Một người đàn ông khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, một tỷ phú “chân đất”, ông vua bất động sản , ông vua “tiết kiệm”… là những từ mà người dân Hồng Kông- Trung Quốc dành để nói về Dương Quốc Cường, một trong những người giàu nhất Trung Quốc với tổng tài sản lên tới 16 tỷ đô la Mỹ. Gần đây, khi ông chuyển số tài sản của mình tại công ty Bích Quế Viên (Country Garden Holdings) cho cô con gái thứ hai Dương Huệ Nghiên vào năm 2005 thì cô đã trở thành người phụ nữ giàu nhất Châu Á do tạp chí uy tín Forbes bình chọn. Chỉ mới tốt nghiệp hết trung học, nhưng với tài năng của mình Dương Quốc Cường đã chứng minh một chân lý: “Bằng cấp không phải là tất cả”.

Một con người giản dị.

Dương Quốc Cường sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khổ tại Quảng Đông- Trung Quốc, trên ông còn có 2 chị gái và 3 anh trai. Như lời kể lại của người anh trai cả khi nói về thời kỳ gian khổ đó : “ Như bao gia đình nông dân nghèo khổ khác, sự ra đời của em trai tôi (tức Dương Quốc Cường) không đem lại niềm vui cho gia đình mà làm cho nỗi lo của bố mẹ tăng lên vì trong nhà lại có thêm một miệng ăn mới”.

Ngay từ nhỏ, Dương Quốc Cường đã phải cùng anh em trong chăn trâu, cắt cỏ, làm ruộng phụ giúp bố mẹ. Gia đình ông nghèo đến nỗi, đến khi trở thành một thanh niên 17 tuổi, ông vẫn chưa được đi dép và mặc quần áo mới bao giờ. Mặc dù không có cơ hội được học lên cao nhưng Dương Quốc Cường rất thích đọc sách. Ông kể: “ Hồi nhỏ, cứ có tiền là tôi nghĩ ngay đến việc mua sách cũ về đọc. Tôi đọc rất nhiều sách: từ lịch sử, triết học, địa lý cho đến thiên văn …hầu như thú vui duy nhất của tôi là đọc sách.” Năm 18 tuổi, Dương Quốc Cường được nhận vào làm thợ đúc xi măng tại công ty xây dựng Bắc Hạo Trấn, nơi mà người anh trai của ông là Dương Quốc Hoa làm phụ trách trong đội lao động. Vừa làm vừa học hỏi và đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, 6 năm sau, ông được thăng chức lên đội trưởng đội xây dựng của công ty. Năm 1989, Dương Quốc Cường đã đặt viên gạch đầu tiên xây nên sự nghiệp của bản thân khi ông trở thành giám đốc công ty xây dựng Bắc Hạo Trấn.

Trong mắt của mọi người thì hình ảnh của “ông vua bất động sản” Trung Quốc không khác “nông dân” là mấy. Vẫn dáng người khắc khổ, khuôn mặt đen sạm, bộ com-lê lúc nào cũng như quá khổ, dáng đi không thoải mái như người mới học đi giày. Trong các cuộc họp dù quan trọng đến đâu, ông vẫn có thói quen cởi giày ra rồi ngồi khoanh chân lại. Nhân viên thường nói rằng: “Giám đốc của chúng tôi không thể nào bỏ được thói quen của người nông dân”. Dù là người sở hữu nhiều tỷ đô la, nhưng Dương Quốc Cường vẫn dùng một chiếc xe bình dân, gia đình sống rất tiết kiệm, không thích khoa trương. Có lần ông đi bộ từ công ty về nhà - nằm trong một khu biệt thự, hàng xóm đã nhầm ông là một ông nông dân nào đó đi lạc đường.

Sự nghiệp rực rỡ

Sang năm 1992, sau rất nhiều năm làm việc và tích góp, cùng với một số người bạn, ông đã thành lập công ty xây dựng Bích Quế Viên (Country Garden Holdings) và cho xây mới 4000 căn biệt thự. Tuy nhiên, cũng trong năm đó, thị trường đất đai của Hồng Kông vừa trải qua cơn sốt đất, nên trong 4000 căn hộ được xây dựng, công ty Bích Quế Viên của Dương Quốc Cường chỉ bán được 3 căn. Nguy cơ phá sản đã hiện hữu trước mắt.

Nhưng với kinh nghiệm làm việc trong ngành đất đai nhiều năm, Dương Quốc Cường đã tạo nên cuộc xoay chuyển kỳ diệu. Sau một lần đến Quảng Châu thăm quan một trường học tư nhân dành cho con nhà khá giả, trong đầu ông nghĩ ngay đến việc thành lập mô hình trường học tương tự tại công ty mình. Việc làm này sẽ thu hút sự chú ý của những gia đình khá giả và giàu có tại Hồng Kông cho con em mình theo học, đồng thời cũng là kênh quảng bá hiệu quả nhất, nhằm vào những khách hàng tiềm năng nhất cho những căn biệt thự đang bỏ không của công ty. Nghĩ là làm, sau khi trở về từ Quảng Châu, Dương Quốc Cường đã hợp tác và thành lập một trường quốc tế tư thục của công ty Bích Quế Viên, đây cũng là chi nhánh tại Quảng Đông của trường quốc tế Cảnh Sơn đã quá nổi tiếng ở Bắc Kinh- nơi có rất nhiều con em lãnh đạo và những thương nhân nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc theo học.

Sự ra đời của ngôi trường quốc tế thuộc tập đoàn Bích Quế Viên đã thu hút được rất nhiều đối tượng là con em thương nhân nước ngoài đang làm ăn tại Hồng Kông và con em những gia đình trung lưu, quý tộc đăng ký theo học. Mặc dù học phí so với mặt bằng thu nhập là khá cao: khoảng 30 vạn nhân dân tệ cho một năm học (gần 700 triệu đồng Việt Nam)/ 1 học sinh nhưng không vì học phí cao mà số học sinh ít so với các trường quốc tế khác. Nhờ kết quả dạy và học rất khả quan nên uy tín của trường không ngừng được nâng cao, việc này đồng nghĩa với cái tên ”công ty bất động sản Bích Quế Viên” cũng lên “nhanh như diều gặp gió”.

Tính đến nay, công ty xây dựng Bích Quế Viên của ông chủ Dương Quốc Cường đã xây dựng được 38000 đơn vị nhà ở và đang tiến hành triển khai xây dựng 27 công trình khác với tổng diện tích xây dựng lên tới 18 triệu m2. Đúng là một con số kỷ lục.

Ngày 20 tháng 4 năm 2007, cổ phiếu của công ty Bích Quế Viên chính thức được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ ngắn ngủi, giá trị mỗi cổ phiếu từ 5,38 đô la Hồng Kông tăng lên 7,21 và giá cao nhất trong ngày niêm yết đầu tiên là , 35 đô la Hồng Kông. Ngay trong ngày hôm đó, số lượng cổ phiếu được bán ra là 1.004.020, vượt qua các “đại gia đình đám” khác về lượng cổ phiểu bán ra trong ngày. Cũng từ đây, Dương Quốc Cường đã vượt qua “ông lớn” Chương Nhân để trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Năm 2005, khi người con gái thứ hai Dương Huệ Nghiên đi du học trở về, ông đã giao bộ toàn sản của mình tại công ty Bích Quế Viên cho cô. Hiện nay, Dương Huệ Nghiên là cổ đông lớn nhất của công ty Bích Quế Viên. Cũng sau sự kiện này, Dương Huệ Nghiên được tạp chí uy tín Forbes xếp là người phụ nữ giàu nhất Châu Á nhờ được hưởng tài sản từ người cha của mình với số tiền khoảng 16 tỷ đô la.

Một tấm lòng nhân hậu

Xuất thân trong một gia đình nghèo khó và không được học hành đến nơi đến chốn cho nên Dương Quốc Cường rất tích cực trong việc quên góp tiền cho các trường học và tổ chức giáo dục nhằm hạn chế trẻ em Hồng Kông và Trung Quốc đại lục thất học hoặc phải bỏ học vì quá nghèo. Năm 1997, ông đã góp khoảng 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 2 nghìn tỷ đồng Việt Nam) để thành lập “Quỹ học bổng Trung Minh”. Quỹ học bổng này nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các thương gia tại Hồng Kông và Trung Quốc. Sau 10 năm hoạt động, hiện nay số tiền của quỹ học bổng này đã lên tới 11 triệu nhân dân tệ và đã tài trợ giúp đỡ được cho 4314 sinh viên và học sinh nghèo tại Trung Quốc.

Cuối tháng 10 năm 2007, Dương Quốc Cường còn quyên góp và ủng hộ những học sinh nghèo của hai truờng đại học lớn và uy tín nhất Trung Quốc là Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa số tiền lên tới 60 triệu nhân dân tệ. Đồng thời ông cũng thành lập qũy họ bổng mới mang tên: “Quỹ học bổng dành cho những nghiên cứu xuất sắc” nhằm tôn vinh những nhà khoa học hoặc sinh viên có những nghiên cứu xuất sắc góp phần trong công cuộc xây dựng đất nước Trung Hoa hùng mạnh.

Mặc dù hiện nay Dương Quốc Cường bàn giao lại công việc và tài sản của mình cho con gái Dương Huệ Nghiên nhưng ông vẫn tham gia điều hành công ty Bích Quế Viên. Giàu có, thành đạt, nổi tiếng là những từ “cửa miệng” khi nhắc đến “ông vua bất động sản” Dương Quốc Cường. Một giám đốc có trình độ văn hóa trung học với phong cách và tính tình rất “nông dân”, một con người đôn hậu nhưng rất quyết đoán trong công việc sẽ là còn là cái tên được nhắc đến nhiều tại Hồng Kông- Trung Quốc như một tấm gương sáng về ý chí làm giàu.

(Theo VietnamNet)