Morris Chang, người sáng lập đồng thời là Chủ tịch Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC), đang lo ngại vì sự phá sản của chất bán dẫn. Lúc này có lẽ là thời điểm đáng sợ của một nhà sản xuất vi mạch. Chưa đầy một năm trước, ngành này còn sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các khách hàng công nghệ cao là các nhà sản xuất điện thoại di động, máy tính, Palm Pilots và các thiết bị công nghệ cao khác. Nhưng giờ đây nhu cầu của các khách hàng này đang xuống thấp khiến các chất bán dẫn bị tồn đọng không ít trong kho của họ, khiến họ không còn muốn đặt hàng thêm nữa. Bỗng nhiên, các công ty sản xuất chíp trên thế giới (còn gọi là “fabs) hầu như ngừng hoạt động. Ảnh hưởng của nó đã bắt đầu được thể hiện. Nhà sản xuất chip theo hợp đồng Chartered Semiconductor Manufacturing, của Singapore là nhà sản xuất lớn thứ ba trên thế giới, bị rơi vào cảnh thua lỗ trong 3 tháng đầu năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận của nhà sản xuất lớn thứ hai trên thế giới là United Microelectronics Corporation của Đài Loan và nhà sản xuất lớn nhất thế giới, Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC), cĩmg giảm 13% và 17% so với cùng kỳ năm 2000.

Chỉ như vậy cũng đủ khiến ông Morris Chang lo lắng. Ông Chang chưa nhận thấy dấu hiệu tích cực nào trong tình hình ế ẩm như hiện nay. Ông Chang kinh doanh chất bán dẫn từ năm 1955 cho tới nay, qua những kinh nghiệm tích luỹ được trong thời gian gần nửa thế kỷ qua, ông Chang cho biết sự suy sụp của ngành bán dẫn sẽ trở nên tệ hại nhất trong suốt thời gian qua bởi theo sau nó không phải là sự lên giá mà là sự rối loạn trong ngành sản xuất chất bán dẫn, nhưng rồi chắc chắn cuộc khủng hoảng cũng sẽ qua đi.

Sự suy sụp của chất bán dẫn lần này không giống như thời gian tạm lắng trước khi tiếp tục phát triển như ông Chang đã từng nhận định năm 1985. Năm đó, ông đã là một Giám đốc cao cấp của hai công ty sản xuất chất bán dẫn của Mỹ là công ty Texas Instruments và General Instrument, và trong độ tuổi 50, ông cảm thấy kiệt sức bởi cuộc tranh giành quyết liệt và vất vả. Lúc đó, ông cũng đã đủ giàu có để có thể nghỉ hưu, nhưng ông không muốn một cuộc sống buồn chán. Sinh ra tại Thượng Hải, nên ông rất yêu mến người dân Trung Hoa, vì vậy ông đã về Đài Loan, lúc đó đang là một trong những con hổ kinh tế của Châu á, làm việc trong một viện nghiên cứu. Ông đã chuyển những kiến thức của mình thành lợi nhuận.

Công việc nghiên cứu rất phù hợp với ông Chang bởi ông là một con người thông minh và ưa thích suy nghĩ. Trong thời gian ở Mỹ, khả năng xử lý những vấn đề phức tạp đã giúp ông trở thành một trong số 1.000 người chơi bài Brit xuất sắc nhất nước Mỹ, một môn chơi đòi hỏi mưu mẹo. Năm 1985, khi chuyển về Đài Loan, ông lại càng phát huy công việc trí não hơn nữa.

Trong ngành công nghiệp bán dẫn, ông Chang hiểu rằng trên thực tế không phải là một mà là hai ngành công nghiệp, và tốt nhất là nên tách riêng chúng ra. Một ngành chuyên thiết kế chíp, đòi hỏi nhiều tài năng và ít vốn, Ngành kia chuyên sản xuất chíp, đòi hỏi nhiều vốn hơn tài năng. Một nhà máy sản xuất chíp sẽ đòi hỏi phải đầu tư khoản vốn từ 2 tới 3 tỷ USD. Khi đó, các nhà sản xuất thiết bị tích hợp (IDMs) lớn như Intel, đều tập trung công việc thiết kế và sản xuất trong cùng một công ty. Thời kỳ này cũng chỉ có khoảng 20 công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chíp và những công ty này thường phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị tích hợp (IDMs) để thuê lại các thiết bị trong nhà máy sản xuất của họ, nhưng các IDMs lại đòi phải chia xẻ các thiết kế chíp cho họ.

Trước tình hình đó ông Chang đã nảy sinh ý tưởng thành lập một khu công nghiệp chỉ chú trọng sản xuất chíp với số vốn lớn và không làm công việc thiết kế. Khu công nghiệp này được đầu tư đầy đủ hạ tầng cơ sở và các thiết bị hiện đại để cho thuê, không chỉ đối với các nhà thiết kế chíp không có nhà máy mà còn với cả các IDMs khi hoạt động sản xuất của họ bị đình trệ, vì tính kinh tế và tỷ lệ hoàn vốn đầu tư lớn hơn. Đối với các nhà thiết kế, ông Chang tạo điều kiện thuận lợi cho họ thuê lại các xưởng sản xuất, đồng thời đảm bảo giữ bí mật công nghệ cho họ. Năm 1987, ông Chang thành lập công ty TSMC, khu công nghiệp dành riêng cho sản xuất chất bán dẫn đầu tiên trên thế giới. Các IDMs không mấy coi trọng ý tưởng này, nhưng các nhà thiết kế chíp lại rất vui mừng và lũ lượt kéo về công ty TSMC. Các nhà thiết kế mới mọc lên như nấm, nhất là ở Đài Loan. Cuối những năm 1990, khu công nghiệp TSMC đã có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hai công ty lớn là United Microelectronics, Chartered Semiconductor và các công ty khác bắt đầu bắt chước ý tưởng kinh doanh của ông Chang.

Năm 2000, các khu công nghiệp chất bán dẫn đã chiếm 16% thị phần sản xuất chip trên toàn cầu và TSMC chiếm 41% thị phần của khu công nghiệp cho thuê. Ông Chang dự báo, năm 2010, một nửa số chip trên thế giới sẽ được sản xuất từ những khu công nghiệp này và năm 2020 sẽ là 100%.

Sự suy sụp của chất bán dẫn gây ra một thiệt hại lớn không thể phủ nhận được, nhưng nó sẽ không ngăn cản được ông Chang, giờ đã bước sang tuổi 70, theo đuổi những chiến lược lâu dài của mình. Công suất của các khu công nghiệp của TSMC không được sử dụng hết khiến lợi nhuận giảm, kéo theo giá cổ phiếu của công ty cũng giảm. Nhưng ít nhất, ông Chang sẽ có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ, và biết đâu, ông sẽ lại nảy ra một ý tưởng kinh doanh mới.

Hà Trần-BWPortal