Hầu như những người yêu thích âm nhạc ở Mỹ và trên thế giới ít người không biết tới ông chủ và cũng là cha đẻ của hệ thống xử lý âm thanh đa chiều được sản xuất tại Dolby Laboratories.Inc - tỷ phú Ray Dolby.

Một kỹ sư vật lý tài năng cùng với những tố chất kinh doanh và lòng đam mê của mình đối với âm nhạc, chỉ từ một ý tưởng đầy sáng tạo của mình, Ray Dolby đã bắt tay vào nghiên cứu và cho ra nhiều thế hệ thiết bị âm thanh chất lượng hàng đầu trên thế giới. Dolby đã từng được cấp tới 50 bằng sáng chế, được nhận nhiều giải thưởng danh giá trên nhiều lĩnh vực khác nhau và cũng là một trong những người có số tài sản cá nhân lớn nhất thế giới ước tính khoảng 1,6 tỷ USD.

Bắt đầu từ chuyến công du tới Ấn Độ vào năm 1961 theo chương trình của UNESCO, Ray Dolby đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu và chế tạo ra loại máy ghi âm sử dụng đĩa từ. Tới năm 1965, phòng thí nghiệm Dolby Laboratories đã được xây dựng tại Luân Đôn, Anh và bước vào các hoạt động nghiên cứu.

Thông qua những đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, khả năng ứng dụng trong thực tế hiệu quả, các loại máy ghi âm, hệ thống lọc và xử lý âm thanh, đầu đĩa hình DVD... của Dolby Laboratories ngày càng được ưa chuộng. Các loại thiết bị không ngừng được cải tiến của Dolby Laboratories.Inc đã vươn từ thị trường Mỹ ra thị trường nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là hệ thống xử lý âm thanh Dolby Digital Surround Sound system.

Từ những sáng chế độc đáo, chất lượng hoàn hảo của mình, hàng năm Dolby Laboratories đã thu về hàng trăm triệu USD khoản tiền bản quyền sử dụng cho các nhà sản xuất và các sản phẩm do chính các chi nhánh của Dolby Laboratories sản xuất.

Vừa học vừa làm

Sinh ngày 18/1/1933 tại Porland, Oregon, San Francisco (Mỹ) nhưng Ray Dolby không phải là người Mỹ chính gốc mà lại là người gốc Thuỵ Điển và thuộc dòng họ Terjarv Kaustby. Nhiều đời trước đó, dòng họ Terjarv and Kaustby đã di cư sang Mỹ lập nghiệp.

Ngay từ khi còn nhỏ, Ray Dolby đã tỏ ra là một học sinh có nhiều khả năng đặc biệt. Ngoài việc học tập rất tốt tại trường, đặc biệt là những môn học tự nhiên, Ray Dolby còn biết chơi đàn Clarinet từ khi mới lên 10 tuổi. Đối với âm nhạc, Ray Dolby luôn tỏ ra say mê và cậu cũng rất tò mò khám phá nguyên lý tạo ra âm thanh mỗi khi chơi đàn và thường bỏ ra nhiều thời gian tìm hiểu vấn đề này.

Thêm vào đó, Ray Dolby rất thích phim ảnh, nghệ thuật nhiếp ảnh. Khi còn nhỏ, cậu luôn ước mơ trở thành một nhà quay phim ở Hoolywood.

Trong thời gian còn là học sinh trung học, Ray Dolby đã tình cờ gặp Alex Poniatoff, ông chủ của Công ty điện tử Ampex Corporation. Ấn tượng trước sự say mê và những khả năng đặc biệt của Ray Dolby, Alex Poniatoff đã nhận Ray Dolby vào làm việc tại công ty với vị trí là người điều khiển máy chiếu ngay khi cậu mới tròn 15 tuổi.

Được làm đúng với những công việc hằng ao ước, Ray Dolby làm việc rất chăm chỉ, mỗi ngày cậu đến trường học trong vòng 3 giờ và quay về làm việc cho Ampex Corporation 5 giờ sau đó. Tại Ampex Corporation, Ray Dolby đã cùng nhóm đồng nghiệp 5 người là kỹ sư của công ty cùng nghiên cứu và phát minh ra chiếc máy ghi âm sử dụng đĩa từ đầu tiên trên thế giới năm 1956 và ngay sau đó, phát minh này đã trở thành tiêu điểm chú ý trên thế giới.

Mặc dù vừa học, vừa làm việc, song Ray Dolby vẫn đạt kết quả tốt trong học tập. Sau khi tốt nghiệp trung học, Ray Dolby đã thi đỗ vào Khoa điện tử của trường Đại học Stanford và tới năm 1961, sau khi kết thúc khoá học, Ray Dolby lại tiếp tục được nhận học bổng Marshall Fellowship chương trình tiến sỹ tại trường Cambridge University, Anh trong thời gian 6 năm. Năm cuối cùng tại Cambridge University, Ray Dolby đã được mời làm cố vấn cho chương trình năng lượng nguyên tử United Kingdom Atomic Energy Authority của Anh.

Sau khi kết thúc, Ray Dolby đã được nhận vào làm cố vấn về nghiên cứu khoa học âm nhac tại phòng thí nghiệm của tổ chức Unesco (Liên hợp quốc) và mất 2 năm tới Ấn Độ để thực hiện chương trình nghiên cứu nhạc cụ và âm nhạc truyền thống của Ấn Độ. Cũng trong chuyến đi Ấn Độ này, nội dung nghiên cứu đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thiết bị ghi âm chất lượng cao nên có rất nhiều tạp âm lẫn trong các bản nhạc.

Từ những khó khăn đó, Ray Dolby đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu và chế tạo ra loại máy ghi âm có sử dụng đĩa từ và có khả năng loại bỏ được những tạp âm bên ngoài.

Năm 1965, Ray Dolby đã dồn tâm trí vào xây dựng phòng thí nghiệm Dolby Laboratories tại Luân Đôn, Anh và sau đó chuyển thành công ty Dolby Laboratories .Inc. Cái tên “Dolby” được Ray Dolby chọn cho công ty của mình cũng có nghĩa là loại bỏ tạp âm để tạo cho âm thanh sau khi đã ghi lại được trong hơn, truyền cảm, sinh động và chất lượng cao hơn.

Bước vào những năm cuối của thập kỷ 60, khi đó, những chiếc cassette đã trở thành phổ biến đối với mọi người, Ray Dolby đã nhanh chóng nghiên cứu và đưa vào ứng dụng hệ thống lọc tạp âm Dolby B system để tạo ra âm thanh trung thực dành riêng cho các loại cassette. Tiếp theo đó, những thế hệ cassette băng từ thế hệ mới loại Chrome và Metal xuất hiện trên thị trường, Ray Dolby lại tiếp tục nghiên cứu hệ thống lọc âm thế hệ Dolby C áp dụng cho các sản phẩm này.

Đi lên từ những ý tưởng sáng tạo

Ngay tại những sản phẩm đầu tiên của Dolby Laboratories .Inc đã thu hút được sự chú ý của các nhà sản xuất máy nghe nhạc, máy ghi âm. Sau khi kết quả ứng dụng trong thực tế vào các sản phẩm đã cho thấy kết quả rõ rệt, sản phẩm máy nghe nhạc, ghi âm của các công ty bán chạy hơn với khả năng ưu việt về hệ thống âm thanh và công ty cũng đã thu được những khoản tiền đầu tiên từ hợp đồng chuyển giao bản quyền sử dụng cho các nhà sản xuất.

Trong những năm tiếp theo, Ray Dolby tiếp tục đưa vào nghiên cứu các hệ thống lọc âm thanh thế hệ sau có tính năng ưu việt hơn. Đặc biệt là những loại đĩa ghi âm trên nhiều rãnh, hệ thống ghi âm ở rãnh hẹp nhưng lại có khả năng thu và lọc rất tốt các âm thanh đa chiều đã trở thành dụng cụ không thể thiếu đối với các hãng sản xuất phim ảnh, ca nhạc ngay từ những năm 70.

Tại thị trường Mỹ, các hãng phim, đĩa hát mọc lên ngày càng nhiều, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng càng cao nhưng mức độ khó tính cũng không ngừng tăng lên. Xác định đây là một trong những thị trường rộng lớn có thể tập trung đầu tư khai thác, Ray Dolby đã tiến hành các chương trình nghiên cứu thị trường và đưa vào ứng dụng thực tế hệ thống lọc âm thanh thế hệ M lên tới 16 kênh và thế hệ A-type.

Những đại gia trong lĩnh vực sản xuất thiết bị âm thanh chính là những mục tiêu và cũng là nguồn khách hàng có tiềm năng lớn mà Ray Dolby hướng tới trong chiến lược kinh doanh của mình, vì chỉ có họ mới có thể vừa đưa những nghiên cứu của Dolby Laboratories .Inc vào thực tiễn và cũng chỉ có họ mới có thể thông qua các chương trình phân phối sản phẩm để quảng bá cho các sản phẩm của công ty.

Mục tiêu mà Ray Dolby hướng tới trong những năm đầu mở rộng kinh doanh của Dolby Laboratories .Inc chính là KLH Research and Development Corp, một trong những công ty lớn đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị nghe nhạc chất lượng cao. Đúng với những dự tính của Ray Dolby, với nhu cầu càng cao trên thị trường, sau khi áp dụng những nghiên cứu của Dolby Laboratories .Inc vào các sản phẩm của mình, KLH Research and Development Corp đã tạo được tiếng vang trên thị trường với hàng loạt các sản phẩm mang dấu ấn Dolby.

Tuy nhiên, lợi nhuận Dolby Laboratories .Inc thu về được không thể tối đa vì hầu như những nhà sản xuất đã trở thành những ông chủ của các phát kiến đó. Do đó, Dolby đã bắt đầu chương trình xây dựng mới và mở rộng hệ thống các cơ sở sản xuất thiết bị nghe nhạc và ghi âm của Dolby Laboratories .Inc thông qua chương trình liên kết với các nhà sản xuất uy tín để bước đầu tạo lập được danh tiếng. Sau đó Ray Dolby đã tách ra và thành lập lên những cơ sở độc lập của Dolby Laboratories .Inc hướng sang thị trưòng Anh quốc đầy tiềm năng.

Ray Dolby còn đặc biệt ưu tiên và tuyển chọn đội ngũ nhân viên nghiên cứu có trình độ cao trong công ty với những chế độ lương bổng ưu đãi. Nhờ đó, những sáng kiến cho các sản phẩm của công ty ngày càng nhiều, từ những loại trang thiết bị kỹ thuật số thông thường cho tới những thiết bị truyền âm qua vệ tinh đã ra đời tại Dolby Laboratories .Inc.

Nổi tiếng rộng lượng và giản dị

Một trong những bí quyết giúp Ray Dolby thành công trong sự nghiệp kinh doanh chính là tính kỷ luật trong công việc, ngoài khả năng chuyên môn giỏi, cách ứng xử khéo léo mà chân tình. Đặc biệt, Ray Dolby đã tạo được cho đội ngũ nhân viên của mình lòng trung thành tuyệt đối với công ty. Đã có nhiều người gắn bó với Ray Dolby suốt từ quá trình hình thành và phát triển của công ty cho tới tận ngày nay và đã tạo ra sự ổn định cho Dolby Laboratories .Inc.

Đáng nói hơn chính là khả năng độc lập sáng tạo của Ray Dolby, ông đã tự nghiên cứu, tìm tòi và cho ra được những sản phẩm mới, đặc sắc.Vì vậy, ở giữa những phát kiến vĩ đại của Silicon nhưng Ray Dolby vẫn tự làm được những sản phẩm đặc sắc, độc nhất vô nhị và trở thành một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ âm thanh của Mỹ và thế giới.

Rất giản dị trong cuộc sống, đối với Ray Dolby, công việc luôn được xếp lên hàng đầu, ngay cả khi đã có trong tay hàng tỷ Đô la, đức tính cần cù nghiên cứu của Ray Dolby vẫn không bị xáo trộn. Không bao giờ quá xa xỉ trong chi tiêu hàng ngày, không khoa trương trong cuộc sống thường nhật, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người có cảnh ngộ khó khăn, tạo được không khí thân mật thoải mái và chân tình đối với những người xung quanh, Ray Dolby đã trở thành một tấm gương điển hình cho đội ngũ nhân viên đang làm việc cho công ty.

Nhiều người, trong đó có cả những doanh nhân thành đạt đã từng biết Ray Dolby hơn 30 năm đã từng nhận xét rằng, “Ray Dolby là một người giản dị và ít khoa trương nhất mà tôi từng gặp”.

Không chỉ dừng lại trong các hoạt động kinh doanh, Ray Dolby còn tham gia hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật phim ảnh, đặc biệt là nghiên cứu khoa học. Ông từng được bầu chọn vào Uỷ ban Giải thưởng Most Excellent Order của Hoàng gia Anh năm 1986, thành viên danh dự của Hiệp hội Kỹ sư và Điện ảnh Anh... và vinh dự được nhận nhiều giải thưởng danh giá như giải thưởng Silver and Gold Medal Awards; giải thưởng Kỹ sư và Nhà khoa học năm 1979 của Viện Khoa học nghệ thuật điện ảnh; huy chương vàng công nghệ quốc gia của Mỹ năm 1997; giải thưởng IEEE’s Masaru Ibuka Consumer Electronics Award; danh hiệu tiến sỹ khoa học danh dự của trường Cambridge University và trường University of New York năm 1999.

Nguồn tin: Phương Thảo - VnEconomy