Papa John's, Dell và Microsoft… là một vài cái tên trong số muôn vàn công ty khởi sự kinh doanh với số vốn ít ỏi và chỉ do một cá nhân điều hành. Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất ở đây khiến cho Papa John's, Dell và Microsoft vượt lên khỏi ngưỡng “nhỏ” đó là những người đứng đầu từ chối việc nhìn nhận và hành động như một “chú lùn”, ngay cả khi thực tế họ là như vậy. Câu hỏi thường xuyên được đặt ra tại các buổi bàn bạc, hội thảo kinh doanh là:“Đâu là những quy tắc của các công ty nhỏ?”. Câu trả lời là: Không có bất kỳ quy tắc nào.

Mặc dù vậy, đây không phải là một câu hỏi vô nghĩa. Trên thị trường hiện nay có hàng trăm triệu công ty nhỏ đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Và có thể phần lớn trong số họ mãi mãi vẫn sẽ là công ty nhỏ.

Đây là một vấn đề tâm lý: nếu bạn luôn nghĩ rằng công ty bạn là công ty nhỏ để rồi chỉ tìm kiếm các ý tưởng và phương pháp phát triển dành cho công ty nhỏ, thì cho đến bao giờ bạn cũng chỉ là một công ty nhỏ cùng với những hoạt động kinh doanh hầu như không sinh lời.

Bạn hãy vượt qua rào cản, hãy nghĩ rằng công ty bạn lúc này là một công ty còn non trẻ, mới khởi sự và có thể nhỏ bé, nhưng đến một ngày không xa, công ty chắc chắn sẽ trở thành doanh nghiệp lớn.

Bill Gates

Mọi tập đoàn hùng mạnh nhất trên thế giới đều phải khởi đầu từ những hoạt động kinh doanh nhỏ. Sau khi kết thúc năm thứ nhất đại học, cậu sinh viên Bill Gates đã từ bỏ “giấc mơ Harvard” để tới Albuquerque viết chương trình phần mềm cho chiếc máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới, MITS Altair 8800.

Đã có lúc IBM đề nghị mức giá 2 triệu USD để Gates viết chương trình cho chiếc PC của IBM. Nếu lúc đó Bill Gates chỉ xem bản thân như người điều hành một công ty nhỏ, có lẽ Gates đã sung sướng đón nhận khoản tiền 2 triệu USD khổng lồ và ngày nay, Bill Gates không bao giờ có thể trở thành người dẫn đầu trong danh sách những tỷ phú nhất thế giới với tài sản lên tới 50 tỷ USD. Bạn nghĩ sẽ có bao nhiêu công ty nhỏ trong số hàng trăm triệu công ty ngày nay sẵn sàng đón nhận 2 triệu USD? Có thể là rất nhiều.

Chiến đấu với công ty 6,6 tỷ USD

Michael Dell cũng rời trường đại học Texas sau năm thứ hai để thành lập một công ty máy tính cá nhân của riêng mình - một ý tưởng nảy sinh trong đầu khi Dell còn đang ngái ngủ. Và Dell giờ đây đã trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của công ty nào? Chính là “người khổng lồ” về phần cứng máy tính: IBM.

Hãng Dell Computer khởi sự vào năm 1984. Vào thời điểm đó, IBM đã là một tượng đài sừng sững trong thế giới kinh doanh với doanh thu hàng năm lên tới 6,6 tỷ USD và là công ty lớn nhất thế giới. Theo nhận xét của Tạp chí Fortune, IBM là miếng bánh hấp dẫn nhất nước Mỹ cho các nhà đầu tư thời bấy giờ.

Hiện nay, Dell đã được công nhận là hãng sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới, trong khi IBM buộc phải chia tay với thị trường máy tính cá nhân sau khi thua lỗ hàng tỷ USD.

Tránh những quy tắc đặc biệt

Một sinh viên năm thứ hai Đại học Texas làm thế nào để đương đầu với một công ty quyền lực nhất thế giới? Vào năm 1984, IBM kiểm soát 50% thị trường máy tính cá nhân toàn cầu, chưa kể tất cả các đối thủ cạnh tranh lớn của IBM đều được dãn mác “nhân bản”, bởi vì họ đều bán các sản phẩm Windows/Intel như nhau.

Nếu Michael Dell đã từng đọc cuốn sách “Những quy tắc đặc biệt dành cho doanh nghiệp nhỏ” (Special Rules for a Small Business), chắc là ông đã từ bỏ ngay kế hoạch sản xuất máy tính cá nhân để gia nhập thị trường thực phẩm, ăn uống. Dell có lẽ không biết đến lời khuyên trong cuốn sách: “Trở thành một đối tác nhận nhượng quyền kinh doanh của hãng kem Baskin-Robbins có lẽ tốt hơn nhiều so với việc gia nhập liên minh IBM”.

Phần lớn các chủ doanh nghiệp thành công đều có hai đức tính khiến họ trở nên khác biệt so với các doanh nhân bình thường khác: Thứ nhất, họ hoàn toàn không e ngại bất cứ điều gì; thứ hai, họ suy nghĩ rất kỹ lưỡng và có trọng tâm.

Duy trì trọng tâm

Trước sức hấp dẫn của thị trường, bất kỳ một doanh nhân nào cũng đều muốn gia nhập thị trường máy tính cá nhân. Tuy nhiên, Gates chỉ duy trì trọng tâm kinh doanh vào các phần mềm, thậm chí cả khi ông phải hứng chịu không ít nghi ngờ từ phía khách hàng về mức độ bảo mật của các phần mềm đó.

Michael Dell cũng suy nghĩ và hành động rất có trọng tâm. Thông thường, một công ty muốn tăng doanh số bán hàng sẽ bán sản phẩm qua tất cả các kênh phân phối. Michael Dell lại không làm như vậy, mà ông chỉ tập trung vào việc bán máy tính cá nhân qua điện thoại. Và Dell không cố gắng hướng đến tất cả các loại khách hàng, ông chỉ tập trung khai thác thị trường doanh nghiệp.

Việc duy trì trọng tâm kinh doanh đã đem lại cho Dell những thành tựu to lớn. Dell đã kiên định và ông đã biến chiến lược của mình thành hiện thực: một sản phẩm là máy tính cá nhân, một thị trường là thị trường doanh nghiệp, một kênh phân phối là phân phối trực tiếp qua điện thoại. Trong thập niên 1990, Dell Computer là công ty có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục nhất trong danh sách Standard & Poor's 500.

Chỉ tập trung vào bánh pizza

John Schnatter chưa bao giờ có mặt trong giảng đường đại học. Ông khởi sự với một cửa hàng thức ăn nhanh tại quán rượu của người cha ở Indiana. Thực đơn từ lúc đó đến nay vẫn là: Bánh mì kẹp thịt bò pho-mát, bánh mì kẹp hải sản, nấm chiên, rau trộn và pizza.

Liệu John Schnatter (được biết đến với cái tên Papa John) có trở nên nổi tiếng, nếu ông bổ sung thêm nhiều món vào thực đơn của cửa hàng? Câu trả lời chắc chắn là không. Ông chỉ tập trung vào bánh pizza.

Papa John đã trở thành dây chuyền cung cấp bánh pizza lớn thứ ba tại Mỹ (sau Pizza Hut và Domino) với doanh thu năm 2005 lên đến 969 triệu USD.

Trong mọi lĩnh vực kinh doanh, mọi ngành công nghiệp, mọi thành phố, bạn sẽ thấy các công ty nhỏ ngày nay luôn khát khao tăng trưởng, nhưng chiến lược của họ đều như nhau. Họ theo đuổi lối tư duy kinh doanh chật hẹp theo kiểu “Ai, Cái gì, Tại sao, Khi nào, Ở đâu và Như thế nào?”.

- Chúng ta có thể bán hàng cho ai?

- Chúng ta có thể bổ sung thêm gì vào danh sách sản phẩm?

- Tại sao chúng ta không thể mở rộng các hoạt động kinh doanh?

- Khi nào thì chúng ta có thể mở rộng danh mục sản phẩm/dịch vụ?

- Chúng ta có thể phân phối sản phẩm/dịch vụ ở đâu?

- Chúng ta phải thu hút thêm sự quan tâm của khách hàng tới sản phẩm/dịch vụ đang cung cấp như thế nào?

Hãng 1-800-GotJunk

Hầu như tất cả mọi người đều làm tất cả mọi việc – thương mại và công nghiệp, xa và gần, nhỏ và lớn, đóng gói và không đóng gói.

Khi mới 19 tuổi, Brian Scudamore có lần nhìn thấy một chiếc xe tải chở rác đi ra từ một cửa hàng của McDonald, thế là ông nảy ra ý tưởng thành lập công ty 1-800-GotJunk, chuyên vận chuyển phế liệu. Từ số vốn 700 USD, ngày nay, 1-800-GotJunk đã có trên 150 đại lý nhượng quyền kinh doanh với khoảng 75 triệu USD doanh thu hàng năm. Thay vì vận chuyển mọi thứ, Brian Scudamore đã có một gia tài khổng lồ nhờ vận chuyển duy nhất một thứ: phế liệu.

Đối với hàng triệu công ty nhỏ trên thị trường, chúng ta có 2 quy tắc…

Một câu hỏi khác cũng thường xuyên được đặt ra tại các buổi bàn luận, hội thảo kinh doanh là: “Tại sao bạn không vận dụng kinh nghiệm thành công của các công ty nhỏ?”. Đây là điều rất nên làm, bởi công ty nhỏ nào tuân thủ đúng các quy tắc đều trở thành các công ty lớn.

Quy tắc thứ nhất: Suy nghĩ lớn. Nếu bạn là một công ty nhỏ và muốn mãi vẫn là một công ty nhỏ, hãy suy nghĩ nhỏ. Nếu bạn là một công ty nhỏ và muốn trở thành một công ty lớn, hãy suy nghĩ lớn.

Quy tắc thứ hai: Tuân thủ các luật lệ tiếp thị. Nếu bạn là một công ty nhỏ, bạn sẽ không thể quảng bá sản phẩm/dịch vụ tới mọi góc gách của thị trường, trừ khi bạn làm đúng theo các luật lệ của hoạt động tiếp thị. Nếu bạn là một công ty lớn với những nguồn lực kinh doanh dồi dào, bạn có thể sẽ thường xuyên vi phạm và quên các luật lệ đó.

Không phải tất cả mọi công ty nhỏ đều có thể “chuyển đổi” thành các công ty lớn, nhưng huyền thoại quảng cáo Leo Burnett luôn cho rằng điều này sẽ trở thành hiện thực, một khi bạn có những suy nghĩ lớn lao. “Khi bạn vươn lên để hái các ngôi sao trên trời, có thể bạn không lấy được một ngôi sao nào, song thứ bạn có được sẽ không phải là một nắm bùn”, Leo Burnett nói.

(Thanh Bình Dịch từ Adage)