Hình ảnh một người đàn ông có chòm râu bạc, khoác chiếc tạp dề đỏ nền nã, thắt chiếc nơ đen đã trở nên quen thuộc tại các cửa hàng KFC. Nhưng không nhiều người biết rằng, "ông gà rán" Harland Sanders ấy - người đã tìm ra công thức chế biến món gà rán Kentucky "có một không hai", cũng được xem là một trong những đại tá nổi tiếng nhất thế giới.

"Ông gà rán" Harland David Sanders

Đa nghề

Harland David Sanders sinh ngày 9/9/1890 trong một trang trại ở Henryville, Indiana. Là con cả trong gia đình có 3 người con, cuộc sống của Sanders sớm vất vả khi bố cậu mất lúc cậu mới lên 5 tuổi, để lại mẹ cậu và ba đứa con nheo nhóc. Trong lúc mẹ đi làm ngoài giờ ở nhà máy, Sanders chịu trách nhiệm trông hai em nhỏ. Cậu phải học nấu nướng để tự nấu cho hai hai đứa em. Và có lẽ những kinh nghiệm nấu ăn "vỡ lòng" này trở thành hành trang rất quý giá đối với Sanders sau này.

Lên 10 tuổi, Sanders nhận làm việc bán thời gian đầu tiên ở một trang trại. Cậu nhanh chóng bỏ học để có thể đi làm cả ngày giúp đỡ gia đình. Năm Sanders 12 tuổi, mẹ cậu đi bước nữa. Sau đó, dù cả gia đình chuyển đến Indianapolis, Sanders vẫn ở lại và làm việc ở một trang trại với mức lương 15 đô la một tháng.

Sau 3 năm làm việc ở trang trại, Sanders tìm được việc bán vé xe khách ở New Albany. Cậu nhanh chóng rời bỏ vị trí đó để nhập ngũ và đóng quân ở Cuba một năm. Khi hết nghĩa vụ, Sanders kết hôn và chuyển về Jasper, Alabama. Đây có thể xem là nơi khởi đầu cho sự nghiệp dài, hay thay đổi và cũng nhiều trắc trở của Sanders.

Sanders bắt đầu bằng việc bán bảo hiểm, nhưng nhanh chóng chuyển sang nghề lái phà chạy bằng hơi nước tại khu vực sông Ohio. Vài năm sau đó, ông làm thư ký cho Phòng thương mại Columbus. Sanders gặp được một nhà phát minh, người đã tìm ra cách để chạy đèn bằng xăng dầu tự nhiên. Sanders mua quyền sáng chế và cố gắng để bắt đầu một công ty sản xuất, nhưng nhanh chóng thất bại.

Sanders đi làm cho nhà ga xe lửa Illnois, trong thời kỳ này ông nhận được bằng luật ở Đại học Phương Nam. Khi mất việc ở nhà ga, ông xem nó như một cơ hội tuyệt vời để bắt đầu hành nghề luật. Với một số thành công khiêm tốn, nghề luật của Sanders cũng nhanh chóng đi vào ngõ cụt khi ông sa vào một vụ tranh cãi với một khách hàng.

Nhưng năm 1930, Sanders quyết định lao vào kinh doanh. Ở tuổi 40, đó là lúc ông bắt đầu gây dựng một cái gì đó mới mẻ.

Thăng trầm

Vào những năm 1930, Sanders khởi đầu sự nghiệp bằng việc chế biến gà rán phục vụ cho hành khách dừng chân ở trạm xăng dọc theo đường cao tốc US 25, chạy qua Kentucky. Nó không chỉ là một trạm xăng bình thường. Khi mọi người dừng để đổ xăng, Sanders muốn họ cũng sẽ "đổ" đầy vào dạ dày của mình.

Với các món ăn gia đình mà vợ và các con ông giúp ông chuẩn bị, mạo hiểm đầu tiên của Sanders với ngành công nghiệp đồ ăn nhanh bắt đầu. Trạm của ông rất đơn sơ, chỉ có 1 cái bàn và 6 chiếc ghế, nhưng đó là sự khởi đầu.

Đó là thời kỳ kinh tế sa sút trên toàn nước Mỹ, nhưng Sander chứng tỏ cho những người hay nghi ngờ thấy họ sai bằng việc chỉ ra rằng người ta sẽ vẫn ra ngoài ăn nếu họ cảm thấy tiện lợi. Trạm của ông quá thành công đến nỗi Sanders nhanh chóng mở rộng nó ra. Ông định vị lại dọc con phố và không chỉ mở ra một trạm bán xăng khác, mà mở thêm một nhà nghỉ cạnh đường dành cho khách đi qua đường và một phòng ăn với 142 chỗ. Vì chỉ biết rất ít về nhà hàng và quản lý khách sạn, Sanders quyết định đăng ký một khóa học 8 tuần ở Đại học Cornell để hiểu hơn về kinh doanh.

Nhà hàng của Sanders trở nên nổi tiếng vì các món ăn giống như ở các gia đình. Danh tiếng của Sanders được biết đến kể từ khi ông tìm ra cách để kết hợp 10 loại thảo mộc và gia vị với bột dùng để trộn gà trước khi chiên. Được các nhà phê bình nhà hàng danh tiếng vào thời đó đánh giá cao, tiếng tăm của nhà hàng của Harland Sanders càng tăng nhanh.

Năm 1935, để ghi nhận những đóng góp của ông cho nghệ thuật ẩm thực của bang Kentucky, Thống đốc bang đã phong tặng ông tước hiệu "Kentucky Colonel" - Đại tá danh dự bang Kentucky.

Một ngày Chủ nhật của năm 1939, trong khi chuẩn bị món gà rán cho thực khách, ông đã thêm vào loại gia vị thứ 11. Và như ông thường nói: "Với loại gia vị thứ 11 đó, tôi đã được dùng miếng gà rán ngon nhất từ trước đến nay".

Món gà rán Kentucky

Sau đó, Sanders cố gắng để mở rộng việc kinh doanh của mình, bắt đầu chuỗi nhà hàng ở toàn bang. Ông cũng cố gắng mở một nhà nghỉ tương tự và điều hành các nhà hàng ở Asheville, Bắc Carolina. Tuy nhiên, những nỗ lực này của ông đều thất bại.

Nhưng một dự án về đường cao tốc liên bang và sự xuống dốc của nền kinh tế vào thập niên 1950 đã buộc Sanders phải bán lại cơ nghiệp ở Corbin với số tiền chỉ vừa đủ để đóng thuế.

Tự tin vào hương vị món ăn của mình nên tuy đã vào tuổi 65, với 105 đô la tiền trợ cấp xã hội nhận được, Sanders lên đường bán những gói gia vị và cách chế biến gà rán đồng nhất cho những chủ nhà hàng nằm độc lập trên toàn nước Mỹ. Ông thương lượng với họ để với mỗi món gà bán được dựa trên công thức của ông, ông sẽ được 5 xu. Sau khi bị từ chối một vài lần, Sanders đã tìm được một số đối tác.

Logo của thương hiệu gà rán nổi tiếng toàn cầu KFC gắn liền với vị đầu bếp Harland Sanders.

Năm 1964, Sanders có hơn 600 đại lý được cấp quyền kinh doanh món thịt gà của ông ở Mỹ và Canada. Năm đó, ông đã bán quyền lợi của mình ở công ty Mỹ với giá 2 triệu đô la cho một tập đoàn những nhà đầu tư trong đó có John Y. Brown Jr, người sau này đã trở thành ông chủ của tập đoàn Kentucky Fried Chicken từ 1980 đến 1984. Tuy nhiên, ông vẫn là người phát ngôn công chúng cho công ty cho đến khi 90 tuổi.

Ngày nay, dù tên của công ty đã được thu ngắn, chỉ là KFC, hình ảnh của người sáng lập ra nó vẫn gắn liền với thành công của thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng toàn cầu này.

Vài nét về sự phát triển của KFC

Năm 1964: John Y.Brown và Jack Massey mua lại nhãn hiệu “Kentucky Fried Chicken” với giá 2 triệu USD. Mời Sanders làm “Đại sứ thiện chí” và đã có 638 nhà hàng.

Năm 1969: Tham gia thị trường chứng khoán New York, “Colonel” Sanders mua 100 cổ phần đầu tiên.

Năm 1986: Nhãn hiệu “Kentucky Fried Chicken” được mua lại bởi PepsiCo vào ngày 1/10/1986.

Năm 1991: Ra mắt logo mới, thay thế “Kentucky Fried Chicken” bằng “KFC”.

Năm 1992: KFC khai trương nhà hàng thứ 1.000 tại Nhật Bản.

Năm 1994: KFC khai trương nhà hàng thứ 9.000 tại Thượng Hải – Trung Quốc.

Năm 1997: “Tricon Global Restaurants” và “Tricon Restaurants International” - được thành lập vào ngày 7/10/1997

Năm 2002: Tricon mua lại A&W All American Food và Long John Silver’s từ “Yorkshire Global Restaurants” và thành lập “YUM! Restaurants International”

Ngày nay: KFC là hệ thống nhà hàng phục vụ gà rán lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới với hơn 10.000 nhà hàng tại 92 quốc gia. KFC và hệ thống nhượng quyền đang tạo việc làm cho hơn 200.000 người trên toàn thế giới. (Theo KFC Việt Nam)


(Theo LanhDao)