Trong khi các đối thủ Châu Âu đang rên rỉ về tình trạng kinh tế suy thoái, bán hàng chậm chạp và lợi nhuận suy giảm thì Giám đốc điều hành BMW Helmut Panke lại tăng cường mở rộng hoạt động kinh doanh của mình và đạt được sự tăng trưởng đáng kể. Từ năm 2002, BMW đã tung ra thị trường những loại xe mới với mục tiêu tăng doanh số bán 40% vào năm 2008. Và ông Panke cũng muốn đẩy mức lợi nhuận, vốn đã cao ngất ngưởng, lên mức cao hơn nữa. Tới lúc này, thực tế chứng minh ông Panke đã đi đúng hướng. Trong năm 2003, doanh số bán hàng của BMW tăng 4,5% đạt 1,1 triệu xe. Một lượng lớn xe kiểu dáng mới, sành điệu tràn ngập các showroom từ Los Angeles tới Thượng Hải. Năm nay, BMW vẫn tiếp tục tung ra thị trường các kiểu xe mới.

Panke đòi hỏi mọi nhân viên trong tập đoàn, và kể cả bản thân ông, phải nỗ lực làm việc. Là một Giám đốc điều hành ưa thực hành, ông thường xuyên tới kiểm tra tình hình làm việc tại các nhà máy, các văn phòng giao dịch và các phòng nghiên cứu. Thậm chí, ông còn tự mình lái xe chạy thử để phát hiện lỗi hoặc để phân tích xu hướng mới của ngành chế tạo xe hơi.

Kể từ khi nhận chức Giám đốc điều hành vào năm 2002, ông liên tục buộc BMW phải hoạt động hết công suất. Năm ngoái, BMW đã đẩy bật xe Lexus của Toyota ra khỏi vị trí loại xe sang trọng bán chạy nhất trên thị trường Mỹ. Doanh số bán trên thị trường Châu á tăng mạnh và trên thị trường Châu Âu cũng tăng nhanh hơn. Giữa những năm 1990, Panke là Giám đốc khu vực Bắc Mỹ của BMW. Dưới sự quản lý của ông, Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của BMW.

Cách quản lý của Panke có thể gọi là theo kiểu Xocrat. Ông thích đặt câu hỏi và phát động những cuộc tranh luận giữa những người quản lý các nhóm, một thực tế chứng minh kiểu huấn luyện mang phong cách hàn lâm và ông đã thu được nhiều kết quả tốt. Ông Panke năm nay 57 tuổi, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hạt nhân tại trường đại học Munich. Sau khi tốt nghiệp, ông làm công tác nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu nguyên tử Thuỵ Sĩ, đồng thời tham gia giảng dạy tại Munich. Năm 1978, ông rời bỏ lĩnh vực nghiên cứu chuyển sang làm cho công ty McKinsey & Co, phụ trách văn phòng đại diện tại Munich và bắt đầu tư vấn cho BMW. Năm 1982, tập đoàn BMW mời ông về phụ trách bộ phận kế hoạch, nghiên cứu và phát triển. Từ đó trở đi, hầu như mọi hoạt động của BMW đều có sự tham gia của ông, từ hoạch định chiến lược kinh doanh cho tới sản xuất và bán hàng.

Nhờ khuyến khích tranh luận, Panke đã xây dựng được nền văn hoá doanh nghiệp dựa trên hiệu suất công việc và nhân viên không ngại đặt những câu hỏi cứng rắn với những cán bộ cao cấp trong tập đoàn. “Panke dành khối lượng lớn thời gian để thảo luận với mọi người, sau đó ông để họ tự tìm cách xử lý vấn đề. Bằng cách đó ông buộc mọi người phải làm việc bằng 120% khả năng của mình”, một nhà quản lý từng theo sát Panke trong suốt 20 năm qua nhận xét.

Ông cũng được đánh giá cao trong việc luôn duy trì được uy tín của thương hiệu BMW, liên tục tung ra các kiểu dáng xe mới mà không làm xáo trộn sản xuất và đặc biệt rất chú trọng vào chiến lược của công ty. “Khó khăn lớn nhất của tôi là phải nói không với những dự án rất hay nhưng không phù hợp với chiến lược của BMW”, ông nói. Hiện cổ phiếu của BMW đã tăng 27% và giá trị của tập đoàn trên thị trường đạt 27,3 tỷ USD, đứng thứ 5 trong ngành sản xuất xe hơi thế giới. Thật là một kết quả không tồi đối với một Giám đốc điều hành mới nhậm chức trong thời gian 2 năm.

(Theo Business)