Góa vợ, hai con. Người đàn ông 56 tuổi - Tổng giám đốc Tập đoàn Hon Hai này không chỉ là tỷ phú giàu nhất nhì Đài Loan mà còn bởi nhiều phụ nữ "kết" và coi như người trong mộng.

Sáu năm trước đây, các nhà cung cấp đa quốc gia cho ngành điện tử không biết, thậm chí thoáng nghĩ về Hon Hai. Nhưng ba năm trước đây, Hon Hai đã trở thành một ngôi sao, người dẫn đầu ngành sản xuất thầu phụ cho các hãng điện tử, công nghệ cao của thế giới.

Công ty ông hiện có tổng số 450.000 nhân viên trên toàn thế giới. Doanh thu hằng năm tăng trưởng hơn 50% trong một thập kỷ qua, lên đến 40,6 tỷ USD năm 2006. Năm nay, tập đoàn hy vọng sẽ có thêm 14 tỷ USD doanh thu nữa.

Mặc dù Hon Hai đang nổi danh như cồn, nhưng người sáng lập, giám đốc điều hành (CEO) vẫn luôn cố tránh giới truyền thông càng xa càng tốt.

Tổng tư lệnh Hon Hai

Gần đây, tờ Wall Street Journal (WSJ - Mỹ) đã thực hiện phỏng vấn ông Terry Gou tại trụ sở chính của Hon Hai ở Đài Loan. Đây là cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên của ông với giới truyền thông phương Tây kể từ năm 2002. Ông nói, “Tôi không thích mình nổi tiếng. Chúng tôi (Hon Hai) quá lớn đến nỗi chúng tôi không thể trốn được nữa”. Ông giải thích về việc nhận trả lời phỏng vấn sau hơn 5 năm WSJ đề nghị.

Hon Hai có giá trị thị trường ước tính 43 tỷ USD và sử dụng dưới tên thương mại là Foxconn. Theo người phát ngôn của Hon Hai, ông Gou hiện có tài sản khoảng 10 tỷ USD. Năm 2007, ông xếp thứ 144 trong danh sách người giàu nhất thế giới của tạp chí Mỹ Forbes, tăng 3 bậc so với năm 2006.

Hon Hai và các công ty mà nó góp vốn sản xuất các sản phẩm không chỉ cho Apple, HP, Nitendo, mà còn điện thoại di động cho Nokia, máy chơi game Play Station 2 cho Sony và máy tính cho Dell. Theo giới phân tích Đài Loan, Hon Hai cũng là nhà cung cấp độc quyền cho điện thoại cảm ứng iPhone của Apple và là một trong số ít nhà sản xuất máy nghe nhạc thời trang cao cấp iPod (Apple). Các công ty này thường không muốn tiết lộ mối quan hệ của họ với nhà cung cấp. Apple tuy thừa nhận Hon Hai là một nhà cung cấp nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.

Ông Gou là một con người cá tính. Ông điều hành Hon Hai với quyền lực của một vị tổng tư lệnh truyền lòng trung thành mạnh mẽ giữa các ‘tướng lĩnh’. Trên cổ tay áo phải ông đeo một chiếc hạt xuyến lấy từ một ngôi đền thờ vua Mông Cổ thế kỷ XII Thành Cát Tư Hãn mà ông coi như một vị anh hùng.

“Tôi luôn bảo các nhân viên: Lợi ích của tập đoàn quan trọng hơn nhiều so với lợi ích cá nhân của các bạn”, ông Guo nói.

"Vị cứu tinh" Micheal Dell

Ông Gou bắt đầu khởi nghiệp cho cái sau này trở thành Tập đoàn Hon Hai năm 1974 với 7.500 USD vay của mẹ làm vốn ban đầu. Trong một cơ sở gần Đài Bắc, ông bắt đầu sản xuất các ‘núm’ chuyển kênh cho TV đen trắng.

Vào đầu những năm 1980, ông đã mở rộng sang ngành máy tính và nó bắt đầu cất cánh. Sản phẩm đầu tiên của ông là các mạch nối khá đơn giản nhưng là các phần kết nối các bộ linh kiện bên trong một máy tính.

Dù chỉ nói được một chút tiếng Anh, tiếng Nhật, nhưng ông đã sớm sang Mỹ, Nhật để kiếm khách hàng. Trong suốt những năm 1980, 1990, ông kể ông đã dành nhiều thời gian lái xe từ hết thành phố này đến thành phố khác của Mỹ.

Năm 1988, với đơn hàng gia tăng trong khi chi phí ở Đài Loan ngày càng đắt đỏ, ông đã thành lập nhà máy đầu tiên ở Trung Quốc, nơi chi phí thuê đất và nhân công rẻ hơn. Ông chọn Shenzhen (Trung Quốc), một thành phố gần Hong Kong và là nơi đi đầu về cải cách theo cơ chế thị trường. Là con người nhạy bén, ông đã sử dụng hoạt động nhỏ nhưng phát triển nhanh ở Shenzhen để "ve vãn" những khách hàng tương lai.

Trong năm 1995, khi Micheal Dell thăm Trung Quốc, ông Gou đã đề nghị các quan chức để làm sao ông tiếp xúc được với Dell. Ông Max Fang, sau này là người đứng đầu bộ phận hành chính của Dell ở châu Á kể cuối cùng ông Gou đã có cơ hội lái xe đưa doanh nhân người Mỹ 30 tuổi này ra sân bay về nước. Tuy nhiên, có một sự kiện không theo kế hoạch là trên đường ra sân bay, ông Gou đã đưa ông Dell ghé thăm cơ sở sản xuất của mình.

Dell sau đó chưa là một trong năm nhà cung cấp máy tính lớn nhất thế giới và Hon Hai chưa làm các linh kiện cho Dell. Nhưng ông Fang, người đã quen Gou từ năm 1979 nói “ông Gou đã biết rằng Dell sẽ là một ngôi sao của ngày mai vì vậy ông ấy muốn gặp ông Dell”.

Ngày nay, theo các nhà phân tích và giới công nghiệp, Hon Hai là một trong những nhà cung cấp chính của hãng máy tính Mỹ Dell. Còn ông Gou trân trọng giữ một bức ảnh người sáng lập Dell trên giá trong văn phòng của mình ở Đài Loan.

Vào năm 2000, Hon Hai có gần 30.000 lao động, doanh thu 3 tỷ USD. Ông Gou mở rộng chiến lược với nhiều sản phẩm hơn. Năm đó, Hon Hai thành lập một công ty con Foxconn, nay là nhà cung cấp cho ngành sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới. Năm 2003, ông Gou khai trương một công ty mà nay là nhà sản xuất hàng đầu về màn hình LCD. Năm ngoái, Hon Hai đã mua một nhà máy sản xuất máy ảnh số.

Đến nay, ông Gou có 450.000 lao động trong tay, hoạt động toàn cầu, gồm Hungary, Mehico, Brazil. Tại các nước này, Hon Hai đã lập các công ty để rút ngắn khoảng cách với khách hàng. Hon Hai là nhà xuất khẩu lớn nhất cộng hòa Czech, nơi ông Gou đã mua một lâu đài 30 triệu USD năm 2002. Hon Hai cũng đang mở rộng hoạt động sang Việt Nam, Ấn Độ và lấn sang các lĩnh vực khác, gồm cả linh kiện ôtô.

Nguồn tin: VnExpress/ ICT News