Thích mày mò tìm hiểu các đồ điện tử và chỉ nghiên cứu thị trường thông qua việc quan sát, đồng thời làm theo sự mách bảo của trực giác, đó là một trong những bí quyết của cựu chủ tịch của tập đoàn Sony - Akio Morita - một nhân vật huyền thoại của đất nước mặt trời mọc.

Là chủ tịch của tập đoàn Sony, nhưng điều đó không có nghĩa là Morita trốn trong văn phòng cả ngày, bỏ qua các hoạt động chung. Ông thích mày mò tìm hiểu các đồ điện tử như một đứa trẻ, và thói quen đó chẳng có thay đổi gì trong nhiều năm.

Ngoài ra, Morita còn có sở thích nghiên cứu và phát triển chi nhánh của công ty.

Và chính hai sở thích này đã giúp ông đưa ra những quyết định kịp thời và chính xác nhất, vượt qua hàng trăm bộ óc tư vấn để viết nên từ Walkman trong hầu hết các bộ từ điển trên thế giới.

"Đừng sợ mắc sai lầm, nhưng hãy chắc rằng bạn không mắc cùng một sai lầm hai lần liền" - Akio Morita - cựu chủ tịch tập đoàn Sony. Ảnh Corbis

Không nghiên cứu thị trường và luôn tin vào trực giác

Năm 1979, Ibuka đề nghị bộ phận âm thanh chế tạo ra một hệ thống thiết bị có thể mang kèm trong các chuyến bay ra nước ngoài. Những người kỹ sư đầy sáng tạo đã chế ra một thiết bị phục vụ tạm thời cho Ibuka, cho phép ông bật băng trong một khoảng thời gian dài.

Sau khi Ibuka đưa cho Morita xem loại máy tiến bộ này, Morita đã dành cả kỳ nghỉ cuối tuần sau đó để mày mò. Ông mang nó về nhà, cả lúc ăn tối và đi đánh golf. Sáng thứ hai tuần sau đó, ông thông báo rằng đồ vật này có thể trở thành một sản phẩm của Sony.

Nhận định rằng "thanh niên không thể sống thiếu âm nhạc được" cũng như nhìn thấy tiềm năng của loại thiết bị di động này, ông quyết định khuấy động thị trường. Đầu tiên, ông khẳng định, sẽ không khách hàng nào mua cái máy nghe bằng băng mà không có khả năng ghi. Thứ hai, chiếc tai nghe cá nhân có thể giữ cho sản phẩm trụ vững.

Tuy nhiên, trước sản phẩm này, nhiều người bảo Morita rằng, chiếc tai nghe không những làm khách hàng phát cáu mà sẽ không bao giờ có cơ hội phát triển ở Nhật Bản, nơi mà việc làm hỏng bộ phận thính giác là điều cấm kỵ. Nhưng Morita lại nghĩ khác.

Ông tự đặt câu hỏi, liệu mọi người có muốn thưởng thức nhạc một mình, tránh xa sự ồn ào của thế giới xung quanh?

Cho dù bộ phận tiếp thị hết lời khuyên ngăn, nhưng Morita vẫn chọn nghe theo linh cảm của mình. Ông nói với nhân viên Sony rằng, họ sẽ tạo ra một nền văn hoá của những người đeo tai nghe trên toàn thế giới. Ông còn khuyên ngược lại họ: "Hãy cẩn thận khi xem cách mọi người đang sống, cảm nhận bằng trực giác với những điều họ muốn và điều có thể gắn kèm với họ. Đừng nghiên cứu thị trường".

Thế rồi, chiếc Walkman vừa tung ra thị trường đã ngay lập tức trở nên phổ biến, đúng như Morita đã dự đoán. Nó có mặt ở các cửa hàng vào năm 1979 mà không mất một ngày nghiên cứu thị trường nào. Kể từ đó, công ty tiếp tục đi theo linh cảm của họ trong việc tạo ra các sản phẩm tiến bộ như đĩa compact và playstation hiện nay.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ Morita tiến hành đều giành được thành công tương tự như Walkman. Nồi cơm điện của ông chưa bao giờ phát triển được, trong khi loại máy ghi âm bằng băng của công ty nặng hơn nửa kg nên không được thị trường sẵn sàng chào đón.

Sau này Morita thừa nhận: "Nếu cả cuộc đời bạn thừa nhận rằng cách làm của bạn luôn luôn là tốt nhất, tất cả các ý tưởng mới trên thế giới sẽ vượt bạn". Và Morita cũng rút ra những bài học cho mình. "Đừng sợ mắc sai lầm", "nhưng hãy chắc rằng bạn không mắc một sai lầm trong hai lần liền".

Tiếp thị khéo léo

"Quảng cáo và tiếp thị tự nó sẽ không duy trì một sản phẩm tồi hoặc một sản phẩm không hợp thời". Tuy nhiên, điều đó không ngăn nổi Morita trong việc tạo ra những chiến dịch tiếp thị thành công, giúp Sony từ một cửa hàng địa phương của Nhật Bản thành một tập đoàn khổng lồ toàn cầu.

Khi Morita lần đầu thăm châu Âu vào năm 1953, ông đến N.V Philips, một công ty sản xuất bóng đèn nhỏ trong một thị trấn nhỏ của Hà Lan nhưng đã trở thành nhà sản xuất hàng điện tử hàng đầu thế giới. Trở về Nhật, Morita đã thiết lập hướng đi mới cho công ty. Ông muốn Sony trở thành công ty hàng đầu toàn cầu, giống như N.V.Philips, đặc biệt có ảnh hưởng tới thị trường Mỹ.

Một trong những bước đầu tiên để hướng tới mục tiêu mới này là thay đổi tên của công ty. Trực giác mách bảo rằng, cái tên Công ty Kỹ thuật viễn thông Tokyo không có được sự lôi cuốn như ông muốn, và sẽ không thâm nhập được vào thị trường Mỹ. Thay vào đó, Morita muốn một cái tên mà có thể được thừa nhận và dễ nhớ trong mọi ngôn ngữ. Cùng với Ibuka, Morita đã tra từ điển cho đến khi họ tìm ra được từ mà họ muốn.

Morita đã dừng lại trước từ Sonus - trong tiếng Latin có nghĩa là âm thanh (sound). Ông nghĩ rằng ý nghĩa của nó thích hợp đối với ngành nghề, trong khi gốc rễ phương Tây của nó có thể là biểu tượng cho mơ ước của ông đối với thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, ông thấy nó vẫn chưa đầy đủ.

Kết quả là, Morita quyết định kết hợp từ "Sonus" và "Sonny", một tên gọi thân mật của người Mỹ dành cho trẻ con. Morita nghĩ "Sony" sẽ giúp hình dung lên hình ảnh của một công ty trẻ trung, với nhiều năng lượng và tương lai tươi sáng. Cái tên Sony có từ đó.

Năm 1952, Morita mở cửa hàng đầu tiên của Sony ở New York và chỉ trưng bày một vài sản phẩm. Tuy nhiên, ông muốn có một cổng vào lớn. Nhưng tiếp thị như thế nào trong một rừng biển quảng cáo tại thành phố sầm uất này? Nghĩ kỹ, ông quyết định đặt một lá cờ của Nhật rất lớn trước cổng. Khi đó, Thế chiến II mới kết thúc, và lá cờ Nhật Bản trên đất Mỹ đã buộc dư luận phải tò mò.

Các nhà báo và hàng trăm khách hàng đã đến để xem câu chuyện đằng sau lá cờ. Ông còn trang bị những chiếc áo sơ mi trắng cho tất cả nhân viên bán hàng, đồng thời đeo thêm chiếc Walkman. Morita muốn chứng tỏ thiết bị có thể dễ dàng được mang theo người. Ngay lập tức, sản phẩm mới của Sony, cùng với những chiếc Walkman ban đầu, đã không nằm im trên giá nữa.

Không dừng lại ở đó, với phương châm "nhập gia tuỳ tục", các chi nhánh của ông đã thay đổi cái tên để phù hợp hơn với nước sở tại. Chi nhánh của Sony ở Mỹ thấy cái tên Walkman trong tiếng Anh không còn thích hợp nên đã thay đổi sản phẩm thành "Soundabout" cho thị trường nội địa. Tương tự như vậy, Sony ở Thụy Điển bắt đầu sử dụng tên gọi "Freestyle", trong khi ở Anh là "Stowaway".

Tuy nhiên, Morita không thích sử dụng các tên gọi khác nhau ở các nước khác nhau, và yêu cầu Walkman trở thành tên toàn cầu của sản phẩm.

Ngày nay, sự hiện diện của Walkman trong hầu hết các cuốn từ điển là bằng chứng cho thành công trong việc tiếp thị đó.

(Theo LanhDao)