Trong những năm 1970, khi giá dầu lửa tăng tới mức báo động, ông Takashi Ishihara, một nhân viên của hãng sản xuất ô tô Nissan, Nhật Bản đã tìm cách thuyết phục người dân Mỹ rằng họ nên mua một chiếc xe nhỏ hơn và tiêu thụ ít nhiên liệu hơn. Từ “nhỏ” không phải là từ gây ấn tượng với người tiêu dùng Mỹ bởi họ thích những chiếc xe rộng rãi với những động cơ to đùng. Ngoài ra, thế chiến thứ II trôi qua chưa lâu nên người dân Mỹ vẫn có thái độ tẩy chay hàng hoá Nhật Bản. Nhưng rồi người Mỹ đã phải gạt bỏ định kiến để mua chiếc xe hiệu Sunny cực kỳ ấn tượng của Nissan. Người ta rỉ tai nhau và dường như đi đâu cũng thấy những chiếc Sunny. Và dây cũng là thời điểm Nhật Bản vượt lên trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.

Những năm sau thế chiến thứ II, Nhật Bản vật lộn để khôi phục nền kinh tế, ông Ishihara khi đó chỉ là kế toán của Nissan có nhiệm vụ kìm chân các chủ nợ để họ khỏi đòi nợ. Nghe nói, khi đó ông chỉ đạo nhân viên cố tình viết sai séc thanh toán và như vậy ngân hàng sẽ phải kiểm tra lại và làm chậm thời gian thanh toán. Lúc này thị trường ô tô của Nhật Bản quá nhỏ, ông Ishihara nhận ra rằng để tồn tại, Nissan phải chinh phục thị trường nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Đồng nghiệp của ông không mấy tin tưởng ý kiến này nhưng ông vẫn kiên trì thuyết phục Ban Giám đốc. Năm 1960, ông được bổ nhiệm Giám đốc thị trường Mỹ và Ban Giám đốc Nissan cũng phải miễn cưỡng chấp thuận đầu tư 500.000 USD (tương đương 3,1 triệu USD bây giờ) cho các hoạt động tại thị trường Mỹ khi ông doạ sẽ từ chức. Để bán được xe, ông Ishihara nỗ lực hoà nhập với cuộc sống của người Mỹ, ông tham gia luyện tập thể thao và chơi bóng bầu dục như những thanh niên Mỹ. Kết quả, doanh số tiêu thụ xe tăng mạnh hơn dự kiến.

Thành công của xe Sunny (ban đầu bán dưới nhãn hiệu Datsun) của Nissan trên thị trường Mỹ khiến các nhà sản xuất ô tô khác của Nhật Bản cũng đổ xô vào thị trường Mỹ, nhất là Toyota và Honda. Họ cũng đồng lòng bầu ông Ishihara là người phát ngôn của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản tại nước Mỹ.

Năm 1977, ông trở thành Chủ tịch hãng Nissan. Khi đó ông đã 65 tuổi và vẫn tiếp tục tích cực làm việc vì công ty trong 15 năm nữa. Ông cho xây dựng các nhà máy sản xuất xe ô tô ở nước ngoài, nhất là Anh bởi đó là điểm khởi đầu để Nissan xâm nhập thị trường Châu Âu. Ông là người đam mê công nghệ tự động hoá và đã chứng minh được rằng xe ô tô do công nghệ tự động hoá sản xuất tốt hơn những xe chỉ dựa vào lao động thủ công. Khi đã già, ông tỏ ra tiếc nuối bởi không thể sản xuất ra những sản phẩm tuyệt vời khác. Nếu còn thời gian, ông sẽ tham gia chế tạo tên lửa. Ông mất ngày 31/12/2003, thọ 91 tuổi.

(Theo Economist)