Hãng xe Mỹ lừng danh Ford Motor Co khẳng định vị Tổng Giám đốc mới Alan Mulally là một bậc anh hùng. Alan Mulally là ai mà có thể làm thay đổi cả văn hoá kinh doanh trăm năm của Ford Motor Co như vậy?

Ford: Tổng Giám đốc đang thay đổi văn hoá công ty

Chính chủ tịch Ford Motor Co, ông Bill Ford Jr. ngày 12/12 đã lên tiếng khẳng định vị Tổng Giám đốc mới của mình, Alan Mulally, là một bậc anh hùng có đủ khả năng làm thay đổi cả văn hoá kinh doanh trăm năm của Ford.

"Hãy xem kết quả kinh doanh luôn trong tình trạng quý sau tốt hơn quý trước", Bill Ford vui mừng khẳng định trong buổi tiệc tổ chức ngày 12/12.

Bill Ford đặc biệt nhấn mạnh việc Mulally đã mang lại "không khí làm việc và ý thức tổ chức kỷ luật hoàn toàn mới mẻ, qua đó làm thay đổi bộ mặt và diện mạo của Ford cũng như văn hoá kinh doanh tại đây".

"Văn hoá lâu đời của Ford có thay đổi không? Không! Nó có được cải tiến và tiến bộ hơn dưới thời Alan Mulally không? Có!", Bill Ford nói.

Vậy, Tổng Giám đốc mới Alan Mulally là ai mà có thể làm thay đổi cả văn hoá kinh doanh trăm năm của Ford Motor Co như vậy?

Alan Mulally, người bỏ công ty số 1 thế giới để đưa Ford đi lên

Công ty của bạn là một biểu tượng của nước Mỹ, nhưng đang bị cạnh tranh dữ dội bởi các đối thủ lớn khác trên thế giới. Cơ hội thăng tiến lên bậc cao nhất ở đó là rất hẹp trong khi tham vọng của bạn hết sức bao la.

Vậy bạn phải làm gì, khi có một biểu tượng hùng vĩ khác của nước Mỹ mời bạn về làm thuyền trưởng? Bạn sẽ gật đầu. Nếu vậy, bạn chính là Alan Mulally.

Alan Mulally đã rời những cánh bay của Boeing để sang giải cứu một hãng xe đang trong cơn vật vã chống lại thua lỗ, Ford Motors.

Ông chủ Bill Ford của hãng xe lừng danh nước Mỹ đã chọn Alan Mulally, người đã chèo lái thành công cho Boeing, qua được giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của hãng máy bay này, khi mà sự kiện khủng bố 11/9 đã làm suy sụp cả ngành hàng không thế giới, và những chiếc Boeing có nguy cơ ế nặng.

Kho thành tích của Mulally hết sức ấn tượng. Không những mang lại lợi nhuận cho nhánh máy bay thương mại của Boeing trong thời gian khó khăn sau 11/9/2001, ông còn thành công trong việc giành giật lại thị phần từ tay đại kình địch Airbus.

Đầu tiên, Mulally đã tạo được tên tuổi của mình khi tham gia chương trình sản xuất Boeing 777 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Đây cũng chính là thế hệ máy bay đánh dấu cho sự hồi phục của Boeing sau nhiều năm bị đánh bại bởi những siêu phẩm hoành tráng của kình địch Airbus.

Sau đó, với tư cách là người cống hiến cho thành công của 777, qua đó mang lại sắc thái mới tươi tắn hơn cho Boeing, ông đã được cất nhắc lên phụ trách mảng máy bay thương mại của Boeing từ tháng 9/1998. Nhánh này khi đó đang trong cơn vật vã. Chiếc Airbus A320 lúc đó đang ăn mạnh vào miếng bánh thị phần nhánh này của Boeing.

Cả hai khi đó đang trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá, với những chương trình chiết khấu lớn. Song Boeing không chịu nổi vì không thể cắt giảm thêm chi phí sản xuất. Các nhà cung cấp cũng không muốn cùng Boeing tham gia cuộc đấu tay đôi với Airbus.

Khó khăn chồng chất, máy bay xếp chật kho của Boeing ở Seattle và hãng đã phải ngừng sản xuất 1 tháng, gây nên giai đoạn thua lỗ đầu tiên của hãng trong vòng 50 năm trở lại đó.

Mulally đã chứng tỏ một lần nữa rằng ông có thể giải quyết được tình hình khi nó đang hỗn độn như thế. Ông thiết lập các cuộc họp hàng tuần, nhưng thông qua một phòng hội thảo truyền hình ngay cạnh phòng làm việc của ông. Đây được coi như phòng tác chiến, với việc các thông số ở tất cả các bộ phận được hiển thị hết lên màn hình cực lớn giữa phòng. Mulally lần lượt tiếp cận và xử lý từng chuỗi thông số và luôn nắm rõ điều gì đang xảy ra ở hãng.

Một nhà lãnh đạo lạnh lùng

Là một người biết hoạt động theo nhóm, một nhà lãnh đạo biết truyền cảm hứng, Mulally còn được coi là kiến trúc sư của các kiến trúc sư, bởi ông dựa rất mạnh vào các thông số để đưa ra quyết định. Ông áp dụng tư duy dựa vào con số để khắc phục các lỗi chết người ở hãng, kể cả những lỗi đã xảy ra trước đó rất lâu.

Tuy nhiên, Mulally là một người hết sức lạnh lùng. Khi hãng gặp khó khăn sau giai đoạn 11/9/2001, ông ngay lập tức cắt giảm nhân lực ở nhánh máy bay thương mại của Boeing từ 120.000 người xuống còn có 50.000.

Rồi khi doanh số của Boeing sụt giảm mạnh so với Airbus, ông bỏ ngay Toby Bright, cánh tay phải của ông trong vòng 20 năm trở về trước, và thay ông ta bằng nhân vật mới mang tên Scott Carson (Carson giờ được chỉ định làm người thay thế Mulally tại Boeing).

Mulally cũng lạnh lùng với chính bản thân mình, với những ý tưởng của mình. Ông ấp ủ dự án chế tạo máy bay Sonic Cruiser từ rất lâu. Tuy nhiên, chỉ 18 tháng khi ra mắt một cách hoành tráng trước công chúng, ông đã cho huỷ luôn chương trình này. Lý do là nhiều khách hàng nói với ông rằng họ thích máy bay tiện nghi hơn, tiết kiệm hơn chứ không cần nhanh hơn. Và ông đã cho cả bộ phận của mình đi tìm những mẫu mới có thể chiều được những nguyện vọng đó của số đông khách hàng.

Sau 5 năm, Boeing dành giật lại thị phần từ tay đại kình địch Airbus.

Năm nay 62 tuổi, những kinh nghiệm và tính cách lãnh đạo đó được cho là quá tốt để ông chủ Bill Ford của hãng xe lừng danh nước Mỹ kỳ vọng mà chọn Alan Mulally.

Bắt đầu được Ford thưởng đậm

Chính vì vậy mà hãng xe Mỹ đang vật lộn với hàng núi khó khăn Ford Motor đã chi nhiều triệu USD để thưởng cho Alan cũng như các thành viên trong ban lãnh đạo công ty trong năm vừa qua bất chấp đó là năm họ lỗ kỷ lục trong lịch sử của hãng.

Giám đốc điều hành Alan Mulally, người mới đảm nhiệm vị trí này từ ông chủ Bill Ford từ tháng 9/2006, được nhận trọn gói lương thưởng trị giá 28,2 triệu USD vào cuối năm ngoái, trong đó lương cho 4 tháng làm tại Ford là 666.667USD.

Bên cạnh đó là một khoản cổ phiếu thưởng trị giá hàng triệu USD, kèm với nhiều đặc quyền đặc lợi khác, chẳng hạn xe riêng hạng sang mà mọi chi phí liên quan đều do công ty chi trả.

Trong 2006, hãng xe lớn thứ 3 thế giới lỗ tới 12,7 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử 103 năm. Tính riêng quý IV/2006, Ford lỗ tới 5,7 tỷ USD. Triển vọng năm 2007 của hãng cũng chưa có gì sáng sủa hơn. Theo đánh giá nhà sản xuất này sẽ còn tiếp tục thua lỗ vào năm nay và 2008. Phải tới 2009, khi kế hoạch cắt giảm chi phí hoàn thành, Ford mới có hy vọng thu lãi.

Ford gần đây liên tục phải dùng các chính sách chống đỡ như cắt giảm nhân công, đóng cửa một số nhà máy sản xuất không có lãi, tăng cường mua nguyên liệu giá rẻ từ châu Á...

Và dù đã cải thiện nhiều, hiện Ford vẫn đang trong hoàn cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn chồng chất do giá xăng dầu tăng kỷ lục, lượng xe bán ra giảm, chi phí cho sản xuất cao và sức ép cạnh tranh quyết liệt với các hãng ôtô châu Á.

Hiện tại, Ford đang phải đối mặt với những đối thủ sừng sỏ như Toyota, hãng đang có động thái chiếm ngôi vị số 1 thế giới của GM và vượt Ford để trở thành nhà sản xuất lớn thứ 2 ở Mỹ.

Tất cả trách nhiệm được trao vào tay vị Giám đốc điều hành Alan Mulally.

(Theo VNN)