Sau ba tháng điều tra, ngày 17/4, các công tố viên của tòa án Hàn Quốc cho biết quyết định truy tố Chủ tịch tập đoàn Samsung ông Lee Kun-hee về tội trốn thuế và thất tín trong khi điều hành tập đoàn.

Với Hàn Quốc, việc trục lợi bất chính trong doanh nghiệp bằng những hành vi như vậy được coi như một trong những trọng tội số 1, bởi nó phá hỏng tinh thần văn hoá doanh nghiệp - yếu tố đã giúp biến Hàn Quốc từ một nước nghèo nàn, lạc hậu những năm 60 của thế kỷ trước thành một trung tâm kinh tế hàng đầu châu Á như hiện nay.

Thông báo trên được đưa ra sau 3 tháng điều tra các việc làm khuất tất tại tập đoàn khổng lồ Hàn Quốc Samsung - tập đoàn công nghiệp lớn nhất Hàn Quốc.

Ông Lee và một số thành viên khác trong gia đình mình đã bị triệu tập nhiều giờ đồng hồ để thẩm vấn. Các công tố viên cho biết sẽ không bắt giữ ông Lee vì sợ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của tập đoàn công nghiệp lớn nhất Hàn Quốc này.

Vị doanh nhân 66 tuổi này được xem như một người có ảnh hưởng lớn nhất trong giới doanh nhân Hàn Quốc, nhờ những công sức phi thường của ông với tập đoàn khổng lồ Samsung và qua đó là với nền kinh tế nước này nhiều năm qua.

Lee Kun-hee - doanh nhân quyền lực nhất Hàn Quốc

Lee Kun-hee hiện được xem là doanh nhân giàu có và quyền lực nhất Hàn Quốc. Thời thanh niên, Lee Kun-hee nổi tiếng ăn chơi và chỉ quan tâm tới doanh nghiệp gia đình sau khi bố mất, năm 1987. Tốt nghiệp ngành kinh tế Đại học Wasada (Nhật) và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học George Washington (Mỹ), Lee Kun-hee bắt đầu lập chiến lược phát triển công ty, nhấn mạnh chính sách không cạnh tranh bằng giá mà bằng chất lượng và thiết kế.

Cuối năm 1998, Samsung bắt đầu đổ vốn vào công nghệ kỹ thuật cao. Samsung tập trung mạnh hơn vào tiếp thị và nghiên cứu tâm lý thị trường (tung ra các nhóm nhỏ, cải trang và trà trộn vào xã hội để ghi nhận ý kiến người tiêu dùng). Do vậy, Samsung được biết đến như một công ty thành công khi đầu tư vào những thời điểm kinh doanh xuống dốc.

Thời điểm này, có thể khẳng định Lee Kun-hee đã hoàn toàn đúng trong chính sách phát triển công ty. Ông từng nói: “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con bạn”.

Ông còn nhấn mạnh: “Một thiên tài có thể nuôi sống hàng triệu người khác. Trong kỷ nguyên sắp tới, khi sáng tạo là động lực quan trọng nhất cho thành công doanh nghiệp, chúng tôi sẽ thu hút những người tài năng nhất. Giá trị kinh tế của một thiên tài là hơn 1 tỷ USD… Thế giới doanh nghiệp đang thay đổi sâu sắc. Thật khó đoán ngành nào sẽ phát triển và đem lại vận hội trong tương lai. Nhưng nếu sử dụng những người tinh hoa nhất, bạn sẽ giải quyết được bất cứ vấn đề gì của tương lai”.

Đến nay, uy tín của Lee Kun-hee trong làng quản trị doanh nghiệp thế giới không còn gì để tranh cãi. Ông đã khơi dậy tinh thần dân tộc Hàn Quốc, không chỉ “người Hàn dùng hàng hóa Hàn” mà còn là “người Hàn tự hào về sản phẩm Hàn”.

Với vai trò toàn cầu hoá tập đoàn Samsung, ông Lee được xem như là một trong những người gương mẫu của các nhà lãnh đạo ở châu Á. Tập đoàn điện tử Samsung xếp thứ 32 trong danh sách 45 công ty được đánh giá cao trên thế giới.

Lee Kun-hee được Tạp chí Time chọn là một trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2005. Trước đó, năm 2004, ông cũng được bầu là 1 trong những nhà kinh doanh hay nhất của thế giới trong danh sách 45 nhà kinh doanh tiêu biểu của thế giới theo bình chọn của tạp chí Financial Time (Anh).

(Theo VietnamNet)