Họ đã là triệu phú, thậm chí là tỉ phú. Họ sở hữu những tài khoản khổng lồ. Nhưng họ vẫn cảm thấy thế chưa đủ ... giàu có. Và họ vẫn miệt mài làm việc, vẫn cật lực kiếm tiền. Vì sao?

Những triệu phú không cảm thấy... giàu


Đó là khái niệm mà rất nhiều người ở thung lũng Silicon thừa nhận.

Steger, 51 tuổi, một giám đốc tiếp thị, có tài khoản hơn 2 triệu đôla trong ngân hàng. Ngoài ra, vợ chồng ông còn đang sở hữu ngôi nhà trị giá 1.3 triệu đôla. Tổng tài sản của hai vợ chồng là gần 3.5 triệu đôla, giúp họ đứng vào danh sách 2% những gia đình giàu có nhất ở Mỹ.

Ấy vậy mà, mỗi ngày ông Steger vẫn tiếp tục miệt mài làm việc ở nơi mà các đồng nghiệp gọi đùa là "mỏ muối của thung lũng Sillicon". Ông là giám đốc điều hành phụ trách bộ phận Marketing cho một công ty về công nghệ. Hầu như tất cả các buổi sáng, mọi người đều thấy ông ngồi ở bàn làm việc lúc 7 giờ, kéo dài 12 tiếng mỗi ngày. Và chỉ đến cuối tuần ông mới dành 10 tiếng để nghỉ ngơi.

Ông nói: "Tôi biết người ngoài nhìn vào sẽ đặt câu hỏi tại sao những người như tôi cứ tiếp tục làm việc vất vả như thế. Nhưng một vài triệu đôla không lớn như mọi người vẫn tưởng. Có thể trong những năm 70, một vài triệu đôla đã có nghĩa là bạn đang hưởng thụ cuộc sống của những người giàu có và nổi tiếng. Nhưng chỉ thế thôi, chứ không hơn".

Thung lũng Silicon hiện giờ tồn tại rất nhiều người có thể gọi là triệu phú trong tầng lớp lao động, những người miệt mài làm việc không ngơi nghỉ giống như ông Steger. Nhưng đáng ngạc nhiên là, họ vẫn tiếp tục lao động cần mẫn như đã từng trước đó, kể cả khi họ tự nhận thấy mình đã nằm trong số những người giàu có. Cuộc sống của họ không thiếu cơ hội và họ vẫn thích thú với công việc của mình.

Nhưng rất nhiều người thành đạt và nhiều tham vọng ở đây vẫn không nghĩ về bản thân mình như những người đặc biệt giàu có, một phần là vì họ sống giữa rất nhiều người còn giàu hơn thế.

Khi trên thế giới có những giám đốc điều hành mỗi năm được trả 10 triệu đôla, những quản lý quỹ có thể kiếm 1 tỉ đôla hàng năm, thì những người chỉ có vài triệu đôla thường nhận ra tài sản của mình quá nhỏ bé. Đó là sự phản ánh vị trí khiêm tốn của họ trong thời đại giàu sang này, thời đại mà hàng trăm nghìn người có thể tích luỹ được những khoản tài sản "kếch sù".

Gary Kremen, 43 tuổi, người sáng lập Match.com - dịch vụ trực tuyến rất phổ biến, nói: "Mọi người ở đây đều nhìn vào những người cao hơn họ. Nó giống như là phố Wall, nơi có rất nhiều nhân vật giàu có của lĩnh vực tài chính với tài sản 7 triệu đôla tự hỏi điều gì là đặc biệt ở họ khi mà tất cả những người ở đây đều sở hữu hàng trăm triệu đôla".

Kremen ước tính tài sản của mình vào khoảng 10 triệu đôla, giúp ông đứng vào số 1% những người Mỹ giàu có nhất, theo số liệu của Cục dự trữ liên bang. Nhưng ông lại hiếm khi được xếp vào danh sách những người giàu có ở những thị trấn cực giàu như Palo Alto, Menlo Park và Atherton. Vì vậy ông vẫn làm việc 60 đến 80 tiếng mỗi tuần. Ông không nghĩ mình đã có đủ tiền: "Chẳng có ai ở đây mà chỉ sở hữu 10 triệu đôla".

Tất nhiên, không phải tất cả triệu phú ở thung lũng Sillicon đều chia sẻ quan điểm ấy.

Celeste Baranski, một kỹ sư 49 tuổi, tài sản chỉ vào khoảng 5 triệu đôla, sống với chồng ở Menlo Park, không bao giờ phải lo nghĩ đến chuyện phải kiếm đủ tiền để trả cho chi phí học tập của hai đứa con. Cách đây khá lâu, chị đã không còn phải phiền lòng về việc phải giữ cân bằng quyển sổ séc của mình.

Khi những ngày làm việc kéo dài 18 tiếng trôi qua trong căn phòng kỹ thuật khiến chị rơi vào trạng thái mệt mỏi, trống rỗng, chị đã quyết định tự dành cho mình 12 tháng xa rời hoàn toàn công việc để thư giãn và nghỉ ngơi.

David Hettig, chuyên gia bất động sản ở Menlo Park nói: "Những người ở đây, nếu họ chỉ có 2 -3 triệu đôla, họ sẽ không cảm thấy yên lòng".

Nhà tâm lý Marilyn Holland với kinh nghiệm 25 năm tư vấn tâm lý cho những người giàu có ở thung lũng Silicon nói: "Họ nhận ra rằng nếu họ bất ngờ chuyển qua một nơi làm việc khác, mọi thứ sẽ thay đổi".

Đó là một điểm khác biệt lớn giữa những triệu phú lao động và những người giàu có nhất ở đất nước này.

"Tôi có xứng đáng với số tiền đó không?"

Bruce Karsh, 51 tuổi, một kỹ sư có tài sản khoảng 2 - 4 triệu đôla nói: "Rất nhiều tiền của ở đây được làm ra một cách không chủ đích. Mọi người không được sắp đặt để trở thành triệu phú".

Chị Baranski là một ví dụ. Chị là con gái của một giáo sư đại học, ông đã mất khi chị mới 12 tuổi, bỏ lại mẹ chị cùng 3 đứa con. Chị bắt đầu việc học tại trường với dự định trở thành nhạc sĩ. Nhưng rồi những lo lắng về nợ nần khiến chị chuyển sang học một trường kỹ sư, chị cũng đã lấy được bằng thạc sĩ ngành điện tại đây.

Bây giờ thì tài sản của chị khoảng 5 triệu đôla, đó là một con số "không thể tưởng tượng được ở tuổi 20", chị đã tâm sự như vậy. "Tôi luôn tự hỏi "Mình có xứng đáng với số tiền đó không?" Chưa bao giờ tôi nghĩ giống như mọi người bởi vì với tôi, đó là một khoản tiền quá lớn".

Baranski có lẽ là triệu phú hiếm hoi ở thung lũng Silicon tự hỏi mình câu hỏi đó.

"Ở đây, tôi chỉ là một người bình thường"

David Koblas, lập trình viên máy tính, tài sản 5 - 10 triệu đôla, tưởng tượng cuộc sống của mình sẽ như thế nào nếu anh rời khỏi thung lũng Silicon. Anh có thể chuyển tới một thị trấn nhỏ như Elko, Nev. Hoặc anh chuyển cả gia đình tới miền trung và sống như một ông hoàng trong một ngôi nhà rộng lớn trong khu đẹp nhất ở thị trấn.

Nhưng anh lại chọn sống ở Los Altos, nam Palo Alto với vợi và hai đứa con. Cuộc sống ở đây thì ... đắt đỏ, chi phí trường học cao, giá nhà thì dao động liên tục. Thay vì một ngôi nhà trang hoàng lộng lẫy, cả gia đình sống trong khu khiêm tốn, không rộng hơn ngôi nhà trung bình của người Mỹ là bao.

"Tôi có thể rất giàu có ở Kansa City. Mọi người sẽ nhìn tôi với con mắt ngưỡng mộ. Nhưng ở đây, tôi chỉ là một người bình thường".

Không ai biết chắc chắn thung lũng Silicon có bao nhiêu triệu phú. Nhất định sẽ có lúc tài sản của họ lên đến con số hàng chục nghìn. Nhưng hầu như tất cả đều vẫn miệt mài làm việc, không chỉ vì công việc đem lại cho họ cảm hứng thành công và thoả mãn mà còn vì họ nghĩ rằng, họ phải làm việc để không thua kém những người láng giềng.

Sau khi thành công, không có phút nào ngơi nghỉ

Tony Barbagallo, 44 tuổi, qua hơn 20 năm đã sở hữu tài sản trị giá 3.6 triệu đôla cổ phiếu và cổ phần trong các công ty anh đã từng làm việc. Mặc dù có được tài sản lớn nhưng anh vẫn hết sức ngạc nhiên khi nhận ra mình vẫn lo lắng như rất nhiều người Mỹ khác về các vấn đề khác nhau như chi phí chăm sóc sức khoẻ, học tập và áp lực phải kiếm thật nhiều tiền trước khi về hưu.

Tiền thuế đã tiêu tốn gần 40% tiền tiết kiệm, tức là khoảng 2.2 triệu đôla. Trong những năm qua, anh đã cố gắng sống không phụ thuộc vào lương nhưng không thành công. Để hạn chế các khoản chi tiêu hàng tháng, hai vợ chồng anh mua một ngôi nhà cách xa thung lũng Silicon, ở thị trấn Moraga với giá 750.000 đôla - chỉ tương đương với một khoản hết sức khiêm tốn ở thung lũng Silicon.

Nhưng họ lại dành 350.000 đôla để đầu tư vào việc tu sửa nhà cửa. Điều này khiến họ lần đầu tiên nhìn nhận một cách sâu sắc về tổ ấm của mình.

Hiện tại, họ đã tiết kiệm được 1.2 triệu đôla và có những đồ đạc trong gia đình trị giá hàng trăm nghìn đôla. Với hai đứa con vẫn còn đang đi học, anh vẫn phải làm việc miệt mài, 70 tiếng mỗi tuần. Vợ anh nói: "Tony đáng thương, anh ấy sẽ chẳng bao giờ có thể về hưu được".

Cuộc chạy maraton không có điểm dừng

Rất nhiều triệu phú trong số này có lựa chọn làm việc cật lực để kiếm thêm 5 đến 10 triệu đôla nữa. Một số ít lựa chọn rời xa công việc quần quật hàng ngày.

Đó là những gì Mark Gage, kỹ sư 51 tuổi và vợ đã làm khi họ rời khỏi Bay Area năm 2005 với 3 triệu đôla hoặc gần như thế. Họ mua một ngôi nhà "rộng rãi, rất đẹp với những góc nhìn tuyệt vời" ở Bend, Ore. Giờ thì Gage chỉ làm việc khi mà công việc thực sự lôi cuốn anh.

Nhưng cũng có những người cho rằng, rời khỏi thung lũng Silicon là thừa nhận thất bại. Chính vì vậy và Milletti vẫn tiếp tục làm việc 60 -70 tiếng mỗi tuần tại một công ty buôn bán trực tuyến, một phần để chứng tỏ rằng thành công đầu tiên của anh không phải là ngẫu nhiên, mà là để giải quyết những khó khăn tài chính lúc ban đầu.

Những người giàu có ở thung lũng Silicon cũng không sung sướng gì. Chuyên gia tâm lý Holland nói: "Có rất nhiều người tìm đến bạn vì tiền: người thân, họ hàng, các tổ chức từ thiện. Đó là vì họ cho rằng bạn có rất nhiều tiền."

Những áp lực khác có thể đến từ mọi mặt cuộc sống. Barbagallo nhớ lại khi một vài cặp đôi không thành công khi mời hai vợ chồng anh tới Las Vegas cho một sự kiện từ thiện.

Barbagallo nói: "Bạn nhìn mà xem, áp lực phải bỏ tiền ra có mặt ở khắp mọi nơi. Bọn trẻ muốn mặc những bộ đồ mới nhất giống như chúng bạn, mua những đồ chơi đắt tiền. Đồ đạc trong nhà có vẻ không tương xứng một khi bạn chuyển tới một ngôi nhà trị giá hàng triệu đôla. Đi du lịch, cắm trại, tìm người giúp việc toàn thời gian, rượu, đồ uống, những cuộc chơi trong các câu lạc bộ ... Tất cả đều cần phải có tiền".

Đối với Milletti, đó giống như một cuộc chạy maraton không có điểm kết thúc.

"Ở đây, tốp những người nằm trong danh sách 1% giàu có nhất cố gắng leo lên tốp 0,1% và tốp 0,1% thì đuổi theo những người ở tốp 0,01%. Cứ như vậy, cho dù bạn cố gắng không tham gia vào vòng quay ấy, nhưng dường như rất khó thực hiện được".

Những lí do này khiến cho rất nhiều triệu phú ở thung lũng Silicon không cảm thấy mình giàu có. Và họ vẫn tiếp tục làm việc miệt mài.

(Theo New York Times)