Tập đoàn xe hơi đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau General Motors và Daimler- Chrysler, đã đạt được những kết quả kinh ngạc với lợi nhuận ròng vọt lên đến 8 tỷ USD, tăng 53% khi năm tài chính kết thúc vào 31 tháng 3 năm 2003. Doanh số của tập đoàn tăng 6% lên 130 tỷ USD, gấp đôi so với đối thủ Nissan Motor và là con số cao nhất trong lịch sử của bất kỳ công ty nào của Nhật. Trong kỳ tích này có sự đóng góp không nhỏ của Fujio Cho, Chủ tịch tập đoàn Toyota Motor.

Fujio Cho – người đại diện cho phong cách Toyota

Không giống phong cách mạnh mẽ của người tiền nhiệm Hiroshi Okuda, Fujio Cho nổi tiếng là nhà quản lý rất điềm đạm, cẩn thận và chắc chắn. Ông đại diện cho phong cách của Toyota: khiêm nhường, luôn mỉm cười, nhưng có thể nhìn thấy mọi thách thức và cơ hội. Cuộc sống đời thường của ông cũng bình dị như tính cách của ông vậy: ông thích nghe nhạc, đánh golf và câu cá.

Sự thành công của Toyota ở nước ngoài hoàn toàn không phải là may mắn. Chính sách của ông có thể là lời cam kết “bành trướng” theo “cách của Toyota”, tức là vươn xa hơn, rộng hơn bao giờ hết, và khéo léo giữ ổn định sản lượng ở Nhật. Với doanh số tại Mỹ của Toyota tăng vọt trong cuối thập kỷ 1990, không mấy ai trong công ty ngạc nhiên khi Cho được giao trọng trách Chủ tịch tập đoàn.

Nhận thấy Trung Quốc là một thị trường đầy hứa hẹn, với hơn 1 tỷ dân, Fujio Cho tìm mọi cách để xâm nhập thị trường này. Bất chấp việc bị chính quyền Bắc Kinh lạnh nhạt trong nhiều năm, ông vẫn kiên trì và cuối cùng, vào năm 2000, ông đã giành được giấy phép để xây dựng nhà máy sản xuất của Toyota đầu tiên ở Trung Quốc. Fujio Cho dự kiến sẽ sản xuất và tiêu thụ 400.000 xe mỗi năm ở Trung Quốc vào năm 2010. Đó là một chỉ tiêu then chốt trong chuỗi tổng thể các mục tiêu đầy tham vọng là giành được 15% thị phần xe hơi thế giới vào năm 2010, so với 10% hiện nay.

Liên tục cải tiến và triệt để tiết kiệm

Các công ty ô tô Nhật Bản đã sáng tạo ra học thuyết Kaizen, nghĩa là “liên tục cải tiến”, nhưng chính Toyota và Fujio Cho mới thực sự dẫn đầu phong trào này. Ông áp dụng triệt để phương pháp sản xuất nổi tiếng của Toyota là "Just In Time" (JIT – luôn đúng lúc), kết hợp với phiếu đặt vật tư Caban, bảo đảm sản xuất liên tục, không có thời gian chết và không cần nhiều kho chứa. Toyota khuyến khích toàn bộ các thành viên của hãng tham gia cải tiến, hợp lý hoá sản xuất. Tuy mỗi sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế không nhiều, nhưng lại tiết kiệm cho công ty hàng tỷ yên. Những cải tiến, hợp lý hoá nhỏ nhất tưởng chừng như lặt vặt không ai để ý đến, như xê dịch thùng đựng bán thành phẩm thêm 1m hoặc thay đổi cách chiếu sáng chỗ làm việc… đều được trân trọng lắng nghe và áp dụng. Không chỉ ở bộ phận sản xuất, ngay cả bộ phận hành chính cũng phải giảm biên chế tới mức tối đa, mỗi chiếc phong bì được sử dụng hàng chục lần, khi bị nhàu nát mới bị loại bỏ. Không một bóng đèn nào được bật sáng một cách vô ích. Mỗi nhân viên đều có một chiếc cán bút nhựa để có thể lắp được những mẩu bút chì viết tới milimet cuối cùng. Để có được thành công của ngày hôm nay, ông đã học kinh doanh ô tô từ Taichi Ohno, cha đẻ của học thuyết huyền thoại “Hệ thống sản xuất Toyota” từng làm biến đổi ngành công nghiệp chế tạo ô tô. Đáp lại biệt danh “kẻ tàn sát chi phí” của Calos Ghosn- Chủ tịch hãng đối thủ đáng gờm là Nissan, Fujio Cho nói “Nếu Nissan làm được điều đó, Toyota có thể làm tốt hơn”. Kết quả của câu nói này là sự ra đời của chương trình “Xây dựng hệ thống cạnh tranh chi phí cho thế kỷ 21” gọi tắt là CCC21, với mục tiêu giảm 30% giá thành của tất cả các sản phẩm ô tô mới của Toyota. Nhờ khả năng tiết kiệm vô tận, giá thành sản xuất một chiếc ô tô sẽ giảm từ 10.000 đến 12.000 yên, giúp Toyota luôn duy trì được khả năng cạnh tranh. Chỉ riêng năm ngoái, công ty đã tiết kiệm được 2,6 tỷ USD trên tổng chi phí 113 tỷ USD mà không phải đóng cửa bất kỳ nhà máy hay giảm bớt nhân viên nào. Dưới sự điều hành của ông, Toyota đang có kế hoạch xây dựng một hệ thống sản xuất thống nhất, linh hoạt và mang tính toàn cầu, trong đó các nhà máy sẽ được thiết kế để có thể cung cấp nhanh chóng nhu cầu về chủng loại và số lượng cho bất cứ thị trường nào trên thế giới. Những thành công trên cho thấy dường như Toyota đang cưỡi trên một “cỗ xe tăng trưởng” băng băng lướt về phía trước. Cuộc cách mạng mà Fujio Cho tạo ra có vẻ khiêm tốn giống như tính cách của ông, nhưng những gì nó mang lại thì không khiêm tốn chút nào.

(Nhà Quản Lý)