Không chỉ đi đầu trong việc chiếm lĩnh thị trường ôtô Trung Quốc, Lu Guanqiu - ông chủ tập đoàn Wanxiang Group còn là đối thủ đáng gờm của không ít hãng sản xuất phụ kiện lớn của nước ngoài.

Tỷ phú Trung Quốc - Lu Guanqiu. Ảnh: Forbes.

Giống như một số doanh nhân thành đạt khác của Trung Quốc, Lu Guanqiu bắt đầu sự nghiệp từ thời kỳ mà các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn được coi là “cái đuôi của chủ nghĩa tư bản” với một xưởng gia công các loại phụ tùng máy kéo dùng trong nông nghiệp.

Tới nay, sau khi kiến tạo thành công tổ hợp công nghiệp chế tạo phụ tùng ôtô khổng lồ Wanxiang Group, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc, Lu Guanqiu chính thức ghi tên mình vào bản danh sách những doanh nhân thành đạt có khối tài sản cá nhân lớn nhất thế giới với 1,2 tỷ USD.

Sinh ra trong một gia đình nông dân, Lu Guanqiu lại xin vào làm công nhân rèn tại một nhà máy cán thép của nhà nước với mức lương đủ sống. Do một số nguyên nhân, thời gian sau đó nhà máy thép phải đóng cửa và Lu Guanqiu cũng mất việc làm. Phải trở về làm công việc đồng áng cùng gia đình, trong thâm tâm Lu Guanqiu vẫn ấp ủ ước mơ được làm một công việc liên quan nghề cơ khí mà mình đã học được.

Từ số tiền tích cóp được tương đương với 4.000 NDT, năm 1969, Lu Guanqiu mua dụng cụ và mở ra một cửa hiệu sửa chữa xe đạp lấy tên là Wan Xiang chuyên phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng.

Tỉnh Triết Giang nơi gia đình Lu Guanqiu sinh sống, người dân chủ yếu là làm nông nghiệp nhưng trang thiết bị lại rất thiếu, sẵn có nghề cơ khí và trang thiết bị cần thiết, ông bắt đầu nghiên cứu tự chế thêm một số dụng cụ lao động trong nông nghiệp thô sơ như cuốc, xẻng, lưỡi cày. Tới những năm nửa cuối của thập niên 70, cách mạng văn hóa kết thúc, đất nước Trung Quốc bước vào giai đoạn cải cách mở cửa kinh tế.

Bên cạnh việc tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, lĩnh vực nông nghiệp được tập trung cơ khí hóa, tiến tới mục tiêu lấy máy móc thay cho sức người. Nhiều loại máy nông nghiệp như máy cày, máy kéo được đưa vào sử dụng trên diện rộng nên rất cần tới dịch vụ sửa chữa cũng như thay thế phụ tùng của các loại máy nông nghiệp.

Theo đánh giá đó, một mặt Lu Guanqiu đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, mở rộng nhà xưởng, mặt khác, làm thủ tục thu mua được 300 tấn sắt phế thải là những loại vũ khí đã hỏng đem ra bán thanh lý về chế tạo ra những loại dụng cụ nông nghiệp và một số phụ tùng thay thế trong các loại máy móc nông nghiệp. Tính trong những năm 70, dù là một doanh nghiệp mới vừa thoát ra khỏi cuộc đại cách mạng văn hóa, Wan Xiang đã có được bước phát triển ổn định, lợi nhuận bình quân mỗi ngày khoảng 10.000 NDT.

Bước vào thập niên 80, doanh nghiệp phụ tùng máy kéo Wan Xiang không những đã xây dựng được một nền tảng phát triển ổn định mà còn được khách hàng biết tới là một trong những địa chỉ tin cậy nhất của ngành công nghiệp phụ tùng máy nông nghiệp.

Dự đoán được xu thế phát triển chung của thị trường ôtô trong nước, Lu Guanqiu tập trung vốn vào đầu tư mua trang thiết bị dây chuyền công nghệ hiện đại từ nước ngoài về mở rộng sang lĩnh vực sản xuất phụ tùng ôtô. Con số lợi nhuận bình quân của Wan Xiang tăng nhanh, nếu như ở thập niên 70, trung bình mỗi ngày Wan Xiang thu lãi 10.000 NDT thì tới thập niên 80, con số này đã tăng lên gấp 10 lần.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn lâu năm, Lu Guanqiu bắt tay ngay vào chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm. Kết quả đạt được ngoài sự mong đợi của Lu Guanqiu, Wan Xiang được xếp vào danh sách một trong số 500 doanh nghiệp đầu tiên của Trung Quốc được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9002.

Bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, đặc biệt là từ thời điểm Trung Quốc gia nhập WTO, bên cạnh việc hợp tác với các hãng ôtô ngoại quốc khai thác thị trường trong nước Lu Guanqiu còn tập trung củng cố cơ cấu quản lý và nguồn lực hướng ra thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường khu vực châu Mỹ. Nhằm tăng cường sức mạnh cho doanh nghiệp và đảm bảo khâu quản lý được chặt chẽ, Lu Guanqiu chuyển mô hình công ty trước đây thành một tổ hợp các nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô và lấy trụ sở chính đặt tại thành phố Hàng Châu.

Bắt đầu từ năm 1994, Wan Xiang chuẩn bị cho cuộc "đổ bộ" quy mô lớn vào thị trường Mỹ khi thành lập lên văn phòng đại diện tại Chicago. Tính tới thời điểm hiện nay, Wan Xiang thiết lập được hệ thống chân rết 30 nhà máy đặt tại các quốc gia như Mỹ, Anh, Đức, Canada, Australia... Tổng mức doanh thu lên tới 3,3 tỷ USD trong năm 2006 và số lượng nhân công lên tới 40.000 người, Wan Xiang mới đây được Viện nghiên cứu IBM Institute of Business Value đánh giá là một trong 60 doanh nghiệp có tiềm năng phát triển nhất Trung Quốc.

Sau nhiều năm hợp tác với Ford, mới đây nhất, giới kinh doanh đang xôn xao trước sự kiện Lu Guanqiu tìm kiếm bản hợp đồng mua lại tổ hợp nhà máy sản xuất phụ kiện ôtô Automotive Components Holdings hiện đang đứng trên bờ vực phá sản.

Trong những năm thập niên 90 đổ về trước, các nhà sản xuất phụ tùng ôtô Trung Quốc trong đó có cả Wan Xiang vẫn chưa được coi là đối thủ xứng tầm trước các hãng sản xuất phụ kiện lớn ngoại quốc. Tới nay, sự kiện Wan Xiang đang đàm phán mua lại Automotive Components Holdings - một tổ hợp công nghiệp lớn gồm 17 nhà máy và 6 xí nghiệp đã cho thấy, ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc đang trên đà phát triển bùng nổ.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Wan Xiang đang là cổ đông của nhiều ngân hàng lớn như Minsheng Life Insurance, Zheshang Bank...

(Theo TBKTVN)