độc đáo. Apple đã tạo ra nhiều bước ngoặt lớn cho ngành công nghiệp máy tính và cả những lĩnh vực khác.

Trong suốt 2 thập kỷ đầu tiên trong 30 sự nghiệp đáng nhớ của mình, Jobs đã hai lần tạo ra bước ngoặt lớn cho ngành công nghiệp máy tính. Năm 1977, Apple đã mở ra một kỷ nguyên máy tính với sản phẩm Apple II; và đến năm 1984, máy tính Macintosh giao diện tuyệt đẹp đã đưa ra một khái niệm mới cho công sản sản xuất máy tính.

4 năm sau sau ngày trở về của Jobs, năm 2001, Apple thực sự gây chấn động thị trường công nghệ với chiếc máy nghe nhạc di động iPod, lấn lướt thế hệ Walkman từng làm mưa làm gió trên thị trường giải trí của Sony.

Jobs đã thuyết phục được các ông lớn trong ngành công nghiệp giải trí, truyền hình và cả Hollywood đồng ý đóng góp vào sự phát triển của làn sóng kỷ nguyên số. Từ đó, các các tác phẩm lớn của nhiều hãng giải trí liên tục xuất hiện trên gian nhạc trực tuyến iTunes Music Store của Apple.

Và trong năm nay, Steve Jobs cùng Apple đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp di động với chiếc điện thoại cảm ứng iPhone “tất cả trong một”.

Jobs đã tạo bước ngoặt lớn cho 5 ngành công nghiệp: máy tính, giải trí trực tuyến, nhạc số, bán lẻ và điện thoại không dây. Vị doanh nhân quyền lực nhất thế giới này cũng có ảnh hưởng đáng kể trên con đường tìm đến sự sáng tạo cho mọi ngành công nghiệp nhờ các phần mềm, như sản xuất phim, ghi âm và chỉnh sửa ảnh.

Steve Jobs còn tiếp tục chứng minh cái tài của “nhạc trưởng” với sự ra đời của Apple TV. Hơn thế nữa, sau thương vụ nhượng lại Pixar, công ty sản xuất phim hoạt hình dựa trên công nghệ máy tính của Apple, cho hãng phim Disney, là cổ đông lớn nhất của liên doanh này, Jobs giữ một chân trong hội đồng quản trị của Disney.

Cho đến thời điểm này, trong giới doanh nhân, không ai có tầm ảnh hưởng lớn bằng người đàn ông từng một thời bị đuổi khỏi Apple nhưng cũng chính là người hồi sinh cho “Quả táo cắn dở” - Steve Jobs.

(Theo CNN)

 

Những doanh nhân quyền lực nhất thế giới

By Công Ty Truyền Thông Số iGO


Tạp chí uy tín Fortune của Mỹ vừa công bố danh sách những doanh nhân quyền lực nhất thế giới năm 2007. Tất cả đều là những tên tuổi quen thuộc và “nổi đình nổi đám” trong giới kinh doanh, như Steve Jobs, Rupert Murdoch, Warren Buffett, Bill Gates…


Đứng đầu bảng là Steve Jobs, ông chủ của logo “quả táo cắn dở” giữ vị trí đầu bảng, tiếp đến là ông trùm truyền thông Mỹ Rupert Murdoch. Người sáng lập ra Tập đoàn phần mềm Microsoft xếp thứ 7.


1. Steve Jobs

Chủ tịch kiêm CEO của Apple

Suốt 2 thập kỷ đầu tiên trong sự nghiệp 30 năm đáng nhớ của mình, Steve Jobs, người sáng lập ra Tập đoàn Apple, đã 2 lần tạo bước ngoặt trong ngành công nghiệp máy tính. Lần thứ nhất là vào năm 1977, khi loạt máy tính Apple II mở ra một kỷ nguyên mới cho máy tính để bàn. Lần thứ hai là vào năm 1984, khi máy tính Macintosh giao diện đồ hoạ gây cơn sốt trên thị trường và đưa ra một khái niệm mới cho công nghệ chế tạo máy tính cá nhân.

Không lâu sau sự ra đi của Steve Jobs vào năm 1985, Apple lâm vào khó khăn và khủng hoảng. Năm 1997, “người hùng” trở lại và một lần nữa tạo ra những cơn sốt trên thị trường với máy tính iMac, hệ điều hành Mac OS X, máy nghe nhạc iPod và mới đây nhất là điện thoại iPhone.

2. Rupert Murdoch

Chủ tịch kiêm CEO của News Corp.

News Corp. là tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới với lĩnh vực hoạt động khá rộng, từ phim ảnh đến truyền hình, in ấn và các sản phẩm trực tuyến. News Corp. hiện sở hữu mạng xã hội MySpace.

Nhưng “ông trùm” Murdoch không muốn dừng lại ở đó, nên đã chi 5 tỷ USD để mua lại Dow Jones, chủ của tờ Wall Street Journal danh tiếng. Ông coi việc mua lại Dow Jones, cùng với Fox Business Network trước đó, là những bước đệm cho việc tạo ra một đế chế tin tức tài chính toàn cầu.


3. Lloyd Blankfein

Chủ tịch kiêm CEO của Goldman Sachs

Nhiều công ty tài chính ở phố Wall đều đang lâm vào khó khăn do cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp nhà dưới tiêu chuẩn. Nhiều lãnh đạo tài chính đã hoặc có nguy cơ mất việc. Trong khi đó, Goldman Sachs vẫn tiếp tục làm ăn có lãi.

CEO Lloyd Blankfein đã “chèo lái con thuyền” Goldman khá vững chãi trước “cơn bão” tài chính hiện nay.

4. Eric Schmidt, Larry Page, và Sergei Brin

Bộ ba CEO; Chủ tịch kiêm Giám đốc sản phẩm; và Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ của Google

Tham vọng của Brin và Page, hai người đồng sáng lập ra Google, dường như là vô hạn. Họ đã tạo một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp quảng cáo, nhưng những tỷ phú trẻ chưa muốn dừng lại ở đó. Họ bắt đầu đưa lĩnh vực điện thoại di động vào “tầm ngắm”. Mạng chia sẻ YouTube cũng được họ đặc biệt quan tâm.


5. Warren Buffett

Chủ tịch kiêm CEO của Berkshire Hathaway

“Quý ông” Buffett đã phát triển Berkshire Hathaway thành một tập đoàn đầu tư có lĩnh vực quan tâm rộng khắp, từ đồ lót cho tới máy bay cá nhân, với doanh thu năm 2006 đạt 98 tỷ USD. Từ năm 1965 đến nay, Berkshire có doanh thu cao gấp đôi S&P 500.

Ông được coi là một trong những nhà đầu tư chứng khoán “sừng sỏ” nhất thế giới.


Dưới đây là danh sách tiếp theo:


6 - Rex Tillerson - Chủ tịch kiêm CEO của Exxon Mobil
7 - Bill Gates - Người sáng lập kiêm Chủ tịch Microsoft; Người sáng lập kiêm đồng chủ tịch Quỹ Bill & Melinda Gates
8 - Jeff Immelt - Chủ tịch kiêm CEO của General Electrics (GE)
9 - Katsuaki Watanabe - Chủ tịch Toyota
10 - A.G. Lafley - Chủ tịch kiêm CEO của Procter & Gamble (P&G)

11 - John Chambers - Chủ tịch kiêm CEO của Cisco

12 - Li Ka-shing - Chủ tịch Cheung Kong Holdings và Hutchison Whampoa
13 - Lee Scott - CEO của Wal-Mart
14 - Lakshmi Mittal - Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn thép Mittal

15 - Jamie Dimon - Chủ tịch kiêm CEO của JP Morgan Chase
16 - Mark Hurd - Chủ tịch kiêm CEO của Hewlett-Packard
17 - James McNerney - Chủ tịch kiêm CEO của Boeing

18 - Marius Kloppers - CEO của BHP Billiton
19 - Steve Schwarzman - CEO của Blackstone
20 - Carlos Slim - Chủ tịch TelMex & Carso Foundation

21 - Steve Feinberg - CEO của Cerberus
22 - Indra Nooyi - Chủ tịch kiêm CEO của PepsiCo

23 - Ratan Tata - Chủ tịch Tata Group

24 - Bob Iger - CEO của Walt Disney
25 - Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm CEO của LVMH


(Theo CNN Money)

 

23 tuổi kiếm 3 tỉ USD

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Trường hợp của chàng trai 23 tuổi Mark Zuckerberg chứng tỏ rằng ở thời đại kỹ thuật số, những người trẻ có thể thành công lớn ngay từ bước chập chững vào đời.

Theo chân Bill Gates

Mark Zuckerberg sinh ra trong một gia đình người Mỹ gốc Do Thái ở Westchester, New York. Ngay từ năm học lớp 6, Zuckerberg đã bắt đầu đam mê lập trình vi tính. Những năm cuối bậc trung học tại Phillips Exeter Academy, Zuckerberg cùng với bạn là D'Angelo (hiện là Giám đốc kỹ thuật của Facebook) tung ra Synapse Media Player với khả năng xem xét thói quen nghe nhạc để có thể lên danh sách những bản nhạc mà người sử dụng ưa thích. Hai cậu học sinh đưa lên mạng và cho sử dụng tự do. Nhiều công ty phần mềm, kể cả Microsoft và AOL tỏ ra quan tâm dù chưa có công ty nào chính thức đặt vấn đề mua bản quyền. Các công ty ngỏ ý sẵn sàng mời hai cậu về làm việc nhưng cả hai đã quyết định học lên đại học. Năm 2002, D'Angelo vào trường Caltech, còn Zuckerberg nhập học Harvard.

Tại ĐH Harvard, Zuckerberg thực hiện đề án Coursematch cho phép các sinh viên tham gia có thể xem danh sách những sinh viên khác cùng đăng ký học chung môn học với mình. Qua năm thứ hai, nhận thấy trường Harvard không có quyển danh bạ có hình từng sinh viên cùng các thông tin tối thiểu của họ nên Zuckerberg tiến hành dự án Facemash.com bằng cách làm "tin tặc" đột nhập vào kho tư liệu của trường rồi đưa hình ảnh sinh viên lên trang web đó để các bạn vào xem và bình chọn ai đẹp hơn ai. Chỉ sau 4 tiếng đồng hồ, có 450 lượt truy cập và nhà trường lập tức cắt đứt kết nối mạng internet của Zuckerberg, đồng thời khiển trách cậu về tội xâm phạm an ninh mạng máy tính của trường. Không nản chí, Zuckerberg tiếp tục nghiên cứu các dự án kế tiếp và tháng 2.2004, cậu tung ra Facebook, một mạng kết nối xã hội cho phép những sinh viên tham gia có thể giao tiếp và trao đổi thông tin với bạn bè, người thân. Chỉ trong vòng 2 tuần, một nửa số sinh viên Harvard ghi tên làm thành viên. Hai bạn cùng phòng với Zuckerberg là Moskovitz và Chris Hughes tham gia quản lý mạng với chi phí 85 USD/tháng. Đến tháng 5.2004, sinh viên của 30 trường đại học trong khu vực Boston truy cập, rồi lan ra các trường trung học, các công ty... với số người truy cập lên đến con số hàng triệu.

Zuckerberg thừa nhận chính chủ nhân Microsoft, tỷ phú Bill Gates là nguồn cảm hứng khiến cậu rời trường danh tiếng Harvard để thực hiện ước mơ của mình. Mọi chuyện bắt đầu khi năm 2004, Bill Gates đến nói chuyện trong giờ học môn khoa học máy tính của Zuckerberg. Lúc đó, Bill Gates đã khuyến khích các sinh viên là nên tạm ngưng việc học để thực hiện một dự án nào đó mà mình đam mê; đến khi thất bại thì trở lại trường đại học cũng chẳng muộn màng gì. Thế là Zuckerberg và Moskovitz quyết định rời Harvard đến Thung lũng Silicon, bang California để toàn tâm toàn ý cho Facebook.

Trở thành tỉ phú

Facebook phát triển rất nhanh. Đến tháng 11.2007, số thành viên đã là 50 triệu và dự kiến sẽ vượt con số 60 triệu vào cuối năm nay. Trong vòng một năm (từ tháng 6.2006 đến tháng 6.2007), website này từ hạng 60 nhảy vọt lên hạng 7 trong số những website được truy cập nhiều nhất. Facebook là trang web về hình ảnh số một ở Mỹ với hơn 8,5 triệu tấm ảnh được đưa lên mạng mỗi ngày.

Trước sự phát triển chóng mặt của Facebook, một số đại gia trong ngành công nghệ thông tin trong đó có Yahoo, Viacom đã tìm cách thương lượng mua lại công ty này. Năm 2006, Giám đốc điều hành Yahoo là Terry Semel đã đánh tiếng mua Facebook với giá 1 tỉ USD nhưng Zuckerberg không màng đến. Con số đó trở nên nhỏ nhoi khi ngày 24.10 vừa qua, Microsoft đã chi 240 triệu USD để mua lại 1,6% cổ phần của Facebook. Zuckerberg cùng toàn thể nhân viên Facebook hẳn phải hàm ơn Bill Gates vì như vậy, trị giá của Facebook lên tới 15 tỉ USD. Trong vai trò Giám đốc điều hành của Facebook, Zuckerberg sở hữu 20% cổ phiếu công ty và trên lý thuyết, nếu bán hết số cổ phiếu của mình, anh chàng 23 tuổi này đã có trong tay 3 tỉ USD. Giá trị của Facebook cứ tăng dần theo số lượng người sử dụng đông lên mỗi ngày mà một số chuyên gia cho rằng, tài sản của chàng trai trẻ Zuckerberg không chỉ 3 tỉ mà có thể lên đến 5 tỉ USD tùy thuộc vào sự thành công tới đây của Facebook trong việc xây dựng mạng lưới quảng cáo.

Đời thường của tỉ phú trẻ

Nhiều người tò mò về sinh hoạt ngày thường của Zuckerberg. Thế nhưng, cuộc sống của anh chàng này xem ra chẳng mấy thay đổi. Cách đây 3 năm, khi mới chân ướt chân ráo "di cư" tới Palo Alto, Thung lũng Silicon, Zuckerberg chẳng có gì: không xe hơi, không nhà cửa... Giờ đây, khi đã trở thành CEO của Facebook, anh chàng vẫn thích mặc quần jeans hoặc kaki, đi xăng-đan. Zuckerberg ăn sáng đơn giản như một sinh viên nhà nghèo: đổ các loại ngũ cốc vào trong tô giấy rồi rót sữa, lấy muỗng nhựa múc ăn. Anh vẫn sống trong một căn phòng thuê mà đồ đạc chỉ có 1 cái bàn, 2 chiếc ghế, ngủ thì đặt lưng trên chiếc nệm kê trên sàn nhà. Hằng ngày, Zuckerberg đi bộ hoặc đạp xe đến nơi làm việc là tổng hành dinh Facebook tọa lạc trong 2 tòa nhà gần nơi cư ngụ.

Dĩ nhiên Zuckerberg và những đồng nghiệp trẻ của mình còn phải ứng phó với nhiều khó khăn trước mắt, như việc các bạn học (hiện điều hành website đối lập ConnectU) đang kiện Zuckerberg là "ăn cắp ý tưởng lập website kết nối xã hội" khi giúp họ thiết lập dự án hồi năm 2003. Điều đáng nói là Zuckerberg khẳng định sẽ duy trì Facebook hoạt động độc lập chứ không dễ dàng bán tháo bán đổ công ty cho các đại gia.

Chưa có thống kê chính thức nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, Zuckerberg là người giàu nhất nước Mỹ trong độ tuổi dưới 25. Anh chàng này còn được đem ra so sánh với Chủ tịch Bill Gates của Microsoft và Tổng giám đốc Steve Jobs của Apple.

(Theo ThanhNien)

 

Nhà đầu tư tầm cỡ của phố Wall

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt của Mỹ với muôn vàn khó khăn đan xen, không ít những cơ hội đầu tư thì chỉ những doanh nhân thực sự tài năng mới có thể vươn tới đỉnh vinh quang của sự nghiệp. Và Kenneth G. Langone là một trong số những mẫu doanh nhân như vậy.

Sau đúng 5 thập kỷ trên thương trường, tới năm 2007, Kenneth G. Langone trở thành một trong những doanh nhân thành đạt nhất thế giới với số tài sản cá nhân khoảng 1,1 tỷ USD, xếp thứ 689 trong bản danh sách do Tạp chí Forbes bầu chọn.

Hiện nay, với tổng thu nhập 90,837 tỷ USD và lợi nhuận khoảng 5,761 tỷ USD, sử dụng 355.000 nhân công, tầm hoạt động lan tỏa từ 50 bang của Mỹ sang cả Canada, Mêhicô, Trung Quốc, Home Depot hàng năm mang lại cho Kenneth Langone những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Tinh thần cần cù, sáng tạo

Kenneth Langone sinh năm 1935 trong một gia đình người Italia nhập cư tại Thành phố Roslyn Heights, New York, cách Manhattan khoảng 20 dặm về phía Đông. Bố Kenneth Langone làm nghề thợ hàn quanh năm vất vả. Với nguồn thu nhập ít ỏi của mình, ông đã phải làm việc cật lực để nuôi sống gia đình.

Tốt nghiệp trung học, Kenneth Langone thi đỗ ngay vào Khoa kinh tế tại trường Đại học Bucknell University. Năm 1957, sau 3 năm rưỡi học tại Đại học Bucknell University, Kenneth Langone tốt nghiệp với kết quả trung bình đạt loại giỏi. Kenneth Langone dự định sẽ tìm việc làm để kiếm tiền tiếp tục học chương trình sau đại học, tuy nhiên, theo luật nghĩa vụ quân sự Kenneth Langone đã phải nhập ngũ và trải qua hai năm huấn luyện.

Bằng tinh thần cầu tiến, Kenneth Langone tiếp tục thi đỗ vào học chương trình MBA của trường New York University. Do chương trình học diễn ra vào bốn buổi tối trong tuần nên ban ngày Kenneth Langone vẫn có đủ thời gian làm việc tại công ty. Kenneth Langone chính là thành viên đầu tiên trong gia đình hoàn thành được chương trình MBA.

Thành công và thất bại trong đầu tư

Năm 1961, tốt nghiệp loại ưu chương trình MBA, đây có thể coi là thời kỳ hưng thịnh của phố Wall, các loại hình đầu tư bùng phát cùng với sự tham gia của hàng loạt những doanh nghiệp danh tiếng hàng đầu thế giới đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với Kenneth Langone. Rất tự tin và có phần táo bạo, Kenneth Langone quyết định chọn đây là điểm khởi nghiệp.

Kenneth Langone ngay lập tức được nhận vào làm việc cho Công ty môi giới R. W. Pressprich & Co., Inc. Được làm đúng chuyên ngành đào tạo cộng thêm tinh thần nhiệt tình với công việc, Kenneth Langone nhanh chóng bắt nhịp được với các hoạt động của công ty.

Thông qua những sáng kiến mang lại nhiều khoản lợi lớn cho công ty, Kenneth Langone được đề bạt lên vị trí Phó giám đốc điều hành của R. W. Pressprich & Co., Inc. Ở vị trí chuyên phụ trách mảng tài chính cho toàn bộ doanh nghiệp, Kenneth Langone sử dụng hệ thống truyền dữ liệu điện tử của Ross Perot để thực hiện thành công các phiên đấu giá phát hành cổ phiếu cho công ty. Năm 1968, với hiệu quả khai thác cao, hệ thống này đã được Ross Perot chuyển nhượng cho hãng xe hơi General Motors.

Trên con đường chinh phục đỉnh vinh quang, Kenneth Langone từng phải trải qua những bài học thất bại. Đó là trường hợp sau khi rời R. W. Pressprich & Co., Inc, Kenneth Langone được mời tới đảm nhiệm vị trí quản lý người quản lý kiêm nhà đầu tư vào doanh nghiệp tài chính Stirling Homex Corp. Doanh nghiệp này thuộc quyền sở hữu của anh em Stirling.

Kenneth Langone bắt đầu công việc bằng tất cả lòng nhiệt tình cũng như những kinh nghiệm của bản thân, tuy nhiên, do sự hợp tác thiếu tính nghiêm túc của anh em Stirling, hầu hết các chương trình hợp tác và thu hút đầu tư của doanh nghiệp do Kenneth Langone khởi sướng đều bị đổ vỡ. Đây có thể coi là một trong những thất bại nặng nề nhất trong sự nghiệp của Kenneth Langone.

Từ sự kiện đó, Kenneth Langone đã rút ra được bài học kinh nghiệm, một triết lí sâu sắc cho những thương vụ sau này: “Vấn đề then chốt đối với một chương trình đầu tư vào ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính là các nguyên tắc phải được đạt lên trước những khái niệm và phải đặc biệt chú ý tới các con số ước định trong các bản hợp đồng”. Rời Stirling Homex Corp, Kenneth Langone quyết định nghiên cứu khả năng của một số doanh nghiệp và dồn tất cả các khoản tài chính vào đầu tư.

Rút ra được những bài học quý báu trước đây, trước khởi động các chương trình đầu tư, Kenneth Langone đều dành một khoảng thời gian để nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ về các doanh nghiệp. Trong những năm sau đó, hàng loạt các chương trình đầu tư thành công đã được Kenneth Langone tiến hành thành công. Đầu tiên là chương trình đầu tư vào doanh nghiệp môi giới đầu tư ngân hàng Park Avenue và doanh nghiệp Invemed Associates.

Đối với 2 doanh nghiệp này, bên cạnh những khoản tài chính lớn, trên cương vị là một trong những thành viên trong ban lãnh đạo, Kenneth Langone còn đưa ra được những kế hoạch phát triển và khai thác thị trường sang nhiều lĩnh vực khác nhau từ lĩnh vực y tế, cung cấp trang thiết bị y tế cho tới lĩnh vực hàng dệt may. Một mạng lưới các bạn hàng quen thuộc nhanh chóng được thiết lập như Ivac, Eli Lily & Co, Unifi...

Đồng sáng lập Tập đoàn bán lẻ Home Depot

Phát hiện thấy lĩnh vực bán lẻ đang có những triển vọng phát triển rất lớn, trong những năm nửa cuối thập niên 70, Kenneth Langone tính ngay tới việc dồn vốn tìm đối tác thành lập lên một doanh nghiệp bán lẻ. Năm 1978, giữ vai trò là người cung cấp vốn chủ yếu, Kenneth Langone cùng với Bernie Marcus, Arthur Blank, Ron Brill, Pat Farrah thành lập lên Công ty Home Depot đặt tại Atlanta, Georgia, Mỹ.

Trên cơ sở hàng loạt những kho chứa hàng lớn cùng những trang thiết bị bốc dỡ hàng hiện đại, Home Depot vừa đáp ứng được nhu cầu về dịch vụ gửi và bốc dỡ hàng của rất nhiều các doanh nghiệp vừa trở thành một đầu mối trung tâm bán lẻ lớn tại Mỹ.

Hiện nay, Home Depot đã xây dựng được một mạng lưới các chi nhánh hoạt động tại 50 bang trên nước Mỹ. Hoạt động theo khẩu hiệu “bạn làm, chúng tôi giúp”, tính tới năm 2006, tổng thu nhập là 90,837 tỷ USD, lợi nhuận khoảng 5,761 tỷ USD và sử dụng 355.000 nhân công, Home Depot trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ tại Mỹ.

Trên đà phát triển bùng nổ, thương hiệu Home Depot vươn ra một số quốc gia trong và ngoài khu vực châu Mỹ như Canada, Mêhicô, Trung Quốc và đảo Guam. Riêng tại Canađa, chi nhánh Home Depot Canada thiết lập được một mạng lưới 159 đầu mối phân phối sản phẩm, sử dụng 30.000 nhân công và là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của hãng bán lẻ bản địa Rona và Lowe's.

Bằng những đóng góp to lớn đó, Kenneth Langone đã vinh dự được nhận Huân chương Albert Gallatin Medal danh giá nhất của trường New York University năm 1999.

(Theo VnEconomy)

 

Lúc tỷ phú bát niên Joe Hardy III nộp đơn ly dị cô vợ 23 tuổi Kristin Georgi, người ta tưởng ông không thể chịu nổi cuộc hôn nhân quá chênh lệch tuổi tác. Không ngờ, khi tòa chưa giải quyết xong xuôi, Joe lại tay trong tay với một người mẫu 22 tuổi.


Ảnh: The Billionairlist.com
Joe Hardy và vợ thứ ba Kristin Georgi thời còn mặn nồng. Ảnh: The Billionairlist.com

Joe cưới người vợ thứ 3 Kristin Georgi, một thợ làm móng 23 tuổi hôm 5/5. Khi nàng chưa hết sung sướng với món quà chàng tặng là chiếc xe Porsche giá 50.000 bảng, hôn nhân của họ đã bắt đầu rạn nứt.

107 ngày sau lễ cưới, Joe nộp đơn xin ly dị. Lý giải trước tòa, cả hai chỉ nói họ có những điểm khác biệt không thể hòa giải.

Với Kristin, thế là quá đủ cho cuộc hôn nhân mà vợ và chồng chênh lệch tới 61 tuổi. "Chỉ cần nói tới chuyện chênh lệch 61 tuổi thôi, bạn thử tưởng tượng xem có bao nhiêu điều khác biệt? Một người đàn ông bình thường sẽ giải quyết mâu thuẫn gia đình một cách êm thấm. Nhưng, ở tuổi bát niên, Joe vẫn không thể làm được chuyện đó", Kristin than thở.

Tòa vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ ly hôn. Người ta cũng không rõ Kristin sẽ được hưởng bao nhiêu từ phần gia tài kếch xù của Joe. Nhưng Kristin đã tìm thấy cuộc sống mới với một người đàn ông gần tuổi mình hơn.

Joe cũng chẳng phải chịu cảnh thất tình quá lâu. Mấy ngày gần đây, người ta lại thấy tỷ phú già tay trong tay với người mẫu 22 tuổi Danielle Golden. Thiên hạ được dịp tán dóc về chuyện đời tư của nhân vật đặc biệt này. Theo những người thân cận, Danielle có vẻ chết mê chết mệt Joe.

"Tôi sống cách bố mẹ cô nàng 3 nóc nhà. Nói thật nhé, trước đây Danielle béo phì nộn. Nghe nói ông ấy đã chi tiền để nàng đi hút mỡ thừa. Một người bạn cô ấy cho biết họ sắp cưới nhau. Cô nàng là gái đào mỏ ư? Chúa mới biết. Nhưng thú thật là tôi thấy rất tò mò", một người hàng xóm của Danielle úp mở.

Trên blog của mình, Danielle tự xưng là "Dirty D" và tỏ ra tâm đắc với câu nói: "Thứ tốt nhất trong đời đó là tự do. Tốt thứ nhì là những thứ đắt tiền". Dư luận cho rằng, với số tiền hơn 1 tỷ bảng trong tài khoản của Joe, cùng cơ nghiệp đồ sộ trong lĩnh vực kinh doanh gỗ và phần cứng, Danielle có cơ hội dễ dàng để thỏa mãn sở thích thứ hai.

Joe Hardy III sinh năm 1923, là sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành công ty 84 Lumber. Được nuôi nấng trong một gia đình trung lưu, bố mẹ kinh doanh trang sức, tuy nhiên, Joe tự mình làm nên sự nghiệp.

Ngay từ khi còn ngồi ở giảng đường đại học, Joe đã thâm nhập thực tế qua nghề bán hoa quả tươi và giao tại nhà. Sau khi tốt nghiệp đại học Pittsburgh với tấm bằng kỹ sư trong tay, ông mở công ty gỗ với tên gọi Green Hills Lumber.

Đến 1956, Hardy cùng các em trai mở xưởng kinh doanh gỗ theo mô hình "cash and carry" (người mua tự chọn hàng hóa rồi trả tiền). Rất khoái tên thị trấn nơi anh em ông kinh doanh, thị trấn 84 (thuộc Pennsylvania, Mỹ), ông liền đặt cho công ty mình là 84 Lumber. Giờ đây, 84 Lumber là chuỗi kinh doanh đồ gỗ gia dụng lớn thứ 3 ở Mỹ với số tài sản hơn 1 tỷ USD.

Thành công trong kinh doanh, Joe khá "truân chuyên" trên tình trường. Joe lần đầu thành thân vào năm 1944, đệ nhất phu nhân Dorothy cùng học trung học. Sống với nhau 53 năm, cuối cùng họ phải chia tay sau khi đã có với nhau 5 mặt con. Con út của họ, Maggie, đang là chủ tịch Lumber 84.

5 năm sau khi chia tay Joe, Dorothy qua đời. Cũng trong 5 năm này, tỷ phú Joe đã phải lòng và cưới cô gái 26 tuổi Debra Maley. 6 năm sau ngày cưới, họ chia tay khi đã có với nhau 2 cô con gái.

(Theo The Mirror, WikiPedia)

 

Ngân hàng đang lâm nạn Northern Rock của Anh có thể sẽ có ông chủ mới, chính là "tỷ phú thất học" Richard Branson, người đã được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ.

Tỷ phú Richard Branson vốn có tiếng là "chịu chơi". Ảnh: AFP.

Một nguồn tin cho hay, sắp tới, Northern Rock sẽ công bố bán lại ngân hàng cho một công ty thuộc tập đoàn Virgin của vị tỷ phú.

Từ tháng 9 đến nay, Northern Rock đã vay khoảng 25 tỷ bảng Anh (51 tỷ USD) từ các quỹ khẩn cấp của Ngân hàng quốc gia Anh để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Hiện Bộ Tài chính Anh đã phê duyệt thương vụ này và theo thỏa thuận Virgin sẽ lập tức chi trả 11 tỷ bảng trong tổng số nợ của Northern Rock. Bộ Tài chính Anh và chính Northern Rock sẽ thông báo với các cổ đông của ngân hàng này về khả năng bán lại toàn bộ cho Virgin.

Tháng 9 vừa qua, hàng nghìn khách hàng của Northern Rock đã hoảng loạn và kéo nhau đến rút tiền từ các tài khoản tiết kiệm sau khi cổ phiếu nhà băng này sụt giảm 40%, khiến Northern Rock gần như phá sản. Vụ việc chỉ tạm lắng khi Chính phủ Anh cam kết sẽ đảm bảo tất cả tài khoản trong Northern Rock.

Ngoài Virgin, hãng đầu tư Olivant Advisors cũng đã đánh tiếng mua lại Northern Rock. Các công ty quản lý cá nhân và chính ông trùm cổ phiếu Warren Buffett cũng rất quan tâm đến việc mua lại nhà băng này. Tuy nhiên, Northern Rock tuyên bố, các đề nghị mua lại đều đưa ra mức giá thấp hơn so với giá trị thực của ngân hàng.

(Theo AFP)

 

Từ tù nhân trở thành tỉ phú siêu ngông

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Từng tiêu phí 6 năm tuổi trẻ ở trong tù, Alisher Usmanov giờ đây là một trong những người giàu nhất nước Nga.

Siêu ngông

Giữa tháng 9/2007, nhà đấu giá nổi tiếng thế giới Sotheby's chuẩn bị tổ chức một buổi đấu giá tại thủ đô London của nước Anh. Những người tổ chức hy vọng sẽ thu được 20 triệu bảng Anh (gần 42 triệu USD) thông qua việc đấu giá 450 tác phẩm nghệ thuật do nghệ sĩ cello thiên tài người Nga Mstislav Leopoldovich Rostropovich sưu tầm. Tuy nhiên, khi sự kiện này chưa diễn ra thì có một cuộc điện thoại gọi tới văn phòng Sotheby's. Một giọng nói vang lên từ đầu giây bên kia:

"A lô, chúng tôi muốn mua cả bộ sưu tập".

Có kẻ đùa giỡn chăng? Nghĩ thế, nhưng đại diện Sotheby's vẫn từ tốn:

"Mua tất cả ư? Chúng tôi dự kiến sẽ thu 20 triệu...".

"Không vấn đề. Chúng tôi sẽ mua với giá cao hơn 20 triệu bảng", phía bên kia khẳng định.

Đại diện của Sotheby's hơi hoảng, vẫn chưa tin lời đặt hàng đường đột kia. Chỉ đến khi cái tên Alisher Usmanov được tiết lộ, phía công ty Anh mới biết chắc rằng họ đã gặp khách sộp.

Sau đó ít ngày, ngài Usmanov giàu có tiết lộ với Đài truyền hình quốc gia Nga: "Khi biết rằng buổi đấu giá sắp diễn ra, tôi thấy cần thiết phải giữ lại nguyên vẹn cả bộ sưu tập. Tiếp theo, tôi muốn đưa bộ sưu tập trở về nước Nga".

Pha chơi ngông của tỉ phú Usmanov khiến cả thế giới sửng sốt, nhưng đó không phải là trường hợp cá biệt. Hồi tháng 8, thế giới cũng có dịp bàn tán xôn xao về chuyện ngông của giới nhà giàu Nga. Số là tại Triển lãm hàng không MAKS 2007 ở gần Moscow, người Mỹ có trưng bày "Pháo đài bay" B-52. Loại máy bay ném bom hạng nặng từng gieo rắc bao nỗi kinh hoàng trong nhiều cuộc chiến tranh này tất nhiên chỉ dành cho quân đội Mỹ. Thế nhưng, một tỉ phú người Nga khi tới ngắm nghía cỗ máy này đã dạm lời:

"Quý vị có bán không? Tôi muốn mua".

"Không, đây là loại không thể bán, dù với bất cứ lý do nào", quân nhân Mỹ bảo vệ chiếc B-52 trả lời.

"Nhưng tôi muốn mua. Cỗ máy này trông hay phết", vị khách bệ vệ đứng giữa một đám vệ sĩ cố thuyết phục.

Tất nhiên là việc mua bán không thể diễn ra, nhưng cuộc đối đáp này là một câu chuyện khác về thú chơi ngông của giới siêu giàu nước Nga. Hồi trước, tỉ phú Roman Abramovich cũng từng điều một chiếc Boeing-767 chở bạn bè từ Moscow bay tới London chỉ để xem một trận bóng đá rồi trở về. Chuyện ngông của tỉ phú Nga thì vô kể, nhưng có lẽ chưa ai cao tay như Usmanov. Ông này chẳng những bỏ hơn 20 triệu bảng, có thông tin nói rằng con số chính xác là 30 triệu bảng, để mua đứt một cuộc bán đấu giá mà sau đó còn tuyên bố tặng nguyên bộ sưu tập của Rostropovich cho Chính phủ Nga.

Siêu giàu

Hẳn nhiên chỉ có những người siêu giàu mới mua nguyên một cuộc đấu giá như Alisher Usmanov. Tỉ phú 54 tuổi này hiện đứng thứ 18 trong danh sách người giàu nước Nga, theo bảng xếp hạng năm 2007 của Tạp chí Forbes. Tính trên phạm vi toàn thế giới thì ông đứng thứ 142, với tổng tài sản ước tính 5,5 tỉ USD.

Usmanov có cổ phần trong hàng loạt công ty lớn ở Nga như Metalloinvest, Ural Steel, Moldavia Metal... Lĩnh vực mà ông đầu tư mạnh nhất là sắt thép và khai khoáng. Nhưng gần đây Usmanov bắt đầu vươn tay ra nhiều lĩnh vực khác. Năm 2006, ông bỏ ra 200 triệu USD để mua lại Kommersant, tờ báo một thời từng nằm trong tay tỉ phú Boris Berezovsky, người hiện đang sống lưu vong tại Anh. Tiếp sau đó, ông bỏ ra 25 triệu USD để mua 50% cổ phần của kênh truyền hình thể thao 7TV và sau đó chi 300 triệu USD để mua 75% cổ phần của MUZ-TV, kênh truyền hình âm nhạc hàng đầu nước Nga. Hồi tháng 8 năm nay, Usmanov theo chân người đồng hương Roman Abramovich tiến vào thị trường bóng đá Anh bằng việc mua lại 23% cổ phần (tương đương 250 triệu USD) của đội bóng Arsenal danh tiếng. Qua đó, ông trở thành người nắm cổ phần lớn thứ nhì tại đội bóng thành London và đang lăm le mua đứt đội bóng này. Thế là từ một tỉ phú ngành khai khoáng và sắt thép, Usmanov đã trở thành một ông trùm lớn của làng truyền thông và thể thao.

Thông qua Công ty đầu tư Gallagher Holdings ở đảo Síp, ngài tỉ phú nước Nga cũng vươn vòi bạch tuộc ra nhiều nước châu Âu và nhiều khu vực khác. Giờ đây, người ta thấy tiền bạc của Usmanov tham gia vào hoạt động kinh doanh từ Nga tới Anh, từ Papua New Guinea tới Brazil, từ Hà Lan tới Úc. Usmanov thường nói rằng cổ phiếu trong lĩnh vực sắt thép là "mối tình đầu" của mình. Lời ví von này cho thấy con đường trở thành tỉ phú của Usmanov bắt đầu từ ngành sắt thép. Quả đúng vậy, khởi đầu từ sắt thép, Usmanov đã nhanh chóng trở thành tỉ phú hàng đầu nước Nga. Nhưng nhờ đâu mà một người từng trải qua 6 năm trong nhà tù lại có thể trở thành tỉ phú? Để tìm được câu trả lời, hãy trở về quá khứ.

Quá khứ đen

Sinh năm 1953 tại tỉnh Namangan, Uzbekistan trong một gia đình "có số má" thời Liên Xô còn hùng mạnh, Alisher Usmanov được học hành đến nơi đến chốn và từng tham gia vào các tổ chức thanh niên Cộng sản địa phương. Tuy nhiên, đến năm 1980 thì bi kịch ập đến. Chàng trai 27 tuổi Usmanov bị bắt và bị kết án 8 năm tù về tội gian lận và tống tiền. Theo website Centrasia.ru thì Usmanov cùng một người bạn là con trai của Phó giám đốc KGB Uzbekistan đã tống tiền một sĩ quan quân đội. Tòa án binh đã đưa hai người ra xét xử và kết quả là Usmanov, con của Phó tổng công tố Uzbekistan, phải thụ án tù tại một trại giam có tới 3.500 tù nhân, trong đó có nhiều người phạm tội hiếp dâm, giết người cùng một số nhân vật từng bị chính cha của Usmanov buộc tội.

Năm 1986, sau 6 năm thụ án, Usmanov được trả tự do sớm. Sau này, ông ta một mực nói rằng mình bị xử oan, rằng bi kịch đó là một đòn trả thù chính trị. Nói cách khác, ông ta là một tù chính trị. Vào năm 2000, Tòa tối cao Uzbekistan đã ra phán quyết phục hồi danh dự cho Usmanov, khẳng định rằng chuyện ông ta đi tù xưa kia là một án oan.

"Tôi đã bị vu cáo và mất 6 năm tuổi trẻ trong nhà tù, đó là kết quả của những cuộc đấu đá bên trong KGB. Sau đó, phải mất thêm 14 năm nữa thì tôi mới được phục hồi danh dự", Usmanov thổ lộ với Sunday Times.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng cảm với lời lẽ của ông ta cũng như phán quyết của Tòa tối cao Uzbekistan năm 2000. Một trong số đó là ông Craig Murray, cựu Đại sứ Anh tại Uzbekistan.

Vào ngày 2/9/2007, ông Murray đã đưa lên nhật ký trực tuyến một số ý kiến cá nhân về quá khứ của Usmanov. Theo ngài cựu đại sứ thì "ông ta (Usmanov) không phải là tù chính trị mà là kẻ cướp, một tên tống tiền đã chịu hình phạt 6 năm tù một cách thích đáng". Sau đó, đại diện pháp lý của Usmanov đã dọa đưa vụ việc này ra tòa và yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ nhật ký trực tuyến gỡ bài của ông Murray xuống. Tuy nhiên, những nhận định của Murray sau đó tiếp tục được đăng tải ở một số website khác khiến những lời xì xầm được dịp lan tỏa. Qua đó, người ta cũng được biết rằng trong thời gian làm đại sứ tại Uzbekistan từ năm 2002 đến 2004, ông Murray từng viết báo cáo về các vụ giao dịch "đáng ngờ" của Usmanov với Chính phủ Uzbekistan liên quan tới các hợp đồng khai thác dầu lửa, quặng... Từ thông tin trên, Hạ viện Anh đã đề nghị chính phủ nước này công bố các báo cáo của ông Murray. Tuy nhiên, đề nghị đã bị từ chối.

Báo Sunday Times vào ngày 7/10 cũng cho biết các luật sư của Công ty kim cương De Beers đã nộp đơn kiện lên một tòa án ở Denver, Colorado (Mỹ) với cáo buộc Usmanov đã gian lận trong cuộc tranh chấp tại một trong những mỏ kim cương lớn nhất thế giới.

Đến nay thì ý kiến của ông Murray vẫn chưa được chứng minh và những điều nêu trong hai bản báo cáo của ông này cũng chỉ mới được tiết lộ chút ít. Đơn kiện của De Beers thì vẫn còn nằm trong ngăn kéo của tòa án tại Mỹ. Còn Usmanov thì vẫn sống khỏe, với những dự án kinh doanh khổng lồ, với chiếc du thuyền sang trọng có chỗ đáp máy bay và với những trò chơi ngông của một đại tỉ phú.

(Theo ThanhNien)

 

Warren Buffet đầu tư vào đâu?

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Nếu phải đi tìm lời khuyên về đầu tư chứng khoán, có lẽ không ai có uy tín hơn người sáng lập và chủ nhân Công ty đầu tư Mỹ Berkshire Hathaway Warren Buffet.

Trong số những biệt hiệu mà mọi người dành tặng nhà đầu tư này, còn có biệt danh "Guru" - tức người có uy tín lớn.

Là người giàu thứ hai ở Mỹ chỉ sau Bill Gates, nhưng Buffet là người duy nhất trên thế giới trong số những người giàu nhất làm nên sự nghiệp chỉ qua bán và mua cổ phiếu.

Ông bắt đầu sự nghiệp trên thị trường chứng khoán từ năm 1965. Bất cứ ai bỏ vào công ty của ông khi đó chỉ 10.000 USD, hiện nay đã nhận được khoản lợi là 50 triệu USD.

Trả lời câu hỏi bí quyết may mắn của mình là đâu, Buffet nói ông chỉ đầu tư vào những công ty nào mà ông hiểu việc kinh doanh của nó. Mà còn gì đơn giản hơn việc làm ăn của công ty chuyên sản xuất Fruit & Loom hay Coca Cola hoặc Johnson & Johnson?

Hiện nay trong gói đầu tư của ông có 30 công ty. Mỗi lần xuất hiện một tên công ty mới hay một công ty nào đó rớt khỏi danh sách, sự kiện ấy lập tức được báo giới và thị trường bàn tán. Theo nguyên tắc, Buffet không bao giờ bình luận những quyết định đầu tư mình đang tiến hành. Trung bình mỗi năm một lần, ông mới tập trung cổ đông của mình để phân tích đánh giá của ông về thị trường, chỉ ra những xu hướng mới xuất hiện và trả lời vô số câu hỏi của những người phó thác đồng vốn cho ông đầu tư.

Nếu bạn muốn trở thành cổ đông của Berkshire Hathaway nhưng lại không có 136.475 USD thì với giá 4.534 USD (giá chứng khoán tuần trước) bạn có thể mua một cổ phiếu B. 30 cổ phiếu B sau đó có thể chuyển thành một cổ phiếu A. Nhờ đó bạn có thể làm quen với gói cổ phiếu đầu tư của Guru, theo dõi chúng và nếu có tiền, thì cũng có thể mua bán như chính Warren Buffet.

Trong những tháng gần đây, Buffet đã mở hai vị trí mới. Đó là Công ty sản xuất các bộ phận ôtô WABCO Holdings, Inc và CarMax Inc, mạng lưới bán ôtô lớn nhất Mỹ. Ngoài ra, ông còn tăng phần hùn vào Burlington Northern Santa Fe Corp (chuyên doanh đường sắt), Công ty Dow Jones & Co. Inc. (chuyên cung cấp thông tin tài chính và kinh doanh), Johnson & Johnson (mỹ phẩm và sản phẩm vệ sinh), US Bancorp и Wells Fargo & Company (ngân hàng).

(Theo Blonnet.com)

 

Coi "thương trường là cuộc chiến không súng đạn" và trong "cuộc chiến" ấy, Philip H Knight luôn tuyên chiến trước. Ngay từ khi mới thành lập công ty, ông đã đặt ra tầm nhìn đầy thách thức: "Chúng tôi muốn Nike trở thành một công ty cung cấp trang phục thể thao tốt nhất và vững mạnh nhất". Mặc dù có rất nhiều thay đổi bất ngờ trên đường đi, nhưng nhờ tập trung vào đích đến của mình, Knight đã làm cho Nike luôn đi đúng hướng.

Philip H. Knight - Tổng giám đốc của tập đoàn Nike

Theo đuổi tầm nhìn

"Vạn sự khởi đầu nan" - câu đó "vận" vào Knight chẳng sai chút nào. Như bao công ty khác, những ngày đầu của Nike cũng chìm trong nhiều mớ bế tắc. Đặt ra tầm nhìn chiến lược như vậy, nhưng bản thân Knight đã có lúc cảm thấy đau đầu khi nghĩ cách đạt đến tầm nhìn đó. Tất cả chỉ vì Knight "không có kế hoạch".

Sau một sai lầm vào giữa thập kỷ 80, Knight nhận ra rằng ông cần phải tập trung hơn. Thời điểm đó, Nike dẫn đầu ngành về giày điền kinh. Nhưng khi mốt thể dục nhịp điệu xuất hiện, Nike bị tụt hậu lại phía sau. Hóa ra, ông đã quên mất đối tượng khách hàng là phụ nữ. Trong khi đó, Reebok - đối thủ cạnh tranh của Nike đã tạo ra loại giày hấp dẫn mà không cần chất lượng cao và đến năm 1987, doanh số bán hàng của họ đã vượt Nike.

Cho đến tận bây giờ, Knight vẫn cảm thấy hậm hực cú "vượt mặt" đó, nhưng cũng chính điều đó cũng làm cho ông thức tỉnh. Ông đã phải trả một cái giá khá đắt, nhưng nếu tập trung hơn, ông tin rằng công ty ông có thể vượt qua Reebok một lần nữa. Knight biết rằng ông không chỉ muốn tạo ra một loại giày đẹp để cạnh tranh với Reebok mà bằng việc tập trung vào những điều ông đã vạch ra ngay từ đầu - tạo ra những đôi giày điền kinh chất lượng cao - cuối cùng ông sẽ thắng.

"Chúng tôi không thuộc ngành kinh doanh thời trang" - Wall Street Journal từng trích lời của Knight - "Chúng tôi trong ngành kinh doanh thể thao và đó là một sự khác biệt lớn". Knight đã tập trung và tổ chức lại công ty. Ngày nay, trước khi ra quyết định, Knight sử dụng phương pháp thống kê và nhóm tập trung. Ông vẫn chấp nhận mạo hiểm, nhưng là những mạo hiểm tập trung hơn và hướng đến việc giữ cho công ty luôn đi đúng hướng.

Năm 1989, Nike vượt qua Reebok, dẫn đầu ngày công nghiệp này. Điều đó được thực hiện bằng việc làm đúng với tầm nhìn của Knight về việc tạo ra những đôi giày điền kinh chất lượng tốt. Với việc duy trì tầm nhìn đó, công ty đã duy trì được vị trí dẫn đầu trong ngành luôn đầy rẫy các đối thủ cạnh tranh.

Cạnh tranh bằng bản năng

"Thể thao là tự nhiên, theo bản năng, cạnh tranh và bổ ích" - Knight nói - "Tất cả chúng tôi ở Nike cố gắng kiếm sống trong thế giới đó - một thế giới dễ dàng để tin tưởng". Knight đưa công ty bước vào thế giới cạnh tranh bằng chính bản năng của mình. Và ở đó, Nike tìm đến vị trí số 1.

"Mọi người đều muốn sự căng thẳng ở mức độ vừa phải thôi, nhưng đa số họ lại căng thẳng quá nhiều, trong khi tôi thì chẳng muốn quá ít". Nike nhấn mạnh vào tính cạnh tranh. Với Knight, "thương trường là cuộc chiến không có súng đạn" và ông rất nhiều lần nhất mạnh điều này. Khi Reebok bỏ tiền ra tài trợ cho toàn bộ thế vận hội Olympic Atlanta thì Nike chỉ tài trợ cho những vận động viên điền kinh hàng đầu nhưng kết quả, công ty của ông đã giành được thành quả có giá trị hơn nhiều.

Sự cạnh tranh cũng chính là động lực để Knight muốn ký hợp đồng với vận động viên golf tài năng Tiger Woods. Trong giải golf nghiệp dư của Mỹ, Knight đã nhanh chóng phát hiện ra rằng, bóng dáng của Woods bao trùm hết lỗ golf này tới lỗ golf khác. Ấn tượng với những gì mình nhìn thấy, Knight quả quyết: "Tôi mong là sẽ ký hợp đồng với cậu ấy". Knight muốn "sở hữu" Woods và không đối thủ nào khác có thể có được.

Thực tế, 3 ngày sau đó, mong ước của Knight đã trở thành hiện thực. 24 giờ sau khi Woods tổ chức một buổi họp báo để tuyến bố anh bỏ học đại học để tham gia vào Hiệp hội chơi golf chuyên nghiệp, Nike cũng thông báo Woods chính là người chứng thực mới nhất của công ty. Với khẩu hiệu "Xin chào, Woods", Woods đã ký với Nike bản hợp đồng chứng thực trong 5 năm, trị giá 40 triệu đô. Đó là một cái giá rất cao và nó đủ để "nâng" vận động viên này ra khỏi tầm với của các đối thủ cạnh tranh.

Nhưng, cũng chính bản năng cạnh tranh của Knight cũng có lúc đặt công ty vào thế rắc rối. Trong nỗ lực làm cho các mẫu quảng cáo của mình vượt trội, Knight từng tự đẩy mình vào khó khăn khi ở thế vận hội năm 2000, công ty đưa ra quảng cáo trong đó một kẻ sát nhân với một dây xích đang chạy sau vận động viên Olympic Suzy Favor Hamilton. Quảng cáo này đặt ra câu hỏi: "Tại sao lại là thể thao?" - "Bởi vì bạn sẽ sống lâu hơn" - Hamilton trả lời. Những nhà điều hành mạng lưới truyền hình đã không thể cười được trước quảng cáo này, và các cổ động viên cũng thế. Knight đã thừa nhận rằng nó đúng là một "quả bom" trên truyền hình, nhưng ông cũng thêm vào "thế nhưng nó lại là quảng cáo được mọi người tải về nhiều nhất trong năm".

Hiện nay, Knight không trực tiếp điều hành công ty hàng ngày nữa, nhưng người ta vẫn cảm thấy sự hiện diện của ông ở khắp công ty. Nike sở hữu 25% thị trường giày điền kinh - nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác - nhưng Knight vẫn đang tiếp tục tìm cách để ngự trị các thị trường mới và các sản phẩm tiến bộ để vượt xa các đối thủ cạnh tranh.

Sẵn sàng phạm tội để có giày Nike

Từ những năm 1980, khi thị phần của Nike tiếp tục tăng lên thì những lời chỉ trích chống lại công ty cũng gia tăng với tỉ lệ thuận. Dù nó chĩa trực tiếp vào Knight hay chống lại công ty nói chung thì sự chỉ trích chưa bao giờ và chẳng bao giờ là dễ nghe cả.

"Mọi người đều muốn sự căng thẳng ở mức độ vừa phải thôi, nhưng đa số họ lại căng thẳng quá nhiều, trong khi tôi thì chẳng muốn quá ít" - Philip H Knight.

Trong cuốn sách của Michael Moore vào năm 1997 có tựa đề "Downsize this", Knight được tác giả xếp vào hạng "Kẻ lừa gạt tổ chức". Lời chỉ trích này xuất hiện sau cuộc phát giác mà trong đó, người ta cho rằng rất nhiều sản phẩm của Nike được sản xuất dưới những điều kiện lao động rất khắc nghiệt. Trong các nhà xưởng ở Indonesia, những người phụ nữ đang mang thai, thậm chí cả những em gái chừng 14 tuổi phải cật lực khâu giày cho các công ty để kịp hợp đồng sản phẩm với Nike. Moore đã gặp Knight để đề nghị phỏng vấn CEO của Nike.

Không ngại đối mặt với thách thức, Knight đã nhận lời nói chuyện với Moore. Trong cuộc phỏng vấn, Knight nhấn mạnh với Moore rằng nếu ông ta sẵn sàng đầu tư vào việc xây dựng một nhà máy ở Mỹ mà có thể đáp ứng được chất lượng và giá giày như là sản xuất ở nước ngoài, thì Nike sẽ mua giày từ ông ta.

Không chỉ vậy, chính khẩu hiệu cũng đã từng tạo ra sự ầm ĩ cho công ty. Giới trẻ vị thành niên ở Mỹ trong các thành phố đã thừa nhận họ đã phải ... phạm tội để có thể chạm tay tới đôi giày của Nike - khi đó có giá khoảng 100 đô la. Báo chí cho rằng khẩu hiệu "Just do it" - "Làm ngay đi" của Nike là một sự "bào chữa" cho việc phạm tội, đặc biệt khi rất nhiều chiến dịch quảng cáo của công ty tập trung vào trẻ con sống trong những khu nhà ổ chuột ở Mỹ.

Tuy nhiên, Knight không bao giờ bị "đánh lạc hướng". Ông tiếp tục theo đuổi thương hiệu quảng cáo đến cùng và chỉ đáp lại bằng câu nói "Hoạt động doanh nghiệp của chúng tôi không khác với của các đối thủ cạnh tranh. Nhưng chúng tôi lớn hơn, và chúng tôi hữu hình hơn, vì thế chúng tôi có được nhiều nhân viên chuyên về quảng cáo hơn".

Knight không chỉ làm tan cơn bão chỉ trích ông mà nhiều lần Knight còn đưa ra tranh luận để tạo ra sự chú ý. Theo Knight, bất kì nhân viên PR nào cũng là nhân viên PR giỏi. Nike cũng ký với vận động viên Dennis Rodman và Charles Barkley - những vận động viên vừa nổi tiếng vì thành tích xuất sắc cũng như tai tiếng vì thái độ ngang ngạnh của họ.

Trong suốt thời kỳ làm tổng giám đốc một công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp sản xuất giày điền kinh, Knight luôn đứng vững cho dù bị tấn công rất nhiều mặt. Thường khuấy động các cuộc tranh cãi bằng cách làm riêng của mình, Knight đã chứng tỏ mình là một người hăng hái và dám đi "ngược dòng" với những thứ được thiết lập sẵn.

(Theo LanhDao)

 

Đầu tư giá trị theo cách của Warren Buffett

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Warren Buffett đôi khi thể hiện một vài trường phái đầu tư khác như đầu tư giá trị chủ động (mua cổ phần nhiều để nắm quyền quản lý công ty), đầu tư theo chiến lược ngắn hạn, nhưng về cơ bản, ông vẫn là một nhà đầu tư giá trị.

Nguyên tắc đầu tư quan trọng nhất của ông là tìm mua và nắm giữ lâu dài cổ phiếu của những công ty tốt và đang có thị giá thấp hơn giá trị nội tại.

Khoảng cách giữa hai giá trị này càng cao thì biên độ an toàn càng lớn và lợi nhuận thu về trong tương lai càng cao. Với nguyên tắc này, Warren Buffett đã làm cho tài sản của Quỹ Đầu tư Berkshire Hathaway sinh sôi nảy nở gấp 5 lần chỉ số S&P 500.

Tiền đầu tư dài hạn

Theo Warren Buffett, khi đầu tư chúng ta không mua cổ phiếu mà mua quyền sở hữu công ty, và được hưởng những gì công ty đó đem lại trong tương lai. Nếu chọn đúng công ty tốt, lợi nhuận cao, chúng ta sẽ sở hữu những "máy in tiền" với số tiền này ngày càng lớn. Để hưởng được thành quả tuyệt vời này, điều đầu tiên và quan trọng là khoản tiền đầu tư theo chiến lược này phải là tiền dài hạn.

Có một số nhà đầu tư, ban đầu cũng tính đầu tư "dài hơi", nhưng khi thấy giá cổ phiếu tăng mạnh so với giá mua đã bán ra để thu lợi nhuận và bị lôi cuốn vào những chiến lược đầu tư ngắn hạn. Theo tác giả, đã đến lúc nhà đầu tư chia tiền của mình để đầu tư theo 2 - 3 trường phái khác nhau và kiên định với từng trường phái đã chọn. Nếu quá linh hoạt thì chúng ta sẽ không bao giờ có danh mục đầu tư giá trị dài hạn.

warrent.jpg

Nguyên tắc đầu tư quan trọng nhất của Warren Buffett là tìm mua và nắm giữ lâu dài cổ phiếu của những công ty tốt và đang có thị giá thấp hơn giá trị nội tại.

Hiểu rõ về ngành kinh doanh chính

Warren Buffett chỉ đầu tư vào công ty hoạt động trong những ngành kinh doanh mà ông hiểu rất rõ. Là bạn thân của Bill Gates, nhưng ông không đầu tư vào Microsoft với lý do đơn giản là ông không hiểu về ngành công nghệ thông tin.

Vậy, trước khi ra quyết định đầu tư vào công ty, bạn hãy tự kiểm tra lại kiến thức và sự hiểu biết của mình về những ngành kinh doanh chính của công ty, những nguyên nhân để thành công trong ngành, sự phát triển cũng như rủi ro của ngành.

Hiểu thật rõ về công ty

Warren Buffett chỉ đầu tư vào những công ty mà ông hiểu rất rõ hoạt động của nó. Và ông nghiêng về những công ty có hệ thống hoạt động đơn giản, dể hiễu. Warren Buffett đặc biệt quan tâm đến năng lực và đạo đức của ban lãnh đạo, các nhà quản lý của công ty. Nếu không tin tưởng vào ban quản lý, thì ông nhất định không đầu tư, dù con số lợi nhuận hay những chỉ số khác là hấp dẫn.

Là nhà đầu tư giá trị, chúng ta cũng phải học cách làm việc này của ông. Chúng ta phải nghiên cứu mọi thứ về công ty: cách vận hành, quản lý, tình hình kinh doanh, hướng phát triển của công ty mà chúng ta sắp đầu tư. Xin nhớ rằng, chúng ta đầu tư và sở hữu một phần công ty, chứ không phải mua và bán lại cổ phiếu trong thời gian ngắn.

Nghiên cứu những chỉ số tài chính

Warren Buffett đã từng nói: "Để là nhà đầu tư thành công, chúng tôi đọc hàng trăm, hàng trăm báo cáo thường niên của các công ty". Đây là điểm tạo ra sự khác biệt lớn giữa ông và các nhà đầu tư khác. Khi đọc các báo cáo, Warren Buffett đặc biệt quan tâm đến những chỉ số, những vấn đề sau:

- Tốc độ tăng trưởng trong quá khứ và hiện tại. Đây là một trong những cơ sở để dự đoán sự tăng trưởng của công ty trong tương lai.

- Tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư. Warren Buffett đặc biệt quan tâm đến chỉ số này và ông chỉ đầu tư vào những công ty tạo ra mức lợi nhuận trên vốn đầu tư cao.

- Tỷ số nợ/vốn; lợi nhuận/nợ. Giả sử lợi nhuận không đạt được mức kỳ vọng, công ty có khả năng trả được những món nợ đến hạn không?

- Tái đầu tư. Warren Buffett rất quan tâm đến việc tái đầu tư. Theo ông, nếu công ty kinh doanh hiệu quả, đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao thì công ty nên giữ phần lớn lợi nhuận lại để tái đầu tư, thay vì đem chia cổ tức hết. Khi đó, công ty sẽ trở thành một "máy in tiền" với tốc độ ngày càng cao nhờ hiệu ứng tuyệt vời của lãi suất kép.

Chọn thời điểm mua

Dựa vào những nguyên tắc và tiêu chí nói trên, chúng ta nhắm sẵn cổ phiếu tốt. Vấn đề quan trọng là "chờ sẵn" để cổ phiếu đó được thị trường định giá thấp, thị giá thấp hơn giá trị nội tại. Warren Buffett thường chờ và ra quyết định mua khi thị trường vào giai đoạn điều chỉnh, hay khi thị trường đi xuống, đặc biệt là khi thị trường sợ hãi, lúc đó sự sợ hãi ảnh hưởng đến mọi cổ phiếu.

Nhiệm vụ của nhà đầu tư giá trị theo phong cách Warren Buffett là phải xác định cho được cổ phiếu tốt có thị giá thấp hơn giá trị nội tại. Điều quan trọng chúng ta cần phải nhớ là cổ phiếu tốt nhưng giá không hời, và cổ phiếu giá hời nhưng "chất lượng" không tốt thì không phải là đối tượng đầu tư tốt. Chỉ có cổ phiếu tốt, giá hời mới là đối tượng đầu tư đúng theo chiến lược đầu tư giá trị.

(Theo DauTu)

 

Doanh nhân trẻ châu Á được thời

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Trước đây, phần lớn những người châu Á trẻ tuổi tới Mỹ học đều muốn ở lại quốc gia này để lập nghiệp. Tuy nhiên, không phải không có những ngoại lệ.

Sau khi lấy bằng MBA ở Harvard vào năm 1999, Bo Shao trở lại Trung Quốc và thành lập trang web EachNet, một trang đấu giá kiểu như eBay.

“Trong số 11 người Trung Quốc đại lục học cùng lớp với tôi ở Harvard, chỉ có mỗi mình tôi là quay lại Trung Quốc, những người khác đều xin ở lại Mỹ”, ông nói.

Nhưng sau đó, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Những quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu của thung lũng Silicon đã tới Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác để đầu tư cho giấc mơ doanh nhân của những người trẻ ở châu lục này.

Shao cho biết, do đó, hiện nay, thật khó để tìm những người châu Á học ở nước ngoài mà lại không muốn về nước làm việc. Những người đồng hương học cùng lớp với anh ở Harvard ngày nào cũng đều đã quay lại Trung Quốc.

“Tôi dám khẳng định rằng, phần lớn những sinh viên Trung Quốc ở các khóa sau chúng tôi hiện cũng đã làm việc ở quê nhà”, Shao nói. Một trong những lực hấp dẫn chính là thành công của Shao.

Sau khi thành lập EachNet vào năm 1999, anh bán lại một phần của công ty cho eBay với giá 30 triệu USD vào năm 2002, rồi sau đó, bán phần còn lại với giá 150 triệu USD vào năm 2003. Nhiều doanh nhân trẻ khác của châu Á cũng đang mơ ước làm được điều tương tự.

Với môi trường đầu tư của châu lục được cải thiện, các doanh nhân trẻ châu Á đang rơi vào tầm ngắm của những quỹ đầu tư của Mỹ. Dave Furneaux, Tổng giám đốc quỹ Kodiak Venture Partners có trụ sở tại Massachussett, cho biết, quỹ đầu tư với 700 triệu USD của ông đã làm ăn ở châu Á trong vòng hơn 15 năm nay.

Vào thập niên 1990, quỹ này tập trung đầu tư vào các công ty mới mở của những doanh nhân châu Á nhập cư vào Mỹ. Họ là những người đã từng học đại học tại Mỹ, làm việc cho các công ty Mỹ rồi tách ra thành lập công ty riêng. Nhưng về sau, quỹ đã đặt trọng tâm vào các công ty tại châu Á, vì những người như Shao đã quyết định hồi hương và lập công ty ở trong nước.

Mặt khác, ở châu Á hiện còn đang hình thành một lớp doanh nghiệp mới, không chỉ dựa trên mức chi phí thấp của châu lục này, mà còn dựa trên cơ sở cung cấp những giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề.

John Hummelstad, giám đốc khu vực của quỹ đầu tư công nghệ của Microsoft tại châu Á-Thái Bình Dương, cho biết, ông ấn tượng trước sự năng động của các doanh nhân Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á.

Chẳng hạn, ở Ấn Độ, nhiều công ty phần mềm đang sáng tạo ra những sản phẩm riêng của họ và sẽ giành được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới.

“Trước đây, họ gia công cho các công ty nước ngoài, nhưng hiện nay họ đang tiến xa hơn với việc phát triển các sản phẩm của riêng mình”, ông Hummelstad nói.

Nhưng tiền không phải là vấn đề duy nhất. Tại một số quố gia châu Á, các doanh nhân trẻ vẫn phải đối mặt với một số rào cản văn hóa. Hsu Ta-Lin, Chủ tịch quỹ đầu tư H&Q Asia Pacific, là người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc đầu tư cho các doanh nghiệp mới thành lập ở khu vực. Mới đây, ông tới Tokyo và gặp gỡ với một số doanh nhân trẻ ở đây.

Những doanh nhân trẻ người Nhật này cho Hsu biết, văn hóa nước họ không ủng hộ việc những người trẻ mở doanh nghiệp riêng và cho rằng, họ nên vào làm việc cho những tập đoàn lớn.

“Những doanh nhân trẻ Nhật Bản đã cố gắng rất nhiều, nhưng họ biết, việc phát triển doanh nghiệp mới ở Nhật là một việc khó được người Nhật hưởng ứng”, ông Hsu nói.

Do đó, các quỹ đầu tư vẫn tiếp tục tìm kiếm những doanh nhân mới ở những khu vực khác của châu Á, nơi mở công ty mới được dễ dàng chấp nhận hơn.

Bà Munce, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm của IBM, cho biết, ở Bắc Kinh hiện có khoảng 6.000 công ty được các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn, so với mức gần như con số 0 cách đây 5 năm.

Trên thực tế, việc có quá nhiều các quỹ đầu tư mạo hiểm muốn có một phần trong “chiếc bánh” doanh nghiệp trẻ ở Trung Quốc đã khiến việc tìm kiếm các công ty mới để đầu tư ngày càng khó khăn hơn. Đây là thông tin tốt lành đối với các công ty Trung Quốc, những không phải là tín hiệu vui đối với các nhà đầu tư.

Đó chính là lý do tại sao những quốc gia như Việt Nam lại đang trở thành cơ hội hấp dẫn cho các quỹ đầu tư. Bà Munce cho rằng, Việt Nam đang đi theo con đường của Trung Quốc trong việc hấp dẫn các quỹ đầu tư và khuyến khích hoạt động doanh nghiệp.

Mặc dù IBM hiện vẫn chưa đầu tư vào Việt Nam, bà Munce cho biết: “Việt Nam đã hấp dẫn tôi xem xét kỹ hơn về quốc gia này. Tôi đã thấy có nhiều quỹ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở đó”.

(Theo VnEconomy)

 

Những tỷ phú hào phóng nhất thế giới

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Tháng 6/2006, ông trùm giới đầu tư chứng khoán đã công bố kế hoạch chuyển 31 tỷ USD từ tài sản riêng vào Quỹ Bill & Melinda Gates, do ông chủ tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft sáng lập. Đây thực sự là một tin gây chấn động thế giới, cũng như cộng đồng các nhà hảo tâm, và có tác dụng lôi kéo, khuyến khích nhiều người tham gia công tác từ thiện.

Năm 2007, một tỷ phú khác - Jon Huntsman, Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn hoá chất Huntsman - cũng đã khiến thế giới phải sửng sốt khi tuyên bố dành 723 triệu USD cho hoạt động từ thiện, trong đó phần lớn là cho các hoạt động liên quan đến việc phòng chống và hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Lý do là mẹ, mẹ kế và bố ông đều qua đời do ung thư.

Mỗi người một lý do riêng, nhưng tất cả các nhà hảo tâm đều hướng đến mục đích duy nhất là hỗ trợ cộng đồng, vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Dưới đây là chân dung những tỷ phú hào phóng nhất thế giới, do tạp chí Business Week tổng hợp dựa trên số liệu của GuideStar, Chuyên san bác ái (The Chronicle of Philanthropy), Trung tâm từ thiện của Đại học Indiana (Mỹ) và tạp chí BusinessWeek.

1. Warren Buffett

CEO của Tập đoàn tài chính Berkshire Hathaway

Số tiền đã hoặc cam kết thực hiện trong thời gian 2003-07: 40.650 triệu USD
Lĩnh vực: Y tế, giáo dục và nhân đạo
Tổng số tiền từ thiện cả đời (dự kiến)*: 40.780 triệu USD
Tổng tài sản ròng (hiện tại)**: 52.000 triệu USD
Tỷ lệ tiền từ thiện trên tổng tài sản: 78%

Warren Buffett hiện là người giàu thứ 3 thế giới, sau Bill Gates và Carlos Slim. Ông vừa bị tỷ phú truyền thông Mexico Carlos Slim chiếm vị trí số 2 trong năm nay.

2. Bill và Melinda Gates

Đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft

Số tiền đã hoặc cam kết thực hiện trong thời gian 2003-07: 3.519 triệu USD
Lĩnh vực từ thiện: Y tế, phát triển và giáo dục
Tổng số tiền từ thiện cả đời (dự kiến)*: 28.144 triệu USD
Tổng tài sản ròng (hiện tại)**: 59.000 triệu USD
Tỷ lệ tiền từ thiện trên tổng tài sản: 48%

Đôi vợ chồng giàu có và hảo tâm này đã cùng nhau lập ra Quỹ Bill & Melinda Gates, tập trung vào các hoạt động xoá đói giảm nghèo và nghiên cứu tìm ra phương thuốc chữa bệnh AIDS. Đây là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, với ngân sách 31 tỷ USD, và dự kiến sẽ tăng gấp đôi sau khi nhận đủ số tiền ủng hộ của tỷ phú Warren Buffett.

3. George Kaiser

Chủ tịch Tập đoàn tài chính BOK

Số tiền đã hoặc cam kết thực hiện trong thời gian 2003-07: 2.271 triệu USD
Lĩnh vực từ thiện: Xoá đói giảm nghèo ở tiểu bang Oklahoma của Mỹ
Tổng số tiền từ thiện cả đời (dự kiến)*: 2.522 triệu USD
Tổng tài sản ròng (hiện tại)**: 11.000 triệu USD
Tỷ lệ tiền từ thiện trên tổng tài sản: 23%

Kaiser cho biết có thể ông sẽ dành toàn bộ tài sản cá nhân cho hoạt động từ thiện.

4. George Soros

Nhà đầu tư tài chính

Số tiền đã hoặc cam kết thực hiện trong thời gian 2003-07: 2.109 triệu USD
Lĩnh vực từ thiện: Các tổ chức xã hội
Tổng số tiền từ thiện cả đời (dự kiến)*: 6.401 triệu USD
Tổng tài sản ròng (hiện tại)**: 8.800 triệu USD
Tỷ lệ tiền từ thiện trên tổng tài sản: 73%


Mỗi năm nhà đầu tư Soros đều ủng hộ trên dưới 400 triệu USD cho hoạt động từ thiện, thông qua các quỹ từ thiện của ông. Ngoài ra, năm 2005, ông đã ủng hộ 200 triệu USD cho Central European University, trường ông đã giúp thành lập vào năm 1991 tại thủ đô Budapest của Hungary. Ông là người gốc Do Thái, sinh ra ở Hungary, di cư sang Anh và thành danh ở Mỹ.

5. Gordon và Betty Moore

Đồng sáng lập ra Tập đoàn Intel

Số tiền đã hoặc cam kết thực hiện trong thời gian 2003-07: 2.067 triệu USD
Lĩnh vực từ thiện: Môi trường, khoa học, khu vực Vịnh San Francisco
Tổng số tiền từ thiện cả đời (dự kiến)*: 7.404 triệu USD
Tổng tài sản ròng (hiện tại)**: 4.500 triệu USD
Tỷ lệ tiền từ thiện trên tổng tài sản: 165%


Cặp vợ chồng tỷ phú này đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Năm 2001 họ đã ủng hộ 5 tỷ USD vào Quỹ Moore, chuyên tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu nhằm mục đích cuối cùng là bảo vệ môi trường, đặc biệt là khu vực Vịnh San Francisco. Tỷ lệ phân bổ ngân sách của quỹ này như sau: khoảng 50% dành cho các chương trình bảo vệ nguồn lợi, 30% cho hoạt động nghiên cứu khoa học, và 20% cho các chương trình liên quan đến Vịnh San Francisco.


(Theo Business Week)

 

Nước mắt của các tỷ phú

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Sống trên đống tiền, nhưng không ít gia đình tỷ phú đang chia bè rã cánh và quay lại đối đầu nhau liên tục qua nhiều thế hệ. Đối thủ của họ không ai khác chính là anh chị em ruột hay họ hàng thân thuộc của nhau...

Với những dòng họ giàu có sau đây, có lẽ thế giới không đủ khả năng về tài chính để thuyết phục họ từ bỏ mối cừu hận ngay trong mỗi gia đình. Thay vì tay bắt mặt mừng, họ lại thường xuyên đưa cha mẹ, anh chị em hay họ hàng thân thuộc của mình ra... tòa.

Tỷ phú Thomas Pritzker. Ảnh: Forbes.

Nổi bật nhất trong số các gia đình tỷ phú thường “choảng” nhau là dòng họ Pritzker, chủ tập đoàn khách sạn Hyatt lừng danh. Hơn thập kỷ qua, đại gia đình này thường xuyên kéo nhau ra tòa chỉ vì mỗi khoản thừa kế. Năm 2002, Liesel Pritzker, khi ấy còn đang theo học Đại học Columbia, đã bỏ ra ngót... 6 tỷ USD để kiện ông anh cùng cha khác mẹ Thomas Pritzker và 11 anh em chú bác ruột của mình về tội cướp quỹ của cô và anh trai Matthew.

Cuối cùng, cuộc chiến đã dẫn đến việc chia năm xẻ bảy gia sản. Trong khi Thomas Pritzker có tên trong danh sách 400 tỷ phú giàu nhất thế giới do Tạp chí Forbes bầu chọn thì Liesel và Matthew chỉ nhận được mỗi người 500 triệu USD. Rồi mới đây, cô con gái 19 tuổi của Thomas Pritzker cũng đưa... cha mình cùng hơn chục thành viên khác của gia đình ra trước vành móng ngựa. Trước đó, một thành viên gạo cội cùng người vợ thứ 5 của ông cũng đã kiện cậu con trai vì tội chiếm đoạt tài khoản gia đình...

Anna Nicole Smith kiện đến chết mới thôi. Ảnh: DailyCeleb.

Dư luận Mỹ vẫn chưa quên một trong những vụ kiện hết sức ly kỳ giữa cựu vũ nữ thoát y Anna Nicole Smith và người thừa kế dòng họ Marshall. Trong suốt hơn thập kỷ, cuộc chiến giành tài sản giữa cô với E. Pierce Marshall - người con trai duy nhất của ông chồng muộn, tỷ phú dầu mỏ J. Howard Marshall - đã khiến hao tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Thế nhưng, dường như tất cả đều đã an bài với mối cừu hận này khi cả E. Pierce Marshall và Smith đều lần lượt từ giã cõi đời trong những tháng liền nhau. Phần tài sản khổng lồ này cuối cùng thuộc về một người xa lạ là con gái của Smith và vị luật sư luôn sát cánh bên cô theo đuổi vụ kiện...

Gần đây nhất lại có cuộc chiến giữa người phụ nữ quyền lực thứ 78 ở Mỹ, Marilyn Carlson Nelson và con trai bà, Curtis Nelson - người giàu thứ 204 thế giới. Hiện Marilyn đang nắm quyền điều hành Carlson - công ty du lịch có tài sản trị giá 37 tỷ USD do cha bà sáng lập. Quý tử của Marilyn đã buộc tội bà và công ty Carlson vì thuyên chuyển công việc không đúng luật, khiến anh ta từ vị trí giám đốc trở thành một viên chức nhỏ của công ty. Theo anh ta, đây là việc làm không công bằng và sai luật, trong khi từ lâu anh ta hy vọng sẽ trở thành người đứng đầu công ty. Curtis Nelson còn khẳng định rằng bà còn nợ anh nhiều khoản tiền chưa trả từ phí công tác cho đến những tổn thất do mất việc...

Sau khi ly hôn với người vợ thứ 4 là Baron Thyssen - Bornemisza, tỷ phú Thụy Sĩ Baron Bornemisza - một trong những nhà sưu tập tranh nghệ thuật lớn nhất thế giới - đã ký biên bản vào năm 1983 để phân chia tài sản trị giá 2 tỷ USD cho người con trai tên Georg. Tuy nhiên, hơn 2 thập kỷ sau, ông và người vợ thứ 5 là Carmen “Tita” Cervera - cựu hoa hậu Tây Ban Nha - đã kiện ngược trở lại con trai mình.

Cuộc chiến pháp lý suốt 3 năm tiêu tốn hơn 60 triệu USD cuối cùng đã kết thúc vào đầu năm 2002 sau khi Baron mời cả “gia đình Thụy Sĩ” của ông đến tại biệt thự ở Madrid để làm các thủ tục thay đổi và bổ sung. Và ông đã chết vài tháng sau đó. Tài sản để lại trị giá hơn 2 tỷ USD đã được chia cho 4 người con, bà vợ góa và con trai của bà...

Đôi khi cuộc chiến pháp lý gia đình lại ánh lên “màu sáng bạc” khi dao thép chạm nhau, như trường hợp anh em nhà Ambani ở Ấn Độ. Không thể kéo dài sự nín nhịn lâu thêm được nữa, Mukesh và Anil Ambani đã bắt đầu công khai cuộc chiến gia đình hồi cuối 2004 để giành quyền kiểm soát hãng Reliance Industries - một trong những công ty hàng đầu của Ấn.

Để tránh một cuộc đối đầu huynh đệ tương tàn, vào cuối năm 2005, bà mẹ Kokilaben đã buộc phải ra trước tòa định giá phân chia tài sản theo thứ tự thừa kế khoảng 7 tỷ USD. Nhưng chỉ 2 năm sau, vào tháng 3/2007, Mukesh trở thành chủ sở hữu 20,1 tỷ USD, xếp thứ 14 trong danh sách những người giàu nhất thế giới; trong khi Anil Ambani có 18,2 tỷ, xếp thứ 18...

Mặc dù “gà cùng một mẹ” có thể đá nhau, nhưng sự đau đớn, tủi nhục đôi khi cũng có thể xảy đến cho cả các đấng sinh thành chỉ mỗi vì tiền. Đó là trường hợp của tỷ phú Sumner Redstone. Ly hôn sau 52 năm chung sống với người vợ cũ, tháng 11/2006 ông đi thêm bước nữa với một phụ nữ 40 tuổi. Đầu năm nay, ông bị người con trai tên Brent kiện ra tòa, và cả đứa cháu nội là Michael cũng vừa đưa ông ra trước vành móng ngựa với lý do vì ông chỉ chia cho Brent 240 triệu USD, trong khi lại “quên mất” phần thừa kế của đứa cháu nội.

(Theo NLD)

 

Ông chủ Samsung và những bê bối

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Không khác những người sáng lập Tập đoàn Hyundai hay Daewoo của Hàn Quốc, Chủ tịch của Samsung, ông Lee Kun-hee cũng đang gặp rắc rối với pháp luật.

Ông Lee Kun-hee. Ảnh: Newsweek.

Trong nhiều thập kỷ qua, những huyền thoại cùng những bê bối tài chính đi kèm đã gần như trở thành quy luật nghiệt ngã với các tập đoàn công nghiệp tên tuổi của Hàn Quốc như Hyundai, Daewoo và hiện nay là Samsung. Những nhà sáng lập hoặc có công tạo dựng được một thương hiệu nổi tiếng này gần như đều khởi đầu từ con số không nhưng sau khi lên đến đỉnh cao lại gặp rắc rối với pháp luật.

Trên thực tế, những tập đoàn công nghiệp mạnh của Hàn Quốc đều nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ chính phủ nhằm tạo ra những ngành công nghiệp sống còn cho đất nước. Trong thời kỳ 1960 - 1970, Tổng thống Park Chung-hee đã thực thi chính sách ưu đãi gần như tuyệt đối cho công ty trong nước. Khi đó, hàng hóa bên ngoài, đặc biệt là hàng điện tử, ôtô gần như bị cấm nhập khẩu vào Hàn Quốc; nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích chuyển giao công nghệ. Quan điểm này vẫn tồn tại đến ngày nay.

Tuy nhiên, khi được bảo trợ, lãnh đạo các tập đoàn này đã lạm dụng quyền ưu đãi dẫn đến những bê bối sau khi họ đã trên đỉnh vinh quang. Ngày 5/10 vừa qua, Samsung chính thức bị tố cáo hối lộ, lập quỹ đen với số tiền lên tới cả tỷ USD. Theo tố cáo của cựu Trưởng ban cố vấn pháp lý của Samsung Kim Yong-cheol - tập đoàn này đã lập ra khoảng 1.000 tài khoản do các nhân viên tin cậy đứng tên. Cũng theo tố cáo, Samsung đã hối lộ hàng chục quan chức (trong đó có người của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế quốc gia) để thoát được những vụ bê bối tài chính trước đây với số tiền hàng nghìn USD mỗi lần. Samsung phủ nhận tố cáo của ông Kim. Tuy nhiên, vào hôm qua, Viện Kiểm sát Seoul đã vào cuộc điều tra vụ bê bối quỹ đen của Samsung.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên của Samsung cũng như Chủ tịch Lee Kun-hee. Năm 2002, Samsung cũng đã bị tố cáo lập nhiều quỹ đen với tổng số tiền hàng tỷ won dưới dạng trái phiếu nhưng sau đó cuộc điều tra đã bị đình lại vì số tiền trên là một phần trong quỹ cá nhân của Chủ tịch Lee. Năm 2005, Samsung bị pháp luật xử vì tội đã nâng giá ảo với chip máy tính trong thời kỳ 1999 - 2002 để thu lợi bất chính và hòng bóp chết các đối thủ cạnh tranh. Samsung đã bị phạt 345 triệu USD.

Đến năm 2005, tai họa dồn dập đổ xuống gia đình họ Lee, Chủ tịch Lee bị Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) tố cáo đã tài trợ bất hợp pháp 5 triệu USD cho ứng cử viên tổng thống Lee Hoi-chang trong cuộc bầu cử 1997. Tuy nhiên, cuộc điều tra đã không được mở vì vụ án đã hết thời hiệu truy cứu. Tiếp đó, Lee lại bị tố cáo đã chuyển bất hợp pháp một khối lượng khổng lồ tài sản của Samsung cho con trai là Lee Jae-yong. Chuyện này đã xảy ra vào tháng 10/1996 khi Samsung Everland, khu giải trí lớn nhất Hàn Quốc, phát hành 1,28 triệu bản khế ước thay đổi với giá 7.700 won một khế ước. Trong khi giá trên thị trường là 85.000 won một cổ phần.

Người con trai Lee Jae-yong đã mua gần như trọn gói số khế ước này và nhanh chóng chuyển thành cổ phiếu để trở thành cổ đông chính của Samsung Everland với số vốn khoảng 52%. Đến tháng 3/1997, Samsung Electronics cũng phát hành 60 tỷ won khế ước và gia đình Chủ tịch Lee cũng kiếm được 45 tỷ ( tương đương với 45 triệu USD) bằng con đường tương tự.

Tháng 9/2005, do không chịu nổi áp lực của dư luận, Chủ tịch Lee đã sang Mỹ với lý do chữa bệnh và tới tháng 2.2006 mới trở về quê hương. Trong thời gian này, khi cô con gái Lee Yoon-huyn chết (được công bố là tự tử), ông Lee cũng không thể về Hàn Quốc để đưa tang con.

Điều mà người ta quan tâm nhất hiện nay là liệu Samsung có sụp đổ nếu như gia đình Chủ tịch Lee vướng vào vòng lao lý vì những cáo buộc tham nhũng, hối lộ vừa qua. Đến thời điểm hiện nay, theo xếp hạng của Tạp chí Forbes, tài sản của gia đình Chủ tịch Samsung có khoảng 3,4 tỷ USD, xếp hạng thứ 314 trong số những người giàu nhất thế giới (2007). Điều đáng nói là tương lai của gia đình Chủ tịch Samsung có vẻ sẽ không ổn không phải chỉ vì chuyện tố cáo vừa qua mà lại là chuyện tài chính.

Hiện tại, Samsung hoạt động trên 7 lĩnh vực chính là điện tử, chứng khoán, bảo hiểm, hóa dầu, công nghiệp nặng, cơ khí máy móc và giải trí. Trong số các lĩnh vực này, Samsung Everland (công viên giải trí) trên danh nghĩa là một chi nhánh của Samsung nhưng thực chất là công ty của gia đình Chủ tịch Lee Kun-hee.

Trong Samsung Electronics, tổng tài sản của gia đình họ Lee chỉ chiếm 3,3%, nhưng thông qua Everland, gia đình này đã nắm đến 16% cổ phần bởi vòng tròn khép kín trong các hoạt động tài chính, kinh doanh của Samsung: Samsung Everland có 19% cổ phần trong Samsung Life (bảo hiểm), mà công ty này lại có 34,5% cổ phần trong Samsung Credit, 7,2% trong Samsung Electronics.

Tiếp đó, Samsung Electronics lại là nhà đầu tư chủ yếu cho Samsung Credit, rồi công ty này lại quay lại đầu tư 25% vốn cho Samsung Everland. Do vậy, nếu trong hệ thống này có một công ty gặp sự cố thì sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống. Điểm yếu này của Samsung đã được James P.Rooney, CEO của Công ty đầu tư Market Force, nhận xét: "Một số công ty của Samsung hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống của Samsung đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm khi chúng đang được treo trên những sợi dây hết sức mong manh".

Từ năm 1994, Chủ tịch Lee Kun-hee đã bỏ ít nhất 3 tỷ USD cho một dự án liên doanh sản xuất ôtô. Tuy nhiên, liên doanh này gần như bị phá sản bởi cơn khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực năm 1997. Năm 1999, để trả 2,5 tỷ USD nợ cho dự án ôtô này (hiện vào khoảng 4,7 tỷ USD cả gốc lẫn lãi), Lee đã phải bán 3,5 triệu cổ phần trong Samsung Life cho các chủ nợ. Tháng 12/2005, các chủ nợ (sở hữu 17% Samsung Life) đã kiện Chủ tịch Lee và 22 công ty con khác của Samsung vì cam kết trước đây. Với những "tai họa" liên miên như thế, tổng tài sản của gia đình Lee Kun-hee sẽ không còn được bao nhiêu sau khi trừ đi món nợ này.

Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét đến việc hạn chế việc đầu tư của các công ty tài chính vào các tập đoàn công nghiệp. Theo một dự luật mới đây thì các công ty tài chính Hàn Quốc sẽ không được nắm quá 5% cổ phần trong các tập đoàn công nghiệp. Nếu dự luật được thông qua, Sumsung Life sẽ phải bán bớt 30% trong tổng số cổ phần của họ tại Samsung Electronics. Nếu vậy, khó khăn sẽ lại nối tiếp khó khăn.

(Theo ThanhNien)

 

Quảng cáo

Nuoc hoa - Mua ban perfume nhà cung cấp nước hoa, mỹ phẩm chính hiệu giá sỉ. Đảm bảo nước hoa thật 100%.

Nuoc hoa nam | Nuoc hoa nu | My pham | Nuoc hoa gia re

Thiết Kế Website

Quảng Bá Website

Quản Trị Website

Thương Mại Điện Tử

Công Ty Truyền Thông Số iGO

Thị Trường Chứng Khoán

Khách Thăm Trong Ngày