Lập nghiệp chỉ với vài xu

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Năm 2001, Kmart với hệ thống hàng chục nghìn cửa hàng bán lẻ đã tuyên bố phá sản, chỉ còn lại một mình "người khổng lồ" Wal-Mart trụ lại. Ông chủ tập đoàn bán lẻ này là Sam Walton đã từng khởi nghiệp chỉ với vài đồng xu trong túi.

"Tôi không biết điều gì khiến người ta có tham vọng, nhưng thực tế là tôi đã được trời phú cho động cơ và tham vọng bẩm sinh", Sam Walton nói về mình như vậy. Sam Walton tốt nghiệp Trường Đại học Missouri vào tháng 6/1940 với bằng kinh doanh, và ông đã làm việc cật lực như đã làm trong suốt cuộc đời.

"Tôi luôn tràn đầy năng lượng, nhưng tôi cũng thấy mệt. Từ khi vào trung học, tôi đã tự làm ra tiền và tự mua quần áo cho mình. Tại trường đại học, tôi chi thêm tiền học, tiền ăn, các khoản hội phí và tiền chi cho các cuộc hẹn hò. Bố mẹ tôi sẽ rất vui lòng giúp đỡ tôi nếu có thể, nhưng đó là thời kỳ đại khủng hoảng và họ không có thêm một khoản tiền nào. Tôi phải tiếp tục công việc đưa báo trong thời học trung học, và vào đại học tôi phải đi đưa thêm một số tuyến đường mới, thuê một vài người giúp đỡ, và biến nó thành một việc kinh doanh tương đối tốt. Tôi kiếm được khoảng 4.000 đến 5.000 đôla mỗi năm, khoản tiền mà vào cuối thời kỳ đại khủng hoảng là tương đối lớn.

Ngoài việc đưa báo, tôi còn làm phục vụ bàn để đổi lấy đồ ăn, và tôi cũng đứng đầu đội cứu hộ bể bơi. Bạn có thể thấy tôi là người khá bận rộn, và bạn có thể hiểu được tại sao tôi ngày càng tôn trọng giá trị đồng đô la. Nhưng giờ đã đến lúc tốt nghiệp đại học, và tôi đã sẵn sàng từ bỏ những công việc này, để thực sự háo hức bước ra ngoài thế giới và tự tạo ra một giá trị nào đó cho bản thân mình bằng một công việc thực sự.

Lần đầu tiên cơ hội bán lẻ đến với tôi vào năm 1939, khi gia đình tôi chuyển đến ở cạnh nhà một người đàn ông tên là Hugh Mattingly. Ông từng là thợ cắt tóc ở Odessa, Missouri trước khi cùng với những anh em của mình bắt đầu phát triển một hệ thống có tới 60 cửa hàng vào thời điểm đó. Tôi có thể nói chuyện với ông về việc buôn bán, về cách thức tiến hành, và kết quả kinh doanh. Ông rất quan tâm đến tôi và sau đó thậm chí còn đề nghị tôi làm việc cho ông ta.

Nhưng vào lúc đó, tôi không quan tâm một cách nghiêm túc tới công việc bán lẻ. Thực ra, tôi đã tin chắc là mình sẽ trở thành một người bán bảo hiểm. Cha người bạn gái của tôi tại trường trung học là một nhân viên bán bảo hiểm rất thành công của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Mỹ, và tôi đã nói chuyện với ông về công việc kinh doanh đó. Đối với tôi dường như ông đã làm ra tất cả tiền trên thế giới, bảo hiểm dường như là một thứ thích hợp hiển nhiên đối với tôi vì tôi nghĩ rằng tôi có thể bán nó.

Tôi buôn bán mọi thứ. Khi còn là một đứa trẻ, tôi bán tạp chí Liberty (Tự Do) giá một đồng 5 xu, và sau đó chuyển sang tờ Woman’s Home Companion (Cẩm nang gia đình của phụ nữ) khi tờ đó bán chạy hơn để lấy một hào, và nhận ra rằng tôi có thể kiếm được gấp đôi. Mặc dù tôi và bạn gái chia tay, nhưng tôi vẫn có nhiều kế hoạch lớn.

Tôi dự định rằng mình sẽ lấy bằng và theo học tại Đại học Tài chính Wharton ở Pennsylvania. Nhưng khi nhắc đến đại học, tôi nhận ra rằng cho dù vẫn duy trì việc bán báo để cho việc học thì tôi cũng không đủ tiền để học tại Wharton. Vì vậy, tôi quyết định đầu tư vào những gì mình đã có và đi theo hai nhà tuyển mộ, những người đã đến các trường học ở Missouri. Cả hai người đều mời tôi làm việc cho công ty của họ. Tôi chấp nhận lời đề nghị của công ty JC Penney và bỏ qua lời đề nghị từ công ty Sears Roebuck. Giờ đây, tôi nhận ra một sự thật đơn giản:\ tôi đã trở thành người bán lẻ vì quá mệt mỏi và muốn có một việc làm.

Công việc diễn ra khá thuận lợi - ba ngày sau khi tốt nghiệp (ngày 3/6/1940) tôi đến nhận công việc tại cửa hàng JC Penney tại Des Moines, Iowa, và bắt đầu làm nhân viên quản lý tập sự với mức lương 75 đôla một tháng. Đó là ngày tôi gia nhập nghề bán lẻ, và ngoại trừ thời gian phục vụ trong quân đội thì tôi đã ở trong nghề này suốt 52 năm.

Có thể tôi được sinh ra để trở thành một thương gia, có thể đó là số phận. Tôi không biết nhiều về những điều đó, nhưng tôi chắc chắn về điều này. Tôi yêu thích nghề bán lẻ ngay từ đầu và đến tận bây giờ tôi vẫn yêu thích nó. Tuy nhiên, không phải ngay lập tức mọi việc đã diễn ra suôn sẻ như vậy.

Như đã nói, tôi có thể bán hàng, và tôi yêu thích công việc bán hàng. Không may là tôi đã không bao giờ tập viết cẩn thận. Helen nói rằng chỉ có khoảng năm người trên thế giới có thể đọc được chữ viết như gà bới của tôi và bà ấy không thuộc số đó. Điều này bắt đầu gây khó khăn cho tôi trong công việc mới. Ở Penney có một nhân viên đến từ New York tên là Blake chuyên đi khắp đất nước để kiểm toán các cửa hàng, đánh giá nhân sự và những việc linh tinh khác, và ông ta gặp chúng tôi khá thường xuyên. Ông ta rất khó chịu vì tôi đã làm rối tung các hóa đơn bán hàng và thường nhầm lẫn số đăng ký hàng hóa. Tôi không thể để một khách hàng mới phải đợi trong khi lãng phí thời gian với đống giấy tờ về số hàng mà tôi đã bán và phải thừa nhận là nó đã gây ra nhiều rắc rối.

Ông Blake sẽ nói khi đến Des Moines sẽ gặp tôi: “Walton, nếu cậu không phải là một nhân viên bán hàng giỏi như vậy, có lẽ tôi đã sa thải cậu. Có thể cậu chỉ đơn giản là không được sinh ra để bán lẻ mà thôi”.

May mắn thay, tôi đã tìm được một nhà vô địch trong cửa hàng nơi tôi làm. Đó là nhà quản lý Duncan Majors, một người có khả năng tạo động lực tuyệt vời và có niềm tự hào là đã đào tạo nhiều quản lý viên của Penney hơn bất kỳ ai trên nước Mỹ. Ông có kỹ thuật riêng của mình và là một nhà quản lý rất thành công. Bí quyết của ông là có thể khiến chúng tôi làm việc từ 6h30 sáng đến 7h hoặc 8h tối. Tất cả chúng tôi đều muốn trở thành quản lý viên như ông.

Vào chủ nhật khi không phải làm việc thì chúng tôi, cả tám người đều là nam giới đến nhà ông. Tất nhiên chúng tôi sẽ nói chuyện về bán lẻ và chơi bóng bàn hoặc chơi bài. Đó là một công việc làm cả tuần. Tôi nhớ vào một ngày chủ nhật, Duncan Majors lĩnh séc thưởng hàng năm của Penney và khoe nó ở khắp mọi nơi. Khoản tiền thưởng khoảng 65.000 đôla đã gây ấn tượng mạnh tới chúng tôi. Việc được nhìn người đàn ông này làm việc làm tôi thấy phấn khích với công việc bán lẻ. Ông thực sự rất giỏi. Hồi đó có một điều hay là ngài James Cash Penney thường đích mình đến thăm cửa hàng. Ông không qua lại các cửa hàng thường xuyên như tôi vẫn làm sau này, nhưng ông cũng có đi lại. Tôi vẫn nhớ ông đã chỉ cho tôi cách buộc và đóng gói hàng hóa, bọc hàng với những sợi dây và những tờ giấy tuy nhỏ nhưng nhìn vẫn đẹp.

Tôi làm việc cho Penney khoảng 18 tháng, và theo những gì tôi biết, họ đã thực sự là đầu tàu của ngành này. Nhưng hồi đó tôi đang trong quá trình tìm kiếm sự cạnh tranh. Bộ phận tôi làm việc tại Des Moines có 3 cửa hàng, do đó vào giờ ăn trưa tôi đi lang thang tới các cửa hàng của Sears và Yonkers để xem họ làm gì.

Đến đầu năm 1942, khi chiến tranh vẫn đang diễn ra, là một người đã tốt nghiệp ROTC, tôi hăng hái tình nguyện, sẵn sàng vượt biển và thực hiện nghĩa vụ người lính của mình. Nhưng quân đội là một điều ngạc nhiên lớn đối với tôi. Do có khuyết tật nhỏ về tim, tôi không đủ tiêu chuẩn về thể lực để tham gia chiến đấu mà chỉ được giao những nhiệm vụ hạn chế. Loại công việc này làm tôi chán nản và do chỉ muốn được gọi đi chiến đấu nên tôi đã bỏ việc tại Penney và chuyển xuống phía nam, về hướng Tulsa với ý niệm mơ hồ là muốn xem công việc kinh doanh dầu lửa ở đây như thế nào. Nhưng tôi lại nhận được việc làm tại nhà máy thuốc súng khổng lồ Du Pont tại thị trấn Pryor, bên ngoài Tulsa. Căn phòng duy nhất tôi có thể tìm được nằm ở phía trên Claremore. Đó là nơi tôi gặp Helen Robson vào một đêm tháng Tư tại một sân chơi bowling rồi chúng tôi yêu nhau.

Cha của Helen là một luật sư, một chủ nhà băng, một chủ trang trại nổi tiếng, và Helen thấy chúng tôi cần phải sống độc lập. Tôi đồng ý với Helen, và tôi nghĩ cơ hội tốt nhất của chúng tôi là ở St. Louis. Khi chúng tôi tới St. Louis, một người bạn cũ của tôi, Tom Bates cũng muốn gia nhập vào ngành kinh doanh cửa hàng bách hóa. Tôi biết Tom, khi chúng tôi còn là những đứa trẻ tại Shelbina - cha của cậu ấy sở hữu cửa hàng bách hóa tổng hợp lớn nhất thị trấn còn Tom và tôi là bạn cùng phòng ở Beta Theta Pi tại Missouri. Sau khi giải ngũ, tôi tìm gặp Tom ở St. Louis. Cậu ta đang làm việc tại cửa hàng giày của nhà Butler Brothers. Butler Brothers là hãng bán lẻ tầm cỡ khu vực với hai hệ thống: Federated Stores, một hệ thống các cửa hàng bách hóa nhỏ, và Ben Franklin, một hệ thống các cửa hàng tạp hóa mà trước đây chúng ta thường gọi “Năm xu và Một hào” (những cửa hàng bán quần áo và đồ gia dụng nhỏ với giá 5 và 10 xu) hoặc các “cửa hàng 10 xu”.

Tôi nghĩ Tom đã có một ý tưởng tuyệt vời. Cậu ta và tôi sẽ trở thành đối tác, mỗi người góp 20.000 đôla, và mua một cửa hàng bách hóa Federated tại đại lộ Del Mar ở St. Louis. Helen và tôi có khoảng 5.000 đôla, và tôi biết rằng chúng tôi có thể vay số còn lại từ cha của Helen, người luôn tin tưởng và ủng hộ tôi. Tôi đã chuẩn bị tất cả để trở thành một chủ sở hữu cửa hàng bách hóa tại một thành phố lớn thì Helen nói ra suy nghĩ và đặt ra quy tắc của mình.

Vì vậy, các thành phố với dân số trên 10.000 người là ngoài phạm vi của nhà Walton. Nếu bạn biết một chút về chiến lược thành phố nhỏ ban đầu đã đưa Wal-Mart phát triển suốt hai thập kỷ sau đó, thì bạn có thể thấy rằng đây là sự sắp đặt sẵn cho những gì phải đến. Helen thậm chí còn nói rằng không cần đối tác vì như vậy quá rủi ro. Gia đình cô cũng đã phải đối mặt với một số quan hệ đối tác xấu đi, và cô kiên quyết cho rằng con đường duy nhất là tự kinh doanh một mình. Do vậy, tôi trở lại với Buler Brothers để xem họ còn gì khác cho tôi không.

Cái họ có là cửa hàng tạp hóa Ben Franklin tại Newport, Arkansas - một thị trấn chỉ có bông và đường sắt với khoảng 7.000 dân, tại đồng bằng sông Mississippi, phía Đông Arkansas. Tôi nhớ là mình đã đi đến đó bằng tàu hỏa từ St. Louis mà vẫn mặc quân phục với thắt lưng Sam Browne và đi tới phố Front để xem qua cửa hàng mơ ước này. Một người đến từ St. Louis đã sở hữu nó nhưng công việc kinh doanh của ông ta đã không đi tới đâu. Ông ta thua lỗ và muốn bán mọi thứ đi càng nhanh càng tốt. Tôi nhận ra rằng tôi là gã khờ mà Butler Brothers gửi đến để cứu ông ta. Tôi mới chỉ hai mươi bảy tuổi và đầy tự tin, nhưng tôi không biết điều đầu tiên cần làm là định giá những đề xuất kiểu này nên đã nhảy vào vụ mua bán ngay lập tức. Tôi mua cửa hàng với giá 25.000 đôla, trong đó có 5.000 là của tôi, còn 20.000 thì vay từ cha của Helen. Sự ngây thơ của tôi về hợp đồng và những thứ tương tự lúc đó đã gây nhiều rắc rối cho tôi sau này.

Tất nhiên chỉ sau khi hoàn tất vụ mua bán tôi mới thấy rằng cửa hàng đó thực sự vô dụng. Nó có doanh thu khoảng 72.000 đôla một năm, nhưng tiền thuê chiếm 5% doanh thu - điều tôi nghĩ là có vẻ tốt - nhưng hóa ra lại là mức thuê cao nhất trong ngành kinh doanh tạp hóa. Không ai trả 5% doanh thu để thuê cửa hàng. Và nó còn có một đối thủ cạnh tranh lớn - cửa hàng Sterling bên kia đường với một nhà quản lý tuyệt vời, John Dunham, với doanh số 150.000 đôla một năm, gấp đôi cửa hàng của tôi.

Mặc dù rất tự tin song tôi chưa từng có một ngày kinh nghiệm trong việc quản lý một cửa hàng tạp hóa. Do vậy, Butler Brothers gửi tôi đến cửa hàng Ben Franklin tại Arkadelphia, Arkansas để đào tạo trong hai tuần. Sau đó, tôi tự mình đứng trên đôi chân của mình và chúng tôi mở cửa hàng vào ngày 01/09/1945.

Tôi sẽ không bao giờ quên một vụ làm ăn với Harry, một trong những vụ làm ăn tốt nhất tôi từng có và là một bài học đầu tiên về định giá. Đó là điều đã làm tôi lần đầu tiên nghĩ về phương hướng của thứ cuối cùng trở thành nền tảng triết lý kinh doanh của Wal-Mart. Nếu bạn quan tâm đến vấn đề “làm thế nào mà Wal-Mart đã làm được điều này” thì đây là một câu chuyện mà bạn phải ngồi thẳng lên và chú ý lắng nghe. Harry bán quần lót phụ nữ - loại sợi đan, hai vạch có phần thắt eo bằng dây chun - với giá 2 đôla một tá. Tôi đã mua loại tương tự của Ben Franklin với giá 2,5 đôla một tá và bán chúng với giá 1 đôla ba chiếc. Còn với giá của Harry, chúng tôi có thể bán với giá 1 đôla bốn chiếc và tạo ra một đợt khuyến mãi lớn cho cửa hàng của chúng tôi.

Đây là bài học rất đơn giản mà chúng tôi đã học được - bài học mà những người khác cũng học được và cuối cùng đã làm thay đổi cách thức các nhà bán lẻ bán hàng và cách thức khách hàng mua hàng trên toàn nước Mỹ. Tôi thấy rằng bằng cách định giá 1 đôla, tôi có thể bán được nhiều gấp ba lần so với việc định giá 1,2 đôla. Tôi có thể chỉ còn được một nửa lợi nhuận từ một chiếc nhưng do tôi bán được nhiều gấp ba lần nên tổng lợi nhuận lớn hơn nhiều.

Mọi thứ bắt đầu tiến triển nhanh chóng theo chiều hướng khá tốt tại Newport trong một thời gian rất ngắn. Chỉ sau hai năm rưỡi, chúng tôi đã trả lại được 20.000 đôla vay của bố Helen và tôi cảm thấy rất hài lòng vì điều này. Thế nghĩa là công việc kinh doanh đã tự đứng vững và tôi hình dung được là chúng tôi đã thực sự đi trên con đường của mình.

Chúng tôi đã thử nhiều biện pháp khuyến mãi và chúng có tác dụng tốt. Trước tiên, chúng tôi đặt một chiếc máy rang ngô bên ngoài vỉa hè và bán rất chạy. Do đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định rằng cần đặt ở đó một chiếc máy làm kem nữa. Tôi lên dây cót lòng can đảm của mình và đi tới nhà băng để vay một khoản tiền 1.800 đôla (vào thời điểm đó đây là một món tiền rất lớn) để mua chiếc máy này. Đó là lần đầu tiên tôi vay tiền nhà băng. Sau đó, chúng tôi đưa chiếc máy ra vỉa hè bên cạnh chiếc máy rang ngô, với mong muốn thu hút được sự chú ý. Đây là một biện pháp mới lạ, một thử nghiệm khác, và chúng tôi thực sự thu được lợi nhuận từ chúng. Chúng tôi hoàn trả được 1.800 đôla trong hai hoặc ba năm, và tôi cảm thấy rất tuyệt vời. Tôi thực sự không muốn người ta nhớ đến như một kẻ mất sạch cơ nghiệp chỉ vì một chiếc máy làm kem.

5 năm đầu tiên ở Newport đã trôi qua và tôi đã thực hiện được mục tiêu của mình. Cửa hàng Ben Franklin nhỏ của tôi đã có được doanh số 250.000 đôla và đem lại 30.000 tới 40.000 đôla lợi nhuận trong một năm. Đó là cửa hàng Ben Franklin số một về doanh số và lợi nhuận, không chỉ ở Arkansas mà ở toàn bộ vùng sáu bang. Nó là cửa hàng tạp hóa lớn nhất tại Arkansas, và tôi không tin là có một cửa hàng nào lớn hơn tại ba hay bốn bang lân cận".

Dưới bảng hiệu Wal-Mart, có hai dòng chữ sau này trở thành phương cách làm việc nổi tiếng: “Chúng tôi bán với giá thấp hơn” và “Đảm bảo thỏa mãn khách hàng”. Trong cuộc đời kinh doanh sóng gió của mình, Sam vẫn giữ vững phương châm ấy.

"Tôi không bao giờ là người dừng bước trước bất hạnh, và khi đó tôi cũng không dừng bước. Người ta thường nói rằng bạn có thể tìm ra sự may mắn ở bất kỳ mọi sự rủi ro nào nếu bạn cố gắng thực sự. Tôi luôn nghĩ rằng khó khăn chỉ là những thách thức, và thách thức trong tay cũng khá đơn giản để giải quyết: tôi phải tự nâng mình dậy và xoay xở với tình thế, làm lại tất cả từ đầu, thậm chí lần này phải tốt hơn", Sam nhấn mạnh.

(Theo "Cuộc đời kinh doanh tại Mỹ" do Alpha Book phát hành)

 

Có công đưa General Motors nhấc một chân ra khỏi vũng lầy, Rick Wagoner đã lần đầu tiên đứng đầu danh sách Power List của Motor Trend. Đứng sau ông là Chủ tịch Fujio Cho của đại kình địch Toyota.

Lần thứ tư kể từ 2005, tạp chí ôtô uy tín nước Mỹ công bố Top 50 người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành công nghiệp ôtô thế giới. Danh sách 2008 bao gồm những cái tên đã rất quen thuộc, xuất hiện dày đặc trên báo chí.

Họ là những người quyết định tới xu hướng phát triển của xe hơi, định hình phong cách thiết kế mới, có thể biến một sản phẩm trở nên phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm nhưng cũng có thể khai tử chúng không thương tiếc. Ngoài ảnh hưởng tới người tiêu dùng, những nhân vật khét tiếng này còn khiến hàng chục nghìn người mất việc trong 2007.

1. Rick Wagoner- Chủ tịch General Motors

Sinh ngày 9/2/1953, Rick Wagoner có cả một sự nghiệp lẫy lừng trước khi trở thành Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành General Motors, nhà sản xuất lớn ôtô nhất thế giới. Lý do khiến Motor Trend lần đầu tiên trao ngôi vị số 1 cho nhà lãnh đạo này bắt nguồn từ những tư duy mới. Ông đã để cho vị phó Bob Lutz của mình toàn quyền giải quyết các vấn đề của GM, như làm mới thương hiệu và tung ra hàng loạt sản phẩm.

Tất cả những nhân vật có mặt trong danh sách Power List năm nay đều giúp Wagoner củng cố vị trí của mình. Trong 2007, GM đã bắt đầu tìm lại hình ảnh sau nhiều năm tối mặt tối mũi với những khó khăn tưởng như không bao giờ hết.

Tuy nhiên, xung quanh Wagoner không chỉ có hào quang. Ông sẽ phải trả lời câu hỏi duy nhất vào lúc này là GM sẽ làm gì để không bị Toyota vượt qua, điều mà hầu hết chuyên gia đều dự báo không chóng thì chầy cũng xảy ra trong 2 năm nữa.

2. Fujio Cho - Chủ tịch Toyota

Năm ngoái, người đàn ông sinh ngày 2/2/1937 này đứng đầu Power List và Wagoner đứng thứ hai. Vì thế, sự hoán đổi trong năm nay được nhiều người kỳ vọng là dấu hiệu tốt cho sự hồi sinh của GM.

Tuy nhiên, triết lý của Fujio Cho rất đơn giản. Ông không tập trung vào cạnh tranh mà chỉ tâm niệm "không có phát triển nếu không có chất lượng". Việc GM có hồi sinh, thất bại hay tăng trưởng vượt bậc thì cũng không ảnh hưởng tới Toyota bởi vị chủ tịch này tin tưởng duy nhất một điều: Toyota vẫn cứ tiến lên nhờ những chiếc xe chất lượng tốt và tiết kiệm nhiên liệu.

Thành tích nổi bật nhất gắn liền với cái tên Fujio Cho trong 2007 là khoản lãi ròng lên tới 4,27 tỷ USD chỉ riêng trong quý 3.

Giống như Wagoner, người đứng đầu hãng xe lớn thứ hai thế giới đang phải giải quyết tình trạng người dân Nhật bắt đầu "lười" mua ôtô. Chất lượng sụt giảm nghiêm trọng cũng là điều Fujio Cho phải nghĩ tới bởi trong 2007, Toyota đã để xảy ra quá nhiều tai tiếng liên quan đến các vụ thu hồi và kiện tụng.

3. Ferdinand Piech - Cố vấn cao cấp của Volkswagen AG

Nhân vật đặc biệt nhất trong danh sách Motor Trend có lẽ là cháu ngoại của Ferdinand Porsche, người sáng lập nên hãng ôtô nổi tiếng thế giới Porsche AG. Dù không còn nắm giữ cương vị quản lý nào nhưng ảnh hưởng của Piech ở tập đoàn ôtô lớn nhất châu Âu vẫn nguyên vẹn. Đã hai năm liên tiếp ông đứng ở vị trí thứ 3.

Hình ảnh quen thuộc của vị cố vấn sinh ngày 17/4/1937 là ngồi yên lặng ở hàng ghế đầu trong tất cả các cuộc họp báo của Volkswagen tại triển lãm xe hơi Frankfurt. Ngoài khả năng lãnh đạo, Piech còn được biết tới với 13 người con của 3 bà vợ.

Ferdinand Piech từng rút lui để Bernd Pischetsrieder, sau đó là Wolfgang Bernhard, nắm quyền vài năm. Tuy nhiên, thất bại của dự án xe hạng sang Pheaton khiến cả hai ra đi và Piech lại trở về với vai trò tối quan trọng của mình.

4. Bob Lutz - Phó chủ tịch General Motors

Sinh ngày 12/2/1932, Bob Lutz đảm nhiệm trọng trách phát triển sản phẩm trên toàn cầu của General Motors. Ông nắm trong tay những mẫu xe mang tính chiến lược và điều tiết chúng tại nhiều thị trường khác nhau.

Năm ngoái, Lutz xếp thứ 7 và nhờ ảnh hưởng ở hàng loạt sản phẩm mới của General Motors, ông xứng đáng được Motor Trend "cất nhắc" lên vị trí thứ 4. Những mẫu xe có mặt nhân vật này là Cadillac CTS 2008, Corvette ZR1, Buick Enclave và Chevrolet Malibu. Trong số đó, Cadillac CTS 2008 được Motor Trend bình chọn là Xe của năm 2008.

5. Martin Winterkorn - Chủ tịch Volkswagen AG

Những định hướng của cố vấn cao cấp Ferdinand Piech được thực hiện một cách suôn sẻ bởi Chủ tịch Martin Winterkorn. Motor Trend đưa Winterkorn lên 3 bậc so với năm ngoái. Thành công trong 2007 của ông được ghi nhận không chỉ ở Volkswagen mà còn do thành tích chưa từng có của hãng xe quý tộc Bentley và thương hiệu xe thể thao hàng đầu Lamborghini.

Winterkorn tiếp tục gây ấn tượng bằng dự án sản xuất mẫu xe hạng nhỏ Up!, được mệnh danh là "con bọ" của thế kỷ 21. Đồng thời, ông cũng được biết đến với vai trò cùng Ferdinand Piech tái sinh mẫu xe "con bọ" Beetle nổi tiếng, dưới cái tên New Beetle..

6. Chris Bangle - Giám đốc thiết kế BMW

Ngoại trừ những hãng thuộc hàng "thượng thừa" như Maybach, Bentley, Rolls-Royce, Ferrari hay Lamborghini, nhà sản xuất có ảnh hưởng lớn nhất về thiết kế trên toàn cầu hiện nay là BMW hay cụ thể hơn là Chris Bangle. Năm ngoái Bangle đứng ở vị trí thứ 5. Sự "tụt hạng" này có thể do BMW không có nhiều sản phẩm mới vào 2007, ngoại trừ mẫu concept được đánh giá cao CS.

Dẫu vậy, Motor Trend vẫn xếp Bangle trên nhiều nhân vật nổi tiếng khác bởi khó ai có sức sáng tạo và tư duy thiết kế xe hơi độc đáo nhưng ông. Sinh ngày 18/10/1956 và gia nhập BMW năm 1992, tạp chí này gọi những mẫu ảnh hưởng thiết kế của ông là "Bangles - những chiếc xe Bangle".

7. Wendelin Wiedeking - Giám đốc điều hành Porsche AG

Sinh ngày 28/8/1952, người đàn ông Đức điển hình này là kiến trúc sư trưởng của tượng đài Porsche hôm nay. Trong 2007, Porsche đã làm một việc không tưởng là tăng cổ phần ở gã khổng lồ Volkswagen lên 31% và trở thành cổ đông lớn nhất.

Tuy nhiên, Motor Trend vẫn xếp Wiedeking sau Martin Winterkorn bởi sản phẩm của Volkswagen có ảnh hưởng tới nhiều người tiêu dùng hơn là những chiếc GT2 hay GT3.

Trong 2008, Porsche được dự báo sẽ tiếp tục lớn mạnh khi tung ra chiếc coupe 4 của Panamera, tương tự CLS-class của Mercedes. Và nếu Porsche mua trọn Wolkswagen, vị trí vào 2009 của Wiedeking sẽ khác.

8. Ed Welburn - Phó chủ tịch thiết kế của GM

Ed Welburn, 56 tuổi, là cái tên mới toanh trong Top 10 và là kỹ sư thiết kế thứ hai được Motor Trend vinh danh. Ông chịu trách nhiệm nhào nặn những sản phẩm mang hơi thở hoàn toàn mới như Chevrolet Malibu, Cadillac CTS và Chevrolet Camaro. Tất cả đều đóng vai trò quyết định tới sự thành công hay không của GM trong những năm tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng GM vẫn chưa trở lại thời kỳ đỉnh cao về thiết kế xe hơi những năm 1930 và đầu thập niên 1970.

9. Fritz Henderson - Phó chủ tịch phụ trách tài chính GM

Henderson, 49 tuổi, bắt đầu sự nghiệp dưới vai trò nhân viên phân tích trong phòng tài chính. Ông làm ở GMAC (một thương hiệu của GM) từ 1989 đến 1992 rồi qua nhiều chức vụ ở GM châu Âu. Tháng 9/2007, Henderson nằm trong đoàn đàm phán với Nghiệp đoàn Mỹ và được biết đến là nhân tố quan trọng trong việc thuyết phụ hạ chi phí lương hưu và trợ cấp sức khỏe.

Để nói về vai trò của Henderson, Motor Trend tóm gọn một câu "Nếu không có ông, Wagoner và Lutz không biết mình có bao nhiêu tiền để sản xuất ra những chiếc xe tốt"

10. Walter Da Silva - Giám đốc thiết kế VW AG

Danh sách của Motor Trend dường như quá ưu ái các nhà thiết kế khi có tới 3 người trong Top 10. Walter Da Silva sinh ngày 27/2/1951 và từng là người làm nên Alfa Romeo 147, Audi A6, Audi Q7, TT và đặc biệt nhất là R8.

Giống Bangles, Walter Da Silva nổi bật nhờ Audi A5 bởi trong lúc ông khăng định "Đó là mẫu xe đẹp nhất mà tôi từng thiết kế" thì nhiều người lại chê ỏng chê eo.

(Theo VnExpress)

 

Nga có 101 tỷ phú

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Trong vòng 12 tháng qua, số tỷ phú của Nga tăng lên gần gấp đôi, chỉ thua kém Mỹ, với 101 người.

Tạp chí Finans ở Matxcơva công bố danh sách những người giàu nhất Nga hôm 18/2, theo đó, tổng tài sản của các tỷ phú nước này lên tới 576 tỷ USD.

Người giàu nhất trong danh sách là ông trùm kim loại 40 tuổi Oleg Deripaska. Trong vòng 12 tháng qua, ông đã tăng gần gấp đôi tài sản - lên tới 40 tỷ USD - và chỉ thua kém người giàu nhất thế giới Bill Gates 16 tỷ USD.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Deripaska qua mặt tỷ phú Roman Abramovich và giành ngôi đầu trong danh sách của Finans. Khoảng cách về tổng tài sản của ông với người cựu đối tác kinh doanh này càng được nới rộng nhờ giá kim loại tăng nhanh. Deripaska hiện là người giàu thứ 4 thế giới, sau hai tỷ phú Mỹ Bill Gates và Warren Buffet, và nhà tài phiệt Mexico Carlos Slim Helu.

Trong khi đó, tài sản ông chủ câu lạc bộ Chelsea (Anh) tăng 9% năm qua, lên 24 tỷ USD. Ông đứng đầu danh sách của Finans ba năm liên tiếp từ 2004 tới 2006.

Những người tiếp theo là Vladimir Lisin - chủ công ty thép Novolipetsk, Mikhail Fridman - đứng đầu Alfa Group, và nhà tài phiệt Alexei Mordashov. Họ có tài sản từ 22,1 tỷ USD tới 22,2 tỷ USD.

Một trùm tài phiệt cũng quan tâm đặc biệt tới bóng đá Anh - Chủ tịch của Gazmetall and Telecominvest Alisher Usmanov - vươn lên vị trí thứ 12 năm nay với 13,3 tỷ USD. Tỷ phú gốc Uzbekistan tăng cổ phần trong câu lạc bộ bóng đá Arsenal lên 24% trong tuần này.

Gương mặt mới duy nhất trong top 10 người giàu nhất là German Khan - đồng Chủ tịch của Alfa Group - với tài sản 15 tỷ USD. Nữ tỷ phú duy nhất của Nga là Yelena Baturina - sở hữu đế chế bất động sản và xây dựng - có 7 tỷ USD, đứng thứ 27 trong danh sách.

Trong số 101 tỷ phú còn có 12 thành viên của quốc hội Nga - đa phần thuộc đảng Thống nhất. Người giàu nhất trong số họ là Andrei Skoch - sở hữu cổ phần của Gazmetall với 6 tỷ USD. Dự kiến, Skoch sẽ bị Suleiman Kerimov (có 16 tỷ USD) qua mặt sau khi ông này được bổ nhiệm vào thượng viện trong một tương lai gần.

Danh sách tỷ phú của Nga tăng lên nhanh chóng nhờ sự tăng trưởng kinh tế 10 năm liên tiếp với vị thế là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trong 5 năm kể từ khi Finans bắt đầu đưa ra danh sách này, tổng tài sản của những người giàu đã tăng hơn 8 lần, lên tới 576 tỷ USD. 12 tháng trước, với 90 triệu USD, một nhà tài phiệt có thể đứng trong danh sách 500 người giàu nhất. Năm nay, con số đó là 150 triệu USD.

(Theo Telegraph)

 

Hãng xe Mỹ lừng danh Ford Motor Co khẳng định vị Tổng Giám đốc mới Alan Mulally là một bậc anh hùng. Alan Mulally là ai mà có thể làm thay đổi cả văn hoá kinh doanh trăm năm của Ford Motor Co như vậy?

Ford: Tổng Giám đốc đang thay đổi văn hoá công ty

Chính chủ tịch Ford Motor Co, ông Bill Ford Jr. ngày 12/12 đã lên tiếng khẳng định vị Tổng Giám đốc mới của mình, Alan Mulally, là một bậc anh hùng có đủ khả năng làm thay đổi cả văn hoá kinh doanh trăm năm của Ford.

"Hãy xem kết quả kinh doanh luôn trong tình trạng quý sau tốt hơn quý trước", Bill Ford vui mừng khẳng định trong buổi tiệc tổ chức ngày 12/12.

Bill Ford đặc biệt nhấn mạnh việc Mulally đã mang lại "không khí làm việc và ý thức tổ chức kỷ luật hoàn toàn mới mẻ, qua đó làm thay đổi bộ mặt và diện mạo của Ford cũng như văn hoá kinh doanh tại đây".

"Văn hoá lâu đời của Ford có thay đổi không? Không! Nó có được cải tiến và tiến bộ hơn dưới thời Alan Mulally không? Có!", Bill Ford nói.

Vậy, Tổng Giám đốc mới Alan Mulally là ai mà có thể làm thay đổi cả văn hoá kinh doanh trăm năm của Ford Motor Co như vậy?

Alan Mulally, người bỏ công ty số 1 thế giới để đưa Ford đi lên

Công ty của bạn là một biểu tượng của nước Mỹ, nhưng đang bị cạnh tranh dữ dội bởi các đối thủ lớn khác trên thế giới. Cơ hội thăng tiến lên bậc cao nhất ở đó là rất hẹp trong khi tham vọng của bạn hết sức bao la.

Vậy bạn phải làm gì, khi có một biểu tượng hùng vĩ khác của nước Mỹ mời bạn về làm thuyền trưởng? Bạn sẽ gật đầu. Nếu vậy, bạn chính là Alan Mulally.

Alan Mulally đã rời những cánh bay của Boeing để sang giải cứu một hãng xe đang trong cơn vật vã chống lại thua lỗ, Ford Motors.

Ông chủ Bill Ford của hãng xe lừng danh nước Mỹ đã chọn Alan Mulally, người đã chèo lái thành công cho Boeing, qua được giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của hãng máy bay này, khi mà sự kiện khủng bố 11/9 đã làm suy sụp cả ngành hàng không thế giới, và những chiếc Boeing có nguy cơ ế nặng.

Kho thành tích của Mulally hết sức ấn tượng. Không những mang lại lợi nhuận cho nhánh máy bay thương mại của Boeing trong thời gian khó khăn sau 11/9/2001, ông còn thành công trong việc giành giật lại thị phần từ tay đại kình địch Airbus.

Đầu tiên, Mulally đã tạo được tên tuổi của mình khi tham gia chương trình sản xuất Boeing 777 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Đây cũng chính là thế hệ máy bay đánh dấu cho sự hồi phục của Boeing sau nhiều năm bị đánh bại bởi những siêu phẩm hoành tráng của kình địch Airbus.

Sau đó, với tư cách là người cống hiến cho thành công của 777, qua đó mang lại sắc thái mới tươi tắn hơn cho Boeing, ông đã được cất nhắc lên phụ trách mảng máy bay thương mại của Boeing từ tháng 9/1998. Nhánh này khi đó đang trong cơn vật vã. Chiếc Airbus A320 lúc đó đang ăn mạnh vào miếng bánh thị phần nhánh này của Boeing.

Cả hai khi đó đang trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá, với những chương trình chiết khấu lớn. Song Boeing không chịu nổi vì không thể cắt giảm thêm chi phí sản xuất. Các nhà cung cấp cũng không muốn cùng Boeing tham gia cuộc đấu tay đôi với Airbus.

Khó khăn chồng chất, máy bay xếp chật kho của Boeing ở Seattle và hãng đã phải ngừng sản xuất 1 tháng, gây nên giai đoạn thua lỗ đầu tiên của hãng trong vòng 50 năm trở lại đó.

Mulally đã chứng tỏ một lần nữa rằng ông có thể giải quyết được tình hình khi nó đang hỗn độn như thế. Ông thiết lập các cuộc họp hàng tuần, nhưng thông qua một phòng hội thảo truyền hình ngay cạnh phòng làm việc của ông. Đây được coi như phòng tác chiến, với việc các thông số ở tất cả các bộ phận được hiển thị hết lên màn hình cực lớn giữa phòng. Mulally lần lượt tiếp cận và xử lý từng chuỗi thông số và luôn nắm rõ điều gì đang xảy ra ở hãng.

Một nhà lãnh đạo lạnh lùng

Là một người biết hoạt động theo nhóm, một nhà lãnh đạo biết truyền cảm hứng, Mulally còn được coi là kiến trúc sư của các kiến trúc sư, bởi ông dựa rất mạnh vào các thông số để đưa ra quyết định. Ông áp dụng tư duy dựa vào con số để khắc phục các lỗi chết người ở hãng, kể cả những lỗi đã xảy ra trước đó rất lâu.

Tuy nhiên, Mulally là một người hết sức lạnh lùng. Khi hãng gặp khó khăn sau giai đoạn 11/9/2001, ông ngay lập tức cắt giảm nhân lực ở nhánh máy bay thương mại của Boeing từ 120.000 người xuống còn có 50.000.

Rồi khi doanh số của Boeing sụt giảm mạnh so với Airbus, ông bỏ ngay Toby Bright, cánh tay phải của ông trong vòng 20 năm trở về trước, và thay ông ta bằng nhân vật mới mang tên Scott Carson (Carson giờ được chỉ định làm người thay thế Mulally tại Boeing).

Mulally cũng lạnh lùng với chính bản thân mình, với những ý tưởng của mình. Ông ấp ủ dự án chế tạo máy bay Sonic Cruiser từ rất lâu. Tuy nhiên, chỉ 18 tháng khi ra mắt một cách hoành tráng trước công chúng, ông đã cho huỷ luôn chương trình này. Lý do là nhiều khách hàng nói với ông rằng họ thích máy bay tiện nghi hơn, tiết kiệm hơn chứ không cần nhanh hơn. Và ông đã cho cả bộ phận của mình đi tìm những mẫu mới có thể chiều được những nguyện vọng đó của số đông khách hàng.

Sau 5 năm, Boeing dành giật lại thị phần từ tay đại kình địch Airbus.

Năm nay 62 tuổi, những kinh nghiệm và tính cách lãnh đạo đó được cho là quá tốt để ông chủ Bill Ford của hãng xe lừng danh nước Mỹ kỳ vọng mà chọn Alan Mulally.

Bắt đầu được Ford thưởng đậm

Chính vì vậy mà hãng xe Mỹ đang vật lộn với hàng núi khó khăn Ford Motor đã chi nhiều triệu USD để thưởng cho Alan cũng như các thành viên trong ban lãnh đạo công ty trong năm vừa qua bất chấp đó là năm họ lỗ kỷ lục trong lịch sử của hãng.

Giám đốc điều hành Alan Mulally, người mới đảm nhiệm vị trí này từ ông chủ Bill Ford từ tháng 9/2006, được nhận trọn gói lương thưởng trị giá 28,2 triệu USD vào cuối năm ngoái, trong đó lương cho 4 tháng làm tại Ford là 666.667USD.

Bên cạnh đó là một khoản cổ phiếu thưởng trị giá hàng triệu USD, kèm với nhiều đặc quyền đặc lợi khác, chẳng hạn xe riêng hạng sang mà mọi chi phí liên quan đều do công ty chi trả.

Trong 2006, hãng xe lớn thứ 3 thế giới lỗ tới 12,7 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử 103 năm. Tính riêng quý IV/2006, Ford lỗ tới 5,7 tỷ USD. Triển vọng năm 2007 của hãng cũng chưa có gì sáng sủa hơn. Theo đánh giá nhà sản xuất này sẽ còn tiếp tục thua lỗ vào năm nay và 2008. Phải tới 2009, khi kế hoạch cắt giảm chi phí hoàn thành, Ford mới có hy vọng thu lãi.

Ford gần đây liên tục phải dùng các chính sách chống đỡ như cắt giảm nhân công, đóng cửa một số nhà máy sản xuất không có lãi, tăng cường mua nguyên liệu giá rẻ từ châu Á...

Và dù đã cải thiện nhiều, hiện Ford vẫn đang trong hoàn cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn chồng chất do giá xăng dầu tăng kỷ lục, lượng xe bán ra giảm, chi phí cho sản xuất cao và sức ép cạnh tranh quyết liệt với các hãng ôtô châu Á.

Hiện tại, Ford đang phải đối mặt với những đối thủ sừng sỏ như Toyota, hãng đang có động thái chiếm ngôi vị số 1 thế giới của GM và vượt Ford để trở thành nhà sản xuất lớn thứ 2 ở Mỹ.

Tất cả trách nhiệm được trao vào tay vị Giám đốc điều hành Alan Mulally.

(Theo VNN)

 

Tỷ phú “không chịu” về hưu

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Làm việc 80 năm trong lĩnh vực truyền thông, tỷ phú Run Run Shaw đã xây dựng nên một đế chế điện ảnh và truyền hình tiếng Hoa thành công nhất thế giới.

Ông là người đồng sáng lập Shaw Brothers, hãng phim huyền thoại, nơi ra đời nhiều bộ phim tiếng Hoa lừng danh trong các thập niên 1950, 1960 và 1970. Ông cũng là người sáng lập kênh truyền hình nổi tiếng TVB của Hồng Kông, nơi sản xuất những bộ phim tiếng Hoa đắt khách nhất và cũng là nơi làm nên sự nghiệp của những thần tượng điện ảnh lớn như Lưu Đức Hoa.

Tỷ phú này đã được Nữ hoàng Elizabeth II của nước Anh phong tặng tước hiệu hiệp sỹ và là một nhà làm từ thiện lớn, với những khoản tài trợ đáng kể cho các trường đại học ở Hồng Kông. Ông cũng đã học tập Alfred Nobel, thành lập một giải thưởng mang tên mình để tôn vinh những thành tựu trong ngành thiên văn học, toán học, khoa học đời sống và y học.

Mặc dù vậy, có một điều mà ông vẫn chưa thể làm được: Lên kế hoạch nghỉ hưu cho mình. Tháng 10 vừa qua, ông đã tròn 100 tuổi và hiện vẫn giữ ghế chủ tịch của TVB. Vài năm trước đây, ông vẫn thường xuyên có mặt tại trụ sở của TVB, nhưng hiện nay, ông không đến văn phòng hàng ngày nữa. Mặc dù vậy, ông vẫn là nhân vật quan trọng nhất của TVB.

Quy tắc của các doanh nghiệp gia đình châu Á?

Tại nhiều nơi khác trên thế giới cũng có những ông chủ “kỳ cựu” như Chủ tịch Run Run của TVB.

Có thể kể ra đây vài ví dụ như Chủ tịch Summer Red Stone của đế chế truyền thông Viacom của Mỹ, người sinh năm 1932, hay ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, Giám đốc điều hành của News Corp., người sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 77 vào tháng 3 năm nay.

Tuy nhiên, những ông chủ này chỉ là ngoại lệ ở Mỹ, một quốc gia mà ở đó, thậm chí cả những công ty gia đình cũng áp dụng độ tuổi nghỉ hưu nhất định cho các quan chức cao cấp. Trong các công ty vào hàng blue-chip của Mỹ, hiếm khi có những quan chức ở tuổi 70, chứ đừng nói gì đến các quan chức ở tuổi 80 hay 90.

Tuy nhiên, ở châu Á, tình hình lại khác. Trong nhiều công ty gia đình của Trung Quốc và Ấn Độ, việc một người cao tuổi giữ ghế chủ tịch dường như đã trở thành một quy tắc, thay vì một ngoại lệ.

Ông Cheng Yu-teng, Chủ tịch tập đoàn New World Development của Hồng Kông đã tổ chức lễ sinh nhật lần thứ 83 của ông vào năm ngoái. Tỷ phú người Hoa gốc Mã Robert Kuok, Chủ tịch của Kerry Group, tập đoàn sở hữu tờ South China Morning Post và chuỗi khách sạn Shangri-La, cũng đã 85 tuổi.

Tỷ phú người Philippine Henry Sy, ông chủ chuỗi bán lẻ lớn nhất nước này là ShoeMart, sắp 84 tuổi. Chủ tịch Kumar Birla của tập đoàn Birla Group có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ), tập đoàn hoạt động trong một loạt lĩnh vực như xi măng, dệt may, giáo dục… cũng sắp 87 tuổi.

Nhiều ông chủ khác, chẳng hạn tỷ phú tuổi 80 Li Ka-Shing - Chủ tịch công ty bất động sản Cheung Kong và tập đoàn bán lẻ, viễn thông và vận tải biển Hutchison Whampoa, cũng không tỏ ra dấu hiệu nào cho thấy họ sắp về hưu.

Một số khác, trong đó có nhà công nghiệp hàng đầu của Đài Loan, người sáng lập hãng nhựa Formosa Plastics, tỷ phú sắp 91 tuổi Wang Yung-ching, đã tiến hành các bước chuyển giao bớt quyền lực cho thế hệ trẻ, nhưng vẫn là những nhân vật quan trọng nhất trong doanh nghiệp.

Lý do “giữ ghế” lâu

Theo GS. Simon Ho của Đại học Baptist Hồng Kông, một người chuyên nghiên cứu về các doanh nghiệp gia đình, có nhiều lý do khiến những ông chủ nói trên chưa thể lên kế hoạch nghỉ hưu cho dù tuổi tác đã cao.

Trong nhiều trường hợp, người sáng lập công ty đã trở thành hiện thân của thương hiệu của công ty đó, vì họ đã trải qua nhiều thập kỷ gây dựng doanh nghiệp và cũng không thể dễ dàng trao quyền lực lại cho người khác mà không ảnh hưởng xấu đến thương hiệu.

“Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến một doanh nghiệp vì người sáng lập của doanh nghiệp đó vẫn đang nắm quyền”, GS. Ho cho biết. Cũng theo vị giáo sư này, quyền lực của người sáng lập giúp làm giảm thiểu những bất ổn ở phía trước và khiến các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn.

Điều này là đúng thậm chí cả khi ai ai cũng biết rằng, ông chủ lớn tuổi đã không còn tham gia vào công việc điều hành hàng ngày. “Ông ấy không điều hành trực tiếp hàng ngày, nhưng hình ảnh của ông ấy có thể khiến doanh nghiệp ở trong tình trạng ổn định. Người ta cho rằng, ông ấy là người đáng tin cậy”, GS. Ho nói thêm.

Trên thực tế, thường là nhân viên trong công ty và các khách hàng không hứng thú với một ông chủ mới, trẻ tuổi. “Không chỉ người sáng lập doanh nghiệp không muốn ra đi. Đó còn là ước muốn của những người đã làm việc cho ông ấy và các khách hàng của công ty”, Phó giáo sư Annie Koh từ Đại học Quản lý Singapore nhận xét.

Một số ông chủ lớn của châu Á đã lui về hậu trường và nhường lại quyền lực cho thế hệ sau. Tuy nhiên, theo GS. Ho, trên thực tế, họ vẫn là những người nắm quyền “nhiếp chính”, điều hành doanh nghiệp từ sau “bức màn”.

Mặc dù vậy, đã có một số dấu hiệu cho rằng, một vài người trong số những ông trùm kinh doanh thế hệ đầu tiên của châu Á đã nhận thấy rằng, họ cần cố gắng nhiều hơn để nuôi dưỡng thế hệ kế tục.

GS. Ho chỉ ra một vài ví dụ trong đó những người sáng lập doanh nghiệp gia đình không tán thành việc cho phép con cháu họ nắm quyền điều hành doanh nghiệp. Theo GS. Ho, một khi các ông chủ sáng lập giữ ghế càng lâu, thế hệ con cháu của họ càng có ít thời gian để học cách lãnh đạo doanh nghiệp. Kết quả là, tình hình sẽ càng thêm rắc rối và thậm chí dẫn tới sự xung đột quyền lực trong thế hệ con cháu một khi cha ông họ qua đời.

Do đó, để đảm bảo sự ổn định, một số ông chủ hàng đầu ở châu Á đã lên kế hoạch chuyển giao quyền lực. Tỷ phú Li Ka-shing đã đưa con trai cả của mình là Victor lên vị trí Phó chủ tịch phụ trách cả Cheung Kong và Hutchison. Con trai Khoon Loong Kuok của tỷ phú Robert Kuok cũng đang điều hành chuỗi khách sạn Shangri-La của gia đình.

Vào năm 2005, tỷ phú Birla đã quyết định hai con gái của ông là Jayashree Mohta và Manjushree Khaitan sẽ kế nhiệm ông. Ông chủ TVB Run Run không có con nhưng năm ngoái, người vợ thứ hai của ông là bà Mona Fung đã trở thành quyền giám đốc điều hành tập đoàn.

Những động thái này cho thấy, sẽ có sự thay đổi trong những công ty gia đình của châu Á. Nhưng dù sao, vào thời điểm này, những ông chủ cao tuổi trong các doanh nghiệp này vẫn chưa hề tỏ ra vội vàng trong kế hoạch “thoái vị”.

(Theo VnEconomy)

 

Nguyên tắc đầu tiên để trở thành tỷ phú

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Có rất nhiều những người sống xung quanh chúng ta đã vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng và sở hữu những gia tài đồ sộ. Cái thôi thúc họ vượt lên số phận và trở thành những ông chủ thành đạt chính là những cơ hội mà tiền có thể đem lại cho họ.

Tỷ phú Carlos Slim, người giàu nhất thế giới với tài sản 67,8 tỷ USD.

1. Biết rõ cái đích mà mình đang nhắm đến

Hãy tập cho mình có một cái nhìn bao quát vấn đề. Trước khi trở thành một người dám làm, hãy dám nghĩ trước đã. Một nhà tỉ phú sẽ khác một người bình thường ở chỗ họ dám nghĩ đến những điều lớn lao, họ táo bạo hơn người. Nhớ là bất cứ ai cũng phải xuất phát từ vạch đầu tiên. Ngay cả Warren Buffet cũng chỉ bắt đầu với số vốn 25$ ít ỏi trước khi ông có thể lấy về 25 tỷ đô. Hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng một bước nhỏ, hãy ghi nhớ điều đó.

2. Tự rèn luyện mình

Hãy năng đọc sách báo và tạp chí. Nếu bạn chưa biết làm một việc nào đó thì hãy tự nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho mình. Một nhà tỉ phú thậm chí còn cho biết ông không thể ngờ rằng những quyển sách dạy kỹ năng để thành công trong tài chính cá nhân lại có thể mang lại cho ông nhiều lợi ích đến vậy. Hãy nhớ rằng: tri thức là sức mạnh.

3. Đam mê là chìa khóa

Hãy say mê những gì bạn làm. Khi bạn có niềm ham thích thật sự với công việc của mình, bạn sẽ quan tâm nhiều hơn đến kết quả của nó. Theo một nghiên cứu của Thomas J. Stanley, tác giả cuốn sách “The Millionaire Mind”, có tới hơn 80% số nhà tỷ phú đều cho biết họ đã không bao giờ thành công nếu không yêu công việc như máu thịt của mình.

4. Hãy biết tiết kiệm

Thật không dễ gì để có thể tính xa hơn những nhu cầu thiết yếu trước mắt khi mà những vấn đề cơm áo gạo tiền vẫn còn là vấn đề của bạn. Nhưng hãy nhớ rằng: “đại phú do thiên, tiểu phú do cần”, chỉ cần bạn nghĩ đến câu thành ngữ của người phương tây: “pay yourself first”, việc tiết kiệm sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Hãy luôn luôn chuẩn bị một số tiền tích trữ cho thời gian nghỉ hưu sau này hoặc một dự định đầu tư trong tương lai.

5. Thành công chỉ đến sau sự nỗ lực

Hãy dám làm. Mạo hiểm là điều mà nhưng nhà tỉ phú sẵn sàng chấp nhận nếu nó đáng và có sự tính toán kỹ càng. Bạn có biết rằng những người thành công nhất là những người trải qua nhiều thất bại nhất. Có thể công viêc kinh doanh của họ đã từng đổ bể, vỡ nợ hoặc thậm chí là phá sản nhưng với họ thất bại là một cách để học hỏi và sau mỗi lần như vậy họ lại can đảm đứng lên.

Tuy nhiên, bí quyết quan trọng nhất lại không nằm ở 5 điều trên. Tất cả những nhà tỷ phú được hỏi đều cho rằng tiền nhiều cũng không lại nổi một người vung tay quá trán hoặc tiêu pha bạt mạng. Sở dĩ một nhà tỉ phú có thể giữ được tài sản của mình là bởi họ luôn nắm được ý nghĩa của số tiền cho đi, bất kể nhiều hay ít, nó phải mang lại cho họ những gì. Đó mới là nguyên tắc đầu tiên bạn cần nắm được.

(Theo Sức trẻ Việt Nam)

 

Kinh nghiệm của lãnh đạo một hãng hàng không

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Đã có rất nhiều cuộc tranh luận về việc liệu có phải nhiều người vốn được sinh ra để làm lãnh đạo, làm quản lý, làm tổng giám đốc… Trên thực tế, nhà lãnh đạo nào cũng được sinh ra như một đứa trẻ bình thường.

Gordon Bethune. Ảnh: AP

Jack Welch, chủ tịch đã nghỉ hưu của tập đoàn GE, là con của một người thu vé đường sắt. Khi còn nhỏ Jack Welch thường nói lắp và là đứa trẻ lùn nhất lớp.

Gordon Bethune, Cựu Chủ tịch của Continental Airlines - hãng hàng không lớn thứ 5 ở Mỹ và thứ 6 thế giới - khi còn nhỏ từng phải đi lau cửa kính để kiếm tiền.

Cả hai nhà lãnh đạo này đều có những câu chuyện về thời thơ ấu giống nhau. Gia đình đã dạy cho họ những giá trị đạo đức, tầm quan trọng của làm việc chăm chỉ, học những kỹ năng mới ở các công việc đa dạng và quan tâm đến các cá nhân. Cả hai đều thừa nhận những kinh nghiệm thu lượm được khi còn nhỏ đã giúp họ dễ dàng thành công hơn.

Sau đây là một số chiến thuật và bài học của Gordon Bethune giúp chúng ta phát triển phong cách lãnh đạo.

1. Đánh giá những vấn đề ảnh hưởng đến việc giành được mục đích cho tổ chức

Giảm chi phí sẽ làm tăng lợi nhuận của tổ chức. Tuy nhiên, cắt giảm chi phí bằng cách cho ít pho mát vào bánh pizza có thể làm cho bánh mất ngon và không ai muốn mua nữa.

Trên cương vị chủ tịch của Continental Airlines, Gordon Bethune nhận ra rằng, việc lãnh đạo trước tiên là xây dựng chiến thuật cắt giảm chi phí. Trước đó, hãng đã bị phá sản 2 lần trong vòng 10 năm. Thời điểm đó, ban lãnh đạo chỉ nghĩ đơn giản là, nếu tiếp tục giảm chi phí họ có thể tránh bị phá sản lần thứ 3 và có thể giành lại thị trường. Do đó, họ không tiếp tục trả hoa hồng đăng ký cho các hãng du lịch, không tăng lương cho nhân viên trong một thời gian dài, không thưởng thêm cho những chuyến bay thường xuyên.

Khi Gordon nhận việc, hãng hàng không này chỉ còn đủ tiền để vận hành thêm 6 tháng nữa. Họ phải đối mặt với nguy cơ phá sản nhanh chóng. Lập tức, Gordon báo cho các hãng du lịch rằng ông ta sẽ trả thêm tiền hoa hồng cho họ và tái lập chương trình cho những chuyến bay thường xuyên để thu hút khách du lịch là thương nhân. Khách hàng bắt đầu trở lại.

Ông cũng nói với nhân viên của mình rằng, nếu ngành giao thông tăng tỉ lệ chuyến bay, ông sẽ thưởng cho mỗi nhân viên 65 đô la hàng tháng. Rõ ràng là không chỉ phi công được thưởng. Ông muốn chứng tỏ rằng, điều hành một chuyến bay là nỗ lực của cả nhóm, cả của người vận chuyển hành lý, người trực tổng đài, nhân viên gác cổng, và những thư ký...

Năm 1995, một năm sau khi Gordon làm chủ tịch, khách hàng và lợi nhuận của Continental bắt đầu tăng lên. Năm 1996, Continental được trao giải thưởng vì làm hài lòng khách hàng.

Bài học rút ra: Đánh giá những khó khăn trong việc giành được mục tiêu của tổ chức, và cắt giảm chi phí không phải lúc nào cũng là câu trả lời đúng đắn.

2. Văn hoá tổ chức: lòng tự trọng và sự kính trọng

"Một đội bóng không thể thắng nếu không phối hợp với nhau".

Để nâng cao tinh thần cho nhân viên, Gordon bắt đầu tổ chức những cuộc gặp với tất cả nhân viên tại văn phòng của mình, nơi trước đây họ không được phép đến. Ông luôn mở rộng cửa đón mọi người. Tất cả mặc những bộ trang phục bình thường để tránh rào cản giữa lãnh đạo và nhân viên. Gordon ngồi cùng nhân viên và không ngồi ở đầu bàn trong suốt các cuộc gặp.

Ông xây dựng cho nhân viên những đường dây nóng để họ có thể liên lạc, đưa ra ý tưởng, gợi ý về cách để cải thiện tổ chức cho ông. Ông thường gọi lại cho những người góp ý. Nhân viên bắt đầu nhận ra rằng lãnh đạo thực sự quan tâm đến những ý kiến của họ và có phản hồi lại. Hàng tuần ông cũng gửi cho nhân viên những bức thông điệp bằng lời. Một lần ông quên làm việc này và rất nhiều nhân viên đã liên lạc để hỏi liệu có phải ông bị ốm hay không.

Gordan nói: "Một đội bóng không thể thắng nếu không phối hợp với nhau”.

Bài học rút ra: Đó là bài học về hành vi tập thể - điều hành một tổ chức giống như xây dựng một đội bóng, phải có sự liên hệ chặt chẽ.

3. Cởi mở với đối tác và nhân viên

Chỉ trong vòng 6 tháng, Continental đã tạo nên những kỹ thuật quản lý. Gordon đã tập hợp những nhà cung cấp, những cổ đông, công nhân... Ông chia sẻ với mọi người là Continental chỉ còn đủ tài chính để hoạt động trong vài tháng nữa để mọi người nắm được tình hình. Ông cộng tác với họ để thương lượng về giá cả, những hợp đồng thuê dài hạn, đạt được những thoả thuận mới với các nhà cung cấp.

Nói một cách ngắn gọn, không có lợi nhuận thì không có tương lai.

Bài học rút ra: Hãy cởi mở với đối tác và nhân viên của mình.

4. Đa ngành đa nghề

Gordon ví điều này giống như trở thành một huấn luyện viên trưởng của một đội bóng, phải hiểu rõ về các cầu thủ của mình, phải hiểu tiếng còi của trọng tài có ý nghĩa gì. Gordon đã làm việc ở nhiều ngành nghề và vị trí khác nhau. Chính điều này đã giúp ông có cơ hội tiếp xúc và trò chuyện với nhiều nhân viên nhiều hơn.

Bài học rút ra: Sự luân chuyển công việc, biết nhiều ngành, nhiều nghề sẽ mở ra tương lai phát triển cho các nhà lãnh đạo.

5. Chú ý đến các nhân tố khách quan

Việc kinh doanh phụ thuộc vào nhiều nhân tố, thường là nhân tố bên ngoài như thời tiết, bão lụt, đình công…Tuy nhiên, những phi đoàn bay thường quên những biến cố có thể xảy ra hàng ngày.

Một lần vì bão tuyết mà Continental bị hỏng 8 máy bán hàng. Đáng buồn là điều này lại xảy ra trước ngày Lễ tạ ơn, khoảng thời gian bận bịu nhất của ngành hàng không. Các nhóm của hãng Continental đã phối hợp với những máy bán hàng bên ngoài, sửa những máy hỏng và không để lỡ chuyến bay.

Bài học rút ra: Phát triển quan hệ đối tác bên ngoài.

Gordon đã có những chiến thuật để vực dậy hãng hàng không Continental, đưa nó lên vị trí thứ 5 ở Mỹ và thứ 6 trên thế giới. Với cương vị là Chủ tịch của hãng, Gordon đưa thêm nhiều kinh nghiệm và bài học lãnh đạo.

Gordon Bethune
tại phòng làm việc

6. Lý thuyết hệ thống

Điều hành một tổ chức không phải là điều hành từng phần riêng rẽ. Mỗi phòng, ban, bộ phận phải biết công việc của mình ảnh hưởng đến những bộ phận khác như thế nào, tất nhiên điều này không có nghĩa là quá ỷ lại hay dựa dẫm vào tổ chức.

Bài học rút ra: Tất cả các bộ phận phải liên kết với nhau để thực hiện nhiệm vụ hoặc giành được mục tiêu của tổ chức.

7. Loại bỏ những quy trình và chương trình không mang lại lợi nhuận

Tăng thị phần là một chiến thuật quan trọng của Continental. Dựa trên việc đánh giá những thị phần mà họ đang sở hữu, ban quản lý Contiental phát hiện rằng 18% số đường bay không mang lại nhiều lợi nhuận. Ban đã lựa chọn để thay đổi những đường bay này.

Chủ tịch của GE, Jack Welch cũng từng chỉ đạo mỗi doanh nghiệp nhỏ thuộc GE phải đứng vị trí số một hoặc số hai, nếu không sẽ bị đóng cửa. Sau đó ông đề ra chiến thuật chiếm được 10% thị trường. Sự thay đổi chiến thuật này đã mang lại cho tập đoàn này lợi nhuận hàng tỷ đô la.

Bài học rút ra: Kiểm tra lại chiến thuật để đảm bảo rằng mọi người đều hiểu.

8. Thuê những người giỏi nhất

Một người làm phẫu thuật chắc chắc sẽ muốn chọn nhà phẫu thuật hàng đầu. Các tổ chức cũng vậy. Họ muốn chọn những người giỏi nhất thực hiện các chức năng quan trọng nhất. Continental đã thuê một chuyên gia tài chính có tài. Vị chuyên gia này đã tạo ra một hệ thống báo cáo tài chính hàng ngày thay vì những báo cáo hàng quý. Điều này khiến cho tất cả các hoạt động trở trong tổ chức trở nên hiệu quả hơn. Biết được tình hình tài chính hàng ngày thay vì hàng quý giúp cho ban lãnh đạo Continental có những điều chỉnh hợp lý và kịp thời.

Bài học rút ra: Tổ chức cần những người tài để cạnh tranh. Tất nhiên chẳng ai có thể tinh thông tất cả mọi điều, nhưng người tài chắc chắn sẽ mang lại thành công.

9. Phát triển nhân lực đồng bộ

Trong một chiếc bánh pizza, không miếng nào ngon hơn miếng nào, nhưng nếu tất cả các phần đều ngon thì sẽ bán rất chạy.

Bài học rút ra: Lãnh đạo cần tạo ra, phát triển và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên và phát hiện những tài năng cho tổ chức và công ty của mình.

10. Sự bằng lòng sẽ giết chết tổ chức

Những tổ chức phải liên tục cải tiến dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tổ chức sẽ mất ưu thế cạnh tranh nếu phớt lờ sự thay đổi, không quan tâm đến việc phát triển dịch vụ, sản phầm và đối tác.

Bài học rút ra: Thành công của tổ chức không phải ở bộ phận máy lái tự động. Bổ sung các chương trình hướng dẫn cho nhân viên và đánh giá những vấn đề ảnh hưởng đến mục tiêu của tổ chức.

(Theo Leader Values)

 

Đề cập đến vai trò của việc quản lý, Thomas John Watson - người khai sinh và cựu Chủ tịch của tập đoàn IBM khẳng định, đây chính là xương sống của một công ty vững mạnh. Ông đề cao chữ "man" (con người) trong từ "manager" (nhà quản lý). Ông cho rằng: "Một người sẽ được biết đến bằng chính công ty mà người đó nắm giữ", đồng thời, "một công ty sẽ được biết đến bằng chính những con người mà nó có".

Quản lý nghĩa là hỗ trợ

Nhiều người cho rằng, di sản lớn nhất mà Watson để lại là chính phong cách quản lý độc đáo của ông. Ông tin tưởng: "Một nhà quản lý nên xem vị trí của mình như một cơ hội tuyệt vời để đáp lại những sự hỗ trợ khác". Ông thực sự tin tưởng vào các nguyên tắc của sự cân bằng và hợp tác, và tâm niệm: "Nhà quản lý là người hỗ trợ cho toàn bộ nhân viên trong công ty".

Có thể Watson đã leo lên đến đỉnh của nấc thang tổ chức, nhưng ông biết rằng nếu không có những người bên dưới ông, cái thang đó sẽ dễ dàng đổ xuống.

"Một người, tôi không quan tâm đến người đó có khả năng thế nào, cũng không thể làm việc và tham gia vào tất cả các chi tiết của việc kinh doanh - có thể thực hiện bất kỳ điều gì mà không có sự hỗ trợ của toàn bộ tổ chức", Watson nói. "Công ty này không phải là mình tôi, hoặc bất kỳ nhà điều hành nào có thể làm một mình. Nó rất lớn. Công ty của chúng tôi phát triển hàng năm và luôn thành công bởi vì mọi người đều đóng góp vào thành công của nó".

Watson tin rằng quản lý tốt nghĩa là sẽ tạo ra một tổ chức tốt và sự hợp tác là cách duy nhất mà công ty có thể giành được mục tiêu. "Hợp tác nghĩa là cho càng nhiều điều bạn nhận được càng tốt", ông nói. "Bổn phận đầu tiên của mọi nhà quản lý là giúp đỡ những người dưới sự hướng dẫn của mình. Lắng nghe cả cấp dưới cũng như cấp trên".

Không chỉ thế, Watson cũng tin vào tầm quan trọng của việc chia sẻ một tầm nhìn chung. Để giành được thành công, nhà quản lý phải đảm bảo rằng mọi người trong công ty phải cùng hướng về một nơi. Trong một lần nói chuyện với nhân viên, Watson nói: "Chúng ta đã chứng minh được giá trị của máy móc với thế giới, và tôi cảm thấy bổn phận của chúng ta là phải lên kế hoạch để việc kinh doanh có thể tiến triển liên tục. Tôi muốn tất cả các bạn có cùng tầm nhìn và niềm tin ở IBM".

Trong lúc nhấn mạnh vào tầm quan trọng của nhóm và sự hợp tác, Watson vẫn đề cao tầm quan trọng của cá nhân và trách nhiệm. "Hãy học cách tự giám sát", ông nói. Thế nên, cho dù Watson chưa bao giờ đòi hỏi nhân viên mặc đồng phục, thì comple đen - bộ trang phục mà Watson cho rằng sẽ thể hiện sự trang trọng - cũng vẫn nhanh chóng trở thành đồng phục của công ty.

Sợ những người tuân theo hơn là những kẻ lập dị

Watson cho rằng: "Chúng tôi luôn tiến lên ở IBM, đó là vì mọi người sẵn sàng nắm bắt cơ hội, vượt qua các chướng ngại, và thử những điều mới mẻ".

Watson đã tin tưởng vào tương lai của ngành công nghiệp máy tính. Ông đặt cược cả thời gian, công sức và hầu hết số tiền mình có vào linh cảm rằng việc kinh doanh máy lưu giữ thông tin và tự động hóa rồi sẽ phát triển. Ông nắm bắt cơ hội và cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng.

"Hãy đi theo con đường của một người suy nghĩ mạo hiểm và độc lập", Watson nói. "Mang các ý tưởng của bạn đến các cuộc tranh luận. Nói những suy nghĩ của bạn và sợ những người chỉ thích tuân theo hơn là những người có suy nghĩ lập dị".

Với tinh thần sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm và tìm tòi những điều chưa biết, Watson quyết định không chấp nhận làm những công việc truyền thống. Ông từ chối những công việc an toàn và chấp nhận thử thách chính mình.

"Phát triển sáng kiến của bạn", Watson nói. "Hãy làm điều mà không ai khác đã làm". Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp và đặt cược vào các máy điện tử và kỹ thuật số, Watson đã bước đến một vùng đất mới. Ở đó không có điều gì đảm bảo rằng các chiến lược sẽ thành công, nhưng ông sẵn sàng chấp nhận những mạo hiểm đó.

"Phải không bao giờ ngừng việc mở đường", Watson nói. "Ngày hôm qua, chúng ta mở đường cho hôm nay, và hôm nay, chúng ta mở đường cho ngày mai". Không e ngại những mạo hiểm, chẳng những thế, Watson còn thách thức chúng, phát triển hơn từ thành công và học từ thất bại.

Thái độ đó của ông đã gây ấn tượng tốt với mọi người, từ người quản lý tới những nhân viên trong công ty. Ông nhận thấy có "quá nhiều người đợi người khác đưa cho họ một điều để thúc đẩy, còn ở IBM, chúng tôi cố gắng phát triển những người tự thúc đẩy".

Nhân tố quan trọng nhất để Watson luôn chấp nhận mạo hiểm là thành thực với chính mình, đi theo bản năng và tin tưởng vào khả năng hành động. "Thành công sẽ được xác định bằng thái độ mà bạn sử dụng các công cụ được giao để làm việc", Watson nói. "Khi thực hành nghệ thuật bán hàng, phải sử dụng tất cả tài năng của bạn. Đặt tất cả những điều bạn có vào nỗ lực của mình, trên hết là đặt nhân cách của bạn vào đó. Đừng sao chép của ai. Hãy là chính mình".

Tin vào sức mạnh của suy nghĩ

"Tất cả các vấn đề của thế giới có thể được giải quyết dễ dàng nếu con người sẵn sàng suy nghĩ", Watson tin tưởng như vậy. "Nhưng vấn đề là người ta thường viện đến tất cả các loại thiết bị để không phải suy nghĩ, bởi suy nghĩ là một công việc vất vả".

Watson chỉ sử dụng một từ chứ không phải là cụm từ như của các công ty khác, làm động lực gắn kết toàn công ty. Từ đó là “Think” (suy nghĩ).

Theo Watson, với một doanh nghiệp thành công, không có gì quan trọng hơn chính là chất lượng của những "bộ óc" bên trong nó. Không có sự kết hợp quan trọng giữa sự giáo dục và hiểu biết thì chẳng có số vốn nào, hay thậm chí sự may mắn nào, có thể đưa một công ty lên vị trí hàng đầu.

"Điều mà mọi doanh nghiệp cần là có nhiều người chịu khó suy nghĩ hơn", Watson nói. Watson cũng là người tin tưởng vào sức mạnh của cá nhân có thể hình thành nên tương lai. Với sự rõ ràng trong tư duy, với sự quyết đoán và kiến thức, sức mạnh của suy nghĩ có thể lớn hơn nhiều so với tưởng tượng của mọi người. "Hãy suy nghĩ", Watson nói. "Suy nghĩ về sự hiện diện của bạn, sự kết hợp, hành động, tham vọng, cách làm việc".

"Sự giáo dục là nền tảng của sự tiến bộ", Watson nói. "Nghiên cứu là sự đảm bảo trước cho sự tiến bộ của chúng ta". Watson tin rằng: "Người sẵn sàng học hỏi, đòi hỏi sự giáo dục cần thiết", sẽ là những người thành công, không chỉ ở IBM mà ở toàn bộ quá trình kinh doanh. "Điều mang lại thành công chính là sức mạnh con người và sức mạnh não bộ", ông nói. Để thực hiện điều này, Watson đã đầu tư khá nhiều cho nhân viên, trong đó có cả việc đầu tư cho sự giáo dục của họ.

Watson tin rằng sự giáo dục có thể là đốm lửa bên trong công ty của mình. "Kiến thức tạo ra sự nhiệt tình" - ông tin tưởng có lòng nhiệt tình thì mọi điều đều có thể. Ông biết rằng IBM sẽ thành công nếu ông truyền cảm hứng cho đội quân của mình, bằng việc dạy cho họ, và bằng việc tập hợp họ xung quanh một tầm nhìn chung. Ông khẳng định: "Kế hoạch tốt thì việc kinh doanh sẽ tốt. Kế hoạch phải phản ánh thực tế và óc thẩm mỹ trong kinh doanh, nhưng trên tất cả, kế hoạch phải chủ yếu là để phục vụ con người".

(Theo LanhDao)

 

Cựu Chủ tịch IBM: Thành công = 2 x Thất bại

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Bí quyết thành công của Thomas John Watson - người khai sinh ra tập đoàn máy tính IBM rất đơn giản, chỉ là: "Hãy nhân đôi tỉ lệ thất bại". Với ông, thất bại không chỉ là một vế không thể thiếu để cân bằng phương trình thành công, mà nó còn là những bước đi cần thiết và tích cực để có thể giành được những mục tiêu mà mình đã thiết lập.

Thất bại - bạn đồng hành trên con đường đến thành công

"Tôi đã đưa ra một dự đoán về tương lai của việc kinh doanh của mình và tôi đã sai vì tôi luôn đánh giá thấp khả năng của nó", Watson nói. Dù lãnh đạo một trong những công ty hùng mạnh nhất nước Mỹ vào thời của ông, Watson không phải là người hoàn hảo. Ông cũng mắc rất nhiều sai lầm trên con đường của mình, những sai lầm khiến công ty phải trả giá khá đắt, nhưng điều phân biệt Watson với nhiều người khác là sự quyết tâm bật trở lại từ thất bại.

Trong những năm đầu, Watson đã sống chật vật trong vai trò người bán hàng cho Wheeler và Wilcox ở Buffalo. Khi đó, ông vừa mới chuyển đến thành phố này và cảm thấy khó thích nghi, không chỉ với những thay đổi của môi trường mà với việc phải bán các sản phẩm đến tận nhà.

Sau một thời gian khó khăn, Watson đã ăn mừng thành công bằng bữa rượu tại một quán rượu ở địa phương. Nhưng rồi ông phát hiện ra rằng, tất cả các trang thiết bị, ngựa và sản phẩm để ở bên ngoài quán đã bị lấy trộm. Thành công của ông nhanh chóng chuyển thành thất bại trong con mắt của những người ở công ty. Ông bị sa thải ngay lập tức.

Mù mờ về tương lai của mình, Watson mất hơn một năm để tìm được một công việc ổn định khác. Liệu có phải bữa tiệc rượu đó là một sai lầm - Watson từng tự hỏi mình như thế. Có thể, nhưng đó chưa bao giờ là điều khiến Watson hối tiếc vì nó là điểm khởi đầu để ông bắt đầu hành trình điều hành công ty riêng của mình.

Watson chưa bao giờ hài lòng với việc đi một con đường dễ dàng. Ông đặt ra những mong muốn cao và cố gắng hết sức để đạt được. Ông tin rằng: "Nhắm đến điều hoàn hảo rồi bỏ lỡ nó còn hơn là nhắm đến điều không hoàn hảo và đạt được nó".

Watson không sợ thất bại trên con đường để giành được những điều không thể. Với ông, điều "không thể" không chỉ "có thể", mà nó là điều duy nhất đáng để cố gắng, điều duy nhất để phân biệt ông và làm cho ông nổi bật.

Theo Watson, sai lầm không bao giờ là điều đáng phải xấu hổ, thực tế, nó là một phần cần thiết trong quá trình điều hành công ty. Cả thất bại và thành công đều là thứ cần được ăn mừng, bởi vì cả hai đánh dấu những nỗ lực và chiến thắng đã đi đến giai đoạn cuối. "Người mà không tự hào về cách làm việc của mình sẽ chẳng làm được việc gì đáng để tự hào", Watson nói.

Do đó, lựa chọn của Watson rất đơn giản: "Thất bại có thể làm cho bạn chán nản, hoặc bạn có thể học từ nó". "Hãy tiến lên và mắc sai lầm. Mắc tất cả các sai lầm bạn có thể. Nhớ rằng, đó chính là nơi bạn tìm thấy thành công, trên một con đường rất dài".

Phân tích quá khứ, xem xét hiện tại, mường tượng tương lai

"Nằm im nghỉ ngơi và chẳng làm gì là một điều thoải mái vì nó không có mạo hiểm, nhưng rõ ràng nó là một cách sai lầm để quản lý công ty". Watson nói. Ông đã tạo ra một trong những công ty lớn nhất và hùng mạnh nhất trên toàn bộ đất nước của mình, và điều đó không thể được làm bằng việc chỉ ngồi và để cho cơ hội vụt qua.

"Chẳng có gì giống như là đứng yên tại chỗ", Watson nói. "Bạn không thể đứng ở một nơi: hoặc là bạn phải tiến lên, hoặc là bạn phải lùi lại". Những ngày đầu tiên trong sự nghiệp là bằng chứng cho sự quyết tâm của Watson. Dù đã bỏ việc chỉ sau một ngày làm thầy giáo, Watson biết rằng có những điều lớn lao đang chờ đợi ông phía trước. Ông không thích dạy học, nhưng thay vì bỏ và sống một cuộc sống bình thường, Watson quyết định thử những điều khác nữa.

Do đó, Watson đăng ký một khóa học ở trường Thương mại Miller. "Chúng tôi không bao giờ cảm thấy bằng lòng". "Bất cứ khi nào cá nhân hoặc một tổ chức quyết định rằng họ đã giành được thành công, thì nghĩa là sự tiến bộ sẽ dừng lại". Watson luôn cống hiến hết mình cho công ty và làm cho IBM nổi tiếng như một công ty hàng đầu trong kỷ nguyên máy tính. Watson cũng dành một phần lớn lợi nhuận của công ty vào việc nghiên cứu, để đảm bảo sự tồn tại của công ty trong tương lai.

Năm 1947, IBM đã cho ra đời Poppy và SSEC - thế hệ máy tính đầu tiên của công ty hoạt động với 13.000 ống chân không. "Mục đích của chúng tôi mỗi năm lại cao hơn và chúng tôi luôn đạt tiêu chuẩn" - Watson nói. "Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng những gì chúng tôi có ngày hôm nay sẽ thỏa mãn nhu cầu của 10 năm sau". Poppy chỉ là một mình chứng về sự tiến bộ của Watson. Ông muốn công ty dẫn đầu con đường trong thế giới kinh doanh và đảm bảo điều này bằng việc chủ động nắm bắt cơ hội đến.

Thomas John Watson (cha) năm 1914

Watson chưa bao giờ ngừng tìm cách để cải thiện công ty và tiếp tục thiết lập các tiêu chuẩn mới. "Phân tích quá khứ, xem xét hiện tại và mường tượng về tương lai", Watson nói. "Lên kế hoạch cho tương lai, tin tưởng vào tương lai". Suy nghĩ của Watson - hướng tới tương lai chính là điều làm cho công ty của ông đạt được nhiều thành công. Khi giao công ty cho con trai đảm nhận, IBM đã nổi tiếng là một công ty tiến bộ và dẫn đầu ngành.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Watson luôn thích hành động thay vì chẳng làm gì cả. Quan điểm của ông là chẳng có gì tự nhiên không làm mà có. Khi đối mặt với khó khăn, Watson sẽ nói: "Giải quyết nó. Giải quyết nhanh chóng. Giải quyết theo cách đúng hoặc sai. Nếu bạn sai, vấn đề sẽ quay trở lại và vỗ vào mặt bạn, khi đó, bạn sẽ có thể giải quyết theo cách đúng".

(Theo LanhDao)

 

Cha đẻ của "Người khổng lồ xanh"

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Ít ai biết, Thomas John Watson - người khai sinh ra "người khổng lồ xanh" - tên hiệu của hãng máy tính IBM, hồi nhỏ từng là một cậu bé khép kín, rất ít bạn và mắc bệnh hen. Nhưng "kẻ cô đơn" này đã thay đổi số phận, biến mình từ một cậu bé nhút nhát thành một trong những người bán hàng giàu có và vĩ đại nhất thế giới.

Thomas John Watson sinh ngày 17/2/1874 ở Campbell, New York trong một gia đình trung lưu. Bố ông là ông chủ một cửa hàng bán gỗ ở địa phương, khá khó nhọc để lo đủ tiền nuôi sống gia đình. Chính người cha đã dạy cho cậu bé Watson giá trị của một công việc vất vả.

Thomas John Watson (cha) (17/2/1874 - 19/6/1956) - người thành lập và cựu chủ tịch của tập đoàn IBM.

Sau khi học xong phổ thông, Watson làm thầy giáo. Nhưng chỉ sau có 1 ngày, Watson bỏ việc. Thay vào đó, anh chàng Watson trẻ tuổi bị thu hút bởi lớp học kế toán và kinh doanh ở trường thương mại Miller. Watson đăng ký học, sau một năm, dù không hoàn thành khóa học nhưng anh cũng nhận ra lĩnh vực dành cho mình.

Công việc thứ hai của Watson là thủ thư, kiếm được 6 đô la một tuần. Một lần nữa, Watson không cảm thấy yêu thích và gắn bó với nghề. Anh bỏ việc nhanh chóng sau khi trở thành một người bán hàng lưu động. Watson cùng với George Cornwell - cũng là một người bán hàng lưu động, bán đàn organ và piano cho một cửa hàng địa phương.

Sau khi Cornwell không làm nữa, Watson vẫn tiếp tục công việc này, kiếm được 10 đô la một tuần. Anh tiếp tục làm 2 năm nữa cho đến khi nhận ra rằng mình có thể kiểm được hoa hồng là 70 đô la một tuần với những kỹ năng bán hàng thuần thục.

Tuy vậy, Watson vẫn cảm thấy thất vọng với công việc của một người bán hàng. Ông quyết định thay đổi nghề nghiệp và chuyển tới Buffalo. Ở đây, ông bắt đầu bán máy khâu đến từng nhà cho Wheeler và Wilcox. Sau khi tổ chức một buổi bán hàng trong quán rượu, ông phát hiện ra rằng tất cả các trang thiết bị của ông ở bên ngoài như ngựa, xe và sản phẩm đã bị lấy cắp. Và Watson bị sa thải.

Một lần nữa, Watson trở thành người bán hàng cho C.B. Barron. Họ cùng bán hàng cho Buffalo Building and Loan. Watson sử dụng cổ phần lợi nhuận của mình để mở một cửa hàng bán thịt. Một ngày kia, Barron cuỗm toàn bộ số tiền, bỏ lại Watson không một xu dính túi.

Trước khi mất cửa hàng, Watson đã mua được một chiếc máy đếm tiền tại Công ty máy đếm tiền quốc gia NCR (National Cash Register Company). Sau khi thăm công ty để sắp xếp việc thanh toán, ông muốn làm việc cho họ. Ở đây, Watson gặp người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời của mình - John Henry Patterson, người sáng lập công ty NCR.

Patterson thuê ông vào làm người bán hàng cho văn phòng NCR tại Buffalo, New York. Hai tuần đầu tiên, Watson không bán được gì. Kết cục là ông bị John Range, chủ đại lý NCR tại Buffalo, mắng mỏ thậm tệ. Sau này Watson kể lại rằng lúc đó ông chỉ đợi cho Range bình tĩnh lại để xin thôi việc. Nhưng sau đó Watson đã không làm thế.

Sau khi mắng Watson một trận, thái độ của Range thay đổi hoàn toàn. Cơn giận dữ của Range cũng biến mất dễ dàng như lúc bùng lên và ông đã ôn tồn an ủi Watson. Range muốn cho Watson đi theo ông để học cách bán hàng trên đường phố. Nhờ thông minh lanh lợi, Watson đã học rất nhanh và sớm trở thành một người bán hàng lưu động thành thạo. Đội bán hàng này chở hàng hoá bằng xe bò, xe ngựa đi bán khắp các đường phố và vùng nông thôn.

Trong một năm, Watson đã trở thành một trong những người bán hàng giỏi nhất miền Đông Hoa Kỳ. Năm 1899, ở tuổi 25, ông đã bán được nhiều hơn Range và Patterson đã chọn ông phụ trách văn phòng đại lý chi nhánh Rochester của NCR. Ở đó ông kiếm được 35% hoa hồng. Sau khi chiếm lợi thế độc quyền ở vùng này, Watson chuyển tới trụ sở chính của NCR ở Dayton, bang Ohio vào tháng 10/1903.

Được phân công nhiệm vụ làm cho NCR vượt xa các đối thủ kinh doanh, Watson sử dụng các mánh khóe bán hàng vụng trộm để tạo ra lợi thế cho công ty.

Watson thăm dò thông tin về cạnh tranh, dán biển "giám thị" gần các văn phòng. Ông dạy những người làm cùng cách phá hoại các sản phẩm của đối thủ. Ông đe doạ các khách hàng triển vọng của đối thủ bằng cách tố cáo đối thủ vi phạm bản quyền. Thành công của ông nhờ những thủ đoạn này, ngày nay phần lớn đều vi phạm pháp luật, nhiều cách cũng vi phạm pháp luật tại thời điểm đó, và một số cách khiến cho người ta có cảm giác rằng “luật rừng” lớn hơn tất cả các chuẩn mực đạo lý.

Hậu quả là, năm 1912, John H.Patteson, Thomas J.Watson, John J. Range và hơn 20 nhân viên điều hành hàng đầu của công ty NCR đã bị buộc tội vi phạm luật Sherman Antitrust. Ngày 13/2/1913, họ bị tuyên án một năm tù giam ở nhà tù Miami County, mức phạt cao nhất lúc bấy giờ cho tội này và bị phạt mỗi người 5.000 đôla, riêng Patterson bị phạt gấp đôi. Tuy nhiên, tất cả bọn họ đã cầu viện và đều thoát khỏi hình phạt đó. Tất nhiên, Watson đã bị Patterson sa thải.

Cuộc cách mạng máy tính: IBM ra đời

Watson biết rằng ông không chỉ muốn kinh doanh riêng, mà ông hoàn toàn có khả năng làm được điều này. Ông từ chối vài lời mời làm việc, và lựa chọn cách tiếp cận với chuyên gia tài chính Charles Flint, người đã tham gia 3 công ty để tạo ra Công ty Máy tính, máy chữ và ghi âm (Computing, Tabulating, and Recording Company). Flint đưa Watson lên làm chủ tịch mới của CTR.

"Người khổng lồ xanh" - tên hiệu của hãng máy tính IBM bắt nguồn từ logo có hai màu xanh và trắng được in trên hầu hết các sản phẩm của họ.

CTR buôn bán các phương tiện thông tin kinh doanh, bao gồm máy chữ và đồng hồ. Mãi cho đến khi chủ tịch của CTR - George Fairchild qua đời, Watson mới quyết định nhận trách nhiệm.

CTR có hơn 400 nhân viên, hầu hết họ đang rất nản lòng, kém hiệu quả và ít bị giám sát. Watson muốn làm cho CTR trở thành một nơi làm việc tốt. Ông bắt đầu đặt ra các thước đo an toàn và lợi ích cho nhân viên, thậm chí trả tiền cho việc giáo dục và tham gia các câu lạc bộ. Watson cũng bắt đầu tập trung nhiều hơn vào việc nghiên cứu, đặt cược rằng nhu cầu của tự động hóa và ghi âm rồi sẽ tăng nhanh.

Năm 1924, Watson đổi tên công ty thành International Business Machines. Công ty đã được sửa sang lại của ông đã có những đột phá lớn trong thời kỳ kinh tế suy thoái. IBM không chỉ tồn tại mà nó còn có lợi nhuận từ khi chính sách thương mại mới do chính quyền Tống thống Roosevelt đưa ra. Với Quỹ an sinh xã hội quốc gia mới ra đời, các ông chủ bắt đầu phải theo dõi giờ giấc làm việc của nhân viên. Công ty duy nhất có thể hỗ trợ kỹ thuật cho việc này chính là IBM.

Những thập kỷ tiếp theo, Watson đã mở rộng lực lượng lao động của IBM lên 22 nghìn người. Ông tiếp tục đầu tư nghiên cứu và IBM là một trong những công ty dẫn đầu trong kỷ nguyên máy tính bắt đầu nảy nở.

Năm 1938, Watson đầu tư tài chính cho Howard Aiken, một nhà khoa học ở Havard, người muốn xây dựng máy tính kỹ thuật số. Trong suốt Thế chiến II, công ty của ông đã cung cấp hàng nghìn máy tính giúp cho quân đội Mỹ.

Watson chỉ sử dụng một từ chứ không phải là cụm từ như của các công ty khác, làm động lực gắn kết toàn công ty. Từ đó là “Think” (suy nghĩ).

Năm 1949, Thomas John Watson được gọi là chủ tịch danh dự của IBM và ông đã trao quyền điều hành công ty cho con cả của mình, Thomas J. Watson. Theo tính toán của năm 1952, IBM là chủ sở hữu của hơn 90% máy tính trên toàn nước Mỹ.

Một tháng sau khi trao quyền cho con trai, Watson qua đời. Nhưng đó không phải là sự chấm hết đối với công ty. Watson con tiếp tục di sản của cha và đưa công ty đến một cấp độ thành công mới.

(Theo LanhDao)

 

Harland Sanders - không sợ thất bại

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Nhiều người nghĩ rằng họ cần đợi cho đến khi có đủ vốn, đủ lực rồi mới bắt đầu khởi nghiệp, nhưng Sanders thì khác. Dù không có nhiều tiền, không có văn phòng và bất kỳ nhân viên nào ngoài người vợ thân yêu, ông vẫn theo đuổi niềm đam mê của mình và cuối cùng, ông đã thành công. Kinh nghiệm của Sanders đã mang lại một bài học quý giá, đó là, những gì bạn có không bao giờ là quá ít để bắt đầu.

Sanders cũng gặp những khó khăn về tài chính giống như bất kỳ ai khác khi lần đầu tiên xây dựng KFC. Ông nói: "Một trong những khó khăn lớn nhất của chúng tôi khi khởi nghiệp chính là vấn đề tài chính". Hầu như phải bán hết tài sản trong một cuộc đấu giá, Sanders chẳng có gì ngoài tấm séc 105 đô la mỗi tháng từ trợ cấp xã hội. "Chừng đó dùng để trả tiền xăng và tiền đi lại cần để bắt đầu kinh doanh". Ông kể: "Rất nhiều đêm tôi ngủ ở trên xe để có thể có đủ tiền mua nồi nấu cho ngày tiếp theo nếu như ai đó mua công thức của tôi".

Không sinh ra trong một gia đình giàu có, thực tế, phần lớn tuổi thơ Sanders sống và làm việc một mình, cố gắng tự lo cho bản thân mình. Đó chính là thái độ sống góp phần làm cho KFC nổi tiếng sau này.

Không sợ thất bại

"Bạn phải thích công việc của bạn. Bạn phải thích điều bạn đang làm, bạn phải làm những việc có giá trị để bạn có thể thích nó vì giá trị của nó, và điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt, bạn có thấy không?" - Sanders nói.

Sanders yêu công việc của mình. Sự đam mê và lòng kiên trì đã giúp ông tiếp tục dấn bước ngay cả khi ông thất bại không chỉ một lần, hai lần, mà là nhiều hơn ba lần trong việc kinh doanh.

Trong chuyến đi dọc đất nước, Sanders đã bị từ chối 1009 lần. Ban đầu, chỉ một số ít ông chủ nhà hàng thấy họ có lợi nếu mua công thức mà Sanders đang bán. Dave Thomas, sau này là người lập ra Wendy - chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh chuyên về bánh hamburgers, là một trong những khách hàng đầu tiên của Sanders. Nhưng không phải dễ dàng mà Sanders có được mối quan hệ làm ăn đó. "Lúc đầu, tôi rất băn khoăn về việc tại sao chúng tôi lại mất tiền cho một ông già như thế". Tuy nhiên, lòng đam mê và sự kiên định của Sanders đã thuyết phục được Thomas và hàng trăm cơ sở kinh doanh khác.

Dường như kể từ khi bắt tay vào kinh doanh món gà rán, Sanders chẳng còn đam mê với điều gì khác nữa. Ông không bao giờ chơi golf, không bao giờ chơi quần vợt. Chẳng có sở thích nào khác ngoài kinh doanh đồ ăn nhanh có thể lôi cuốn được ông.

Sự đam mê và cống hiến của Sanders là một nguồn động viên lớn đối với toàn bộ đội ngũ nhân viên của KFC. Niềm đam mê của Sanders đối với sản phẩm đã truyền cảm hứng cho toàn bộ công ty. Một ông chủ cửa hàng từng nói: "Nếu mỗi năm tôi không mở một cửa hàng mới, tôi sẽ cảm thấy tôi đang bị Sanders nhấn chìm".

Thiết lập tiêu chuẩn cao

Sanders là một người tỉ mỉ và thể hiện điều đó trong mọi việc ông làm. Ông biết rằng đồ ăn ngon và việc tiếp thị có thể là không đủ với khách hàng. Ông cũng đảm bảo rằng mỗi cửa hàng đều duy trì tiêu chuẩn cao nhất về độ sạch sẽ và phục vụ khách hàng tốt nhất. Ông nhận thức được rằng, cho dù món gà rán trông có hấp dẫn như thế nào đi nữa, nhưng nếu khách hàng biết nó được chế biến từ một con gà không sạch, thì họ sẽ vẫn bỏ đi.

Vì thế Sanders cố gắng làm cho món gà của mình sạch nhất có thể. Mọi thứ được sơn trắng để bất kỳ vết bẩn nào cũng bị phát hiện và xử lý ngay lập tức. Ông cũng là một trong những người kinh doanh nhà hàng đầu tiên đặt các lỗ giữa tường nhà bếp và phòng ăn để cho khách hàng nhìn thấy bếp và thấy các món ăn được chuẩn bị như thế nào.

Khuôn mặt luôn mỉm cười của Sanders ở các tấm logo tại các cửa hàng KFC có thể làm nhiều khách hàng yêu mến, nhưng có một "khuôn mặt" khác mà chỉ nhân viên và đồng nghiệp của ông mới biết, đó là một Sanders rất cầu toàn. Ông thường có những chuyến ghé thăm bất ngờ tới các cơ sở để xem xét việc chế biến món gà. Không chỉ kiểm tra về độ sạch, mà ông còn để ý nếu thấy nhân viên nấu không đúng công thức, ông sẽ không ngại nhắc nhở.

Với Sanders, thái độ phục vụ, chất lượng và độ sạch là những ưu tiên hàng đầu với bất kỳ cơ sở nào. Ông muốn mọi thứ phải được thực hiện đúng cách. Dù đó đơn thuần là việc lau sàn hay chỉ cho người đầu bếp cách chuẩn bị nước sốt đặc biệt, không có việc gì trong một nhà hàng mà Sanders không sẵn sàng làm.

Đó cũng là lí do mà cho dù trời mưa hay tuyết rơi, Sanders cũng vẫn có mặt cùng với nhân viên trong ngày khai trương cửa hàng. Ông không chỉ muốn chào đón những khách hàng đầu tiên và quảng bá về sản phẩm, mà còn muốn có mặt ở đó và biết chắc rằng mọi thứ đều đạt được tiêu chuẩn làm ông thỏa mãn.

Không chỉ quan tâm đến món gà, Sanders còn quan tâm đến các món ăn khác. Như vợ ông từng nói: "Đôi khi chỉ một miếng bánh nướng, một món thịt hoặc rau chế biến không đúng cách, ông cũng chỉ cho họ cách làm đúng. Ông muốn nhà hàng chuyên phục vụ món gà của mình phải có được những món ăn ngon".

Sự chú ý của Sanders tới từng chi tiết đã khiến ông thu hút được số lượng khách hàng trung thành đáng kể. Họ biết rằng Sanders là đại diện cho một thương hiệu mà họ có thể tin cậy hoàn toàn.

(Theo LanhDao)

 

Quảng cáo

Nuoc hoa - Mua ban perfume nhà cung cấp nước hoa, mỹ phẩm chính hiệu giá sỉ. Đảm bảo nước hoa thật 100%.

Nuoc hoa nam | Nuoc hoa nu | My pham | Nuoc hoa gia re

Thiết Kế Website

Quảng Bá Website

Quản Trị Website

Thương Mại Điện Tử

Công Ty Truyền Thông Số iGO

Thị Trường Chứng Khoán

Khách Thăm Trong Ngày