Áo phông, quần bò, đầu đinh. Nhìn bề ngoài Bành Hải Đào có dáng vẻ một thanh niên thích vui chơi hưởng thụ hơn làm lụng. Thế nhưng chàng trai 23 tuổi này lại là tấm gương điển hình lập nghiệp của thế hệ 8X tại Trung Quốc.
Từng được báo chí ví như Bill Gates Trung Quốc, Hải Đào một lần nữa thu hút sự chú ý của công chúng khi kiếm được hàng trăm triệu NDT (1NDT = 2.000 đồng) nhờ chuyển nhượng Công ty công nghệ Cẩm Thiên của mình cho Công ty Thành Đại.

Hải Đào sinh trưởng tại Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên). Lên 10 tuổi, Đào bắt đầu say mê trò chơi điện tử và từng đoạt giải nhất trong một cuộc thi trò chơi trực tuyến. 11 tuổi, Đào đòi bố mẹ sắm cho một máy tính riêng. Để “cắt cơn nghiện” của con, cha Đào từng phải tháo tung máy tính và đem giấu những linh kiện quan trọng, nhưng cũng không ngăn cản được niềm đam mê của cậu bé.

Năm 14 tuổi, với sự trợ giúp của những đàn anh đi trước, Đào lập trình trò chơi điện tử đầu tiên của mình. Năm 18 tuổi, anh thi vào khoa vi tính Trường ĐH Tứ Xuyên với mong ước chuẩn bị cho việc nghiên cứu lập trình trò chơi điện tử.

Vào ĐH, giáo trình học không như anh mong đợi. Học kỳ đầu tiên, thầy giáo chỉ giảng những điều Đào đã biết; học kỳ II, chẳng khá hơn: chỉ rặt những thứ đã lỗi thời. Đào quyết định thôi học và lao vào việc lập trình thiết kế trò chơi điện tử.

Quyết định của Đào đương nhiên gặp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình vì ở Trung Quốc tấm bằng ĐH vẫn còn là giấy thông hành để an toàn vào đời. Cha Đào tuyên bố từ con nếu anh muốn bỏ học, còn người mẹ hết mực lo lắng cho tương lai của con. Đào buộc phải kéo dài thêm một năm mới chính thức nghỉ học. Người cha thấu hiểu được đam mê của con nên tài trợ 1 triệu NDT. Đào lập ngay Công ty công nghệ Cẩm Thiên.

Để lôi kéo nhân tài, Đào từng bay đến Bắc Kinh để mời cho bằng được hai “cao thủ” trong làng trò chơi điện tử gia nhập công ty. Lúc thử nghiệm trò chơi “Truyền thuyết”, trong suốt hai tháng không về nhà, Đào từng thức trắng bốn ngày ba đêm. Mọi khó khăn như thể chọn thời điểm này thử thách ý chí chàng trai trẻ. Nào là máy bị treo, chương trình bị trục trặc, rồi lại bị hacker tấn công, bị tố cáo trốn thuế, bị lừa... Nay Đào thừa nhận thử thách nếm trải trong thời gian đó bằng với người khác phải chịu trong 10 năm.

Tháng 5-2005, sau hai năm nghiên cứu, trò chơi trực tuyến 3D đầu tiên của Trung Quốc ra đời. Đào nhanh chóng tìm được khách hàng chịu mua với giá 20 triệu NDT. Hiện công ty của Đào sở hữu hai trò chơi Phong Vân và Truyền thuyết, có số người chơi lên đến 6 triệu.

Bản thành tích này đã thu hút sự chú ý của Công ty Thành Đại. Đầu tháng 7-2007, Đào quyết định bán Công ty Cẩm Thiên cho Thành Đại vì muốn chuyên tâm sản xuất trò chơi điện tử; công tác quản lý đối với anh vẫn còn là việc khá đau đầu. Đào cho biết sẽ sử dụng số tiền đó đầu tư vào công tác nghiên cứu sản xuất trò chơi.

Nhiều người cho rằng Đào may mắn có ông bố giàu có, gặp thời cơ thuận lợi, tuy nhiên Đào cho rằng may mắn và bất hạnh luôn song hành với nhau. Ngoài ra, Đào cho biết anh không đồng tình với cách báo chí cho rằng anh trở thành “triệu phú trong một đêm”, vì thực tế trước khi chuyển nhượng công ty, mỗi ngày anh thu vào hơn 10 triệu NDT. Mặc dù được xem là tấm gương thành đạt của thế hệ 8X nhưng theo Đào, thành công đối với anh còn rất xa vời, anh cho rằng mình mới đứng trên vạch xuất phát.

Còn ông Cát Huy - giám đốc Thành Đại - cho biết đã đồng ý mua Cẩm Thiên vì nhìn thấy được tiềm năng của chàng trai 23 tuổi. Báo chí bàn luận rằng Đào thành công qua con đường game thủ, nhưng đây chỉ là một trường hợp cá biệt. Không nên xem việc bỏ học là cơ sở cho sự thành công, mà nên tìm hiểu làm thế nào sửa đổi cơ chế để đào tạo ra ngày càng nhiều Bành Hải Đào cho xã hội.