"Ông tiên" Walt Disney và những "phép màu"
Mở rộng thương hiệu
Disney là người đi đầu trong việc phát triển thương hiệu và việc kinh doanh. Luôn suy nghĩ về cách để có thể mở rộng thương hiệu, Disney đã thiết lập những tiêu chuẩn mới về khả năng kinh doanh thương hiệu của mình.
Từ các kỹ thuật phát triển cho tới chiến dịch kinh doanh sản phẩm, Disney đã khai phá ra các nền tảng mới và sử dụng trí tưởng tượng của mình để mở rộng con đường đi tới đỉnh cao. Ông thường sử dụng nhiều chiến lược quảng cáo để truyền thông điệp trước khán giả như áp phích quảng cáo, quảng cáo trên truyền hình, chiến dịch thư điện tử trực tiếp và thậm chí ngay cả các cửa hàng tạp phẩm. Ông tìm hiểu kỹ thị trường để làm cho mọi người thấy rằng họ không thể quên được ông là ai.
Ý tưởng xây dựng một công viên giải trí bắt đầu hình thành năm 1953. Ông tập hợp mượn số tiền bảo hiểm của ông và tập hợp nhân viên thành lập hội WED (viết tắt của tên ông - Walter Eilas Disney) để tổ chức dự án. Tháng 2/1954, những kế hoạch cho công viên Disneyland và chương trình truyền hình được công bố.
Loạt chương trình của Walt nói về sự hấp dẫn của công viên bắt đầu vào tháng 10/1955 và đều do chính ông dẫn. Và Disneyland - sản phẩm kết tinh của sự sáng tạo với những kỹ thuật hiện đại đã chính thức mở cửa vào ngày 17/7/1955.
Disneyland được khải trương bằng một lễ hội do các vị khách danh dự chủ trì. Ông mời tới 11 nghìn người, hầu hết là các nhân vật danh tiếng và những người quyền cao chức trọng. Trên thực tế, có đến 30 nghìn người có mặt. Sau đó, ông quyết định phải tường thuật trực tiếp chương trình trên truyền hình. Với 29 máy và 63 chuyên gia kỹ thuật, chương trình 90 phút đã tốn 11 triệu đô la. Nhưng nó thật đáng "đồng tiền bát gạo". Theo ước tính có đến 90 triệu người theo dõi sự kiện đó, ngoài ra còn rất nhiều người khác đã biết Disney là ai và mọi người đều háo hức được tận mắt trông thấy Disneyland như thế nào.
Disney xem Disneyland "là điều tôi có thể liên tục phát triển và "nghiện" nó", và đúng như Disney từng tuyên bố: "Sẽ không có thêm một công viên nào như Disneyland cả".
Với Disney "khi chúng tôi xem xét một dự án, chúng tôi thực sự nghiên cứu nó, không chỉ là ý tưởng bề nổi mà mọi thứ về nó". Tài năng kinh doanh của Disney nằm ở việc đầu tư đúng vào các tiềm năng để phát triển thị trường. Điều đó thể hiện qua việc đầu tư vào bộ phim "Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn". Đây không chỉ là bộ phim hoạt hình đầu tiên có các nhân vật có kích thước như thật mà nó còn là bộ phim đầu tiên có một chiến dịch kinh doanh các sản phẩm đi kèm. Kể từ đó, 25% lợi nhuận của công ty đến từ việc bán các sản phẩm cho khách hàng.
Disney sử dụng các phim của mình một cách rất thông minh. Từ các bộ phim, một loạt các sản phẩm liên quan như búp bê, đồ chơi, các trò chơi đã thu hút khách tới công viên của ông. Disneyland nhanh chóng trở thành một cách thúc đẩy lợi nhuận lý tưởng và Disney không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào. Trong công viên có một lâu đài và đó chính là một sự quảng bá từ rất sớm cho bộ phim "Người đẹp ngủ trong rừng" mà 4 năm sau khi khai trương Disneyland mới công chiếu.
Tầm nhìn của Disney chưa bao giờ ngừng. Ông không ngừng tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động. Sau thành công của Disneyland ở California, Disney đã nhận ra rằng nó không chỉ thu được lợi nhuận trong nước, mà có thể mở rộng ra toàn thế giới. Việc xây dựng thế giới Walt Disney được bắt đầu 1 năm sau khi Disney mất và thành công vẫn tiếp diễn kể cả khi không có mặt của người sáng lập. Ngày nay, công viên và khu nghỉ mát Disney mang lại hàng tỉ đô lợi nhuận mỗi năm cho công ty Walt Disney.
Theo đuổi ước mơ
Walt Disney được ví như một ông tiên có thể biến ước mơ thành hiện thực. Ông cho rằng: "Trời đã sinh ra tôi là một kẻ hiếu kỳ, khi nhìn thấy bất cứ một cái gì mà tôi không thích, tôi đều nghĩ tại sao lại như vậy và tôi có thể làm gì để thay đổi điều này". Và với ông, "cách tốt nhất để tạo ra một điều gì đó là không nói nữa và bắt tay vào hành động".
Disney đã trải qua 3 năm khó nhọc để sản xuất phim "Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn". Trước đó, chưa từng có bộ phim hoạt hình nào có nhân vật với kích thước như người thật, với đầy màu sắc và âm nhạc. Từ các đối thủ cạnh tranh đến các đối tác, thậm chí ngay cả vợ của ông cũng không tin rằng nó có thể thu được thành công.
Ngân sách ban đầu chỉ có khoảng 500.000 đô la, thế mà dự án đã chi vượt ngân sách nửa triệu đô khi ngay từ đầu. Disney đã bắt buộc phải bước ra khỏi câu chuyện cổ tích để tìm đến các ông chủ ngân hàng để vay thêm khoản tiền cần thiết để hoàn thành bộ phim. Cuối cùng, "Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn" đã kiếm được số tiền gấp 4 lần chi phí khi nó được công chiếu vào năm 1938.
Điều mang lại thành công cho Disney chính là đam mê và quyết tâm hoàn thành dự án. Và đó cũng là đặc điểm mà Disney đã mang đến trong suốt sự nghiệp của mình. "Khi bạn tin vào một điều gì đó, hãy tin nó hoàn toàn và đừng nghi ngờ vô lý" - Disney nói. "Khi tôi đề ra một dự án mới, tôi tin tưởng nó trên mọi phương diện. Chúng tôi tin vào khả năng sẽ làm nó đúng. Và chúng tôi làm việc chăm chỉ để làm công việc tốt nhất có thể".
Trong toàn bộ sự nghiệp của Disney, ông được thử thách bằng những lời phản hồi, sự phê bình và những người nghi ngờ khả năng của ông. Disneyland từng là ý tưởng bị chế nhạo nhiều nhất. Chỉ một số rất ít các nhà đầu tư thấy khả năng tài chính trong việc xây dựng công viên hơn 100 hecta ở California. "Disneyland là công trình của tình yêu" - Disney nói. "Chúng tôi không mở ra Disneyland chỉ để kiếm tiền. Chúng tôi làm nó vì biết rằng hầu hết những người mà chúng tôi nói chuyện nghĩ rằng đó là một thảm họa về tài chính - rồi nó sẽ bị đóng cửa và quên lãng ngay trong năm đầu tiên". Hơn thế, Disneyland cũng giống như tất cả những mạo hiểm kinh doanh của Disney, là công trình của đam mê và tình yêu, kết quả là nó đã mang lại những thành công lớn lao.
"Khi chúng tôi mở Disneyland, có rất nhiều người có ấn tượng rằng nó sẽ là thứ làm cho chúng tôi phát tài nhanh chóng, nhưng họ không nhận ra rằng đằng sau Disneyland là tổ chức - xưởng phim mà tôi xây dựng. Tất cả họ đều bỏ công sức vào đó và chúng tôi thực hiện nó vì chúng tôi yêu thích thực hiện nó". Cho dù thành công của nó, thậm chí những năm sau đó Disney đã có một thời gian rất khó khăn nhưng kinh nghiệm từ trước đó cho biết, ông sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
"Khi bạn tò mò, bạn thấy có rất nhiều điều thú vị để làm", Disney nghĩ vậy. Và một điều để thực hiện mọi thứ là lòng can đảm, như cách Disney can đảm theo đuổi ước mơ của mình. Ở tuổi 65, ông mất vì căn bệnh ung thư phổi nhưng xác của ông được giữ lại và ướp lạnh ở trạng thái tiềm sinh. Nhiều người tin rằng, một ngày nào đó, khi y học tìm ra thuốc chữa bệnh ung thư, Walt Disney sẽ hồi sinh. Điều tưởng chừng không thể ấy biết đâu sẽ trở thành "có thể", nhất là với một người dành trọn đời mình để biến ước mơ thành hiện thực như Walt Disney.
(Theo LanhDao)