Cả Microsoft và Tellme đều biết rõ sức mạnh lẫn bí mật của những thông điệp kinh doanh hiệu quả. Viễn cảnh kinh doanh đằng sau các “đại gia” công nghệ này đều được diễn giải với không quá 10 từ (tiếng Anh).

Tuần trước, Microsoft đã thực hiện một vụ M&A (sáp nhập và mua lại) được xem là lớn nhất từ năm 2002 cho đến nay, mua lại nhà cung cấp dịch vụ nhận dạng giọng nói qua điện thoại Tellme Networks. Một vài nhà phân tích ước tính giá trị của vụ M&A này lên đến 1 tỷ USD.

Điều đặc biệt là sáng lập viên kiêm Chủ tịch Microsoft, Bill Gates có khá nhiều điểm tương đồng với đồng sáng viên kiêm CEO của Tellme - Mike McCue. Cả hai đều có khả năng truyền đạt viễn cảnh kinh doanh đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc để lôi cuốn các nhà đầu tư, nhân viên và khách hàng.

Viễn cảnh của Gates đã vẽ ra để thu hút Steve Ballmer - người sau này đã trở thành một biểu tượng lớn khác tại Microsoft - đơn giản là: “Hãy đặt những chiếc máy tính cá nhân lên bàn làm việc tại mọi gia đình trên thế giới”.

Trong khi đó, viễn cảnh của McCue cũng rất rõ ràng và hầu như không thay đổi kể từ khi ông sáng lập công ty vào năm 1999: “Hãy nói những gì bạn muốn vào bất cứ chiếc điện thoại nào và nó hiểu tất cả”.

Gần đây, Carmine Gallo - một chuyên gia về giao tiếp trong kinh doanh và là tác giả cuốn best-seller 10 Simple Secrets of the World’s Greatest Business Communicators (Mười bí mật đơn giản của những nhà truyền thông điệp kinh doanh vĩ đại nhất thế giới), đã gặp gỡ trực tiếp với McCue khi thực hiện những nghiên cứu cho cuốn sách mới của ông.

Galoo nhận thấy McCue luôn được hoanh nghênh nhiệt liệt trong các cuộc họp với nhân viên. Theo Galoo, bất cứ ai có thể khơi gợi được kiểu phản ứng đó từ phía các nhân viên phải là một người biết cách truyền thông điệp kinh doanh tuyệt vời. Và ông đã không thất vọng.

McCue quả có tài năng khiến cho một công nghệ phức tạp trở nên dễ hiểu hơn. McCue cũng suy nghĩ rất nghiêm túc về việc làm thế nào để truyền tải hiệu quả một viễn cảnh đẹp về công ty trong các bài diễn thuyết, các cuộc họp và các cuộc phỏng vấn của ông.

“Cuộc kiểm tra của mẹ”

Trên thực tế, McCue hiểu rất rõ sức mạnh của khả năng miêu tả một điều gì đó theo cách thức đơn giản nhất. Và McCue đã đặt tên cho kỹ thuật này là “Cuộc kiểm tra của mẹ” (The Mom Test).

Bí quyết trong kỹ thuật của McCue chính là khi bạn muốn truyền tải hiệu quả những gì ẩn đằng sau sản phẩm/dịch vụ, bạn hãy nghĩ xem phải diễn đạt điều đó như thế nào với mẹ của mình.

McCue cho biết: “Nếu tôi đang ở trong bữa tối lễ Tạ ơn và mẹ hỏi tôi đang làm những gì, liệu tôi có nên trả lời: ‘Chúng con là một nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ outsource các giải pháp lập kế hoạch’. Chắc hẳn là không, tôi sẽ muốn giải thích rõ ràng về những tôi làm để mẹ 1) hiểu được nó, 2) muốn sử dụng nó, và 3) có thể sử dụng nó”.

Theo quan điểm của McCue, trên thị trường hiện nay có rất ít thông điệp kinh doanh về một sản phẩm/dịch vụ nào đó vượt qua “Cuộc kiểm tra của mẹ” này.

Lần hội thoại với McCue đã khiến Galoo nhớ lại cuộc trò chuyện với các nhà đầu tư mạo hiểm ở một trong những công ty đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới. Khi một người trong số họ trình bày với các đối tác về một loại hình dịch vụ, sau đó đối tác đã quay sang hỏi người bên cạnh: “Rốt cuộc dịch vụ của họ là thế nào nhỉ?”.

Nói cách khác, liệu có thể miêu tả sản phẩm/dịch vụ bằng không quá 10 từ? Câu trả lời là có. Nếu hiện tại, bạn chưa làm được thì phải cần cố gắng để diễn đạt được. Trên thực tế, không ít nhà đầu tư đã từng tuyên bố: “Nếu anh không thể miêu tả những gì anh làm dưới 10 từ, tôi sẽ không mua, tôi sẽ không đầu tư”.

Từ lời khích lệ đến khẩu hiệu kinh doanh

Khả năng truyền đạt nội dung hoạt động kinh doanh của công ty bằng một câu văn ngắn gọn sẽ cho các nhà đầu tư thấy rằng bạn đang nắm bắt tốt công việc kinh doanh cùng thị trường mục tiêu và hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu đó.

Vào ngày 15/03 vừa qua, Steve Ballmer đã có buổi nói chuyện tại Trường Đại học kinh doanh Stanford. Một số người hỏi về lý do tại sao Ballmer rời bỏ trường Stanford để tham gia Microsoft.

Ballmer thừa nhận rằng sau sáu tháng làm việc tại Microsoft, ông cảm thấy như thể mình đãmắc phải sai lầm. Nhưng sau đó Bill Gates và bố đã mời Ballmer đi ăn tối. “Tại bữa tối, Bill nói với tôi: ‘Thực sự anh chưa có được nó. Anh có thể cảm thấy rằng mình gia nhập Microsoft chỉ để trở thành một nhân viên kế toán của một công ty có 30 nhân viên. Nhưng rồi chúng ta sẽ đặt những chiếc máy tính cá nhân lên bàn làm việc ở mọi gia đình trên thế giới’. Tôi thề với các bạn răng lời nói đó đã giữ chân và đưa tôi đến với những thành công tại Microsoft trong 17, 18 năm sau. Và rồi ngày nay nó đã trở thành một khẩu hiệu kinh doanh vĩ đại của tập đoàn Microsoft”.

Đấy chính là điểm mấu chốt trong nghệ thuật truyền thông điệp kinh doanh, làm người nghe của bạn muốn nhanh chóng có được điều bạn vừa giới thiệu với họ. Họ muốn tìm hiểu xem liệu công ty, sản phẩm hay dịch vụ của bạn có thực sự đáng giá để khai phá.

Trên cơ sở đó họ sẽ đưa ra các phán quyết về việc có giao dịch kinh doanh với bạn, có mua sản phẩm của bạn, có cho bạn vay tiền, phản hồi tích cực với viễn cảnh bạn đưa ra hay có tham gia vào công ty bạn,… hay không?

Giao tiếp kinh doanh của bạn ra sao?

Nhiều năm trước vụ sáp nhập và mua lại Tellme của Microsoft, McCue đã không ngừng quyến rũ các nhân viên tài năng, các khách hàng tiềm năng và giới truyền thông bằng các bài diễn thuyết, những lời nhận xét hết sức rõ nét và lôi cuốn nhằm thuyết phục mọi người luôn đứng về phía mình: “Hãy nói những gì bạn muốn vào bất cứ chiếc điện thoại nào và nó hiểu tất cả”.

Vậy thông điệp kinh doanh của công ty bạn như thế nào? Nếu bạn không thể diễn giải những gì bạn thực hiện dưới 10 từ, rất có thể nhiều khách hàng sẽ không mua, các nhà đầu tư sẽ không đầu tư và người bạn muốn cộng tác sẽ không muốn tham gia vào công việc kinh doanh của bạn.

Mai Hạnh (Dịch từ Businessweek)