Câu chuyện này nằm trong loạt bài viết về những người trẻ ở thung lũng Silicon - những người sẽ làm nên lịch sử công nghệ của nước Mỹ và thế giới trong tương lai. Họ là những người luôn tự "quay trở lại điểm xuất phát" để chiến đấu với sự thành công của chính mình. Đó chính là động lực để phát triển của một đất nước.

Max Levchin, 32 tuổi, một chàng “tuổi trẻ tài cao” ở thung lũng Silicon (Mỹ), có trong tay tài sản trị giá 100 triệu USD. Anh từng mua một căn hộ cao cấp 12 phòng trị giá 3,4 triệu đôla. Nhưng anh cũng không sống ở đó lấy một ngày.

Hai năm sau, anh mua một căn nhà khác, đắt hơn căn đầu tiên (căn nhà này do vợ chưa cưới của anh tìm thấy, 2 người đã yêu nhau 8 năm trước khi làm lễ đính hôn).

Khi ấy, anh đã thành lập một công ty công nghệ khác, một trang web chuyên về chia sẻ ảnh và video clip trên mạng - trang web Slide.com.

Max Levchin thành công khi mới 27 tuổi nhờ buôn bán qua hệ thống Paypal – hệ thống thanh toán trực tuyến mà anh là người đồng sáng lập năm 1998.

Max Levchin là điển hình của một thế hệ mới những người trẻ tuổi, có tài ở thung lũng Silicon nước Mỹ. Mạng Internet với tầm ảnh hưởng toàn cầu sản sinh ra một thế hệ những ông chủ trẻ, sở hữu khối tài sản khổng lồ trị giá hàng triệu đô la, trẻ hơn và giàu hơn những nhà tỷ phú cũ cùng độ tuổi trong quá khứ.

Lẽ dĩ nhiên. họ cảm thấy hạnh phúc vì sự giàu có của mình. Nhưng dường như những “ông trùm” công nghệ trẻ tuổi này tỏ ra thờ ơ với sức mạnh của đồng tiền mà họ có, ít ra là đối với căn nhà mà họ mua được.

Họ không cố tìm cách tiêu tiền, mà thay vào đó, hầu hết bọn họ đều chọn cho mình một thú vui khác: Đó là quay trở lại điểm xuất phát để chiến đấu với chính bản thân mình. Không phải vì họ muốn có một căn nhà mới đắt tiền hơn hay có trực thăng riêng, mà bởi họ đang trong trong cuộc đua với chính bản thân mình và những người đồng lứa.

“Đối với những người như chúng tôi, thành lập một công ty mới là để khẳng định bước tiến của bản thân. Nó phải xuất sắc hơn công ty cũ”. Một người đồng nghiệp cũ của Levchin là Peter A. Thiel nói. Bản thân Thiel cũng vừa lập một công ty mới của riêng mình.

Tham vọng

Với trang web Slide.com thành lập năm 2005 chuyên về chia sẻ hình ảnh và video clip, Levchin bộc lộ tham vọng kiếm “ít nhất 1.54 tỉ USD” - là giá mà eBay trả cho anh để mua lại PayPal. “Nếu không, tôi lập công ty mới để làm gì cơ chứ?”

Ngày còn làm việc tại PayPal, Levchin thường xuyên ngủ lại văn phòng. “Chúng tôi rất ít khi ra ngoài để ăn uống, ngay cả khi ra ngoài, anh ấy cũng “chúi đầu” vào chiếc BlackBerry để check mail (kiểm tra hòm thư), trả lời và truy cập vào website của Paypal. Anh ấy ngủ có vài giờ mỗi ngày. Còn lại thời gian, anh ấy làm việc” – Bà Minkova, đồng nghiệp cũ của Max Levchin nói về anh như vậy.

Và giờ đây, cùng với Slide.com, Levchin tiếp tục mang trong mình một tham vọng lớn. Mặc dù tài sản hiện giờ của anh lên đến 100 triệu USD, Levchin vẫn làm việc miệt mài, trung bình mỗi ngày 15 - 18 tiếng.

Chỉ có một con đường: Lập một công ty mới

Maximillian Rafael Levchin sinh ra và lớn lên tại Kiev, Ucraina. Sau khi Liên Xô sụp đổ, gia đình anh chuyển tới sống ở Mỹ và định cư tại Chicago.

Với anh, những năm tháng tồi tệ nhất của đời à khi eBay mua lại PayPal. Anh mất 12 tháng với "cảm giác tồi tệ và ngu ngốc", chìm đắm trong suy nghĩ rằng mình sẽ phải làm gì với phần đời còn lại của mình. “Vì tôi quá trẻ để nghỉ hưu”, anh nói.

Levchin tâm sự: "Tôi thích ngồi trên bãi biển và chuyện trò với bạn gái, chơi với chú chó nhỏ, nhưng những việc đó chỉ chiếm có 3 giờ mỗi ngày. Vậy còn 18 giờ khi tôi thức thì sao?”

Hồi đầu, anh cũng không thấy phiền lắm khi mình rảnh rỗi. Với tài sản khổng lồ, Levchin đi xem hòa nhạc, xem trình diễn thời trang, game show hoặc ngồi nghĩ xem ai sẽ là người thừa kế thứ 2 sau vợ tương lai của mình.

Anh cũng đã nghĩ tới việc trở thành một ông chủ chuyên đầu tư mạo hiểm.

Sequoia Capital, một trong những công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại thung lũng Silicon ngay lập tức dành cho anh một chỗ khi anh có ý cân nhắc việc làm tại đây.

Nhưng những đồng nghiệp tại Sequoia thường xuyên rủ anh tham gia những buổi tiệc tùng, gặp gỡ, và anh thấy rằng, anh khó mà hòa hợp được với môi trường này.

Rồi anh lại nghĩ tới việc mình sẽ làm gì tiếp theo. Đã có lúc anh nghĩ sẽ quay trở lại trường Đại học Illinois - nơi anh đã tốt nghiệp để theo học bằng tiến sĩ. Đó cũng là điều mà mẹ anh, một nhà vật lý học luôn luôn mong mỏi anh thực hiện, và lại rất thích hợp với tình hình hiện tại của anh.

Thế nhưng, cuộc trò chuyện với người bạn đang giảng dạy về khoa học máy tính, đã thuyết phục anh rằng, học thuật không phải là cuộc sống của anh. Anh kể lại: "Người bạn đó nói: "Đừng có đùa, cậu sẽ lập một công ty khác". Ngay khi cậu ấy nói ra điều này, tôi biết mình sẽ làm như thế".

Ở Silicon, điều quan trọng nhất chính là khả năng

Tại thung lũng Silicon, nếu không được ngưỡng mộ hay trân trọng thì các doanh nhân, dù già hay trẻ, sẽ phải tiếp tục nỗ lực cố gắng trên đường đua của mình.

Robert I.Sutton, giáo sư về khoa học quản lý và kĩ sư tại Stanford, đồng sáng lập Standford Technology Ventures Program (Chương trình Công nghệ Mạo hiểm) nói: "Ở những nơi khác trên đất nước này, những thứ như bất động sản là những gì người khác rất ngưỡng mộ. Nhưng ở đây, điều quan trọng nhất chính là khả năng của con người để bắt đầu những công ty mới, và chứng tỏ rằng bạn đang làm việc trong nền công nghệ mới".

Marc Andreesen, đồng sáng lập của Netscape Communications năm 1994, khi anh mới 22 tuổi, nói: "Bắt đầu một công ty mới dễ hơn rất nhiều so với thời gian trước đây, và khả năng đem lại lợi nhuận cũng gấp rất nhiều lần so với chục năm trước. Lần đầu tiên trong lịch sử, bạn có một thị trường toàn cầu với hơn 1 tỉ người, tất cả đều được kết nối thông qua một mạng lưới làm việc tương tác. Vì vậy, cơ hội chắc chắn sẽ lớn hơn bao giờ hết"

Levchin kết luận, động lực để anh tiếp tục nỗ lực, tiếp tục cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ. Levchin đã làm những gì mà bất cứ một người trẻ thành công nào ở vị trí của anh cũng sẽ làm. Anh nói: "Tôi biết rõ mình muốn trở thành một CEO (Tổng giám đốc điều hành một công ty). Tôi chỉ chưa biết sẽ là CEO của công ty nào mà thôi".

Có những người ở thung lũng Silicon cũng thành lập công ty mới với mong muốn chinh phục những rào cản công nghệ đầy thách thức. Nhưng Levchin thì khác, anh thích những lĩnh vực liên quan đến kỹ sư phần mềm, anh tự nhận thấy bản thân mình có tiềm năng trở thành sáng lập viên của những doanh nghiệp có khả năng sinh lời lớn, hơn là chỉ đơn giản làm kiến trúc sư của một công ty công nghệ nhỏ.

Một trang web để chia sẻ hình ảnh và video chưa phải là điều mà Levchin thích nhất trong số hàng loạt ý tưởng mà anh đã cân nhắc. Nhưng anh đã chọn Slide.com vì anh nhận thấy nó có tiềm năng trở thành công ty vượt qua PayPal, cả về quy mô và giá trị tài sản.

Năm 2005, khi anh bắt tay vào xây dựng Slide.com thì trên mạng Internet đã có nhiều trang tương tự, nhưng Levchin đã nhìn ra cách thức mới để thành công. Với mong muốn thật nhiều người thể hiện bản thân mình trong thế giới mạng, dịch vụ cung cấp cho mọi người cách thức đơn giản để trang trí cho blog và trang web cá nhân với những hình ảnh hay video mà họ thích đã ra đời.

Tiêu tiền cũng phải biết cách

Levchin nói: :"Tôi sẽ điều hành bất cứ công ty nào, nó thực sự không có gì khác đối với tôi. Đó chính là động lực để chiến thắng."

Anh mong muốn dùng tiền để làm từ thiện, nhưng dường như anh không có lúc nào rảnh rỗi. Anh nói: "Tôi rất cảm thông và muốn giúp đỡ những người mà tôi biết, họ phải sống hết sức khó khăn".

Ước muốn kiếm ra thật nhiều tiền hơn nữa cũng có nghĩa là anh sẽ không chú ý nhiều đến tài sản anh đang có trong ngân hàng.

Levin chia sẻ: "Thái độ với cuộc đua tiếp theo này sẽ định hình trí óc bạn. Đó là: sẵn sàng, đặt mục tiêu và tiến lên. Sau đó thì không có gì là thực sự nghiêm trọng cả".

Levchin không hề khoe khoang những của cải xa hoa đắt tiền như nhiều người ở thung lũng Silicon vẫn làm. Hai ông vua của thung lũng là đồng sáng viên của Google - Sergey Brin và Larry Page, với tổng giá trị tài sản lên tới hơn 40 tỉ USD đã phô trương sự giàu có của mình khi mua hẳn một chiếc Boeing 767-200.

Đối với Levchin, anh không cần những chiếc xe sang trọng và nếu có đi ăn tối thì anh sẽ thấy thoải mái và thích thú trong một quán ăn nhỏ, hơn là một nhà hàng đắt tiền.

Scott Banisher, một người bạn thân thiết của Levchin, hiện đang làm việc tại một trang web về hoạt động xã hội, nói: "Tiêu tiền cũng là một hành động đẹp, và ai cũng được hoan nghênh làm việc đó. Nhưng hãy nhớ rằng, bạn đang tiêu tiền, bạn đang làm chủ đồng tiền, chứ không phải nô lệ của nó".

(Theo New York Times)