Tại sao công ty nhỏ cần những suy nghĩ lớn?

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Papa John's, Dell và Microsoft… là một vài cái tên trong số muôn vàn công ty khởi sự kinh doanh với số vốn ít ỏi và chỉ do một cá nhân điều hành. Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất ở đây khiến cho Papa John's, Dell và Microsoft vượt lên khỏi ngưỡng “nhỏ” đó là những người đứng đầu từ chối việc nhìn nhận và hành động như một “chú lùn”, ngay cả khi thực tế họ là như vậy. Câu hỏi thường xuyên được đặt ra tại các buổi bàn bạc, hội thảo kinh doanh là:“Đâu là những quy tắc của các công ty nhỏ?”. Câu trả lời là: Không có bất kỳ quy tắc nào.

Mặc dù vậy, đây không phải là một câu hỏi vô nghĩa. Trên thị trường hiện nay có hàng trăm triệu công ty nhỏ đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Và có thể phần lớn trong số họ mãi mãi vẫn sẽ là công ty nhỏ.

Đây là một vấn đề tâm lý: nếu bạn luôn nghĩ rằng công ty bạn là công ty nhỏ để rồi chỉ tìm kiếm các ý tưởng và phương pháp phát triển dành cho công ty nhỏ, thì cho đến bao giờ bạn cũng chỉ là một công ty nhỏ cùng với những hoạt động kinh doanh hầu như không sinh lời.

Bạn hãy vượt qua rào cản, hãy nghĩ rằng công ty bạn lúc này là một công ty còn non trẻ, mới khởi sự và có thể nhỏ bé, nhưng đến một ngày không xa, công ty chắc chắn sẽ trở thành doanh nghiệp lớn.

Bill Gates

Mọi tập đoàn hùng mạnh nhất trên thế giới đều phải khởi đầu từ những hoạt động kinh doanh nhỏ. Sau khi kết thúc năm thứ nhất đại học, cậu sinh viên Bill Gates đã từ bỏ “giấc mơ Harvard” để tới Albuquerque viết chương trình phần mềm cho chiếc máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới, MITS Altair 8800.

Đã có lúc IBM đề nghị mức giá 2 triệu USD để Gates viết chương trình cho chiếc PC của IBM. Nếu lúc đó Bill Gates chỉ xem bản thân như người điều hành một công ty nhỏ, có lẽ Gates đã sung sướng đón nhận khoản tiền 2 triệu USD khổng lồ và ngày nay, Bill Gates không bao giờ có thể trở thành người dẫn đầu trong danh sách những tỷ phú nhất thế giới với tài sản lên tới 50 tỷ USD. Bạn nghĩ sẽ có bao nhiêu công ty nhỏ trong số hàng trăm triệu công ty ngày nay sẵn sàng đón nhận 2 triệu USD? Có thể là rất nhiều.

Chiến đấu với công ty 6,6 tỷ USD

Michael Dell cũng rời trường đại học Texas sau năm thứ hai để thành lập một công ty máy tính cá nhân của riêng mình - một ý tưởng nảy sinh trong đầu khi Dell còn đang ngái ngủ. Và Dell giờ đây đã trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của công ty nào? Chính là “người khổng lồ” về phần cứng máy tính: IBM.

Hãng Dell Computer khởi sự vào năm 1984. Vào thời điểm đó, IBM đã là một tượng đài sừng sững trong thế giới kinh doanh với doanh thu hàng năm lên tới 6,6 tỷ USD và là công ty lớn nhất thế giới. Theo nhận xét của Tạp chí Fortune, IBM là miếng bánh hấp dẫn nhất nước Mỹ cho các nhà đầu tư thời bấy giờ.

Hiện nay, Dell đã được công nhận là hãng sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới, trong khi IBM buộc phải chia tay với thị trường máy tính cá nhân sau khi thua lỗ hàng tỷ USD.

Tránh những quy tắc đặc biệt

Một sinh viên năm thứ hai Đại học Texas làm thế nào để đương đầu với một công ty quyền lực nhất thế giới? Vào năm 1984, IBM kiểm soát 50% thị trường máy tính cá nhân toàn cầu, chưa kể tất cả các đối thủ cạnh tranh lớn của IBM đều được dãn mác “nhân bản”, bởi vì họ đều bán các sản phẩm Windows/Intel như nhau.

Nếu Michael Dell đã từng đọc cuốn sách “Những quy tắc đặc biệt dành cho doanh nghiệp nhỏ” (Special Rules for a Small Business), chắc là ông đã từ bỏ ngay kế hoạch sản xuất máy tính cá nhân để gia nhập thị trường thực phẩm, ăn uống. Dell có lẽ không biết đến lời khuyên trong cuốn sách: “Trở thành một đối tác nhận nhượng quyền kinh doanh của hãng kem Baskin-Robbins có lẽ tốt hơn nhiều so với việc gia nhập liên minh IBM”.

Phần lớn các chủ doanh nghiệp thành công đều có hai đức tính khiến họ trở nên khác biệt so với các doanh nhân bình thường khác: Thứ nhất, họ hoàn toàn không e ngại bất cứ điều gì; thứ hai, họ suy nghĩ rất kỹ lưỡng và có trọng tâm.

Duy trì trọng tâm

Trước sức hấp dẫn của thị trường, bất kỳ một doanh nhân nào cũng đều muốn gia nhập thị trường máy tính cá nhân. Tuy nhiên, Gates chỉ duy trì trọng tâm kinh doanh vào các phần mềm, thậm chí cả khi ông phải hứng chịu không ít nghi ngờ từ phía khách hàng về mức độ bảo mật của các phần mềm đó.

Michael Dell cũng suy nghĩ và hành động rất có trọng tâm. Thông thường, một công ty muốn tăng doanh số bán hàng sẽ bán sản phẩm qua tất cả các kênh phân phối. Michael Dell lại không làm như vậy, mà ông chỉ tập trung vào việc bán máy tính cá nhân qua điện thoại. Và Dell không cố gắng hướng đến tất cả các loại khách hàng, ông chỉ tập trung khai thác thị trường doanh nghiệp.

Việc duy trì trọng tâm kinh doanh đã đem lại cho Dell những thành tựu to lớn. Dell đã kiên định và ông đã biến chiến lược của mình thành hiện thực: một sản phẩm là máy tính cá nhân, một thị trường là thị trường doanh nghiệp, một kênh phân phối là phân phối trực tiếp qua điện thoại. Trong thập niên 1990, Dell Computer là công ty có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục nhất trong danh sách Standard & Poor's 500.

Chỉ tập trung vào bánh pizza

John Schnatter chưa bao giờ có mặt trong giảng đường đại học. Ông khởi sự với một cửa hàng thức ăn nhanh tại quán rượu của người cha ở Indiana. Thực đơn từ lúc đó đến nay vẫn là: Bánh mì kẹp thịt bò pho-mát, bánh mì kẹp hải sản, nấm chiên, rau trộn và pizza.

Liệu John Schnatter (được biết đến với cái tên Papa John) có trở nên nổi tiếng, nếu ông bổ sung thêm nhiều món vào thực đơn của cửa hàng? Câu trả lời chắc chắn là không. Ông chỉ tập trung vào bánh pizza.

Papa John đã trở thành dây chuyền cung cấp bánh pizza lớn thứ ba tại Mỹ (sau Pizza Hut và Domino) với doanh thu năm 2005 lên đến 969 triệu USD.

Trong mọi lĩnh vực kinh doanh, mọi ngành công nghiệp, mọi thành phố, bạn sẽ thấy các công ty nhỏ ngày nay luôn khát khao tăng trưởng, nhưng chiến lược của họ đều như nhau. Họ theo đuổi lối tư duy kinh doanh chật hẹp theo kiểu “Ai, Cái gì, Tại sao, Khi nào, Ở đâu và Như thế nào?”.

- Chúng ta có thể bán hàng cho ai?

- Chúng ta có thể bổ sung thêm gì vào danh sách sản phẩm?

- Tại sao chúng ta không thể mở rộng các hoạt động kinh doanh?

- Khi nào thì chúng ta có thể mở rộng danh mục sản phẩm/dịch vụ?

- Chúng ta có thể phân phối sản phẩm/dịch vụ ở đâu?

- Chúng ta phải thu hút thêm sự quan tâm của khách hàng tới sản phẩm/dịch vụ đang cung cấp như thế nào?

Hãng 1-800-GotJunk

Hầu như tất cả mọi người đều làm tất cả mọi việc – thương mại và công nghiệp, xa và gần, nhỏ và lớn, đóng gói và không đóng gói.

Khi mới 19 tuổi, Brian Scudamore có lần nhìn thấy một chiếc xe tải chở rác đi ra từ một cửa hàng của McDonald, thế là ông nảy ra ý tưởng thành lập công ty 1-800-GotJunk, chuyên vận chuyển phế liệu. Từ số vốn 700 USD, ngày nay, 1-800-GotJunk đã có trên 150 đại lý nhượng quyền kinh doanh với khoảng 75 triệu USD doanh thu hàng năm. Thay vì vận chuyển mọi thứ, Brian Scudamore đã có một gia tài khổng lồ nhờ vận chuyển duy nhất một thứ: phế liệu.

Đối với hàng triệu công ty nhỏ trên thị trường, chúng ta có 2 quy tắc…

Một câu hỏi khác cũng thường xuyên được đặt ra tại các buổi bàn luận, hội thảo kinh doanh là: “Tại sao bạn không vận dụng kinh nghiệm thành công của các công ty nhỏ?”. Đây là điều rất nên làm, bởi công ty nhỏ nào tuân thủ đúng các quy tắc đều trở thành các công ty lớn.

Quy tắc thứ nhất: Suy nghĩ lớn. Nếu bạn là một công ty nhỏ và muốn mãi vẫn là một công ty nhỏ, hãy suy nghĩ nhỏ. Nếu bạn là một công ty nhỏ và muốn trở thành một công ty lớn, hãy suy nghĩ lớn.

Quy tắc thứ hai: Tuân thủ các luật lệ tiếp thị. Nếu bạn là một công ty nhỏ, bạn sẽ không thể quảng bá sản phẩm/dịch vụ tới mọi góc gách của thị trường, trừ khi bạn làm đúng theo các luật lệ của hoạt động tiếp thị. Nếu bạn là một công ty lớn với những nguồn lực kinh doanh dồi dào, bạn có thể sẽ thường xuyên vi phạm và quên các luật lệ đó.

Không phải tất cả mọi công ty nhỏ đều có thể “chuyển đổi” thành các công ty lớn, nhưng huyền thoại quảng cáo Leo Burnett luôn cho rằng điều này sẽ trở thành hiện thực, một khi bạn có những suy nghĩ lớn lao. “Khi bạn vươn lên để hái các ngôi sao trên trời, có thể bạn không lấy được một ngôi sao nào, song thứ bạn có được sẽ không phải là một nắm bùn”, Leo Burnett nói.

(Thanh Bình Dịch từ Adage)

 

Những nhân tố lãnh đạo tuyệt vời dường như bất biến về mặt thời gian và không ngừng được mở rộng về mặt không gian. Từ thời thượng cổ, cả thế giới luôn khát khao tìm kiếm những nhà lãnh đạo lớn. Trong quãng thời gian chiến tranh và hỗn loạn, các nhà lãnh đạo lớn thường xuất hiện để vạch ra con đường dẫn đến hoà bình. Trong quãng thời gian của sự hoà bình và thịnh vượng, các nhà lãnh đạo lớn vẫn cần để duy trì hệ thống trật tự hay tìm ra các hướng đi phát triển mới.

Các nhà lãnh đạo lớn luôn nhận được sự ngưỡng mộ từ mọi người. Nhưng làm thế nào chúng ta phân biệt được những nhà lãnh đạo thực thụ từ vô khối những con người khác nhau?

Nguyên lý bắt nguồn từ thời cổ xưa và vẫn đứng vững qua những trải nghiệm thời gian. Các nhà lãnh đạo lớn luôn tiến thẳng về phía trước, xây dựng các hướng đi, đảm bảo trật tự và chỉnh sửa các khiếm khuyết hay quy định khi cần thiết. Không dừng lại ở đó, họ là những người giàu tình cảm với các nhân viên. Các nhà lãnh đạo lớn khao khát sống cuộc sống của họ để phục vụ những nhu cầu của mọi người.

Điểm đáng thú vị là khi quan tâm tới những nhà lãnh đạo đáng kính trên thế giới và trong lịch sử loài người, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy một hình ảnh tương đồng giữa những người chăn cừu và nhà lãnh đạo tài ba.

Không quá khó khăn để miêu tả các tính cảnh của một nhà lãnh đạo theo hình ảnh người chăn cừu. Có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi được từ sự so sánh này.

Bằng việc khảo sát những tính cách, đặc điểm và tầm nhìn theo phương thức người chăn cừu, chúng ta có thể chuyển tiếp tới một cấp độ năng lực lãnh đạo mới:

1. Người chăn cừu nhận ra đàn cừu không thể làm bất cứ điều gì anh ta muốn

Anh ta hiểu rằng đàn cừu không phải một công cụ, một phương tiện để anh ta tự ý xử lý mà là nguồn trách nhiệm mà anh ta cần quan tâm, chăm sóc. Anh ta được trao quyền, được tin tưởng bởi một người khác, và rõ ràng phải trả lời trước một người có thẩm quyền lớn hơn.

Là một nhà lãnh đạo hiệu quả, anh ta hiểu rõ không chỉ những gì cấu thành nên một nhà lãnh đạo mà cả những gì phải phục tùng và quan tâm tới nữa. Việc hiểu và chấp nhận chu trình này sẽ trau dồi và củng cố các tính cách của một nhà lãnh đạo tài năng.

2. Đàn cừu nghe thấy, nhận ra và đi theo giọng nói của người chăn cừu

Hết sức tự nhiên, mọi người có xu hướng đi theo những gì quen thuộc. Lòng tin sẽ phát triển mạnh theo những kinh nghiệm có được từ các mối quan hệ tốt đẹp. Chúng ta thường nghe thấy rằng sự thân mật rất dễ dẫn tới sự bất tuân lệnh, nhưng nó cũng dẫn tới lòng tin tưởng và với thời gian cùng sự kiên trì, nó sẽ đem đến các mong đợi.

3. Người chăn cừu biết rất rõ đàn cừu và anh ta có thể nhớ tên từng con cừu một

Người chăn cừu sử dụng một hệ thống âm thanh, gõ lách cách và huýt gió để gọi đàn cừu. Những âm thanh này là khác biệt cho từng con cừu trong đàn và mỗi con cừu nhận ra và phản hồi theo từng âm thanh riêng biệt với nó.

Trong lãnh đạo, những sự quan tâm chân thành và gần gũi luôn được mọi người nhận rõ. Đương nhiên nhà lãnh đạo sẽ đạt được các kết quả tuyệt vời. Mối quan hệ với các nhân viên chính là chìa khoá – không một người chăn cừu nào có thể làm việc tốt mà không ở bên cạnh những con cừu.

4. Người chăn cừu luôn dẫn dắt đàn cừu tới những nơi an toàn nhất và có nhiều lợi ích nhất, đồng thời tránh xa mọi nguy hiểm

Về chiến lược, người chăn cừu ra ngoài chuồng trước đàn cừu nhằm xác định và tránh xa các tai hoạ và rồi đưa đàn cừu tới chỗ an toàn. Trong bất cứ trường hợp nào, anh ta cũng giữ vai trò dẫn dắt. Anh ta không bao giờ mong đợi đàn cừu sẽ gặp phải những hoàn cảnh mà anh ta không sẵn sàng đương đầu.

Người lãnh đạo kinh doanh cũng vậy. Anh ta luôn dẫn dắt nhân viên tới những nơi an toàn và nhiều ích lợi nhất. Nhà lãnh đạo phải có khả năng nhận diện các rủi ro và biết cách phòng tránh chúng.

5. Người chăn cừu luôn sẵn lòng đặt những nhu cầu cấp bách và sức khoẻ của đàn cừu lên trước nhu cầu của bản thân mình

Sức khoẻ tốt của đàn cừu là vô cùng quan trọng với người chăn cừu. Mục đích khác thường này đã khích lệ các quyết định của anh ta luôn hướng tới lợi ích của đàn cừu trước tiên. Cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, người chăn cừu luôn được chuẩn bị để “hy sinh tính mạng bản thân” cho đàn cừu.

6. Có sự khác biệt giữa những đôi tay làm thuê và người chăn cừu

Những đôi tay làm thuê được khích lệ bởi các đồng tiền công. Còn người chăn cừu có mối quan tâm sâu xa và chân thành tới đàn cừu của anh ta. Anh ta là người chịu trách nhiệm cho những gì không phải của anh ta – theo đúng sự lựa chọn của anh ta. Và mối quan hệ của anh được đặc trưng vởi sự hiện diện lâu bền và xuyên suốt cho dù có hay không có tiền công.

Vào mọi thời điểm, người chăn cừu luôn sẵn lòng hy sinh cuộc sống của anh ta cho đàn cừu. Anh ta là một nhà lãnh đạo thực thụ đối với những người tưởng ở anh ta.

Người chăn cừu thực thụ hiểu rõ sự khác biệt quan trọng giữa sức mạnh (yếu tố đè nặng lên vai nhà lãnh đạo) với thẩm quyền (yếu tố thể hiện trách nhiệm và năng lực giải trình với cấp có quyền lực cao hơn).

Chắc chắn rằng, bức tranh người chăn cừu và hình ảnh nhà lãnh đạo tuy rất đơn giản, nhưng nó để lại nhiều bài học sâu sắc cho nghệ thuật quản lý ngày nay.

Minh An (Dịch từ Business Know-how)

 

Mỗi người đều có một sở thích riêng, còn với tôi đại bàng đầu trắng (tên khoa học là Haliaeetus Leucocephalus) chính là niềm đam mê. Tôi có niềm đam mê này đã khá lâu, nhưng có lẽ nó không hợp logic lắm. Tại sao vậy? Bởi tôi là người Hà Lan, sẽ chẳng có gì kỳ quặc nếu loại chim săn mồi này là biểu tượng của đất nước tôi. Nhưng cuộc đời lại có rất nhiều những bất ngờ mà chúng ta không thể giải thích được, như việc tôi thích đại bàng trắng – một biểu tượng quốc gia của Mỹ. Vậy chẳng phải là không hợp logic lắm sao?

Trong đời mình, tôi mới chỉ được nhìn thấy loại chim này một lần trong khu vực cư trú tự nhiên của chúng khi đi nghỉ ở British Columbia, . Khi bắt đầu đọc và tìm hiểu về đời sống của loài chim này cũng là lúc tôi nghĩ đến những bài học mà các doanh nhân có thể học từ chúng để thành công trong kinh doanh.

1. Tầm nhìn

Đại bàng đầu trắng là loại chim thường sống ở trên những đỉnh núi rất cao. Ở độ cao đó, chúng có thể bay vút lên, và với đôi mắt tinh nhanh, có thể nhìn rất rõ thế giới phía dưới, đặc biệt là con mồi mà chúng muốn bắt, ví như cá - món ăn ưa thích nhất của đại bàng. Từ khoảng cách nhiều dặm, chúng có thể nhìn rất rõ những đốm trắng đục dưới nước. Đại bàng trắng thường xây tổ ở trên cao: trên một tảng đá, hay một ngọn cây, luôn ở những vị trí có thể cho chúng tầm nhìn bao quát nhất. Và từ đây, đại bàng sẽ quan sát những việc xảy ra xung quanh để bảo vệ “ngôi nhà thân yêu” của mình.

Tương tự như vậy, các doanh nhân cũng nên có tầm nhìn rõ ràng về các diễn biến xảy ra trên thị trường. Họ phải nhanh chóng nhận diện được những khách hàng tiềm năng từ rất xa để có thể chọn đúng thời điểm thích hợp “tấn công”. Các doanh nhân cũng phải nhận thức được những nguy hiểm quanh mình, tiên đoán, nhận biết và chuẩn bị các phương án để giải quyết ngay lập tức.

2. Kiến thức

Đại bàng đầu trắng chỉ sống hạn chế trong khu vực lãnh thổ của chúng. Đến mùa đông, một số cũng di cư đi nơi khác. Bạn chỉ có thể tìm thấy đại bàng đầu trắng trong một số khu vực cư trú nhất định trong rừng, trên núi hoặc những vùng gần sông hoặc biển. Sa mạc là nơi chúng không bao giờ đặt chân tới.

Trong “lãnh địa” của mình, đại bàng luôn biết phải làm gì, nơi nào có thể tìm được con mồi và cả những nguy hiểm nào đang rình rập xung quanh mình. Bằng bản năng và cả kinh nghiệm tích lũy được, chúng rất biết cách sắp xếp cuộc sống và cả cách “cư xử” ra sao. Chúng có những nguyên tắc sống nhất định và không bao giờ vượt ra khỏi những giới hạn này bởi vì nếu không làm thế, chúng sẽ chết.

Đây là một bài học quý giá dành cho các doanh nhân. Họ nên nắm vững “mọi việc” xung quanh công việc kinh doanh của mình theo nghĩa đen. Một quy tắc quan trọng là họ phải thật tường tận về sản phẩm mình kinh doanh, hiểu rõ mỗi chi tiết như đọc một quyển sách mở trước mắt vậy. Nếu thực hiện được quy tắc này, các doanh nhân sẽ không bao giờ bị lúng túng trước một câu hỏi không biết câu trả lời. Họ cũng cần có kiến thức về kỹ năng marketing, tình hình kinh doanh, vị trí và các kế hoạch của đối thủ cạnh tranh... Còn nếu các doanh nhân không có được khả năng bẩm sinh trên thì cách duy nhất là phải học.

3. Biết tự lượng sức mình

Khi bắt mồi, đại bàng đầu trắng chỉ bắt một con cá một lần, không bắt nhiều hơn, nhưng chúng lại biết chính xác làm thế nào để bắt được con cá này. Kĩ năng bay lượn, những móng vuốt chắc khỏe và đôi mắt tinh nhanh là món quà trời phú đặc biệt phù hợp với công việc này. Và khi đã quyết bắt mồi, chúng gần như không thất bại.

Đây cũng là bài học quý giá trong kinh doanh. Các doanh nhân phải biết cách tự hạn chế, chỉ kinh doanh những mặt hàng phù hợp với điều kiện và khả năng của bản thân. Có một ví dụ sinh động như sau: Nếu bạn là một con bò, đừng bao giờ bắt chước con ngựa mà nhảy qua hàng rào làm gì bởi vì như vậy sẽ chỉ nhận được sự nhạo báng của mọi người mà thôi. Một chân lý được rút ra là: “Thành công với một sản phẩm còn hơn là kinh doanh mười sản phẩm mà không mang lại kết quả gì”.

4. Lòng dũng cảm

Đại bàng đầu trắng chỉ có một bạn đời duy nhất, chúng tuyệt đối chung thủy với nhau và để thể hiện điều này, chúng có một cách rất đặc biệt: từ trên cao, một cặp đại bàng trắng thả mình lao thẳng xuống dưới bất chấp tính nguy hiểm của định luật vạn vật hấp dẫn. Chỉ đến khi cách ngọn cây một đoạn chúng mới tách nhau ra và giang cánh bay về tổ. Cuộc trình diễn ngoạn mục này đòi hỏi sự dũng cảm tuyệt đối.

Cũng giống như vậy, một doanh nhân cần sự dũng cảm nếu muốn thành công. Đôi khi họ phải đưa ra quyết định về những vấn đề khó khăn và không chắc chắn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cứ dũng cảm một cách “liều mạng”. Bí quyết thành công là ở chỗ họ phải biết điểm dừng lại và không nên “lao xuống” quá đà. Một quyết định dẫn tới tai họa không được coi là một quyết định mà là một suy nghĩ thiếu cẩn trọng.

Vậy là các nhà doanh nghiệp có thể học hỏi được rất nhiều từ loài chim uy phong này. Những đức tính của đại bàng trắng không chỉ tiêu biểu cho cái đẹp, sức mạnh và sự tự do mà còn là những điều kiện và khả năng cần thiết để chúng có thể tồn tại trong thế giới của mình.

Trên đây là những bài học mà các doanh nhân có thể học được từ đại bàng đầu trắng để vượt qua giai đoạn đầu lập nghiệp đầy khó khăn và thử thách.

Hãy mở rộng đôi cánh để bay thật xa!

Nguyễn Ngọc (Dịch từ icbs.com, tác giả Joop Liefaard)

 

Ba sai lầm lớn nhất của các nhà lãnh đạo

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Là một nhà lãnh đạo tài ba, xuất sắc, nhưng bạn không thể tránh khỏi những lúc mắc sai lầm. Vậy sai lầm đó là gì? Bạn có nhận ra được sai lầm của mình không? Và làm thế nào để giải quyết những sai lầm đó?


Clark Cothern - một nhà tư vấn tinh thần của Living Waters Community Church tại Ypsilanti, Michigan đã nói về sai lầm của bản thân mình khi là một nhà lãnh đạo: “Sai lầm lớn đầu tiên khi là một nhà lãnh đạo là tôi đã thất bại trong việc xác định xem những sai lầm nào mình đang mắc phải”.

Ron Potter, một người bạn của Cothernvà cũng là nhà lãnh đạo của Team Leadership Culture, đã đúc kết được ba sai lầm lớn nhất mà hầu hết các nhà lãnh đạo khó tránh khỏi. Ông đã dành 12 năm cuối cùng trong cuộc đời chuyên nghiệp của mình để tư vấn cho những nhà lãnh đạo hàng đầu trong nước cũng như quốc tế, giúp họ nhận biết và sữa chữa những sai lầm của mình.

Quản lý thay vì lãnh đạo

Ron có thể khẳng định ngay sai lầm đầu tiên. Ông ta nói rằng: “Quản lý là tập trung vào việc định hướng những công việc cần hoàn thành từng ngày, trong khi đó, lãnh đạo là vạch ra tương lai, thiết lập mục tiêu và tạo ra động lực”.
Khi một nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian vào việc quản lý hơn lãnh đạo, tinh thần của họ trở nên bão hòa. Hầu hết mọi người muốn đặt ra mục tiêu để hướng tới và tự mình tìm ra cách để đạt được mục tiêu đó. Ron nói rằng: “Tât cả chúng ta đều khao khát điều khiển được ít nhất là một phần cảm giác”.
Trong một nghiên cứu một vài năm trước đây, hai nhóm các nhà lãnh đạo được giao giải quyết một vấn đề khó khăn như nhau. Vấn đề phức tạp bao gồm sự rèn luyện thể chất, đưa ra những quyết định khó khăn và đòi hỏi sự tập trung cao độ. Cả hai nhóm đều tham gia trong một dự án tại một địa điểm mà âm thanh gây rối loạn được dẫn vào từ bên ngoài. Âm nhạc, tiếng ồn và giọng nói đủ làm cho tất cả trở nên rối bời.
Nhóm A không thể làm gì với những âm thanh đó. Họ đành phải kiên nhẫn chịu đựng chúng. Nhóm B được hướng dẫn ấn vào một cái nút và họ có thể giữ yên lặng được trong vòng 5 phút, nhưng họ chỉ được sử dụng cái nút đó 1 lần trong mỗi giờ. Mỗi nhóm sau đó đánh giá kết quả đạt được của nhóm mình.
Không quá ngạc nhiên khi Nhóm B hoàn toàn vượt trội hơn so với nhóm A. Và mấu chốt là nhóm B chưa từng ấn cái nút đó. Với ý nghĩ rằng ít nhất cũng có thể điều khiển được môi trường và có được một chút ít tự do đã đẩy mức độ tự tin của họ lên cao hơn.
Các nhà lãnh đạo quản lý vi mô thường tập chung sự chú ý của họ vào khả năng làm việc của nhóm và cách giải quyết vấn đề. Cựu tổng thống Mĩ Dwight D. Eisenhower đã tổng kết điều này bằng câu nói sau: “Hãy kéo một sợi dây và nó sẽ đi theo bất cứ nơi nào bạn muốn. Nhưng nếu đẩy nó, nó sẽ chẳng đi đến đâu cả”.
2. Đánh giá sai về lòng trung thành của cá thể riêng lẻ khi xây dựng nhóm
Đã bao giờ bạn nhìn thấy một món đồ chơi con lắc với những quả bóng thép treo thành một hàng trên cái thanh ngang? Nếu bạn kéo một trong những quả bóng đó ra xa khỏi những quả khác và để nó di chuyển, khi nó đập vào quả bóng tiếp theo sẽ làm cho quả bóng cuối cùng bị đẩy ra xa khỏi các quả bóng khác do ảnh hưởng lực từ quả bóng thứ nhất. Hiện tượng này được gọi là “Newton’s Cradle”.
Sai lầm tiếp theo này không dễ thấy và khó phát hiện ra. Ron nói rằng “Newton’s Cradle gần giống như sự lãnh đạo”.
Nếu là người đứng đầu hệ thống lãnh đạo trong tổ chức, thì bạn chính là cái thanh ngang trong trò chơi con lắc đó. Những quả bóng thép treo trên thang ngang chính là những người làm việc xung quanh bạn. Sự kết nối chính là những mối quan hệ cá nhân do bạn tạo nên.
Bạn - một nhà lãnh đạo - kéo một thành viên ra khỏi những người khác để người này sẽ đem lại những thay đổi cần có. Điều này giống như việc kéo 1 quả bóng ra khỏi các quả bóng khác. Sau khi tách anh ta ra khỏi nhóm, bạn lại mong chờ anh ấy sẽ tác động trở lại để nhóm của bạn có thể phát huy hết khả năng trong công việc, giải quyết được các vấn đề hiện tại và đạt được mục tiêu cả nhóm đặt ra cũng như tạo nên những thay đổi cần thiết.
Ron giải thích về điều gì đã thực sự xảy ra. “Khi người lãnh đạo đẩy một thành viên ra khỏi vị trí của mình, anh ta sẽ tạo ra một cú huých vào thành viên gần anh ấy nhất và anh này lại tác động đến người khác, kết quả thành viên cuối cùng đã bật ra khỏi nhóm. Do vậy, điều thực sự xảy ra là các thành viên có tác động tương hỗ và ảnh hưởng lẫn nhau.
Bạn không nên coi thường mối quan hệ cá nhân giữa những người làm việc với nhau và cũng không nên bỏ lỡ bất cứ một bước quan trọng nào để kéo họ vào những vấn đề chung của cả nhóm để cho họ thấy việc cùng làm với nhau có ý nghĩa như thế nào.
Thất bại trong việc tạo ra động lực thúc đẩy
“Điều gì thúc đẩy bạn?”, “Bạn có khả năng tạo ra động lực không?”, “Những khó khăn trong những thách thức mới là gì?”. Hãy hỏi những nhà lãnh đạo xem điều gì đã thúc đẩy họ và những câu hỏi trên sẽ tự hiện ra trước mắt họ. Khi công việc của bạn đi xuống, không có bất kể một thách thức mới nào, bạn sẽ buồn chán và mất đi sự hứng khởi đối với công việc.
Một nhà lãnh đạo có thể biết rõ điều gì thúc đẩy anh ta nhưng lại quên rằng chính những điều đó cũng thúc đẩy những người làm việc cho mình.
Bạn muốn mọi người phát huy hết năng lực của mình để mọi việc được suôn sẻ nhưng khi trói buộc mọi người trong sự đơn điệu, chính bạn đã đánh cắp những động lực thúc đẩy họ. Khi bạn đem đến cho mọi người những thách thức mới, mặc dù biết chắc rằng họ sẽ mắc phải những sai sót, nhưng nếu biết cách giữ ở mức độ “an toàn”, thì tức là bạn đã tiếp thêm động lực cho các nhân viên của mình.
Điều đó có nghĩa là bạn phải biết cách thách thức sự thất bại của mỗi người, đẩy họ để họ buộc phải bước những bước chập chững đầu tiên trong một thế giới hoàn toàn mới. Họ sẽ cảm ơn bạn vì những thử thách mới cho dù họ biết rằng mình sẽ sảy chân và vấp ngã vài lần.
Giống như một bậc phụ huynh, bạn sẽ cầu nguyện nhiều hơn khi con mình bắt đầu tập lái xe, một nhà lãnh đạo cần phải chấp nhận rằng những thách thức mới đang đe dọa các nhân viên của mình vì hiểu rằng điều này đồng nghĩa với việc mở ra một con đường mới.
Khi nghiên cứu ba sai lầm phổ biến mà những nhà lãnh đạo thường mắc phải, bạn sẽ nhận ra sai lầm đầu tiên của bản thân mình là sự mập mờ giữa việc quản lý và lãnh đạo. Bạn cần đưa ra lịch đào tạo nhân viên với thời gian gian biểu cụ thể để mọi người có thể làm việc nhịp nhàng theo nhóm. Và bạn cần động viên mọi người biết chấp nhận những thách thức mới. Trên tất cả, bạn cần khuyến khích, động viên bản thân để luôn tìm ra những sai lầm tiếp theo của mình.

Nguyễn Thu Phương (Dịch từ LeadershipJournal)

 

Năm bài học rút ra từ bài diễn thuyết khó quên cho sản phẩm mới iPhone của giám đốc điều hành của Apple – Steve Jobs.

Trở về nhà sau một trận chơi gôn tuyệt diệu, cháu tôi có vẻ rất sốt ruột, thậm chí còn không thèm nhìn qua tấm thiệp mời dự bữa tối. Cậu ta còn đang là một học sinh trung học, bởi vậy tôi cho rằng cháu đang có cuộc hẹn gấp với bạn bè. Nhưng tôi chỉ đúng có một phần thôi. Cậu ta hẹn với bạn bè ra ngoài xếp hàng mua iphone!

Chính giám đốc điều hành của Apple, Steve Jobs là người tạo ra cơn sốt thu hút sự chú ý của tất cả những fan hâm mộ các công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, chiến dịch quảng cáo thành công ngoài sức tưởng tượng này bắt nguồn từ một sự giới thiệu hoành tráng về iPhone diễn ra tại hội chợ thường niên Macworld hồi tháng một năm nay.

Sau khi xem và phân tích kịch bản quảng bá của ông Steve Jobs, chúng tôi rút ra được năm bài học kinh nghiệm quý giá có thể giúp bất cứ ai đang và sẽ có ý định tiến hành một chiến dịch chào hàng mang tính thuyết phục cao:

1. Xây dựng kịch tính

Một nhà văn nổi tiếng không bao giờ thể hiện toàn bộ cốt truyện hay ho và hồi kết ngay tại trang đầu tiên của cuốn sách. Ông giám đốc điều hành của hãng Apple cũng vậy. Jobs bắt đầu bài diễn thuyết của mình bắng việc nhìn lại cuộc cách mạng về sản phẩm mà hãng Apple đã thực hiện.

Theo ông Jobs, “ Cuộc cách mạng về sản phẩm có ảnh hưởng to lớn và đang làm thay đổi mọi chuyện. Apple may mắn được giới thiệu một số thứ đặc biệt trong cuộc cách mạng này”. Jobs tiếp tục bằng cách miêu tả việc trình làng Macintosh vào năm 1984 như là một sự kiện “làm thay đổi toàn bộ thế giới tin học”. Cũng như vậy, với chiếc iPod đầu tiên được giới thiệu vào năm 2001, là sản phẩm mà theo lời ông ông Steve Jobs: “Làm thay đổi toàn bộ nền công nghiệp âm nhạc”.

Sau khi vẽ nên bức nền hoàn hảo, Jobs tiếp tục tô điểm thêm cho thiết bị mới bằng cách trêu chọc thính giả: “Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu ba sản phẩm mang tính cách mạng. Sản phẩm đầu tiên là chiếc iPod màn hình rộng điều khiển bằng cảm ứng. Thứ hai là một chiếc mobile phone tiên tiến nhất. Và thứ ba là một thiết bị liên lạc liên thông với internet”.

Jobs tiếp tục xây dựng kịch tính. Ông ta nhắc tên ba sản phẩm đó vài lần và nói: “Bạn có biết không? Đây không phải là ba thiết bị riêng lẻ. Ba tính năng này được kết hợp trên một sản phẩm mà thôi… Hôm nay Apple sẽ giới thiệu với các bạn phát minh mới về điện thoại này!”, ngay lập tức đám đông trở nên cuồng nhiệt.

Jobs tiến hành bài diễn thuyết của ông giống như đang điều khiển một dàn nhạc giao hưởng, với cả bè cao, bè thấp, có mào đầu và các đoạn cao trào. Nó làm cho người nghe cực kỳ phấn khích. Và bài học chúng ta có được là gì? Hãy tạo nên sự bất ngờ trong các bài giới thiệu mà bạn sẽ thực hiện.

2.Chú trọng tìm đề tài cho một phần của bài diễn thuyết

Một nhà thiết kế xuất chúng đã từng có lần nói rằng hiệu quả nhất là chỉ nên có một thông điệp cho mỗi phần của một bài diễn thuyết. Mỗi phần, một điểm then chốt. Khi Jobs giới thiệu “ba sản phẩm mang tính cách mạng như vừa miêu tả ở trên, ông không trình diễn một phần với cả ba thiết bị. Khi ông nói về mỗi đặc điểm (iPod màn ảnh rộng, mobile phone, và một thiết bị kết nối internet), mỗi phần xuất hiện cùng với một hình ảnh phù hợp với từng đặc điểm.

Jobs còn làm cho các phần của của bài diễn thuyết rất giàu hình ảnh. Không có chỗ nào trong bài nói của ông mà khán giả nhìn thấy các gạch đầu dòng hay các dữ liệu được đánh số. Hình ảnh là tất cả những gì ông cần. Sự đơn giản của các nội dung đã giữ được sự chú ý của khán giả đối với người diễn thuyết. Các hình ảnh luôn được ghi nhớ lâu, và quan trọng hơn nó có thể trợ giúp đắc lực cho diễn giả. Quá nhiều từ ngữ được dùng trong các bài diễn thuyết sẽ làm khán giả sao lãng lời phát biểu của người nói. Việc chuẩn bị các trang trong bài diễn thuyết thật giàu hình ảnh còn đồng thời giúp người nghe tập trung hơn vào các điểm quan trọng.

3.Thêm chút hấp dẫn cho những gì bạn nói

Jobs còn ngân nga giọng nói nhằm xây dựng tình trạng bị kích thích. Khi ông mở đầu bài nói bằng cách miêu tả cuộc cách mạng sản phẩm mà Apple đã tạo ra trước đây, giọng nói của ông nhỏ và chậm rãi. Ông giữ cách nói như vậy cho đến câu: “Hôm nay Apple sẽ giới thiệu với các bạn phát minh mới về điện thoại này!”, thì ông đổi giọng cao hơn. Và bạn cũng nên học cách trở thành một diễn giả tài ba bằng cách điều khiển tốc độ giọng nói nhanh, chậm, lên giọng hay xuống giọng khi cần thiết nhé.

4.Thực hành

Jobs khiến cho mọi người thấy rằng ông không phải nỗ lực quá nhiều với bài thuyết trình. Bí quyết ở đây là Jobs đã khôn ngoan nhẩm đi nhẩm lại các thuyết minh hàng giờ trước khi diễn ra sự kiện quan trọng đó. Thật nực cười khi rất nhiều các nhà lãnh đạo cao cấp đã tiêu cả đống tiền cho việc thiết kế bài diễn thuyết, nhưng chẳng quan tâm gì đến việc luyện tập những điều sẽ nói. Xin đừng làm mất khán giả bởi sai lầm đáng tiếc đó. Hãy diễn tập thuần thục những gì bạn sẽ trình bày.

5. Hãy thành thực và thể hiện nhiệt tình

Nếu bạn tin rằng sản phẩm hay dịch vụ của bạn sẽ thay đổi cả thế giới, vậy thì hãy nói như thế đi. Hãy trình bày thật hài hước, dí dỏm và thông minh. Trong chiến dịch quảng cáo iPhone, Jobs sử dụng rất nhiều tính từ để miêu tả sản phẩm mới, bao gồm những từ như: “Xuất sắc,” “cách mạng” và “mát mẻ”. Ông đùa cợt rằng tính năng màn hình cảm ứng của chiếc điện thoại mới “hoạt động một cách kỳ diệu… và chắc hẳn các chàng trai sẽ phải học tập điều này”.

Người ta cho rằng các diễn giả hay lo lắng về việc sản phẩm họ sẽ giới thiệu bị thổi phồng quá mức, vì vậy họ thường sa vào trạng thái đối lập và làm cho bài diễn thuyết trở nên nhàm chán. Nếu bạn đầy cảm hứng với sản phẩm, dịch vụ hay công ty mình, hãy để người nghe thấy điều đó. Hãy tự cho phép mình được thả lỏng, hài hước và thể hiện lòng nhiệt tình!

Nào bây giờ xin bạn đừng nói câu: “Nghe có vẻ hay ho đấy, nhưng tôi không phải là fan hâm mộ ngài Steve jobs đâu nhé”. Thật ra thì những gì mà ngài Jobs đã làm được chưa phải là xuất sắc nhất. Tất cả chúng ta hãy học hỏi phát huy để có được các chiến dịch quảng cáo thành công hơn nữa trong tương lai.

Anh Hoa (Theo Business Week)

 

Bí quyết lãnh đạo của Tony Soprano

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Các học giả về quản lý kinh doanh trên khắp thế giới từ lâu đã nỗ lực tìm ra các kỹ năng lãnh đạo hiệu quả nhất. Bạn có thể thấy rất nhiều các bài học quản lý từ cuộc sống thực của những nhà lãnh đạo lớn như Lincoln, Attila the Hun, Jesus of Nazareth. Và cây đại thụ - Tony Soprano chính là một trong những hình mẫu về một nhà lãnh đạo thành công.


Tony Soprano, con trai trưởng của gia đình Sopranos - chủ hãng HBO nổi tiếng, đã diễn giải công thức thành công của ông trong việc lãnh đạo tập thể và xây dựng các mối quan hệ dài hạn sáng tạo và hiệu quả. Dưới đây chỉ là một phần nhỏ trong số các chiến lược lãnh đạo thành công nhất mà Tony đã từng sử dụng.
Khi có một điều gì đó nghi ngờ hay do dự, hãy quyết đoán với chính bản thân mình: Tony luôn nhận thức rằng ông không bao giờ có được tất cả các câu trả lời. Quả vậy, khi không chắc về một việc gì đó, ông luôn tiến về phía trước với những quyết định quyết đoán. Ông cho rằng thất bại đa phần đến từ sự do dự hơn là sự lựa chọn sai lầm.
Các mối quan hệ là tất cả: Tony hiểu rõ nguyên tắc cơ bản này trên cả hai phương diện. Những mối quan hệ mật thiết và tích cực là tài sản vô giá trong kinh doanh, quan trọng không kém gia đình của chúng ta. Cũng như vậy, những mối quan hệ lỏng lẻo, xung đột và mơ hồ có thể dẫn tới nhiều hậu quả tiêu cực. Vì thế, ông luôn nỗ lực để chấm dứt hay cải thiện các mối quan hệ lỏng lẻo và xây dựng những mối quan hệ gắn bó.
Hãy cẩn thận với những câu chuyện thẳng thắn: Tất cả câu chuyện không phải dành mọi đôi tai. Thậm chí đôi khi những sai sót trong câu chữ có thể dẫn tới sự hiểu lầm và làm xói mòn niềm tin của tập thể đối với nhà lãnh đạo. Trong suy nghĩ của Tony, những cái lời nói thiếu cẩn trọng có thể giết chết bạn.
Để có được kết quả tốt, nhà lãnh đạo còn phải biết lắng nghe những người quanh bạn. Tony cho rằng ông sẽ không bao giờ có được các mối quan hệ tốt đẹp nếu ông cứ mở miệng là nói át những người xung quanh. Hãy nhớ rằng khi ai đó nói điều gì, chắc chắn những điều đó sẽ có ích và những điều bạn nói ra phải là những điều mà bạn biết rõ.
Quản lý bằng việc sâu sát và giữ mối liên lạc. Cho dù ở câu lạc bộ giải trí Bada Bing hay đang ăn tối với các khách hàng tại nhà hãng Arte Bucco Vesuvio, Tony không ngừng giữ mối liên lạc với các nhân viên trong công ty và tham gia vào mọi quyết định quản lý ở các phạm vi khác nhau.
Tony luôn sẵn sàng có mặt khi bất cứ nhân viên nào cần tới. Song ông có thể nhanh chóng tạo ra khoảng cách nếu có nhân viên hay nhà quản lý cấp dưới nào quá tận dụng lợi thế của việc này để dựa vào ông quá nhiều.
Đối với Tony, việc lãnh đạo bằng cách ngồi lỳ một chỗ chẳng bao giờ đem lại hiệu quả. Bạn hãy đi một vòng quanh công ty, tự mình đi thăm dò ý kiến và tìm hiểu bên ngoài. Bạn sẽ “mắt thấy ai nghe” và hiểu rõ thực sự cái gì đang xảy ra.
Đào tạo tốt các nhân viên trẻ - họ sẽ giúp đỡ rất nhiều lúc bạn về già. Tony đặt trọng tâm lớn vào việc đào tạo các nhân viên trẻ, ông thường xuyên tổ chức các khoá học đào tạo tân binh để đảm bảo rằng mọi nhân viên đều hiểu rõ văn hoá công ty cũng như xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp ngay từ lúc đầu mới vào công ty.
Theo Tony, quy trình đào tạo các nhân viên trẻ sẽ đảm bảo việc chuyển giao quyền lực được suôn sẻ nhất. Do vậy, không có sự xáo trộn nào khi những nhà quản lý về hưu hoặc chuyển công tác khác.
Bên cạnh đó, Tony luôn nhìn nhận mình như một người tư vấn cho nhân viên trẻ. Tony cho rằng các nhân viên trẻ có xu hướng muốn học hỏi từ sếp của họ. Sẽ thật tốt nếu các nhân viên nhận được đánh giá và phản hồi của sếp về kết quả công việc của họ. Những gì các nhân viên cần ở sếp chính là sự giúp đỡ, đào tạo và giám sát để hiểu được công việc của mình có ý nghĩa như thế nào đối với công ty nói chung.
Không chăm chăm tìm kiếm các kết quả tối ưu: Tony luôn trung thành với triết lý nhà lãnh đạo cần tạo điều kiện để các nhân viên làm việc vui vẻ bên nhau, không ai cố gắng chơi trội. Theo ông, nhà lãnh đạo không được cố gắng chiếu cố, nâng đỡ những người quan trọng, mà phải coi mọi người trong công ty là những người bình thường.
Đồng thời, Tony cho rằng không nhà lãnh đạo nào được phép nói đã hiểu hết về công ty. Ông cho biết: “Hãy làm những việc theo cách của riêng mình để mọi người có thể thấy rõ được bạn là người trung thực, đáng tin cậy nhất”.
Tin tưởng vào thông điệp trong các giấc mơ của bạn. Trước khi Tony quyết định giáng một đòn mạnh mẽ vào kẻ phản bội ông khi tiết lộ hàng loạt các thông tin kinh doanh mật, Pussy Bonpensiero, ông đã trải qua hàng loạt các cơn ác mộng.
Trong mơ, ông thấy được nhiều hình ảnh rất khó chấp nhận, hình ảnh của Pussy như một kẻ mách lẻo. Ngay khi tỉnh dậy từ giấc mơ, Tony kiểm tra lại nhiều lần những nghi ngờ của mình để đảm bảo chính xác nhất. Và rồi, ông đã có những hành động thích đáng với Pussy.
Tiềm thức của chúng ta đôi lúc biết rõ sự thực về những gì mà nhận thức thực tại của chúng ta còn đang nghi ngờ. Tony nghiêm túc tin tưởng rằng giấc mơ của ông là chìa khoá cho những sự thực sâu thẳm.
Thẳng tiến và đưa gia đình vào kinh doanh. Những gia đình nhập cư từ lâu hiểu được sức mạnh và niềm tin sẵn có trong các mối quan hệ gia đình.
Với Tony, chính gốc gác dân nhập cư của gia đình mình đã được ông tận dụng triệt để. Ông luôn coi các thành viên gia đình như những nguồn đảm bảo các mối quan hệ liên kết kinh doanh đáng tin cậy.
Hoà trộn kinh doanh với niềm vui cuộc sống. Mặc dù ý tưởng khá khác thường, Tony sử dụng sự pha trộn kinh doanh với các hành động vui vẻ của cuộc sống để gia tăng sự gắn kết tập thể.
Hơn thế nữa, khi công việc thiêu cháy cuộc sống, như đã diễn ra với Tony, nếu bạn không đưa niềm vui thích vào các hoạt động kinh doanh, bạn sẽ không có nhiều cơ hội để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Tony Soprano có thể là một nhà lãnh đạo kinh doanh khá khác thường, nhưng thành công trong những phương pháp quản lý của ông là không thể phủ nhận. Ông đã xây dựng được một doanh nghiệp nhiều triệu USD với nền tảng là các mối quan hệ con người tin cậy. Hãy thử áp dụng và thử xem chúng có giúp bạn cải thiện chất lượng các hoạt động kinh doanh của mình hay không.

Minh An (Dịch từ Business Know How)

 

Nghệ thuật diễn giải thông điệp kinh doanh

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Cả Microsoft và Tellme đều biết rõ sức mạnh lẫn bí mật của những thông điệp kinh doanh hiệu quả. Viễn cảnh kinh doanh đằng sau các “đại gia” công nghệ này đều được diễn giải với không quá 10 từ (tiếng Anh).

Tuần trước, Microsoft đã thực hiện một vụ M&A (sáp nhập và mua lại) được xem là lớn nhất từ năm 2002 cho đến nay, mua lại nhà cung cấp dịch vụ nhận dạng giọng nói qua điện thoại Tellme Networks. Một vài nhà phân tích ước tính giá trị của vụ M&A này lên đến 1 tỷ USD.

Điều đặc biệt là sáng lập viên kiêm Chủ tịch Microsoft, Bill Gates có khá nhiều điểm tương đồng với đồng sáng viên kiêm CEO của Tellme - Mike McCue. Cả hai đều có khả năng truyền đạt viễn cảnh kinh doanh đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc để lôi cuốn các nhà đầu tư, nhân viên và khách hàng.

Viễn cảnh của Gates đã vẽ ra để thu hút Steve Ballmer - người sau này đã trở thành một biểu tượng lớn khác tại Microsoft - đơn giản là: “Hãy đặt những chiếc máy tính cá nhân lên bàn làm việc tại mọi gia đình trên thế giới”.

Trong khi đó, viễn cảnh của McCue cũng rất rõ ràng và hầu như không thay đổi kể từ khi ông sáng lập công ty vào năm 1999: “Hãy nói những gì bạn muốn vào bất cứ chiếc điện thoại nào và nó hiểu tất cả”.

Gần đây, Carmine Gallo - một chuyên gia về giao tiếp trong kinh doanh và là tác giả cuốn best-seller 10 Simple Secrets of the World’s Greatest Business Communicators (Mười bí mật đơn giản của những nhà truyền thông điệp kinh doanh vĩ đại nhất thế giới), đã gặp gỡ trực tiếp với McCue khi thực hiện những nghiên cứu cho cuốn sách mới của ông.

Galoo nhận thấy McCue luôn được hoanh nghênh nhiệt liệt trong các cuộc họp với nhân viên. Theo Galoo, bất cứ ai có thể khơi gợi được kiểu phản ứng đó từ phía các nhân viên phải là một người biết cách truyền thông điệp kinh doanh tuyệt vời. Và ông đã không thất vọng.

McCue quả có tài năng khiến cho một công nghệ phức tạp trở nên dễ hiểu hơn. McCue cũng suy nghĩ rất nghiêm túc về việc làm thế nào để truyền tải hiệu quả một viễn cảnh đẹp về công ty trong các bài diễn thuyết, các cuộc họp và các cuộc phỏng vấn của ông.

“Cuộc kiểm tra của mẹ”

Trên thực tế, McCue hiểu rất rõ sức mạnh của khả năng miêu tả một điều gì đó theo cách thức đơn giản nhất. Và McCue đã đặt tên cho kỹ thuật này là “Cuộc kiểm tra của mẹ” (The Mom Test).

Bí quyết trong kỹ thuật của McCue chính là khi bạn muốn truyền tải hiệu quả những gì ẩn đằng sau sản phẩm/dịch vụ, bạn hãy nghĩ xem phải diễn đạt điều đó như thế nào với mẹ của mình.

McCue cho biết: “Nếu tôi đang ở trong bữa tối lễ Tạ ơn và mẹ hỏi tôi đang làm những gì, liệu tôi có nên trả lời: ‘Chúng con là một nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ outsource các giải pháp lập kế hoạch’. Chắc hẳn là không, tôi sẽ muốn giải thích rõ ràng về những tôi làm để mẹ 1) hiểu được nó, 2) muốn sử dụng nó, và 3) có thể sử dụng nó”.

Theo quan điểm của McCue, trên thị trường hiện nay có rất ít thông điệp kinh doanh về một sản phẩm/dịch vụ nào đó vượt qua “Cuộc kiểm tra của mẹ” này.

Lần hội thoại với McCue đã khiến Galoo nhớ lại cuộc trò chuyện với các nhà đầu tư mạo hiểm ở một trong những công ty đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới. Khi một người trong số họ trình bày với các đối tác về một loại hình dịch vụ, sau đó đối tác đã quay sang hỏi người bên cạnh: “Rốt cuộc dịch vụ của họ là thế nào nhỉ?”.

Nói cách khác, liệu có thể miêu tả sản phẩm/dịch vụ bằng không quá 10 từ? Câu trả lời là có. Nếu hiện tại, bạn chưa làm được thì phải cần cố gắng để diễn đạt được. Trên thực tế, không ít nhà đầu tư đã từng tuyên bố: “Nếu anh không thể miêu tả những gì anh làm dưới 10 từ, tôi sẽ không mua, tôi sẽ không đầu tư”.

Từ lời khích lệ đến khẩu hiệu kinh doanh

Khả năng truyền đạt nội dung hoạt động kinh doanh của công ty bằng một câu văn ngắn gọn sẽ cho các nhà đầu tư thấy rằng bạn đang nắm bắt tốt công việc kinh doanh cùng thị trường mục tiêu và hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu đó.

Vào ngày 15/03 vừa qua, Steve Ballmer đã có buổi nói chuyện tại Trường Đại học kinh doanh Stanford. Một số người hỏi về lý do tại sao Ballmer rời bỏ trường Stanford để tham gia Microsoft.

Ballmer thừa nhận rằng sau sáu tháng làm việc tại Microsoft, ông cảm thấy như thể mình đãmắc phải sai lầm. Nhưng sau đó Bill Gates và bố đã mời Ballmer đi ăn tối. “Tại bữa tối, Bill nói với tôi: ‘Thực sự anh chưa có được nó. Anh có thể cảm thấy rằng mình gia nhập Microsoft chỉ để trở thành một nhân viên kế toán của một công ty có 30 nhân viên. Nhưng rồi chúng ta sẽ đặt những chiếc máy tính cá nhân lên bàn làm việc ở mọi gia đình trên thế giới’. Tôi thề với các bạn răng lời nói đó đã giữ chân và đưa tôi đến với những thành công tại Microsoft trong 17, 18 năm sau. Và rồi ngày nay nó đã trở thành một khẩu hiệu kinh doanh vĩ đại của tập đoàn Microsoft”.

Đấy chính là điểm mấu chốt trong nghệ thuật truyền thông điệp kinh doanh, làm người nghe của bạn muốn nhanh chóng có được điều bạn vừa giới thiệu với họ. Họ muốn tìm hiểu xem liệu công ty, sản phẩm hay dịch vụ của bạn có thực sự đáng giá để khai phá.

Trên cơ sở đó họ sẽ đưa ra các phán quyết về việc có giao dịch kinh doanh với bạn, có mua sản phẩm của bạn, có cho bạn vay tiền, phản hồi tích cực với viễn cảnh bạn đưa ra hay có tham gia vào công ty bạn,… hay không?

Giao tiếp kinh doanh của bạn ra sao?

Nhiều năm trước vụ sáp nhập và mua lại Tellme của Microsoft, McCue đã không ngừng quyến rũ các nhân viên tài năng, các khách hàng tiềm năng và giới truyền thông bằng các bài diễn thuyết, những lời nhận xét hết sức rõ nét và lôi cuốn nhằm thuyết phục mọi người luôn đứng về phía mình: “Hãy nói những gì bạn muốn vào bất cứ chiếc điện thoại nào và nó hiểu tất cả”.

Vậy thông điệp kinh doanh của công ty bạn như thế nào? Nếu bạn không thể diễn giải những gì bạn thực hiện dưới 10 từ, rất có thể nhiều khách hàng sẽ không mua, các nhà đầu tư sẽ không đầu tư và người bạn muốn cộng tác sẽ không muốn tham gia vào công việc kinh doanh của bạn.

Mai Hạnh (Dịch từ Businessweek)

 

Nhìn vào danh sách những tỷ phú hàng đầu thế giới năm 2007 do Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố, chắn hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: không biết họ làm thế nào để trong một ngày có thể làm ra một số tiền mà có cả đời vất vả bạn cũng không kiếm được. Nếu chịu khó nghiên cứu và tìm hiểu, bạn sẽ thấy câu trả lời rất đơn giản. Chỉ có duy nhất hai cách để đạt được điều này: thứ nhất, hãy gây dựng một công ty trở nên lớn mạnh, có giá trị hàng tỷ đô-la hoặc thứ hai, hãy trở thành một nhà đầu tư thành công.

Quay trở lại bảng xếp hạng năm 2007, bạn có thể thấy top 5 không có sự thay đổi nhưng đang có cạnh tranh rất mạnh mẽ. Trong 13 năm liên tiếp, Bill Gates tiếp tục duy trì ngôi vị là người giàu nhất thế giới với tài sản ước tính 56 tỷ đô-la. Nhưng khoảng cách với người ở vị trí thứ hai Warren Buffett, với tài sản trị giá 52 tỷ đô-la, đang được thu hẹp dần. Nhà đầu tư người Mexico, Carlos Slim đứng ở vị trí thứ ba với tài sản 49 tỷ đô-la, đã có một bước tiến cực kỳ ấn tượng bằng việc tăng thêm 19 tỷ đô-la trong năm vừa qua. Gia đình Kamprad (Thụy Điển), sáng lập ra chuỗi cửa hàng nội thất IKEA đứng thứ tư với 33 tỷ đô-la. Theo sau ở vị trí thứ năm là vua thép người Ấn Độ Lakshmi Mittal với 32 tỷ đô-la.

Trong năm người giàu nhất thế giới nói trên, hãy khoan nói về Bill Gates và thử tìm hiểu hai người đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba, Warren Buffett và Carlos Slim, xem họ đã làm giàu như thế nào?

Chân dung của hai nhà tỷ phú Warren Buffett và Carlos Slim

Ngày nay, cái tên Warren Buffett đã trở nên quá nổi tiếng. Nhưng chắc hẳn ít ai biết ông được xem là một nhà đầu tư giá trị luôn bình thản trước mọi sự thổi phồng, cường điệu và kích động trên thị trường. Ông không ngại ngần đầu tư vào các cổ phiếu được xem là tẻ nhạt, xuống giá, thậm chí, đang ở trong tình thế xấu nhất. Ngoài việc là chủ nhân của Tập đoàn Berkshire Hathaway, hiện ông đang nắm giữ cổ phần lớn của Tạp chí Time, công ty quảng cáo hàng đầu của Mỹ Ogilvy&Mathew, Công ty Interpublic, Hãng nước ngọt Coca-Cola, American Express, Walt Disney và Gillette… Đó là chưa kể tới một số công ty nho nhỏ cỡ Geico hay General Re… Và rất có thể vào một ngày nào đó, trong một tình huống đặc biệt, biết đâu ông còn mua cả những hãng sản xuất đồ lót?

Những công ty và tập đoàn lớn do ông sở hữu và nắm giữ cổ phần, đã vẽ nên bức chân dung về ông, khó có thể đếm hết.

Với Carlos Slim, cách mà ông vươn lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng này lại có phần hơi khác. Carlos Slim không chỉ đáng chú ý vì khối lượng tài sản ước tính lên tới 49 tỷ đô-la, mà còn vì ông là người đứng đầu danh sách 10 tỷ phú kiếm tiền nhiều nhất trong năm. Carlos Slim là “ông trùm” trong lĩnh vực truyền thông. Không thỏa mãn với vị trí là nhà cung cấp các dịch vụ truyền thông lớn nhất Mexico, chủ hãng Telefonos de Mexico (Telmex) này còn có tham vọng mở rộng chi nhánh ra nhiều nước khác trên thế giới, mà trước hết là thị trường châu Mỹ La-tinh. Năm 2003, Carlos Slim đã mua đứt tập đoàn điện thoại di động Bell South Sao Paulo của Brazil, đồng thời cũng đang nắm cổ phần chi phối tập đoàn viễn thông lớn nhất của Brazil là Embratel Participa. Tập đoàn viễn thông Mỹ MCI đã phải bán số cổ phần mà MCI đang nắm giữ cho Telmex sau khi tập đoàn viễn thông của Carlos Slim thắng trong một đợt đấu thầu công khai.

Có thể nói tin học, viễn thông là hai lĩnh vực mà Carlos Slim dành nhiều công sức để đầu tư vào nhất và chúng cũng đem lại cho ông những kết quả mỹ mãn. Nếu nhiều người gọi Warren Buffett là người đàn ông có phép lạ với các đồng đô-la, thì Carlos Slim là huyền thoại về người “động vào cái gì, cái đó biến thành vàng”.

Cách họ làm giàu

Hai người đàn ông này đã “giăng lưới” như thế nào mà có thể kiếm được nhiều tiền đến vậy, ngay cả trong những lĩnh vực mà trước họ chẳng ai nhìn thấy tiền đồ phát triển.

Họ đã làm được điều đó bằng hai nguyên tắc đơn giản sau đây:

1. Mua những công ty khi giá của nó rẻ.

2. Tập trung vào các hoạt động kinh doanh có tiềm năng phát triển.

Buffett đã tạo ra một khối lượng của cải đáng kể khi ông mua lại 5% tổng số cổ phiếu của hãng American Express khi hãng này đang rơi vào tình trạng nợ nần. Trong bức tranh tranh tối trang sáng của thị trường vào năm 1964, ông đã mua cổ phiếu của hãng này với giá rẻ bất ngờ. Ông nhận ra rằng đây vẫn là một công ty có thương hiệu mạnh và có cơ hội làm ra tiền. Khi ông mua, giá mỗi cổ phiếu chỉ có 35 đô-la, nhưng chỉ năm năm sau, giá của chúng đã lên đến 189 đô-la.

Còn đối với Slim, cơ hội lớn đầu tiên đã đến với ông vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế diễn ra năm 1982 tại Mexico. Khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài tại nước này tìm cách chạy trốn khỏi đây vì hoảng sợ. Slim đã nhận định rằng: “Giá trị thấp của rất nhiều công ty tại thời điểm này là bất hợp lý”. Ông đã tìm cách mua những công ty được rao bán với giá rất rẻ lúc đó và thu về không biết bao nhiêu lợi nhuận.

Đến năm 1990, Carlos Slim cũng mới chỉ được biết đến ở Mexico là chính. Chỉ đến khi trở thành ông chủ của Tập đoàn viễn thông Telmex lớn nhất châu Mỹ La-tinh thì thế giới mới giật mình vì Mexico cũng có một đại gia kinh doanh. Cơ hội đến với ông khi Nhà nước Mexico quyết định tư nhân hóa công ty điện thoại và viễn thông quốc gia. Chẳng phải là một chuyên gia kỹ thuật, nhưng Carlos Slim táo bạo đến liều lĩnh, bỏ hết tiền vốn của mình để lao vào đấu thầu. Cuối cùng, với 1,7 tỷ đô-la, ông đã mua gần như toàn bộ cổ phiếu của tập đoàn này. Giá khi đó của một cổ phiếu của Telmex có 0,8 cent. Còn bây giờ giá của chúng trên thị trường chứng khoán đã tăng gấp 45-50 lần so với thời điểm đó.

Nếu nói về điểm chung của hai nhà tỷ phú Warren Buffett và Carlos Slim, thì đó là cách tận dụng thời cơ và đi trước đón đầu. Bill Gates, tỷ phú giầu nhất hành tinh cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Bạn hãy thử tìm hiểu cách làm giàu của Gates xem như thế nào?

Sự nổi tiếng và giàu có của Bill Gates được gắn liền với sự sáng lập ra hãng Microsoft. Nhưng nếu xem bản danh sách đầu tư chứng khoán cá nhân của ông, bạn sẽ nhận thấy Bill Gates hiện đang sở hữu Hãng đường sắt quốc gia Canada (Canadian National Railway), Hãng Republic Services và Hãng Otter Tail. Trong ba công ty nói trên, điều đáng ngạc nhiên là Canadian National Railway kinh doanh trong lĩnh vực đường sắt, một ngành công nghiệp nặng, khác hẳn với lĩnh vực công nghệ thông tin và phần mềm mà ông đã theo đuổi. Hai hãng còn lại, một là nhà chuyên thu thập rác bẩn và thứ hai là nhà cung cấp dịch vụ điện công cộng, đồng thời sản xuất các ống nhựa. Nếu chỉ nhìn vào ba công ty này, thì hiển nhiên Bill Gates cũng được xem là nhà đầu tư vào các cổ phiếu mà ít người chú ý tới, vì cho đó là những cổ phiếu quá chán và tẻ nhạt.

Tựu chung lại, thì cả ba người giàu nhất trong bản danh sách do Tạp chí Forbes công bố, từ Bill Gates cho đến Warren Buffett hay Carlos Slim, đều là những nhà đầu tư giá trị. Lý do chung cho sự lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu là bởi vì họ hiểu rằng đầu tư giá trị là sự đầu tư khôn ngoan, đồng thời lại đơn giản hơn tất thảy các dạng đầu tư khác.

Song không phải ai quyết định đầu tư vào giá trị cũng thành công như họ. Ngoài yếu tố thời cơ và vận may rủi, còn một điều mà ít người có được, đó là năng khiếu và sự nhạy cảm trong kinh doanh, cách nhìn thấy giá trị tiềm ẩn trong những cổ phiếu tưởng chừng như rất bình thường, đặc biệt mỗi khi có sự biến động lớn trên thị trường. Buffett và Slim đã có những “cú” đầu tư đặc biệt thành công bằng cách mua những công ty, cổ phiếu vào thời điểm mà chẳng ai dám mua.

Vậy thì bạn cũng có thể làm được điều này lắm chứ, hãy không ngừng tìm kiếm và nắm bắt cơ hội bất ngờ khi nó đến với bạn.

Tuấn Anh (Dịch từ Motley Fool)

 

Quảng cáo

Nuoc hoa - Mua ban perfume nhà cung cấp nước hoa, mỹ phẩm chính hiệu giá sỉ. Đảm bảo nước hoa thật 100%.

Nuoc hoa nam | Nuoc hoa nu | My pham | Nuoc hoa gia re

Thiết Kế Website

Quảng Bá Website

Quản Trị Website

Thương Mại Điện Tử

Công Ty Truyền Thông Số iGO

Thị Trường Chứng Khoán

Khách Thăm Trong Ngày