Không trực tiếp thành lập tập đoàn Walt Disney nhưng lại góp công đầu trong việc tái tạo và giúp doanh nghiệp điện ảnh nổi tiếng thế giới này chiếm lĩnh thị trường thế giới. Người đó không ai khác chính là cựu Giám đốc điều hành của Walt Disney, Michael Eisner.

Thông minh, nhanh nhạy và bắt đầu một cuộc sống tự lập từ sớm với vị trí là nhân viên giúp việc tại xưởng phim truyền hình, Michael Eisner đã từng bước khẳng định được vị trí của mình trong nhiều vị trí công việc tiếp theo tại các xưởng phim của Hollywood.

Cùng với đó, Michael Eisner trở thành một trong ba nhân vật trọng yếu nhất của Hollywood và là một trong những người giầu nhất hành tinh với số tài sản cá nhân lên tới hàng tỷ đôla.

Sau khi khẳng định được tài năng quản lý của mình tại Daytime Programming và Paramount Pictures, Michael Eisner đã tới Walt Disney. Trên cương vị là giám đốc điều hành, Michael Eisner đã mang lại một nguồn sinh lực mới cho tập đoàn Walt Disney.

Từ những năm thập niên 80 cho tới những năm thập niên 90, tài năng của Michael Eisner đã giúp hãng phim Walt Disney có được những bước phát triển nhảy vọt và trở thành một hãng phim hàng đầu thế giới.

Niềm đam mê phim ảnh

Michael Eisner sinh ngày 7/3/1942 tại Mt. Kisco, New York, Mỹ. Cha của Michael Eisner, ông Lester Eisner là một luật sư tài năng, một nhà đầu tư có tiếng nên ông Lester Eisner rất hiểu được tầm quan trọng của việc học hành, do đó, ông luôn tạo cho Michael Eisner điều kiện học tập thuận lợi nhất.

Mặc dù vậy, không hoàn toàn theo những mong muốn của bố, Michael Eisner lại chỉ đạt được mức độ học tập trung bình khá và thay vào đó, cậu lại tỏ ra rất mê phim ảnh trên các chương trình TV.

Và mặc dù ông Lester Eisner đã đưa ra cho cậu con trai những quy định chặt chẽ về việc học tập và ít cho cậu xem phim ảnh nhưng Michael Eisner vẫn cố gắng tìm mọi cách tranh thủ một tới hai giờ để xem chương trình mà mình ưa thích trên TV.

Tốt nghiệp trung học, theo những thiên hướng đã được thể hiện, Michael Eisner đã quyết định thi vào học tại Khoa văn học và sân khấu của trường Đại học Denison University, Granville, Ohio.

Trong thời gian học đại học, ngoài những giờ lên lớp, Michael Eisner còn tranh thủ kiếm việc làm thêm tại xưởng phim NBC ở New York. Công việc ban đầu chỉ là một nhân viên bình thường nhưng với lòng đam mê nghệ thuật phim ảnh và một ý chí tự lập quyết tâm đi theo nghề đã chọn, trong những kỳ nghỉ hè, thay bằng việc dành thời gian cho các hoạt động vui chơi như nhiều bạn bè khác, Michael Eisner tập trung hết vào các công việc tại NBC.

Vừa làm vừa tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, do đó, ngay khi chưa tốt nghiệp Michael Eisner đã thạo nghề và tạo được uy tín đối với các nhà quản lí của NBC. Tới năm 1964, sau khi tốt nghiệp, Michael Eisner đã được nhận ngay vào làm thư ký chính thức của xưởng phim NBC.

Miệt mài và thông minh, chỉ sau đúng 6 tuần được làm việc chính thức, Michael Eisner đã thể hiện được khả năng kinh doanh của mình và được ban lãnh đạo công ty đưa lên làm việc tại bộ phận xây dựng chương trình của NBC. Tại vị trí công việc mới này, Michael Eisner được giao đảm trách thực hiện các chương trình nghiên cứu để đưa các chương trình dành cho trẻ em.

Mặc dù công việc rất tiến triển, tuy nhiên, với tham vọng ngày một lớn của mình, cùng với những công việc tại NBC, Michael Eisner đã không ngần ngại viết và gửi đi hàng trăm lá thư tìm kiếm công việc mới. Và may mắn đã tới với Michael Eisner, trong số hàng trăm lá thư được gửi đi, chỉ có một bức thư được hồi âm đó là của Barry Diller, nhà quản lý tài năng của công ty sản xuất chương trình truyền hình ABC.

Sau khi rời NBC, Michael Eisner đã được Barry Diller nhận và sắp xếp vào vị trí trợ lí Giám đốc chi nhánh National Programming của ABC. Tại vị trí công việc mới, Michael Eisner đã được giao trọng trách thực hiện những bộ phim truyền hình dành cho các chương trình TV.

Cho dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng tài năng của Michael Eisner đã được thể hiện một cách đúng lúc. Chỉ sau đúng 1 năm làm việc, Michael Eisner đã nghiên cứu và đưa vào thực hiện dàn dựng thành công bộ phim truyền hình Feelin’Groovy at Marine World. Tác phẩm này của Michael Eisner đã gây được tiếng vang đối với công chúng, đồng thời đánh dấu sự xuất hiện đầy ấn tượng của Michael Eisner tại kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood.

Chìa khóa thành công của các doanh nghiệp điện ảnh

Chỉ sau khi Feelin’Groovy at Marine World ra mắt công chúng được một năm, Michael Eisner đã tiếp tục được giao một trọng trách cao hơn, đó là người quản lí, khai thác tài năng và sau đó là giám đốc chương trình phát triển của chi nhánh East Coast.

Tại ABC, tài năng của Michael Eisner luôn tỷ lệ thuận với sự thăng tiến trong công việc. Ngoài khả năng thu hút, kết hợp năng khiếu của các nhân tài trong lĩnh vực điện ảnh, Michael Eisner còn xây dựng được những chương trình truyền hình đặc sắc phục vụ cho chiến lược thu hút khách hàng ở tầm vĩ mô của công ty. Một trong những chương trình mà Michael Eisner đã xây dựng thành công nhất tại ABC là chuyên mục giải trí dành cho thiếu nhi vào thứ 7 hàng tuần.

Trong chuyên mục này, Michael Eisner đã kết hợp thành công tài năng của hai nhóm nhạc nổi tiếng thời điểm đó là nhóm Jackson Five và Osmond Brothers. Với nội dung phong phú có sức lôi cuốn đối với các khán giả nhí, Michael Eisner đặc biệt chú trọng tới tính giáo dục nhằm tạo cho trẻ em những hành vi mang tính nhân văn.

Trong nhiều năm làm việc tại ABC, Michael Eisner còn mang lại cho khán giả nhiều chương trình đặc sắc khác như Happy Days, Welcome Back Kotter, Barney Miller, Starsky và Hutch, All My Children, One Life To Live...Năm 1971, Michael Eisner được bầu vào vị trí Phó chủ tịch của ABC.

Nhờ tài năng của Michael Eisner, sau nhiều năm chỉ đứng ở vị trí thứ 3 trên các kênh truyền hình, ABC đã vươn lên vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng. Khép lại những năm tháng mang lại không ít thành công cho ABC, năm 1974, Barry Diller đã được chuyển sang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch của Paramount Pictures và Michael Eisner là người đầu tiên được tiến cử sang làm việc cùng ông.

Khi đó Paramount Pictures vẫn chỉ là một hãng phim nhỏ, nguồn tài chính còn hạn hẹp, sức cạnh tranh còn yếu và đang đứng ở tốp cuối bảng xếp hạng các hãng phim. Được giao đảm nhiệm vị trí là người điều hành của Paramount Pictures, Michael Eisner tiếp tục phát huy thực sự hiệu quả những bài học kinh nghiệm quý báu từ khi còn làm việc tại ABC.

Tại Paramount Pictures, một công ty chuyên sản xuất những tác phẩm phim ảnh cung cấp cho thị trường nên các công việc của Michael Eisner đã có sự khác biệt. Vấn đề đầu tiên mà Michael Eisner phải giải quyết chính là nghiên cứu xu thế nhu cầu của thị trường để đưa vào sản xuất những tác phẩm thời thượng nhưng cắt giảm được đến mức thấp nhất những chi phí. Đây là một bài toán không hề đơn giản vì hầu hết các bộ phim được dàn dựng hoành tráng, đạt doanh thu cao đều cần những khoản chi phí lớn.

Chính vì vậy, ngay từ những bước ban đầu để xây dựng một tác phẩm, Michael Eisner đều phải lên kế hoạch hết sức tỉ mỉ để loại khỏi danh sách nhiều khoản chi phí không cần thiết. Nhờ đó, các khoản chi phí cho các bộ phim của Paramount Pictures đã được giảm thiểu, trong khi mỗi bộ phim của các hãng khác tiêu tốn trung bình khoảng 12 triệu USD thì những bộ phim của Paramount Pictures chỉ phải chi khoảng 8,5 triệu USD.

Dưới “triều đại” của Michael Eisner, hàng loạt những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Raiders of the Lost Ark, Saturday Night Fever, Grease, Heaven Can Wait, Ordinary People, Terms of Endearment, An Officer and a Gentleman, The Elephant Man, Reds, Flashdance, Footloose, Trading Places, Beverly Hills Cop, Airplane đã được ra đời. Tới năm 1978, dưới sự kết hợp hoàn hảo giữa Barney Miller và nhà quản lí tài năng Michael Eisner, Paramount Pictures đã chính thức vươn lên vị trí một trong 10 hãng phim mạnh nhất tại Hollywood.

Khôi phục và phát triển thành công Walt Disney

Michael EisnerNăm 1984, sau gần 10 năm gắn bó với Paramount Pictures, Michael Eisner đã được mời về đảm trách vị trí Giám đốc điều hành của hãng phim hoạt hình nổi tiếng Walt Disney. Sự xuất hiện của Michael Eisner chính là bước ngoặt quan trọng của Walt Disney.

Là một hãng phim nổi tiếng, tuy nhiên, sau khi nhà sáng lập Walt Disney qua đời, Walt Disney mặc dù vẫn duy trì được ở mức ổn định nhưng trên thực tế, công ty đang phải đối mặt với những khó khăn do thiếu người lãnh đạo thực sự tài năng.

Do đó, ngay sau khi bắt tay vào công việc, Michael Eisner đã tính ngay tới chương trình tuyển mộ nhân tài quản lí để cùng với mình khôi phục lại vị trí của Walt Disney trên thị trường điện ảnh. Lại một lần nữa, bằng con mắt tinh tường của một doanh nhân nhiều năm hoạt động trong ngành công nghiệp điện ảnh lại giúp Michael Eisner thành công.

Ngay sau đó, nhà quản lí tài năng có nhiều kinh nghiệm là Jeffrey Katzenberg đã được mời về góp sức tái tạo Walt Disney. Tuy nhiên, để có thể đưa các hoạt động của công ty vào ổn định, trong khoảng thời gian đầu, Michael Eisner đã phải trải qua những khó khăn chồng chất mà ông chưa từng gặp phải trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Từ nguồn vốn, thị trường cho tới những mạng lưới quảng bá và phân phối các sản phẩm của Walt Disney Company đều cần phải khôi phục.

Với tính cách mạnh mẽ và luôn lạc quan, không bao giờ chịu chùn bước trước những khó khăn, Michael Eisner quyết tâm đưa Walt Disney đi lên theo cách của mình nhưng vẫn giữ nguyên tinh hoa của các tác phẩm hoạt hình truyền thống.

Từ nguồn lực đã có, Michael Eisner tập trung xây dựng các tác phẩm giầu chất trí tuệ để tạo sự cuốn hút đối với các khán giả nhỏ tuổi đồng thời chiếm được ưu thế trước các đối thủ khác. Không lâu sau đó, hàng loạt các tác phẩm đặc sắc đã được trình chiếu trước công chúng như Lady and the Tramp, Bambi and Cinderella, Aladdin, The Lion King...

Ngay từ thời điểm xuất hiện, các tác phẩm này đã được đón nhận nồng nhiệt, sức hấp dẫn không chỉ dừng lại ở các khán giả nhỏ tuổi nữa mà ngay cả người lớn khi xem thì cũng đều bị cuốn hút. Từ những sản phẩm để đời đó, Michael Eisner đã mang về cho Walt Disney một nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Chỉ tính khoản lợi nhuận từ phân phối băng video gia đình trong năm 1986, Walt Disney đã thu được 100 triệu USD tiền lãi. Trong suốt những năm nửa cuối thập niên 80 cho tới những năm cuối của thập niên 90, dưới tài mưu lược của Michael Eisner, Walt Disney luôn duy trì được mức tăng trưởng cao và vươn lên trở thành một trong những thế lực hùng mạnh của ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ có nguồn vốn 16 tỷ USD.

Để quảng bá cho các tác phẩm của Walt Disney ra thị trường thế giới, tranh thủ sự phát triển của mạng công nghệ thông tin, Michael Eisner đã thiết lập các kênh truyền hình trực tuyến, kênh truyền hình qua vệ tinh đồng thời đầu tư xây dựng các trung tâm giải trí mang thương hiệu Walt Disney ở Tokyo, Hồng Kông.

Tính từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc công việc tại Walt Disney Company, Michael Eisner đã biến khoản tiền lãi 1,7 tỷ USD ban đầu lên con số 25,4 tỷ USD. Song song với công việc điều hành tại các công ty, ngay từ những ngày đầu mới vào nghề, Michael Eisner đã có những khoản đầu tư riêng tại các doanh nghiệp kinh doanh điện ảnh, cùng với thời gian, số tài sản cá nhân của Michael Eisner ước tính đã lên tới hàng tỷ đôla.

Hiện nay, dù đã nghỉ hưu nhưng với những đóng góp quan trọng cho Walt Disney, Michael Eisner sẽ mãi là một vị giám đốc điều hành huyền thoại của hãng phim danh tiếng này.

Nguồn tin: VnEconomy