Từ một cậu bé lao công chuyên quét sân, dọn dẹp kho xưởng ngày nào giờ trở thành Tổng Giám đốc của một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu châu Âu. Câu chuyện tưởng như trong mơ đó lại chính là cuộc đời có thật của doanh nhân Ngô Dương Hoàng Thao, Việt kiều Đan Mạch, năm nay 39 tuổi...

Dù thành đạt như vậy, anh vẫn quyết định từ bỏ công việc mà nhiều người hằng mơ ước để trở về nước sinh sống và đầu tư. Anh luôn tâm niệm rằng, là một người làm kinh doanh thì không gì hạnh phúc bằng được làm giàu cho quê hương mình.

"Cây chổi quét sân" Yamaha Motor Đan Mạch

Mỗi một thành công đều ẩn chứa trong đó một bí quyết, vậy điều gì khiến anh thành công trên con đường sự nghiệp của mình?

Người Đan Mạch nói sự may mắn bao gồm 99% công việc và 1% may mắn. Và điều đó có nghĩa là trong cuộc đời ai cũng có ít nhất 1% may mắn. Nếu biết chớp lấy cơ hội vượt qua chiếc cửa sổ ngay trước mắt thì mình sẽ chiến thắng.

Nhưng nếu cơ hội qua rồi, mình sẽ đụng vào tường. Điều quan trọng là sự thức tỉnh đúng lúc và phương án xử lý sáng suốt của mỗi người khi cơ hội gần kề.

Nhưng để biết lúc nào cần thức tỉnh chắc không dễ?

Đúng là như vậy! Mình không thể biết trước tương lai nhưng kiến thức và kinh nghiệm sẽ giúp cho mình phán đoán được. Kinh nghiệm sẽ giúp mình nhận ra công việc nào đem lại cơ hội thành công lớn.

Vậy kinh nghiệm của anh được hình thành như thế nào?

16 tuổi, tôi cùng cha sang Đan Mạch định cư. Lúc mới sang bên đó đang là mùa đông, trời rất rét. Không có bàn tay chăm sóc, chia xẻ của mẹ và các chị em, cha con tôi đã phải tự chống chọi với những ngày đông lạnh giá. Không thiếu thốn về vật chất nhưng rất thiếu về mặt tình cảm, gia đình, bạn bè cũng như cuộc sống xứ lạ quê người, phải đối mặt với ngôn ngữ, văn hoá hoàn toàn xa lạ...

Nhưng cũng chính nhờ hoàn cảnh đó đã buộc tôi phải tự lực cánh sinh. Thời gian đầu, tôi vừa phải cấp tốc học tiếng Đan Mạch để học tiếp văn hoá và giao tiếp trong cuộc sống, lại vừa phải lăn lộn kiếm sống.

Tôi bước vào con đường kinh doanh khi mới 17 tuổi, lúc đó tôi đang học phổ thông. Tôi đã cùng với một số người bạn mở công ty chuyên tư vấn và cung cấp các dịch vụ về CNTT. Và công việc đó đã theo tôi suốt những năm học đại học.

Bên cạnh đó, để tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, tôi không nề hà bất cứ công việc gì, thậm chí cả nhận làm lao công cho một công ty trong thời gian đi học.

Cũng như các người bạn cùng lớp, mặc dầu họ là con cái của giám đốc, bác sĩ, kỹ sư nhưng vẫn phải đi làm thêm và qua đó học hỏi được kinh nghiệm sống và trau dồi kiến thức trước khi được cha mẹ giao lại công ty nếu thành công.

Anh từng làm lao công để sinh nhai?

Năm 1988, tôi vào học Đại học Odense, chuyên ngành công nghệ thông tin và viễn thông. Tranh thủ thời gian học, tôi xin được một chân làm lao công với nhiệm vụ quét sân, dọn dẹp kho hàng cho công ty Yamaha Motor Danmark. Tôi chăm chỉ đến mức, có người gọi đùa tôi là "Cây chổi quét sân".

Sau đó, nhờ nhanh nhẹn tháo vát, tôi được chuyển sang công việc đóng hàng xe máy thành phẩm. Bằng sáng kiến đóng một lúc 5 chiếc xe máy, trong khi trước đây chỉ đóng được từng chiếc một, tôi được người quản lý chú ý và cho sang làm bộ phận xuất nhập phụ tùng, xử lý thông tin dữ liệu tại phòng vi tính.

Nhiều việc như vậy, anh thu xếp như thế nào?

Trong những năm học đại học, ngoại trừ thời gian lên lớp, tôi đến công ty Yamaha làm. Hết giờ làm việc tại đây, tôi về nhà giải quyết công việc công ty riêng cùng với đồng nghiệp.

Rồi con đường nào đưa anh đến vị trí tổng giám đốc của một công ty chuyên cung cấp giải pháp cho truyền hình kỹ thuật số hàng đầu Châu Âu?

Bằng những kinh nghiệm và mối quan hệ tích lũy được trong thời gian đi học, ngay sau khi ra trường, tôi được công ty Viễn thông TeleDanmark tuyển chọn vào vị trí giám đốc vùng phụ trách phát triển kinh doanh. Rồi cứ hai, ba năm, tôi lại thay đổi công việc một lần với vị trí đảm trách chức vụ cao hơn.

Cho đến trước khi về nước, tôi là cổ đông sáng lập và Tổng giám đốc Công ty Meta TV Nordic, một công ty của một tập đoàn hàng đầu trên thị trường chứng khoán tại châu Âu chuyên về các giải pháp và dịch vụ cho ngành truyền hình kỹ thuật số và Internet.

10 năm cho ước mơ trở về Việt Nam

Kể từ khi sang Đan Mạch, thông tin về quê hương đối với anh rất mơ hồ. Trong khi đó, những khái niệm như Internet trên thế giới lúc ấy còn rất mới mẻ, nói gì đến Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn hẹp chưa đem được thông tin đến với các cộng đồng người Việt ở nước ngoài như hiện nay .

Chính vì thế, anh chưa nghĩ đến việc sẽ có một ngày anh cùng gia đình trở về nước nếu như không có sự chuẩn bị và nắm bắt cơ hội.

Anh về nước bao giờ và cảm nhận lúc đó như thế nào?

Năm 1993, tình cờ tôi gặp được một người Đan Mạch khi ấy là Trưởng đoàn xúc tiến thương mại của Bộ Ngoại Giao - Đan Mạch sang Việt Nam với mục đích tài trợ và tìm cơ hội đầu tư. Họ đã mời tôi về Việt Nam với tư cách là cố vấn của đoàn.

Sau 10 ngày ở Việt Nam, tôi nhận ra được những bước đổi mới tại quê nhà. Và ý nghĩ trở về nước bắt đầu nung nấu trong tôi sau chuyến đi này vì tôi đã được trọng dụng vào vai trò người Đan Mạch và người Việt "2 trong 1" thông hiểu văn hóa, phong tục tập quán của hai nền văn hóa, giúp cho mọi việc đàm phán trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều.

Tại sao mãi đến năm 2002, anh mới về nước đầu tư?

Trong cuộc sống, không phải cái gì chúng ta muốn là làm được ngay, cần phải có cơ hội. Đến tận năm 2002, nghĩa là gần 10 năm sau, tôi mới có cơ hội thực hiện được mong muốn đó.

Năm 2002, tôi được mời về làm Giám đốc của một công ty liên doanh phát triển phần mềm Saigon Software Development của Vương quốc Bỉ và Việt Nam. Ngoài kiến thức về chiến lược tiếp thị, quản lý và công nghệ phần mềm, tôi còn là người châu Âu biết nói tiếng Việt, đồng thời là người Việt hiểu rõ người Âu. Đó chính là những lý do để họ chọn tôi vào vị trí này và tôi được có cơ hội trở về nước.

Khi về Việt Nam, anh có thay đổi nhiều công việc giống như bên kia không?

Đối với tôi, việc tận dụng các cơ hội là điều tôi quan tâm nhất. Tôi thường thay đổi công việc không chỉ vì thu nhập mà vì muốn có thêm kinh nghiệm và kiến thức tại châu Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Tôi đã từng làm cho tập đoàn 100% vốn Việt Nam là Saigon Invest Group và tập đoàn 100% vốn của Mỹ là IDG với tư cách là giám đốc nghiên cứu thị trường và tư vấn đầu tư tại Đông Dương. Những kinh nghiệm này rất cần thiết cho một nhà tư vấn chuyên nghiệp như tôi đang làm hiện nay.

Việt Nam - một điểm đầu tư hẫp dẫn

Có lần anh nói sự khập khiễng và không hiểu sâu sắc về Việt Nam là một trong những lý do chính khiến không ít liên doanh đổ vỡ tại Việt Nam?

Những năm đầu khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa với chính sách đương thời vẫn còn nhiều ràng buộc với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như hai bên đối tác vẫn còn thiếu thông tin và cách xử lý tình huống còn chưa hợp tình hợp lý.

Trải qua thời gian, Việt Nam đã khẳng định được là một điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong vùng qua hàng loạt các chính sách, luật lệ và cam kết bình đẳng cho tất cả mọi người.

Anh sẽ nói điều gì với những người đang và có ý định muốn đầu tư vào Việt Nam?

Việt Nam đã gia nhập WTO là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư vào một thị trường đầy tiềm năng. Nhưng điều đó không có nghĩa họ sẽ tránh được những rủi ro phía trước. Vấn đề ở đây là các nhà đầu tư cần có kiến thức nhất định về cơ chế chính sách, về phương thức làm ăn ở Việt Nam.

Tôi cũng hi vọng, với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Việt Nam không chỉ đẩy mạnh được nền kinh tế mà còn nâng tầm cả về trí tuệ, khẳng định vị trí trên thị trường quốc tế.

Xin cám ơn anh!

Nguồn tin: Lan Hương - Dân Trí