Werner von Siemens – Người gây dựng tập đoàn Siemens
By Công Ty Truyền Thông Số iGO
Không chỉ là một nhà phát minh, Siemens còn được thừa nhận là nhà doanh nghiệp xuất chúng. Tập đoàn Siemens do ông gây dựng hiện là tập đoàn công nghiệp đa quốc gia bậc nhất của cả châu Âu.
Trong danh sách những nhà phát minh vĩ đại nhất của nền công nghiệp châu Âu, người ta không thể không nhắc đến tên tuổi Werner von Siemens. Chính ông là người lần đầu tiên đưa ra khái niệm “kỹ thuật điện” mà trước đó người ta chưa hề biết đến, và là cha đẻ của chiếc máy phát điện đầu tiên trên thế giới vào năm 1866.
Cuộc đời của Siemens là cả một sự nghiệp phát minh có một không hai với hàng vạn sáng chế và cải tiến kỹ thuật khác nhau. Siemens là người đầu tiên trên thế giới phát minh và sản xuất xe điện, tàu hoả điện; Siemens đã thử nghiệm thành công việc lắp đặt các hệ thống máy điện thoại đường dài đầu tiên.
Tập đoàn Siemens do nhà công nghiệp và thiên tài sáng chế Werner von Siemens sáng lập đến nay đã 155 năm tuổi. Gần nửa triệu người đang làm việc cho Siemens. Sản phẩm của tập đoàn có mặt ở 199 nước trên thế giới. Tiếp nối truyền thống mà nhà phát minh và chiến lược Werner von Siemens đã dày công xây dựng, ngày nay Siemens vẫn luôn dẫn đầu với tỉ lệ thị phần rất đáng kể trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến điện và điện tử, đặc biệt phục vụ cho các ngành công nghiệp khác, cho giao thông và y tế. Không chỉ nổi tiếng về các thiết bị điện công nghiệp và điện tử, Siemens còn là nhà sản xuất danh tiếng về các mặt hàng đồ điện dân dụng.
Tài năng xuất hiện từ gian khổ
Werner von Siemens sinh năm 1816 trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng Bắc Đức. Ông là con thứ 4 trong số 14 người con của ông bà Siemens. Lớn lên trong một hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, Werner von Siemens đã bắt buộc phải lao động rất cực nhọc và vất vả để phụ giúp cha mẹ.
Không chỉ chăm chỉ, ngay từ nhỏ, Werner đã thể hiện là một cậu bé thông minh và lắm sáng kiến. Werner học rất giỏi các môn tự nhiên, đặc biệt là toán và lý. Với trí thông minh bẩm sinh lại thêm sự cần cù chăm chỉ, cậu bé Werner đã mượn sách và tự mình học hết chương trình toán số học của hai năm trên. Werner đã học nhảy cóc hai năm nhưng vẫn là một cậu học trò xuất sắc. Phải vừa học, vừa làm việc đồng ruộng rất vất vả nhưng Werner vẫn rất ham học. Ông mơ ước sau này sẽ trở thành một kỹ sư.
Tuy vậy kinh tế của gia đình rất đông con này ngày càng khốn khó, Werner von Siemens không thể tiếp tục con đường học đại học như mong đợi của mình. Ông tình nguyện đi lính và sau đó thi đỗ trong kỳ tuyển chọn sĩ quan kỹ thuật. Và may mắn đã đến với Werner khi ông được cử đi học trường cao đẳng kỹ thuật của quân đội để trở thành kỹ sư quốc phòng. Ông miệt mài học, say sưa tìm hiểu thế giới kỹ thuật một cách đầy hứng khởi.
Khi Werner von Siemens 26 tuổi, một tai họa ập đến gia đình Siemens. Cả bố và mẹ ông đã chết sớm trong cùng một năm, để lại một đàn con, phần lớn còn rất nhỏ. Tự nhận lấy trách nhiệm phải nuôi 10 người em, Werner von Siemens bỏ trường kỹ thuật quân đội để đi làm kiếm sống. Ông quần quật làm suốt cả ngày nhưng tiền vẫn thiếu, buộc ông phải làm thêm cả đêm.
Chính những đêm vất vả để kiếm tiền thêm lại là những thời điểm mà Werner von Siemens đã có những sáng kiến độc đáo. Ông trở thành nhà phát minh từ lúc nào không hay. Và các phát minh này đều đem lại những món tiền tuy rất nhỏ nhưng lại vô cùng có giá trị với chàng thanh niên nghèo khó nhưng tài năng Siemens lúc đó. Đầu tiên là những thiết bị điều khiển, những chiếc rơle tự động cho máy hơi nước được Siemens mày mò sáng chế. Tất cả đều được thử nghiệm rất thành công. Sau đó là những phương pháp in trên kim loại được ông nghĩ ra. Công nghệ mạ vàng và mạ bạc được Siemens cho ra đời từ đó.
Sau này, Wilhelm, người em trai của Werner von Siemens, đã đem bán công nghệ in trên kim loại này cho các nhà công nghiệp ở Anh và đã có được những khoản tiền đáng kể.
Cha đẻ của điện thoại đường dài
Tài năng sáng tạo của Siemens càng được phát triển hơn khi ông chuyển về sinh sống tại Berlin, một trung tâm khoa học và công nghệ của châu Âu. Siemens đã tận dụng các cơ hội để học hỏi và nghiên cứu. Ông là một trong những người rất chăm đi nghe giảng về vật lý và kỹ thuật do nhà khoa học nổi tiếng Alexander von Humboldt trình bày.
Vừa làm việc vừa say mê nghiên cứu, Siemens còn là một thành viên tích cực của hội các nhà vật lý. Chính ông đã có một bài thuyết trình rất ấn tượng về kỹ thuật điện thoại đường dài. Cũng từ bài thuyết trình đó mà ông đã gặp gỡ Halske, một chuyên gia của trường tổng hợp về lĩnh vực này. Siemens và Halske đã cùng nhau thiết kế và chế tạo thử tất cả các chi tiết cho một tổng đài điện thoại đường dài. Rất nhiều chi tiết quan trọng và các nguyên tắc cơ bản của kỹ thuật truyền thông ngày nay được hai người bạn thân thiết này phát minh và thử nghiệm thành công như những chiếc cầu chì bé xíu, vòng sứ cách điện, dây dẫn đi ngầm dưới đất...
Ngày 1/10/1847, trung tâm điện thoại đường dài mang tên Siemens và Halske đã được thành lập. Cả châu Âu đã biết đến tên tuổi Siemens khi ông thực hiện thành công một hợp đồng xây dựng tuyến đường điện thoại giữa Berlin và Frankfurt. Đây là tuyến điện thoại đường dài đầu tiên. Không ai tưởng tượng ra rằng chỉ ít phút sau khi vị hoàng đế nước Phổ vừa được bầu ra ở Frankfurt thì người dân Berlin đã được thông báo qua điện thoại. Và Siemens được tôn vinh như một vị anh hùng với sự kiện kỳ diệu này. Sau đó hàng loạt hợp đồng về xây dựng các tuyến đường điện thoại đã được Siemens thực hiện.
Tuy vậy, đến thời điểm này Siemens vẫn chưa phải là nhà kinh doanh thực thụ. Ông chưa có ham muốn kiếm tiền mà vẫn lao vào nghiên cứu và phát minh. Bao nhiêu sức lực và tâm trí Siemens dành cả cho lĩnh vực điện-điện tử mà ông đam mê mãnh liệt. Năm 1851, Siemens đã giành được phần thưởng danh giá tại Hội chợ công nghiệp quốc tế cho sản phẩm tổng đài điện thoại đường dài của mình.
Thành công với doanh nghiệp
Mãi đến sau hội chợ đáng nhớ đó, Siemens mới bắt đầu nghĩ đến chuyện kinh doanh. Ông quyết tâm đưa xưởng thí nghiệm của mình chung với người bạn Haske thành một doanh nghiệp thực sự. Chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi thành danh, Công ty Siemens đã có vô số các hợp đồng quốc tế. Trong vòng hai năm Siemens đã xây dựng xong tuyến đường điện thoại nối liền 4 thành phố lớn nhất của Nga và Ucraina lúc đó là Matxcơva, Saint Petersburg, Kiep và Ôđetxa. Siemens làm không hết việc.
Các hợp đồng cứ nối đuôi nhau đến với Siemens. Tiếp sau đó là các hợp đồng điện thoại nối liền Đức, Ba Lan, Đan Mạch và Phần Lan. Lần đầu tiên Siemens đã thành công trong việc đặt cáp đường dây điện thoại xuyên qua biển Bắc. Uy tín và tài năng của Siemens đã giúp ông trúng thầu hợp đồng kỷ lục thế giới về lắp đặt đường dây điện thoại lúc bấy giờ. Đó là tuyến đường điện thoại dài 11.000 km nối liền London (Anh) và Canculta của Ấn Độ.
Để thực hiện hợp đồng này, Werner von Siemens đã cùng hai người em trai là Wilhem và Carl lập ra Công ty Siemens Brothers chuyên cho dự án khổng lồ này. Ngay từ lúc bấy giờ Siemens đã là tập đoàn chuyên để thực hiện các dự án xuyên lục địa. Tuyến đường điện thoại vượt Đại Tây Dương nối liền Ailen và New York cũng do Siemens thực hiện.
Là một nhà phát minh sáng chế, Siemens hết sức chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu. Ngoài lĩnh vực điện thoại, Siemens và công ty của ông ngay từ giai đoạn mới thành lập đã đóng góp cho nhân loại vô số phát minh kỳ diệu, phục vụ rất lớn cho xã hội và các ngành công nghiệp khác.
Trong công nghiệp sản xuất thép, ai cũng biết đến phương pháp Siemens-Martin nổi tiếng. Ngành công nghiệp khai thác than và mỏ khoáng sản đã biết ơn Siemens từ lâu bởi sáng chế đường ray và tàu điện để vận chuyển quặng. Tàu điện chở khách, hệ thống loa truyền thanh và các hệ thống chiếu sáng công cộng đều là những sản phẩm mà Siemens là người nắm giữ bản quyền phát minh.
Là ông chủ của tập đoàn, Werner von Siemens đã ý thức xây dựng một văn hoá doanh nghiệp riêng. Năm 1885, Tập đoàn Siemens có 1.100 nhân công. Cả một khu vực nhà xưởng văn phòng của Siemens được thiết kế và xây dựng thành một khu phố riêng. Đó chính là khu phố Siemens vẫn còn tồn tại đến ngày nay và hiện vẫn còn văn phòng, nhà xưởng tại đó.
Siemens rất quan tâm đến cuộc sống và tương lai của nhân viên. Ông coi trọng đặc biệt tới nguồn nhân lực và coi đấy là giá trị lớn nhất của tập đoàn. Truyền thống đó vẫn được tập đoàn duy trì đến ngày nay. Những người làm cho Siemens vào cuối thế kỷ 19 được khá nhiều ưu đãi. Siemens thiết lập cả một hệ thống chế độ bảo hiểm xã hội cho người làm thuê, bao gồm bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp và lương hưu trí. Đây là một điều hết sức mới mẻ lúc bấy giờ mà cả những người làm cho Nhà nước, cũng chưa có. Vì vậy, được làm việc cho Siemens là một sự hãnh diện và tự hào cho những người công nhân, kỹ sư ở đây.
Vì những cống hiến lớn lao của mình cho khoa học công nghệ và cho xã hội, Siemens được tặng rất nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quí. Nhiều trường đại học danh giá tôn vinh ông với những danh hiệu tiến sĩ danh dự, viện sĩ danh dự cho dù ông chưa tốt nghiệp đại học. Nhiều nhà lịch sử đã không quá lời khi cho rằng Werner von Siemens là một danh nhân có một không hai của nước này. Ông vừa là một nhà phát minh khoa học xuất sắc lại vừa là một nhà doanh nghiệp tài ba với tầm nhìn sâu sắc.
Siemens là người sáng lập và đã xây dựng cho tập đoàn Siemens những triết lí kinh doanh và văn hoá doanh nghiệp đặc sắc. Những giá trị đó đã giúp cho Siemens luôn phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và là một trong những thành phần trụ cột của nền kinh tế châu Âu.
TBKTVN
Trong danh sách những nhà phát minh vĩ đại nhất của nền công nghiệp châu Âu, người ta không thể không nhắc đến tên tuổi Werner von Siemens. Chính ông là người lần đầu tiên đưa ra khái niệm “kỹ thuật điện” mà trước đó người ta chưa hề biết đến, và là cha đẻ của chiếc máy phát điện đầu tiên trên thế giới vào năm 1866.
Cuộc đời của Siemens là cả một sự nghiệp phát minh có một không hai với hàng vạn sáng chế và cải tiến kỹ thuật khác nhau. Siemens là người đầu tiên trên thế giới phát minh và sản xuất xe điện, tàu hoả điện; Siemens đã thử nghiệm thành công việc lắp đặt các hệ thống máy điện thoại đường dài đầu tiên.
Tập đoàn Siemens do nhà công nghiệp và thiên tài sáng chế Werner von Siemens sáng lập đến nay đã 155 năm tuổi. Gần nửa triệu người đang làm việc cho Siemens. Sản phẩm của tập đoàn có mặt ở 199 nước trên thế giới. Tiếp nối truyền thống mà nhà phát minh và chiến lược Werner von Siemens đã dày công xây dựng, ngày nay Siemens vẫn luôn dẫn đầu với tỉ lệ thị phần rất đáng kể trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến điện và điện tử, đặc biệt phục vụ cho các ngành công nghiệp khác, cho giao thông và y tế. Không chỉ nổi tiếng về các thiết bị điện công nghiệp và điện tử, Siemens còn là nhà sản xuất danh tiếng về các mặt hàng đồ điện dân dụng.
Tài năng xuất hiện từ gian khổ
Werner von Siemens sinh năm 1816 trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng Bắc Đức. Ông là con thứ 4 trong số 14 người con của ông bà Siemens. Lớn lên trong một hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, Werner von Siemens đã bắt buộc phải lao động rất cực nhọc và vất vả để phụ giúp cha mẹ.
Không chỉ chăm chỉ, ngay từ nhỏ, Werner đã thể hiện là một cậu bé thông minh và lắm sáng kiến. Werner học rất giỏi các môn tự nhiên, đặc biệt là toán và lý. Với trí thông minh bẩm sinh lại thêm sự cần cù chăm chỉ, cậu bé Werner đã mượn sách và tự mình học hết chương trình toán số học của hai năm trên. Werner đã học nhảy cóc hai năm nhưng vẫn là một cậu học trò xuất sắc. Phải vừa học, vừa làm việc đồng ruộng rất vất vả nhưng Werner vẫn rất ham học. Ông mơ ước sau này sẽ trở thành một kỹ sư.
Tuy vậy kinh tế của gia đình rất đông con này ngày càng khốn khó, Werner von Siemens không thể tiếp tục con đường học đại học như mong đợi của mình. Ông tình nguyện đi lính và sau đó thi đỗ trong kỳ tuyển chọn sĩ quan kỹ thuật. Và may mắn đã đến với Werner khi ông được cử đi học trường cao đẳng kỹ thuật của quân đội để trở thành kỹ sư quốc phòng. Ông miệt mài học, say sưa tìm hiểu thế giới kỹ thuật một cách đầy hứng khởi.
Khi Werner von Siemens 26 tuổi, một tai họa ập đến gia đình Siemens. Cả bố và mẹ ông đã chết sớm trong cùng một năm, để lại một đàn con, phần lớn còn rất nhỏ. Tự nhận lấy trách nhiệm phải nuôi 10 người em, Werner von Siemens bỏ trường kỹ thuật quân đội để đi làm kiếm sống. Ông quần quật làm suốt cả ngày nhưng tiền vẫn thiếu, buộc ông phải làm thêm cả đêm.
Chính những đêm vất vả để kiếm tiền thêm lại là những thời điểm mà Werner von Siemens đã có những sáng kiến độc đáo. Ông trở thành nhà phát minh từ lúc nào không hay. Và các phát minh này đều đem lại những món tiền tuy rất nhỏ nhưng lại vô cùng có giá trị với chàng thanh niên nghèo khó nhưng tài năng Siemens lúc đó. Đầu tiên là những thiết bị điều khiển, những chiếc rơle tự động cho máy hơi nước được Siemens mày mò sáng chế. Tất cả đều được thử nghiệm rất thành công. Sau đó là những phương pháp in trên kim loại được ông nghĩ ra. Công nghệ mạ vàng và mạ bạc được Siemens cho ra đời từ đó.
Sau này, Wilhelm, người em trai của Werner von Siemens, đã đem bán công nghệ in trên kim loại này cho các nhà công nghiệp ở Anh và đã có được những khoản tiền đáng kể.
Cha đẻ của điện thoại đường dài
Tài năng sáng tạo của Siemens càng được phát triển hơn khi ông chuyển về sinh sống tại Berlin, một trung tâm khoa học và công nghệ của châu Âu. Siemens đã tận dụng các cơ hội để học hỏi và nghiên cứu. Ông là một trong những người rất chăm đi nghe giảng về vật lý và kỹ thuật do nhà khoa học nổi tiếng Alexander von Humboldt trình bày.
Vừa làm việc vừa say mê nghiên cứu, Siemens còn là một thành viên tích cực của hội các nhà vật lý. Chính ông đã có một bài thuyết trình rất ấn tượng về kỹ thuật điện thoại đường dài. Cũng từ bài thuyết trình đó mà ông đã gặp gỡ Halske, một chuyên gia của trường tổng hợp về lĩnh vực này. Siemens và Halske đã cùng nhau thiết kế và chế tạo thử tất cả các chi tiết cho một tổng đài điện thoại đường dài. Rất nhiều chi tiết quan trọng và các nguyên tắc cơ bản của kỹ thuật truyền thông ngày nay được hai người bạn thân thiết này phát minh và thử nghiệm thành công như những chiếc cầu chì bé xíu, vòng sứ cách điện, dây dẫn đi ngầm dưới đất...
Ngày 1/10/1847, trung tâm điện thoại đường dài mang tên Siemens và Halske đã được thành lập. Cả châu Âu đã biết đến tên tuổi Siemens khi ông thực hiện thành công một hợp đồng xây dựng tuyến đường điện thoại giữa Berlin và Frankfurt. Đây là tuyến điện thoại đường dài đầu tiên. Không ai tưởng tượng ra rằng chỉ ít phút sau khi vị hoàng đế nước Phổ vừa được bầu ra ở Frankfurt thì người dân Berlin đã được thông báo qua điện thoại. Và Siemens được tôn vinh như một vị anh hùng với sự kiện kỳ diệu này. Sau đó hàng loạt hợp đồng về xây dựng các tuyến đường điện thoại đã được Siemens thực hiện.
Tuy vậy, đến thời điểm này Siemens vẫn chưa phải là nhà kinh doanh thực thụ. Ông chưa có ham muốn kiếm tiền mà vẫn lao vào nghiên cứu và phát minh. Bao nhiêu sức lực và tâm trí Siemens dành cả cho lĩnh vực điện-điện tử mà ông đam mê mãnh liệt. Năm 1851, Siemens đã giành được phần thưởng danh giá tại Hội chợ công nghiệp quốc tế cho sản phẩm tổng đài điện thoại đường dài của mình.
Thành công với doanh nghiệp
Mãi đến sau hội chợ đáng nhớ đó, Siemens mới bắt đầu nghĩ đến chuyện kinh doanh. Ông quyết tâm đưa xưởng thí nghiệm của mình chung với người bạn Haske thành một doanh nghiệp thực sự. Chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi thành danh, Công ty Siemens đã có vô số các hợp đồng quốc tế. Trong vòng hai năm Siemens đã xây dựng xong tuyến đường điện thoại nối liền 4 thành phố lớn nhất của Nga và Ucraina lúc đó là Matxcơva, Saint Petersburg, Kiep và Ôđetxa. Siemens làm không hết việc.
Các hợp đồng cứ nối đuôi nhau đến với Siemens. Tiếp sau đó là các hợp đồng điện thoại nối liền Đức, Ba Lan, Đan Mạch và Phần Lan. Lần đầu tiên Siemens đã thành công trong việc đặt cáp đường dây điện thoại xuyên qua biển Bắc. Uy tín và tài năng của Siemens đã giúp ông trúng thầu hợp đồng kỷ lục thế giới về lắp đặt đường dây điện thoại lúc bấy giờ. Đó là tuyến đường điện thoại dài 11.000 km nối liền London (Anh) và Canculta của Ấn Độ.
Để thực hiện hợp đồng này, Werner von Siemens đã cùng hai người em trai là Wilhem và Carl lập ra Công ty Siemens Brothers chuyên cho dự án khổng lồ này. Ngay từ lúc bấy giờ Siemens đã là tập đoàn chuyên để thực hiện các dự án xuyên lục địa. Tuyến đường điện thoại vượt Đại Tây Dương nối liền Ailen và New York cũng do Siemens thực hiện.
Là một nhà phát minh sáng chế, Siemens hết sức chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu. Ngoài lĩnh vực điện thoại, Siemens và công ty của ông ngay từ giai đoạn mới thành lập đã đóng góp cho nhân loại vô số phát minh kỳ diệu, phục vụ rất lớn cho xã hội và các ngành công nghiệp khác.
Trong công nghiệp sản xuất thép, ai cũng biết đến phương pháp Siemens-Martin nổi tiếng. Ngành công nghiệp khai thác than và mỏ khoáng sản đã biết ơn Siemens từ lâu bởi sáng chế đường ray và tàu điện để vận chuyển quặng. Tàu điện chở khách, hệ thống loa truyền thanh và các hệ thống chiếu sáng công cộng đều là những sản phẩm mà Siemens là người nắm giữ bản quyền phát minh.
Là ông chủ của tập đoàn, Werner von Siemens đã ý thức xây dựng một văn hoá doanh nghiệp riêng. Năm 1885, Tập đoàn Siemens có 1.100 nhân công. Cả một khu vực nhà xưởng văn phòng của Siemens được thiết kế và xây dựng thành một khu phố riêng. Đó chính là khu phố Siemens vẫn còn tồn tại đến ngày nay và hiện vẫn còn văn phòng, nhà xưởng tại đó.
Siemens rất quan tâm đến cuộc sống và tương lai của nhân viên. Ông coi trọng đặc biệt tới nguồn nhân lực và coi đấy là giá trị lớn nhất của tập đoàn. Truyền thống đó vẫn được tập đoàn duy trì đến ngày nay. Những người làm cho Siemens vào cuối thế kỷ 19 được khá nhiều ưu đãi. Siemens thiết lập cả một hệ thống chế độ bảo hiểm xã hội cho người làm thuê, bao gồm bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp và lương hưu trí. Đây là một điều hết sức mới mẻ lúc bấy giờ mà cả những người làm cho Nhà nước, cũng chưa có. Vì vậy, được làm việc cho Siemens là một sự hãnh diện và tự hào cho những người công nhân, kỹ sư ở đây.
Vì những cống hiến lớn lao của mình cho khoa học công nghệ và cho xã hội, Siemens được tặng rất nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quí. Nhiều trường đại học danh giá tôn vinh ông với những danh hiệu tiến sĩ danh dự, viện sĩ danh dự cho dù ông chưa tốt nghiệp đại học. Nhiều nhà lịch sử đã không quá lời khi cho rằng Werner von Siemens là một danh nhân có một không hai của nước này. Ông vừa là một nhà phát minh khoa học xuất sắc lại vừa là một nhà doanh nghiệp tài ba với tầm nhìn sâu sắc.
Siemens là người sáng lập và đã xây dựng cho tập đoàn Siemens những triết lí kinh doanh và văn hoá doanh nghiệp đặc sắc. Những giá trị đó đã giúp cho Siemens luôn phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và là một trong những thành phần trụ cột của nền kinh tế châu Âu.
TBKTVN