Ông hoàng thời trang và "đế chế" tỷ đô
Ngày nay, các nhân vật tầm cỡ, "sao" Hollywood cũng như các "sao" giàu có ở các khu vực khác hầu như đều biết đến Giorgio Armani bởi cái tên ấy gắn liền với những sản phẩm đắt tiền mà họ sử dụng. Tuy nhiên, có một điều mà chưa hẳn ai cũng biết, đó là sự vươn lên thành tỷ phú của chàng trai nghèo khó nước Ý mang tên Giorgio Armani.
Sự khởi đầu từ tay trắng
Giorgio Armani sinh năm 1934 tại Piacenza, Emilia-Romagna, Ý. Mong ước trở thành bác sĩ từ khi còn nhỏ, Giorgio Armani vào Đại học Y Bologna sau khi tốt nghiệp phổ thông. Nhưng, nhận thấy ngành y không còn đủ "lực hút" với mình, Armani chuyển sang học về nhiếp ảnh trước khi bị triệu đi nhập ngũ năm 1957.
Xuất ngũ, Armani bắt đầu sự nghiệp của mình từ "chân" trang trí cửa sổ, sau đó là nhân viên thu mua tại bách hóa tổng hợp lớn nhất của Milan, La Rinascente. Với kinh nghiệm trong hoạt động buôn bán cộng và tham vọng làm thiết kế, Armani ứng tuyển vào xưởng thời trang Nino Cerruti năm 1961 và được nhận làm trợ lý thiết kế cho Hitman - công ty chuyên may đồ nam giới. Sau 6 năm làm việc, ông rời bỏ công ty để làm việc tự do.
Năm 1966, Armani quen biết Sergio Galeotti, một kiến trúc sư ít hơn ông 11 tuổi. Sergio Galeotti nhận thấy tài năng thiết kế của Armani nên đã khuyến khích Armani tự thiết kế những bộ sưu tập của chính mình.
Với khoản tiền 10.000 USD khi bán chiếc xe Volkswagen của mình và sự hỗ trợ của Sergio Galeotti, năm 1974 Armani mở công ty của riêng với cái tên Giorgio Armani S.p.A. và lấy thương hiệu Armani.
Chặng đường chinh phục thế giới
Ngay lập tức, Armani bắt tay vào thiết kế trang phục độc đáo dành cho nam giới. Dòng sản phẩm đầu tiên của ông đã mang lại thành công vang dội.
Ông đã tạo nên cuộc cách mạng thời trang bằng việc thiết kế áo jacket mềm mại hơn chứ không còn vẻ cứng nhắc như trước kia. Những chiếc áo này dành cho cả nam và nữ. Armani sử dụng nhiều màu sắc trung tính cho các trang phục mình thiết kế khiến sản phẩm thêm phần trang nhã. Điều này đã gây ấn tượng được với nhiều khách hàng nữ. Và từ đó, ông không chỉ đơn thuần thiết kế trang phục cho nam giới nữa.
Bước ngoặt lớn đối với Armani bắt nguồn từ việc ông may trang phục cho diễn viên Richard Gere tham gia bộ phim American Gigolo năm 1980. Kể từ đó, sự nghiệp của ông “cất cánh” và ông liên tục được các “sao” Hollywood đặt hàng như Jodie Foster, Michelle Pfeiffer, Russell Crowe, Benjamin Bratt, Robert De Niro and Benicio Del Toro. Liên tục, các tác phẩm của ông xuất hiện tại các sự kiện và lễ hội của Hollywood.
Năm 1981, ông mở chuỗi cửa hàng bán lẽ đầu tiên Emporio Armani và Armani Jeans. Tiếp đến không chỉ về trang phục, ông còn kinh doanh các mặt hàng khác, mở ra các chuỗi cửa hàng nước hoa Armani cho phụ nữ năm 1982, nước hoa Armani cho nam giới năm 984, điện thoại Notturno (do Italtel sản xuất) năm 1986, Giorgio Armani Occhiali & Giorgio Armani Calze năm 1987, A/X Armani Exchange năm 1991, nước hoa Acqua di Gio cho phụ nữ, Giorgio Armani Neve (Snow), và Giorgio Armani Golf, cùng vào năm 1995, rồi nước hoa nam giới Acqua di Gio và Giorgio Armani Classico cho cả nam giới và phụ nữ năm 1996.
Nói đến sự thành công rực rỡ của Armani, còn phải kể đến hàng loạt giải thưởng danh giá mà ông đã đạt được như: Neiman Marcus Award (1979); giải CUTTY SARK Award cho nhà thiết kế trang phục nam hàng đầu thế giới (vào các năm 1980, 1981, 1984, 1986, và 1987); Men's Style Award của tạp chí GQ dành cho nhà thiết kế thời trang xuất sắc nhất (năm 1981); giải Commendatore Dell'Ordine Al Merito Della Repubblica của chính phủ Ý (năm 1985), Aguja De Oro Award cho nhà thiết kế xuất sắc nhất của năm (1993) và nhiều giải thưởng khác…
Hiện nay “đế chế” Armani bao gồm khoảng 2.000 trung tâm thương mại tại hơn 35 quốc gia trên thế giới với doanh thu hàng năm khoảng 1,5 tỷ USD. Năm 2006, tạp chí Forbes bình chọn Giorgio Armani là nhà thiết kế người Ý thành công nhất và đứng thứ 158 trong số những người giàu nhất thế giới, với tổng giá trị tài sản cá nhân lên đến 4,1 tỷ USD. Mặc dù đã ở tuổi 73 nhưng Armani vẫn giữ vị trí chủ tịch kiêm CEO của công ty.
Tháng 1/2007 vừa qua, “ông hoàng” thời trang Armani trở thành nhà tạo mẫu đầu tiên trình chiếu một buổi biểu diễn thời trang sang trọng trên internet.
Phương châm kinh doanh
“Trong ngành thời trang này, bạn không thể có đích đến. Bởi vì, nếu bạn tự xác định đích đến cho bản thân thì hoặc đối thủ sẽ ‘vượt mặt’ bạn, hoặc bạn sẽ trở nên tự mãn. Và tất nhiên, sự thành công của bạn chỉ ở một chừng mực nào đó”. Đó là những lời chia sẻ của Armani.
Nếu bạn muốn thành công như Armani, hãy tham khảo những phương châm kinh doanh của “ông hoàng” thời trang này.
Quan điểm: Hơn 30 năm qua, Armani luôn giữ vững quan điểm: thiết kế trang phục cao cấp, thanh lịch và tao nhã. Chính sự kiên định trong phong cách thiết kế này đã tạo được niềm tin đối với khách hàng cũng như sự danh tiếng cho bản thân ông.
Marketing: Bằng cách đặt văn phòng báo chí ở Hollywood, ông đã tiếp cận được với tất cả những ngôi sao sáng giá nhất của Hollywood, từ các diễn viên cho đến các vận động viên thể thao.
Thương hiệu: Nếu bạn muốn mua trang phục dạ hội, muốn đặt tiệc, muốn nghỉ tại một khách sạn sang trọng, Armani đều có thể phục vụ bạn. Armani kết hợp giữa các ngành kinh doanh cao cấp, tạo ra chuỗi thương hiệu cao cấp, nhắm đến tập khách hàng hạng A.
Kiểm soát: Armani hoàn toàn tự chủ và kiểm soát công ty của mình: “Người chủ doanh nghiệp là người đưa ra quyết định cuối cùng và tôi thích điều đó cho dù tôi phải chịu trách nhiệm rất nhiều khi đưa ra quyết định. Tôi thấy thật khó khi làm mọi điều theo cách của người khác”.
(Thu Hà-VietnamNet Tổng hợp)