George Soros được sinh ra với cái tên Dzichdzhe Shorak (phát âm là “Shorosh”) ở Budapest năm 1930. Là con trai của một luật sư, ông đã trở thành một siêu sao đầu tư của thế giới với giá trị tài sản ròng năm 2002 là $6,9 tỉ. Kể từ khi được thành lập vào năm 1969, trong 32 năm hoạt động, quỹ đầu tư của ông đã kiếm được mức lợi nhuận trung bình cao đến mức khó tin – 35%/năm.

Là một cậu bé Do Thái, ông cùng gia đình đã rất vất vả trốn tránh phát xít Đức và họ đã xoay xở để có thể tồn tại được. Năm 1947, ông tới nước Anh với hy vọng tiếp tục học nghề kỹ sư, nhưng rồi ông lại đăng ký vào học Trường Kinh tế London và tốt nghiệp năm 1952. Ông bắt đầu làm việc ở một sở môi giới chứng khoán nhỏ ở London, nhưng ông đã thất vọng về tinh thần thiếu trách nhiệm của cơ sở này.

Năm 1956, Soros chuyển tới thành phố New York, tại đây ông làm việc tại hai công ty chứng khoán trước khi gia nhập hãng Arnold & Bleichroeder vào năm 1963. Năm 1967, ông trở thành trưởng phòng nghiên cứu đầu tư, và ông đã thành công trong việc tìm ra cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu Châu Âu bị đánh giá thấp hơn giá trị thực. Năm 1969, ông thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, sử dụng $250.000 của riêng ông và khoảng $6 triệu của các nhà đầu tư không phải người Mỹ khác mà ông quen biết. (Một quỹ đầu tư mạo hiểm là một công ty hợp doanh đầu tư không bị hạn chế bởi quy định của các cơ quan chính phủ như Uỷ ban Chứng khoán Hoa Kỳ. Mỗi quỹ đầu tư mạo hiểm có thể thiết lập phong cách và chiến lược đầu tư của riêng mình, phong cách và chiến lược đầu tư của các quỹ rất khác nhau: một số quỹ sử dụng chiến lược đầu tư tham gia vào các loại đầu tư khác nhau, một số khác thì không. Người quản lý quỹ thường thu phí và phần trăm của lợi nhuận kiếm được, đồng thời đầu tư toàn bộ số tiền của mình vào quỹ.)

Chẳng bao lâu sau đó, Soros rời bỏ Arnold & Bleichroeder và mang đi quỹ Soros do ông thành lập. Mặc dù thập niên 1970 là những năm nghèo túng của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, nhưng quỹ Soros thì lại ăn nên làm ra. Với tư cách là người quản lý quỹ, Soros tập trung tìm kiếm các lĩnh vực bị đánh giá thấp hơn giá trị thật ở Hoa Kỳ và ở các nước khác. Ông mua các cổ phiếu giá thấp không được ưa thích và bán non các cổ phiếu giá cao được ưa thích. Ông dự đoán cầu về dầu sẽ vượt xa cung về dầu nên đã mua cổ phiếu của các công ty hoạt động trong ngành dịch vụ dầu mỏ và khoan dầu trước cuộc khủng hoảng dầu đầu tiên năm 1973. Vào giữa thập niên 1970, ông đầu tư rất nhiều vào các cổ phiếu của Nhật Bản. Năm 1979, ông đổi tên quỹ thành Quantum Fund để tôn vinh nguyên lý dễ thay đổi trong cơ học lượng tử của Heisenberg. Năm 1980, quỹ đạt lợi nhuận 103% với số vốn lên tới $380 triệu.

Năm 1981, tạp chí Institutional Investor gọi ông là “nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới”. Nhưng năm 1981 là một năm khó khăn: quỹ lỗ 23% và một phần ba các nhà đầu tư của quỹ rút tiền về. Song các nhà đầu tư đó đã phạm sai lầm. Trong tương lai, quỹ vẫn tiếp tục thu được dòng lợi nhuận cực lớn.

Vào đầu tháng 9/1985, Soros tin rằng đồng đô-la Mỹ đang được đánh giá quá cao so với đồng yên Nhật và đồng Mác Đức, và chẳng bao lâu sẽ có sự điều chỉnh cho đúng với giá trị thực. Ông quyết định mua các hợp đồng đầu cơ để kiếm lợi nhuận từ những thay đổi mà ông đoán trước là sẽ xảy ra. Chẳng hạn như ông vay đô-la để mua yên và mác, đồng thời mua trái phiếu chính phủ của Nhật và Đức. Tổng cộng ông đã cam kết mua các hợp đồng trị giá $800 triệu, một cam kết có giá trị lớn hơn toàn bộ số vốn của quỹ. Vào cuối tháng 9, chính phủ các nước phát triển tuyên bố Hiệp định Plaza, trong đó họ hứa sẽ hợp tác hành động (như can thiệp vào các thị trường ngoại hối) để làm tăng giá trị của các đồng tiền mạnh so với đồng đô-la Mỹ. Chỉ trong một tháng, do đồng đô-la mất giá, Soros đã thu lợi nhuận $150 triệu. Tổng lợi nhuận của quỹ năm 1985 là 122% vì ông còn đầu tư vào cổ phiếu nước ngoài và trái phiếu dài hạn của Ngân khố Hoa Kỳ. Tất nhiên không phải mọi hoạt động đầu tư của ông đều mang lại lợi nhuận. Chẳng hạn như trong năm 1987, quỹ Quantum lỗ tới $840 triệu khi thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ và các nước khác sụp đổ vào tháng 10. Nhưng quỹ vẫn kiếm được 14% lợi nhuận trong cả năm này.

Tháng 9/1992, Soros đưa ra lời dự đoán nổi tiếng nhất. Sau khi nước Đức thống nhất năm 1989, lãi suất ở Đức tăng lên và đồng mác có xu hướng tăng giá. Nhưng hầu hết các đồng tiền của EU bị buộc vào nhau theo Cơ chế Tỷ giá Hối đoái (Exchange Rate Mechanism – ERM) của Hệ thống Tiền tệ Châu Âu (European Monetary System). Vì vậy các nước khác phải tăng lãi suất của mình để duy trì tỷ giá hối đoái cố định. Soros tiên đoán rằng chính phủ Anh sẽ không thể duy trì chính sách này được vì nền kinh tế Anh vốn đã suy yếu và có tỷ lệ thất nghiệp cao. Ông cho rằng nước Anh hoặc vẫn ở trong ERM nhưng phá giá đồng bảng hoặc rút khỏi ERM. Dù thế nào đi nữa, đồng bảng cũng mất giá. Ông đầu cơ giá xuống vào đồng bảng và đầu cơ giá lên vào đồng mác bằng cách vay bảng mua mác, đồng thời còn đầu tư vào các hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn. Giá trị các hợp đồng này cực lớn - $10 tỷ. Khi Soros và các nhà đầu tư khác thực hiện hợp đồng, họ bán đồng bảng, do vậy tạo nên sức ép giảm giá với đồng bảng. Các ngân hàng trung ương cố gắng bảo vệ tỷ giá cố định, nhưng chẳng bao lâu chính phủ Anh đành buông tay và rút khỏi ERM. Đồng bảng mất giá thảm hại so với đồng mác. Chỉ trong một tháng, quỹ Quantum thu lợi nhuận khoảng $1 tỉ từ các hợp đồng đầu cơ giá xuống vào đồng bảng và $1 tỉ nữa từ các hợp đồng đầu cơ giá lên vào các đồng tiền châu Âu khác. Tạp chí Economist gọi Soros là “người phá sập Ngân hàng nước Anh.”

Sau năm 1992, Soros chuyển giao hầu hết các quyết định giao dịch của quỹ Quantum cho người nối nghiệp mà ông lựa chọn, Stanley Druckenmiller. Quỹ Quantum tiếp tục có một số vụ thắng lớn và thua lớn nữa. Vào đầu năm 1997, Soros và Druckenmiller đã thấy trước sự suy yếu của đồng bạt Thái Lan nên trong tháng 1 và tháng 2, quỹ Quantum đã đầu cơ giá xuống vào đồng bạt. Cuộc khủng hoảng nổ ra vào tháng Bảy, đồng bạt Thái tụt giá và quỹ Quantum kiếm bộn tiền. Nhưng khi đồng bạt Thái và các đồng tiền châu Á khác tiếp tục mất giá, họ nghĩ rằng thị trường đã đẩy các tỷ giá này xuống quá thấp. Ví dụ như khi đồng ru-pi Indonesia giảm từ 2.400 ăn một đô-la xuống còn 4.000 ăn một đô-la, họ đã đầu cơ giá lên vào ru-pi và bị mất tiền khi đồng tiền này tiếp tục mất giá xuống còn 10.000 ăn một đô-la.

Năm 1998, quỹ Quantum mất $2 tỉ do đầu tư vào Nga khi các thị trường tài chính của Nga và đồng rúp sụp đổ, nhưng quỹ vẫn kiếm được hơn 12% trong năm đó. Năm 1999, quỹ lỗ 22% trong sáu tháng đầu năm, sau đó chuyển sang đầu tư vào các cổ phần công nghệ và cuối năm được lãi 35%. Việc đầu tư vào công nghệ và đầu cơ giá lên đồng euro đã khiến quỹ lãnh đủ vào đầu năm 2000. Trong bốn tháng đầu năm, quỹ bị lỗ 22%. Mệt mỏi với các cuộc chiến, Druckenmiller từ chức vào tháng Tư. Soros tuyên bố rằng quỹ chuyển sang đầu tư vào những món lợi thấp hơn nhưng ít rủi ro hơn. Quỹ đã bị tụt từ $20 tỉ năm 1998 xuống còn $11 tỉ năm 2001.

Khi giảm dần vai trò quản lý quỹ của mình xuống, Soros chuyển sang viết báo, viết sách và làm từ thiện. Những bài viết của ông rất kỳ lạ. Ông đặc biệt chỉ trích chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tư bản thái quá - cái mà ông gọi là “chủ nghĩa thị trường.” Ông cho rằng các thị trường tài chính toàn cầu không được kiếm soát vốn dĩ không vững vàng, và ông kêu gọi các quốc gia kiểm soát các thị trường tốt hơn và thành lập các tổ chức quốc tế mới kiểu như một tổ chức bảo hiểm tín dụng quốc tế để bảo lãnh nợ cho các nước đang phát triển.

Mặc dù hiện này Soros không còn đóng vai trò tích cực trong các quyết định đầu tư như trước, nhưng ông vẫn là tinh hoa trong lĩnh vực đầu tư đầu cơ quốc tế. Tên ông đồng nghĩa với các quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là các vụ đầu cơ giá lớn. Ông bị các quan chức chính phủ, như Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia năm 1997 chẳng hạn, buộc tội là nguyên nhân dẫn đến các sức ép đầu cơ không chính đáng lên đồng tiền và thị trường tài chính nước họ. Soros tiếp tục bảo vệ các hoạt động đầu tư của mình, tuyên bố rằng ông chỉ nhận thức được những thay đổi chắc chắn sẽ xảy ra.

(Tổng hợp)