Chuột Mickey, Pinocchio, nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn… từ lâu đã trở thành những hình ảnh quen thuộc đối với trẻ nhỏ. Còn các bậc phụ huynh, không ít người tò mò về cái tên đằng sau những nhân vật nổi tiếng cả thế giới ấy, Walt Disney.

Walt Elias Disney (1901 – 1966) là chủ nhiệm phim, đạo diễn, người viết kịch bản phim, diễn viên lồng tiếng và là hoạ sĩ phim hoạt hình Mỹ. Ông được coi là một doanh nhân giàu trí tưởng tượng nhất trong lịch sử, và là người biết cách biến trí tưởng tượng của mình thành hàng tỷ đô. Ngay cả khi ông đã qua đời, những tác phẩm bắt nguồn từ trí tưởng tượng của ông vẫn có thể đem lại số tài sản khổng lồ.

Khởi nghiệp từ niềm đam mê

Walt Disney được coi là một cái máy sáng tạo. Ngay từ nhỏ, Disney đã đặc biệt quan tâm tới hội họa và điện ảnh. Chính sự đam mê này đã giúp tạo nên những nhân vật hoạt hình sau này.

Năm 1922, ông thành lập công ty Lau-O-grams. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau, công ty gặp khó khăn. Disney quyết định đến Hollywood lập nghiệp chỉ với tinh thần hăng hái của tuổi trẻ, bộ đồ vẽ và những ý tuởng hoạt hình trong đầu.

Cùng với anh trai Ron, Walt Disney thành lập xưởng phim "Disney Brothers Studios" với số vốn 200 USD của Ron, 500 USD vay của chú, và 2.500 USD tiền thế chấp nhà của bố mẹ. Sau một thời gian dài, Disney mới bán được loạt phim hoạt hình đầu tiên dựa trên nhân vật cổ tích là Alice, loạt phim Alice Comedies.

Lợi nhuận khổng lồ từ chú chuột Mickey

Trong thời kỳ thất bại nhất của mình, Walt đã phác thảo ra một con chuột lanh lợi, trông giống như tranh biếm hoạ. Và điều đặc biệt là nó “rất người”. Tháng 11/1928, Mickey công diễn lần đầu ở New York, mang lại những thành công đáng kể và nhanh chóng trở thành nhân vật yêu thích của các gia đình Mỹ, tượng trưng cho tinh thần vui vẻ.

Năm 1930, Mickey trở thành nhân vật được yêu thích trên toàn thế giới. Lúc này, Disney đã nhận ra tiềm năng mà chú chuột lanh lợi và “rất người” này có thể mang lại cho công ty. Cũng trong năm đó, ông xuất bản cuốn sách Chuột Mickey, bán ra 97.939 bản.

Năm 1932, ông thuê một thương gia New York có tên là Kay Kamen khai thác khía cạnh thương mại của chuột Mickey. Việc đầu tiên mà Kamen làm là cấp giấy phép cho Công ty chế biến sữa quốc gia làm kem Mickey. Công ty này đã bán được 10 triệu chiếc kem trong tháng đầu.

Cuối năm 1932, nhiều công ty cùng giúp bán biểu tượng chuột Mickey và Disney đã nhận được khoảng 5% giá bán buôn những mặt hàng đã được cấp phép. Trong vòng một năm đầu, Kamen đã mang lại cho công ty 300.000 USD, gần 1/3 lợi nhuận của công ty. Sản phẩm lâu bền nhất là đồng hồ chuột Mickey. Công ty Ingersoll Waterbury đã giới thiệu mặt hàng này và bán được 25 triệu đồng hồ trong hai năm đầu.

Những thành công vang dội

Năm 1932, bộ phim hoạt hình đầu tiên của thế giới Flowers and Trees do ông sản xuất giành được giải Oscar. Năm 1937, ông cho ra mắt bộ phim hoạt hình dài đầu tiên Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn – bộ phim tốn 1.499.000 USD, một khoản tiền khổng lồ thời đó, và đã đoạt giải Oscar cộng với 8 triệu USD tiền lợi nhuận. Từ bộ phim này, Walt Disney trở thành nhân vật được sùng bái trong làng điện ảnh.

Trong vòng 5 năm sau đó, Disney sản xuất những bộ phim hoạt hình kinh điển như Pinocchio, Chú nai Bambi, Fantasia, Chú voi biết bay Dumbo. Vào thập niên 40 của thế kỷ trước, Disney điều hành Burbank Studios với hơn 1.000 nhân viên.

Không chỉ thành công trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình, Disney còn mở rộng hướng kinh doanh và gặt hái được nhiều thành công lừng lẫy.

Năm 1955, Disney khai trương công viên Disneyland tại Mỹ, trị giá 17 triệu USD, rộng 17 ha. Đây là một công viên vui chơi giải trí dựa theo những bộ phim hoạt hình của ông. Không chỉ có trẻ con “mê” công viên này, mà ngay cả người lớn cũng bị thu hút bởi sự sáng tạo và mạo hiểm của nó. Trong 7 tuần đầu, công viên này đã đón tiếp 7 triệu lượt khách đến vui chơi.

Không dừng lại ở đó, đến những năm 60 của thế kỷ trước, Disney cho khởi xướng xây dựng Disneyworld, rộng gấp 15 lần Disneyland, vì mục đích xã hội. Tuy nhiên, ông đã không có cơ hội tham gia buổi lễ khai trương công viên này trước khi mất.

Năm 1954, Disney thâm nhập vào lĩnh vực truyền hình. Ông là một trong những người đầu tiên làm truyền hình màu. Năm 1961, ông cho ra đời đài truyền hình Walt Disney's Wonderful World of Color.

Cả cuộc đời của Disney là những thành công và đầy ắp sự sáng tạo. Ông sáng tạo không biết mệt mỏi và đã để lại cho thế hệ mai sau những giá trị tinh thần vô giá, tồn tại mãi với thời gian.

Bí quyết thành công

Làm thế nào mà thương hiệu của cả một tập đoàn về phim ảnh và các khu vui chơi giải trí Walt Disney có thể lừng danh và thành công trên toàn thế giới? Hãy tham khảo những bài học của Walt Disney dưới đây:

Chú trọng đến thương hiệu: Disney luôn cố gắng nắm bắt mọi cơ hội có thể để quảng bá thương hiệu của mình bằng cách tạo ra những điều hiện hữu cụ thể để gợi mở cho mọi người nhớ đến sản phẩm của mình. Ông là người tiên phong trong lĩnh vực marketing.

Không ngừng theo đuổi những ước mơ: Trên con đường sự nghiệp, Disney nhiều lần thất bại và gặp khó khăn nhưng chính niềm đam mê và sự can đảm của ông đã giúp ông tiến lên. Ông không bao giờ từ bỏ mục đích và ước mơ của mình, luôn theo đuổi đến cùng. Ông chia sẻ: “Tất cả những khó khăn, trở ngại và rắc rối trong cuộc đời tôi đã tiếp sức mạnh, thúc đẩy tôi thành công”.

Sáng tạo: Chính sự sáng tạo đã giúp ông nhìn thấy những cơ hội mà người khác không thể nhìn thấy. Cả cuộc đời, ông luôn sáng tạo không ngừng. Ông được coi là một cỗ máy sáng tạo. Những thành công lâu dài mà ông có được là nhờ sự sáng tạo.

Luôn tự chủ: Sau những thất bại, Disney rút ra bài học phải luôn kiên định và biết phải làm gì để đạt được mục tiêu. Ông luôn tự hào về khả năng lãnh đạo của mình. Bằng sự tự chủ trong kinh doanh, Disney đã “đại thành công” trong sự nghiệp.

Cẩn trọng trong quyết định: Từ những thất bại trên con đường sự nghiệp, Disney luôn tỏ ra thận trọng mỗi khi đưa ra quyết định. Ông học cách phân biệt niềm đam mê và sự tin tưởng mù quáng.


(Theo VietnamNet)