Facebook - thành công bạc tỷ của kẻ bỏ học thời Web 2.0
Khi Microsoft chi 240 triệu USD mua 1,6% cổ phần của mạng xã hội này, người ta mới chú ý đến điểm thú vị giữa hai ông chủ Bill Gates và Mark Zuckerberg: họ đều bỏ trường đại học Havard danh tiếng giữa chừng để làm những gì họ muốn.
4 năm trước đây, Zuckerberg còn là một sinh viên tâm lý học đầy đam mê tại Havard. Nhưng chàng thanh niên sinh năm 1984 mang dòng máu Mỹ - Do Thái này chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông chủ Microsoft. "Bản lĩnh của Bill Gates đã thôi thúc tôi phải bỏ trường để làm một dự án ngoài thực tế. Nó được khơi lên lúc ông nói chuyện tại một lớp khoa học máy tính của Havard hồi năm 2004", anh tiết lộ.
Mark Zuckerberg và Bill Gates (ảnh nhỏ) ở tuổi 23. Ảnh: AP. |
Zuckerberg cho rằng chính sách cho sinh viên tạm ngưng học bao lâu tùy ý tại Havard đã giúp anh quyết định dễ dàng hơn. Tháng 2-2004, cùng với người bạn học Dustin Moskovitz, anh thành lập mạng xã hội Facebook. "Khi mới khởi sự, tôi không quan tâm đến việc trở thành CEO hay điều hành cả công ty", anh bày tỏ. "Tôi chỉ muốn làm ra một mạng kết nối hấp dẫn cho bạn bè. Tôi còn nghĩ trong đầu là nếu dự án không thành công thì mình sẽ quay lại trường để học tiếp".
Nhưng giờ đây, giá trị của công ty đã đạt 15 tỷ USD, sau khi Microsoft mua cổ phần. Và với 20% cổ phần trong Facebook, Zuckerberg trở thành tỷ phú với 3 tỷ USD. Hiện Facebook có 49 triệu thành viên đang hoạt động trên toàn thế giới, là mạng xã hội lớn thứ 2 sau MySpace (200 triệu thành viên). Các chuyên gia dự đoán rằng với sức tăng trưởng 3 - 3,5% mỗi tuần, chỉ 9 tháng nữa Facebook sẽ đuổi kịp website số 1. Năm tới, Zuckerberg dự định tăng số nhân viên lập trình trong công ty từ 300 lên 700.
Sự kết hợp sức mạnh giữa Microsoft và Facebook sẽ làm cho doanh thu từ quảng cáo trực tuyến của họ tăng lên cùng với sự lớn mạnh về thương hiệu. Nhiều người thắc mắc tại sao Microsoft chỉ chi một ít tiền để mua một ít cổ phần của Facebook, nhưng khi nhìn lại chiến lược mà Steve Ballmer vạch ra cho gã khổng lồ phần mềm, người ta có thể thấy sự xâm nhập này chỉ là một trong những bước khởi đầu trong chiến dịch cuốn hầu hết các công ty non trẻ nhưng đầy tiềm năng vào guồng máy hoạt động của họ. Tương lai của Microsoft sẽ trải rộng trên nhiều dịch vụ liên quan đến Internet hơn.
(Theo VNE-The Age)