Những gương mặt nổi bật trên thương trường thế giới 2007
Kinh tế thế giới năm qua đối mặt với cơn bão giá dầu, chấn động trên thị trường tài chính, tiền tệ... Giữa bối cảnh bất ổn đó, có những doanh nhân vẫn gặt hái thành công, trong khi một số người đành gục ngã dù bảng thành tích không hề thua kém ai.
Dưới đây là một số doanh nhân được BusinessWeek đưa vào danh sách bình chọn nhân vật tiêu biểu thế giới năm 2007. Kết quả cuối cùng dự kiến được tạp chí này công bố vào đầu tháng 1/2008.
1. Zoe Cruz - đồng Chủ tịch Morgan Stanley
Zoe Cruz, người phụ nữ quyền lực nhất phố Wall. Ảnh: BusinessWeek. |
Hôm 1/12 vừa qua, Cruz bất ngờ xin nghỉ hưu, rũ bỏ chức vụ đồng Chủ tịch tập đoàn đầu tư lớn thứ 2 ở Mỹ, sau khi Morgan Stanley công bố thiệt hại 3,7 tỷ USD vì cơn bão cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn. Tuy nhiên, quyết định rút lui này vẫn không thể xóa hết bảng thành tích rạng ngời sau lưng Cruz.
25 năm đóng góp không biết mệt mỏi cho Morgan Stanley, Cruz quả không hổ thẹn khi được ví là ngôi sao tinh tú, người phụ nữ quyền lực nhất phố Wall khi đưa tập đoàn này vượt qua bao sóng gió và gặt hái thành công. Năm ngoái, Cruz được tạp chí Forbes xếp thứ 10 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Trong khi đó, Fortune đưa bà vào vị trí đầu tiên trong danh sách 25 phụ nữ được trả lương cao nhất thế giới, với tổng thu nhập năm 2006 là 30 triệu USD.
2. Jamie Dimon - Chủ tịch kiêm CEO JPMorgan Chase
Jamie Dimon. Ảnh: BusinessWeek. |
Khi cơn bão tín dụng dưới tiêu chuẩn càn quét qua phố Wall, hầu hết CEO của các ngân hàng lớn đều bị bôi tro trát trấu vào mặt vì những thiệt hại nặng nề gây ra cho tập đoàn. Nhưng với Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO JPMorgan Chase, mọi chuyện chưa quá tồi tệ, hoặc thậm chí vẫn tươi đẹp.
Dimon về JPMorgan Chase giữa năm 2004, sau khi kinh qua những vị trí cấp cao ở các tập đoàn tài chính lớn như Citigroup hay Bank One (từng là ngân hàng lớn thứ 5 ở Mỹ). Tài quản lý cùng khả năng kiểm soát rủi ro của Dimon ngày càng tỏa sáng, và giúp JPMorgan ít tổn thương trước cơn lốc cho vay thế chấp. Vượt qua khó khăn, đến quý III, JPMorgan lại công bố có lãi và ổn định hoạt động cho vay.
Năm ngoái, Dimon được tạp chí Time bầu chọn là một trong 100 người có thế lực nhất hành tinh. Ông cũng đứng thứ 19 trong danh sách 25 sếp nam hưởng lương cao nhất thế giới do Fortune bình chọn, với thu nhập 41,2 triệu USD.
3. Những người đàn ông vàng của Goldman Sachs
Những nhà lãnh đạo tài ba của Goldman Sachs. Ảnh: BusinessWeek. |
Trong lúc các đối thủ đau đầu vì nợ xấu trong mảng cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn, Goldman Sachs vẫn đạt doanh thu 12,3 tỷ USD trong quý III, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, CEO đương nhiệm Lloyd Blankfein lại không được nêu tên trong danh sách đề cử những nhân vật nổi bật 2007 của BusinessWeek. Thay vào đó là những bậc tiền bối của ông như cựu CEO John Thain, Robert Rubin, Henry Paulson hay Jon Corzine...
Sau thời gian cống hiến và làm rạng danh cho Goldman Sachs, những nhân vật này đều đảm nhận các vị trí quan trọng trong chính quyền. John Thain làm giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán New York, mới đây đã về đầu quân cho Merrill Lynch. Robert Rubin một thời làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nay là Chủ tịch Citigroup. Còn Henry Paulson cũng vừa rời tập đoàn giữa năm ngoái để trở thành Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm của Mỹ.
4. Thế giới người hùng Google
Sergey Brin và Larry Page. Ảnh: BusinessWeek. |
Khởi đầu chỉ là một công trình nghiên cứu của 2 chàng trai trẻ Sergey Brin và Larry Page, sau gần một thập kỷ, Google giờ đã trở thành công cụ tìm kiếm khổng lồ, với giá trị thị trường lên đến 100 tỷ USD. Google phát triển đúng hướng cũng nhờ bàn tay tài ba của giám đốc điều hành Eric Schmidt.
Tuy nhiên, người ta nói rằng thành công của Google thực sự lên đến đỉnh cao vào năm nay, khi hãng tấn công sang lĩnh vực phần mềm văn phòng, điện thoại Internet và nhiều mảng khác. Thách thức còn rất lớn ở phía trước 3 người lính ngự lâm Sergey Brin, Larry Page và Eric Schmidt, bởi tất cả những thế lực đáng gờm khác như Microsoft đều đang muốn phế truất Google khỏi ngôi vị hiện nay.
5. Diane Greene - CEO VMware
Diane Greene. Ảnh: BusinessWeek. |
Ở tuổi 52, Diane Greene có vẻ hơi "cứng" trong thời buổi tôn sùng những thần đồng về công nghệ mạng. Song những gì bà đã làm để đưa VMware trở thành công ty hàng đầu thế giới về phần mềm ảo hóa trong thời gian ngắn vừa qua quả là đáng nể.
Greene cùng chồng sáng lập ra VMware từ năm 1998, sau đó bán lại cho hãng EMC vào năm 2004 với giá 625 triệu USD. Khi công ty sang tay chủ mới, Greene vẫn giữ chức giám đốc điều hành.
Tháng 8 vừa qua, VMware chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng và đây được xem là IPO hot nhất trong làng công nghệ thông tin, kể từ sau IPO của Google (tháng 1/2004). Giá cổ phiếu VMware tăng hơn 3 lần kể từ đó tới nay, đưa công ty trở thành hãng phần mềm có mức vốn hóa lớn thứ 4 thế giới, đạt 35 tỷ USD. VMware giờ đây đã trở thành doanh nghiệp phần mềm tăng tốc nhanh nhất và có tầm ảnh hưởng nhất trong thung lũng Silicon.
6. Tỷ phú tài chính Mỹ Carl Icahn
Lão tỷ phú Carl Icahn. Ảnh: BusinessWeek. |
Từ cuối năm ngoái tới nay, lão tỷ phú giàu thứ 18 ở Mỹ với số tài sản 14,5 tỷ USD, xuất hiện thường xuyên hơn trong các thương vụ đầu tư tài chính đình đám ở Mỹ.
Khởi sự ở phố Wall năm 1961, 7 năm sau, ông lập công ty chứng khoán mang tên mình, Icahn, tập trung vào những danh mục đầy rủi ro và nghiệp vụ chứng khoán phái sinh. Đến 1978, ông bắt đầu hoạt động mua thâu tóm một số công ty nhỏ. Giờ đây, Carl Icahn nắm giữ cổ phần chi phối hoặc quyền kiểm soát ở gần 30 công ty khác nhau.
Nổi danh vì dám đấu tranh cho quyền lợi của cổ đông trong các tập đoàn, năm nay Icahn đã buộc Time Warner phải xì tiền nhiều hơn cho các nhà đầu tư. Ông cũng tạo áp lực buộc Motorola cải tổ bộ máy sau hàng loạt thua lỗ.
7. Steve Jobs - CEO Apple
Bộ não của Apple. Ảnh: BusinessWeek. |
Với vị giám đốc điều hành Apple, 2007 quả là năm nhiều cảm xúc. Nhà đầu tư hiển nhiên phải yêu mến Jobs, bởi ông đã làm cho cổ phiếu Apple tăng giá 100%. Khách hàng thì được hưởng đợt siêu giảm giá iPhone, với mức giảm lên đến 200 USD chỉ sau vài tuần ra mắt. Nhưng với giới âm nhạc và các quan chức Hollywood, Jobs là kẻ làm loạn, khiến các tác phẩm điện ảnh và nhạc phẩm trở nên rẻ như bèo. Thậm chí sếp bự của NBC Universal, Jeff Zucker còn công khai chỉ trích Jobs đã hóa hủy ngành kinh doanh âm nhạc.
Mới đây, Steve Jobs được tạp chí Fortune bầu chọn là doanh nhân quyền lực nhất thế giới năm 2007.
8. Trùm truyền thông Rupert Murdoch
Tỷ phú truyền thông Murdoch sẽ giao sự nghiệp cho con trai út vào năm 2009. Ảnh: BusinessWeek. |
Tài phiệt gốc Áo đã có một năm kinh doanh viên mãn. Sau khi đã nuốt chửng The Wall Street Journal, mạng lưới truyền hình Big Three, Murdoch đang định vươn tới nhiều tập đoàn truyền thông khác.
9. Tỷ phú Mexico Carlos Slim
Ông trùm viễn thông Mexico. Ảnh: BusinessWeek |
Năm nay, nhà tài phiệt 67 tuổi này đã trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới, truất ngôi vị mà Bill Gates giữ vững nhiều năm qua. Khối tài sản của ông ngày càng phình to, nay đã đạt 68 tỷ USD, do công ty ông chiếm vị thế độc quyền trong lĩnh vực viễn thông ở Mexico.
10. Ratan Tata - Chủ tịch tập đoàn Tata của Ấn Độ
Chủ tịch Tata, Ratan Tata. Ảnh: BusinessWeek. |
Thành công của đế chế khổng lồ Tata năm nay được xem như nguồn cảm hứng chung cho giới doanh nhân Ấn Độ. Tata vừa mua lại hãng thép Hà Lan Anglo-Dutch với giá 12 tỷ USD. Đây cũng là thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp lớn nhất được thực hiện bởi một công ty của Ấn Độ.
Dưới bàn tay chèo lái của vị Chủ tịch Ratan Tata, tập đoàn giờ đã lớn mạnh với mức vốn hóa 21 tỷ USD. Tata đang dự định mua lại hai thương hiệu xe hơi Jaguar và Land Rover. Dự kiến sang năm, Tata sẽ làm cả thế giới chấn động khi sản xuất hàng loạt loại xe giá siêu rẻ, 2.500 USD.
(Theo VnExpress)